Ngày VII, Tuần Cửu Nhật Suy Tôn Thánh Giá - 2022
Thông phần vào cuộc khổ nạn cứu thế của Chúa Kitô trong đời sống cộng đoàn
“Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung”. (Cv 4,42).
Lời nguyện mở đầu:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Giây phút đầu tiên của ngày sống mới chúng con đến với Chúa với tất cả niềm tri ân, tôn kính, mến yêu. Giờ này, chúng con muốn cùng nhau chiêm ngắm mầu nhiệm tình yêu Chúa đã dành riêng cho mỗi người nơi cuộc thương khó. Chúng con không thể dùng ngôn từ để diễn tả tình yêu Chúa, chúng con chỉ biết dâng hiến trọn con người và cuộc sống để tôn vinh, chúc tụng, cảm tạ Chúa. Đặc biệt, chúng con cám ơn Chúa đã cho chúng con cùng nhau chia sẻ ơn gọi Mến Thánh Giá trong nếp sống cộng đoàn. Nơi cộng đoàn chúng con cùng nhau sống mầu nhiệm vượt qua và thông phần với Chúa trong cuộc Khổ Nạn đồng thời cảm nghiệm niềm vui Phục Sinh qua việc thực thi tình huynh đệ với nhau và sống đức ái với mọi người.
Trong hành trình ơn gọi, xin cho chúng con ý thức - mình được mời gọi yêu mến Chúa hôm nay hơn hôm qua, đồng thời cũng luôn tự nhủ rằng: sự thánh thiện thật không có chỗ cho dể dãi; người yêu Chúa thật không thể chỉ muốn đi trên đường trải thảm êm ái, vừa ý, toại lòng trong mọi sự. Nhưng người thánh thiện thật là người biết nhận ra ý Chúa, vui nhận những gì mình có, nhẫn nại với những khó khăn thiếu thốn, bệnh tật, cả những bất ổn thường xuyên xảy ra trong cuộc sống, để chung chia với cuộc vượt qua của Chúa nơi thân phận con người của chúng con.
Xin hiệp nhất chúng con trong Chúa và với nhau - nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để cuộc sống của chúng con phản chiếu, tỏa lan niềm vui Phục Sinh cho anh chị em chung quanh.
Suy niệm:
Như chúng ta đã biết, Giáo Hội thời các Tông Đồ được xây dựng dựa trên hình mẫu chung là cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi. Đó là một cộng đoàn bao gồm những người kitô hữu có chung một lòng, một ý, một niềm tin và một lý tưởng: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo mà chỉ có một lòng một ý. Họ chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, hiệp thông với nhau, tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện.Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thươn mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 4, 32; 2, 42.44-47).
Khi nói đến từ “Giáo Hội”, người ta thường nghĩ đến các tòa nhà, hoặc có thể họ nghĩ ngay đến việc “đi đến nhà thờ”. Tuy nhiên, ý nghĩa trước hết của từ này là diễn tả một cộng đoàn dân Chúa. Giáo Hội là những người có chung một niềm tin. Tân Ước sử dụng rất nhiều hình ảnh khác nhau để diễn tả về Giáo Hội. Với thánh Gioan, Giáo Hội được ví như là cành nho được gắn kết với cây nho là chính Đức Kitô (Ga 15). Còn với thánh Phaolô, thì Giáo Hội được sánh ví là thân thể của Chúa Kitô, và hình ảnh này có vẻ là một diễn tả sinh động hơn cả về đời sống của Giáo Hội.Khi nói đến Giáo Hội xét như là “cộng đoàn” của đức tin, là muốn nói rằng mối liên kết bền chặt của cộng đoàn không đến từ yếu tố xã hội, hay cá nhân, nhưng là sự liên kết mang chiều kích thiêng liêng, mà ở đó, các Kitô hữu liên kết với nhau trong cùng một đức tin. Chính sự liên kết này phá bỏ mọi ngăn cách về mặt địa lý, ngôn ngữ, văn hoá và sắc tộc...; và sự nối kết thiêng liêng này được hiểu Giáo Hội là Nhiệm Thể Chúa Kitô.
Thánh Phaolô quan niệm Giáo Hội là một cộng đoàn duy nhất với những đặc sủng đa dạng và phong phú. Với thánh Phaolô, Giáo Hội duy nhất có nghĩa là tập hợp của những đa dạng và đặc sủng riêng của nhiều con người. Sự khác biệt này là một yếu tố thiết yếu nơi Giáo Hội. Duy nhất không có nghĩa là rập khuôn, không phải là bắt chước người khác, nhưng là mỗi người ý thức đặc sủng riêng của mình là dành cho toàn thể cộng đoàn. Đó là cách tốt nhất để trở nên một phần trong Nhiệm Thể của Chúa Kitô. Mặc dù trong Giáo Hội có sự đa dạng nơi những thành viên, nhưng lại được liên kết với nhau nhờ Thánh Thần. Giáo Hội là một, không phải vì mọi thành viên đều giống nhau, nhưng những khác biệt nơi các thành viên được liên kết với nhau nhờ hoạt động của Thánh Thần luôn làm việc nơi mỗi người.
Cộng đoàn đời thánh hiến là một Hội Thánh thu nhỏ. Vì thế, Hiến chương dòng Mến Thánh Giá định nghĩa : Cộng đoàn Mến thánh giá là một gia đình đích thực bắt nguồn từ chính mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, được qui tụ nhân danh Chúa Giêsu Kitô Tử Nạn và Phục Sinh. Cùng nhau sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, thông phần vào cuộc Khổ Nạn của Người, đồng thời cảm nghiệm niềm vui Phục Sinh qua việc thực thi đức ái huynh đệ1. Mỗi người nỗ lực góp phần mình xây dựng cộng đoàn trở thành gia đình nhờ chuyên cần thực hành lời khuyên của Thánh Phao “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4,42).
Vậy tình yêu là gì? Tình yêu được diễn tả như thế nào trong nếp sống của cộng đoàn sống đời thánh hiến ?
Tình yêu là thế này: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13, 8a). Nghĩa là chúng ta đừng mắc nợ nhau về tiền bạc, vật chất, ai mắc nợ thì phải trả. Nhưng hãy mắc nợ nhau về tình thương, về đức ái. Chúng ta hãy yêu thương nhau. Tình yêu là cốt lõi của Kitô giáo. “Vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật” (x. Rm 13, 8b). Tình yêu là Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung, Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý,
Tình yêu, tinh thần huynh đệ trong nếp sống cộng đoàn làm cho chúng ta được hạnh phúc đích thực. Sống không có tình yêu, không có lòng nhân ái, thì dù chúng ta có nhà lầu, xe hơi, tiện nghi, vật chất đầy đủ, vẫn cảm thấy không hạnh phúc và bình an. Các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu và cho thấy điều đó: 12% dân Mỹ bị stress và bị tâm thần, không phải vì họ nghèo đói về vật chất nhưng họ bị cô đơn và không được yêu thương, chia sẻ.
Tình yêu, tình huynh đệ không phải là một sự trao đổi kinh tế, tiền bạc, không phải là một sự chiếm hữu ích kỷ, cũng không phải là một sự tìm kiếm mình nơi người khác, nhưng là một tình yêu vô vị lợi, có trách nhiệm và hoàn toàn vì người khác, kể cả hiến mạng vì người mình yêu. Tình yêu đó bắt nguồn và luôn dựa trên chính tình yêu Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã thể hiện trên thập giá. Tình yêu chân thật loại bỏ mọi thứ chua cay gắt gỏng, lời nói chỉ trích bên trong hay bên ngoài vì những thứ tệ đoan đó sẽ làm tổn thương đức bác ái và sự tín nhiệm lẫn nhau. ( x. Hc Điều 40)
Tình yêu, tình huynh đệ gắn liền với việc tuân giữ lề luật, sống có trách nhiệm và biết tôn trọng hạnh phúc của nhau và của người mình có trách nhiệm. Sẵn sàng chia sẻ cho nhau của cải vật chất cũng như tinh thần, giúp nhau trung thành với giao ước thánh hiến để đạt tới sự thánh thiện. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13, 9-10).
Chị em chúng mình cần suy gẫm, xét mình nhiều về điều này: Thấy người khác thành công mình phải mừng cho họ chứ đừng có ghen tỵ và tìm cách đạp đổ. Thấy người khác gặp đau khổ không lấy làm vui nhưng là nâng đỡ ủi an. Vẻ đẹp thánh thiện và tính cao thượng của người Kitô hữu, của người sống đời thánh hiến là ở điểm này. Đời tu của chúng ta khác với người đời là ở đây. Đức ái là điều chính yếu của đời sống Kitô hữu. Là căn cốt của đời sống cộng đoàn thánh hiến hiến như thánh Phaolô quả quyết: “Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các Thiên thần đi nữa, mà không có đức mến thì tôi chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi có được ơn nói tiên tri và biết hết được mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả tài đức đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì cả. Giả như tôi có đem hết cả gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu chết, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13, 1-3).Tất cả chúng ta đều được mời gọi sống đức ái trọn hảo theo gương Đức Kitô, Đấng đã yêu chúng ta đến cùng và đã hiến mạng sống mình vì chúng ta trên thập giá.
Đời sống của cộng đoàn tiên khởi là mẫu gương sống động về sự hiệp nhất và hiệp thông tình yêu. Sự hiệp nhất và hiệp thông không dừng lại ở lý thuyết nhưng được thể hiện cách cụ thể trong đời sống bác ái, san sẻ cho nhau những gì mình có. Họ đã vượt thắng bản tính ích kỷ của mình để hướng tới tha nhân. Ngày nay, cản trở lớn nhất cho sự hiệp nhất và hiệp thông có thể là tính vụ cá nhân, khư khư ôm lấy những ý tưởng, cái nhìn cũng như ý riêng của mình.
Xin cho chúng ta nhận ra “cái tôi” của mình trước mặt Thiên Chúa, nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa nơi người khác và nhận ra khuôn mặt của Đức Kitô nơi cộng đoàn, để ta được lớn lên trong mối tương quan với Chúa và tha nhân. Xin cho mỗi người cảm nhận « thuộc về » nhau trong một cộng đoàn. Chính cảm thức “thuộc về” này sẽ thúc đẩy chúng ta ý thức trách nhiệm để sống yêu thương và nổ lực xây dựng cộng đoàn thăng tiến trong tình bác ái huynh đệ.
“Muốn biết chúng tôi có mến Chúa hay không, hãy xét coi chúng tôi có yêu thương anh em không”
Lời nguyện kết:
Lạy Chúa Giêsu, Thánh Gioan Tông đồ đã dạy : “Anh em đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương thực sự bằng việc làm”. Ngài còn nói: “Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối. Ai yêu thương anh em mình thì sống trong ánh sáng. Nhưng ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối và bước đi trong bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu, vì bóng tối đã làm cho người ấy ra mù quáng” (1Ga 2,9-11). Xin cho chúng con biết thực hiện lời Chúa dạy bằng hành động cụ thể trong cuộc sống. Biết sẵn sàng đón nhận, chia sẻ những yếu đuối của nhau. Biết sẵn sàng mở lòng yêu thương với tinh thần quảng đại, không loại trừ… Biết mau mắn nhạy cảm trước những nhu cầu cần sự nâng đỡ, trợ giúp nhau. Xin đừng để chúng con loay hoay với những tính toán ích kỷ; thiệt hơn,vô cảm, dửng dưng, tầm thường …Nhưng xin dạy chúng con biết chạnh lòng xót thương, mở lòng cách quảng đại, vị tha và sẵn sàng cùng nhau đưa vai đón nhận, sẻ chia và gánh lấy thập giá của nhau trên hành trình trở nên người mộn đệ chân chính của Chúa. Amen
Thực hành: Tôn trọng, nâng đỡ, và động viên nhau để tạo bầu khí hòa thuận, hiệp nhất trong cộng đoàn.
1. ( x. Hc. Điều 36)