Hiến tế Thập Giá là ngôn ngữ diễn tả tình yêu

Thứ hai - 29/08/2022 22:39 1.353 0
 

Hiến tế Thập Giá là ngôn ngữ diễn tả tình yêu

Lời Nguyện mở đầu:

  
Lạy Chúa, ngay từ sớm mai này chúng con cảm nhận tình yêu Chúa luôn bao trùm đời sống chúng con và mọi người trên hoàn cầu. Đặc biệt, Chúa đã gìn giữ chúng con một đêm qua trong bình an, chúng con xin dâng lời cảm tạ chúc tụng, tri ân Chúa.
   
Lạy Chúa, xin thương xót chúng con!
Chúng con xác tín rằng: “ sống đời thánh hiến là quyết tâm nên thánh bằng con đường hy sinh từ bỏ” là con đường tín thác, cậy trông và không ngừng vươn lên để trở nên hiến tế tình yêu khi mang trong mình cuộc thương khó của Chúa- ngang qua việc chấp nhận những trái ý, khổ đau, buồn phiền trong cuộc sống đời thường. Xin Cho mỗi chúng con biết chiêm ngắm, tưởng nhớ và sống gắn bó với Chúa trong hiến tế mỗi ngày.
   
Nguyện xin Chúa Thánh Thần ngự đến trong tâm hồn mỗi chị em chúng con, để Ngài đốt nóng, đụng chạm đến cõi tăm tối,biến đổi tâm hồn chai cứng của chúng  con. Xin giúp chúng con nhìn rõ chính mình, thấu hiểu tha nhân và sẵn sàng lắng nghe Chúa nói trong thinh lặng của cõi lòng để mỗi người thêm cảm nghiệm về con đường mình đang đi là hành trình hạnh phúc, hành trình tràn ngập tình yêu của sự hiến tế.

Suy niệm :

  
Hiến tế Thập Giá là ngôn ngữ diễn tả tình yêu sống động và tuyệt đối của Chúa Giêsu đối với Thiên Chúa và nhân loại. Hy tế này mang hai chiều kích liên kết chặt chẽ với nhau:
-Chiều kích thứ nhất liên quan đến mối tương giao với Thiên Chúa: đó là sự tuân phục, sự gắn bó và sẵn sàng thực thi Thánh Ý Thiên Chúa
- Chiều kích thứ hai liên quan đến loài người; đó là sự trao ban toàn thân, biểu lộ tình liên đới huynh đệ vói anh chị em cùng chung sống.
  
Hy tế của Đức Kitô đã bắt đầu với việc Nhập Thể (Dt 10, 5-7). Người bước vào trần gian để thi hành ý muốn của Chúa Cha. Hy tế ấy trải dài suốt cuộc đời Người tại thế và được biểu lộ cách hoàn hảo qua cái chết trên Thập Giá. “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất thiết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nộ lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người là còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2,6-8)
   
Khi chọn theo Chúa Giê-su trong đời tận hiến, người kitô hữu không cố ý chọn cho mình con đường đau khổ, bất hạnh, cố gắng tạo cho mình càng nhiều những đau thương mới hạnh phúc chăng? Đời thánh hiến muốn diễn tả tương quan giữa mầu nhiệm Thập giá Chúa Kitô và đời sống con người“Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá.” (1 Cr 2,2)
   
Theo Tông Huấn Đời sống thánh hiến, mọi ơn gọi đời sống thánh hiến đều bắt nguồn từ Thập Giá Chúa Kitô (số 23). Chiêm ngắm Chúa Kitô chịu đóng đinh là nguồn linh hứng cho mọi ơn gọi. Hồng ân Thánh Thần của Thập Giá là nguồn gốc mọi hồng ân, đặc biệt là hồng ân đời sống thánh hiến theo linh đạo Mến Thánh Gía.
   
Nói đến Thập Giá là nói đến Chúa Giêsu chịu đóng đinh, nói đến cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu là nói đến con đường mà mỗi người kitô-hữu phải chia sẻ, thông phần khi chịu phép Thánh Tẩy. “Tôi sống, những không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2,20).
 
Cuộc sống của người kitô  hữu, của những người sống đời thánh hiến là hành trình của con đường lên núi sọ của thứ sáu tuần thánh và cả niềm hy vọng của ngày Phục Sinh.Người sống đời thánh hiến là những người đi tìm thánh ý Thiên Chúa. Thập Giá Chúa Kitô đối với họ hết sức quan trọng, vì họ chỉ có thể tìm thấy Thiên Chúa trong mọi trạng huống của cuộc sống mình.Theo cái nhìn của thánh Mác-cô, huyền nhiệm về Đấng Cứu Thế chỉ được bộc lộ rõ rệt khi Người bị chết treo trên thập giá với lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng: “Quả thực người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39).
  
Trên con đường tìm Chúa, người ki tô hữu, người sống đời thánh hiến thường  xuyên bị  những cám dỗ chối từ Thập Gía, ít muốn bỏ mình, ngại gian khổ, né tránh hy sinh…cơn cám dỗ thường xuyên đối với mỗi chúng ta trong mọi thời là tìm kiếm, đi theo một Đức Giêsu không thập giá, muốn đi trên con đường dễ dãi và hợp thời,khát khao một cuộc sống không có nước mắt, khổ đau, chết chóc…Giống như Phêrô, người ki tô hữu, người sống đời thánh hiến muốn kéo Chúa Giêsu ra khỏi con đường núi Can-vê, chối từ con đường Chúa Cha muốn.
 
Nếu chúng ta cố tìm một Đức Giêsu không thập giá, ta sẽ gặp thập giá mà không có Đức Giêsu. Sự khôn ngoan và sức mạnh của thập giá chỉ được hiểu khi người ta cảm nhận và trực tiếp kinh nghiệm nó một cách sâu xa, để từ đó không còn xem thập giá như chướng ngại; nhưng là một cơ hội và cách thể hiện chính mình một cách cao độ nhất trong Đức Kitô, tạo nên niềm say mê và thâm tín như thánh Phaolô:“Tôi không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2,2). “Tôi mang trong thân mình cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, ngõ hầu sự sống của Chúa Giêsu cũng được tỏ hiện nơi thân xác chết dở của tôi” (2Cr 4,10). “Tôi thông phần vào sự thống khổ của Chúa Giêsu, để được đồng hình đồng dạng với sự chết của Ngài, để làm sao đạt tới ơn Phục Sinh từ cõi chết” (Pl 3,10-11).
  
Kinh nghiệm sống của Thánh Phaolô phần nào giúp chúng ta hiểu thêm,Thánh giá phải là tiêu chuẩn cho mọi chọn lựa và quyết định của chúng ta trong cuộc sống. Chính trong những xác tín về con đường mình đang đi con đường hiến tế vì tình yêu dành cho Đức Kitô và anh chị em đồng loại, tâm hồn chúng ta mới được bình an và thanh thoát cả trong khi phải đối diện với nỗi ngặt nghèo.
  
Trong thực tế, nhiều khi cũng làm ta giằng co,nhức nhối do những nỗi trăn trở giữa cái muốn mà không làm, giữa cái cần làm thì lại không làm, giữa cái cho đi và khước từ, giữa cái dấn thân và đòi hỏi, giữa cái sống và cái chết…
  
Bởi vậy, Thomas Kempis trong sách “Gương Chúa Giêsu” đã viết:
 
Có rất nhiều kẻ muốn lên thiên đàng với Chúa Giêsu, nhưng rất ít kẻ muốn vác thánh giá với Người.
  
Nhiều kẻ ước ao được ơn an ủi của Người, nhưng ít kẻ muốn chịu thử thách với Người.
   
Nhiều kẻ muốn dự tiệc với Người,nhưng ít kẻ muốn chịu thiếu thốn với Người.
  
Nhiều kẻ muốn vui hưởng với Người, nhưng ít kẻ sẵn sàng chịu sự gì khó với Người.
 
Nhiều kẻ muốn theo Chúa Giêsu đến bàn tiệc bẻ bánh, nhưng ít kẻ muốn uống chén đắng với Người. Nhiều kẻ tôn sùng các phép lạ của Người, nhưng ít kẻ muốn chịu sỉ nhục với Người.
 
Chúng ta, những nữ tu Mến Thánh Gía, mỗi người luôn muốn sống và diễn tả tình yêu của mình dành cho Thiên Chúa Cha và anh chị em đồng loại bằng ngôn ngữ của sự hiến tế, bằng sự vui nhận tất cả những gì Người gởi đến trong hành trình đời sống.Chúng ta có trong nhóm người mà Thomas Kempis nói đến nơi sách “Gương Chúa Giêsu : Muốn theo Chúa Giê su nhưng không muốn đi vào con đường khổ nạn và vác Thập Gía với Người ? Nếu chúng ta muốn theo Đức Giêsu không thập giá, ta sẽ gặp thập giá mà không có Đức Giêsu !
 
Nếu có những ước muốn tầm thường và dể dãi, nếu có những cám dỗ loại bỏ Thập Gía chúng ta hãy theo gương thánh Phaolô để nỗ lực nhiều hơn nữa trong sự xác tín như Ngài.“Tôi mang trong thân mình tôi cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, ngõ hầu sự sống của Chúa Giêsu cũng được tỏ hiện nơi thân xác chết dở của tôi” (2Cr 4,10). Để diễn tả tình yêu của mỗi người dành cho Đấng mình quyết tâm theo đuổi trên hành trình sống đời thánh hiến hôm nay.  

 Lời nguyện kết:

 Lạy Chúa,chúng con được mời gọi nên thánh bằng con đường tình yêu duy nhất dành cho Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh.Ước gì tình yêu ấy được hiến tế, được thể hiện qua đời sống của chúng con mỗi ngày. Cụ thể là , xin Chúa giúp chúng con không thất vọng khi gặp đau khổ, thử thách; không hơn thua, đố kỵ trước những thành công của người khác, cũng như không chê bai, trù dập trước khiếm khuyết của người anh chị em, không dững dưng, vô tư trước nhu cầu của cộng đoàn, của chị em, và những người nghèo khổ, bệnh tật đang sống chung quanh... Xin giúp chúng con biết diễn tả Tình yêu hiến tế cách cụ thể : là vui tươi, quảng đại, vị tha và sẵn sàng trong mọi trạng huống của đời sống.Có nỗ lực thực hiện những cụ thể mà mình muốn quyết tâm như thế, chúng con mới trở thành những nữ tu Mến Thánh Giá chính danh,  mới nên giống Đức Kitô, giống Cha trên trời là Đấng giàu lòng xót thương. Xin Chúa thương giúp chúng con thực hiện những quyết tâm của mình ít nhất là trong ngày sống hôm nay. Amen 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây