Yêu mến Chúa - Phục vụ lẫn nhau
LỜI NGUYỆN ĐẦU:
Lạy Ba ngôi cực Thánh ! Phút đầu tiên trong ngày sống mới chúng con xin hợp với chư thánh cảm tạ, ngợi khen, tôn vinh Chúa và cùng với muôn loài thụ tạo hát mừng tri ân tình thương chúa đã dành cho từng thành phần trong vũ trụ con người và mọi vật để phục vụ cho con người, để con người tìm đến chân lý và sự thật. Đặc biệt xin hợp tiếng, chung lòng với muôn con tim của những người tận hiến giờ đây xum họp trước nhan CHÚA để dâng lời yêu mến, tạ ơn của chúng con và cầu thay cho những người chưa biết Chúa, những người phải vất vả làm việc cho xã hội có cơm bánh, những người thợ đang ngược xuôi trong các công ty, xí nghiệp để đem lại bao nhu yếu phẩm cho con người. Xin cho mỗi người trong chúng con từ người cao tuổi đến người ít tuổi biết say mến Chúa và góp phần mình trong việc phục vụ con người và xã hội ngay trong môi trường sống của mình. Vì chúng con ý thức rằng chúng con được mời gọi yêu mến chúa say đắm hơn mõi ngày và sẵn sàng phục vụ trong yêu thương và tín thác như thánh Phê-rô trong môi trường và địa vị mà Ngài đã muốn chúng con trong ơn gọi theo linh đạo mến thánh giá.
SUY GẪM :
I. YÊU MẾN CHÚA
Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Corintô, Phaolô đã viết:"Nếu ai không yêu mến Chúa, thì là đồ khốn kiếp" (1Cr 16,22). Ðồ khốn kiếp, đồ vô đạo, đồ chúc dữ, đó là một lời nguyền rủa, một hình phạt rất nặng dành cho những tội rất nặng trong đạo. Trong lịch sử, liên hệ đến Ðức Kitô, đã có nhiều người bị chúc dữ. Ðó là những người cố tình tin sai về Ngài, hoặc có những lời lẽ xúc phạm đến Ngài. Nhưng có lẽ chúng ta không lưu ý là lời chúc dữ đầu tiên, do chính một Tông Ðồ nói ra, lại là lời dành cho những ai không yêu mến Chúa.
Chắc chắn chúng ta không muốn vào số những người này. Ngược lại, chúng ta muốn khẳng định mình yêu mến Chúa, khi chúng ta đi theo làm môn đệ Chúa, khi chúng ta tận hiến cho Ngài tất cả cuộc đời ta. Thế nhưng, muốn là một chuyện, khẳng định là một chuyện, còn thực tế có yêu mến Chúa không, yêu tới mức độ nào,bày tỏ lòng yêu mến này ra sao, lại là chuyện khác. Ðó là vấn đề đặt ra cho chúng ta trong bài suy gẫm này.
"Anh có mến Thầy. không ?" (Ga 21,15)
"Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ?". Ðó là câu Chúa hỏi Phêrô sau ngày Phục sinh, lúc Ngài hiện ra với các môn đệ bên bờ hồ Tibêria. Không phải hỏi một lần, nhưng là ba, khiến cho Phêrô phải "buồn 5 phút". Vì sao ? Vì nghĩ rằng đó là cách Chúa nhắc khéo ba lần ông đã chối Ngài. Có tật thì giật mình. Giống chúng ta thôi, phạm một lỗi nào, rồi nghe ai nói chuyện gì có dây mơ rễ má đến lỗi đó, lại cứ tưởng họ đang nói móc mình hay ám chỉ về mình. Ở đây, không phải Chúa muốn gợi lại lỗi của Phêrô. Ba lần chối Thầy là ba lần Phêrô không còn trung thành và yêu mến. Thì Chúa đáp lại bằng ba lần hỏi, để Phêrô khẳng định lại lòng yêu mến.
Ba lần diễn tả sự gắn bó với Chúa, để được Chúa ba lần trao sứ mạng mục tử. Ba lần đáp của Phêrô giống như một sự cam kết dứt khoát và long trọng, thay cho một bản văn ký nhận, để chính thức lãnh nhận trọng trách. Cái kiểu cam kết này, Cựu Ước có nói đến. Lúc Abraham đi tìm mua đất làm phần mộ cho vợ ông là bà Sara, ông đã ba lần thương lượng với người Khết ở đất Canaan, và cũng ba lần người Khết cam kết để cho ông phần đất nào ông muốn (St 23,1tt).
Trong trường hợp Phêrô, dĩ nhiên Chúa trao trọng trách không phải vì ông đã yêu mến Chúa hơn các anh em khác. Chúa chọn ông là do sáng kiến của Ngài, đâu phải do ông có công trạng gì. Cũng như Chúa chọn bất cứ ai, đều không phải do công trạng của người đó. Cho nên, lời Chúa hỏi Phêrô không nhắm về quá khứ, nhưng hướng về tương lai : không phải để ông xác nhận đã yêu mến Chúa thế nào, nhưng để ông xác nhận sẽ yêu mến Chúa ra sao. Ðiều này thật cần thiết, vì ông sẽ chăn dắt bầy chiên của Chúa. Không yêu Chúa sẽ không sẵn sàng vì Chúa để phục vu anh em.
Còn đối với chúng ta hôm nay, đơn giản thế này : Chúa cũng muốn hỏi ta xem có yêu mến Ngài không? Và nếu cần so sánh, Ngài muốn hỏi ta xem có yêu mến Ngài hơn nhiều người khác không.
Với từng người một, Chúa đều đòi hỏi một tình yêu tối thiểu, thể hiện bằng cách này cách khác. Chúa hỏi từng người, như đã hỏi Phêrô. Với tư cách cá nhân, nói lên tâm tình riêng của mình, Chúa cũng hỏi về tình yêu của từng người chúng ta như vậy. Ít nhất ta phải có một tình yêu tối thiểu đối với Ngài. Không có tình yêu này thì không thể được cứu. Thiên Chúa có thể tạo dựng con người mà không cần đến họ, nhưng Ngài không thể cứu con người mà không có họ (Augustinô). Phần "có" của con người chính là phần đóng góp cộng tác của họ, ít nhất bằng tâm tình yêu mến và biết ơn.
Và nếu không yêu mến thì không thể sẵn sàng phục vụ và đã có lòng mến thì sẽ không đòi được phục vụ .Và nếu đã có tình mến Chúa tha thiết, yêu người như chính bản thân thì sẽ không cảm thấy tủi hờn cho thân phận, mặc cảm cho bản thân vì không được phục vụ cho xứng đáng. Yêu mến là sẵn sàng tự phục vụ chính mình và anh em không đòi hỏi, yêu sách…
“ Hãy chăn dắt chiên con của Thầy”.
Sau khi cá nhân bày tỏ tình yêu của mình Phê-rô đã sẵn sàng đưa vai để gánh vác bản thân nhiều yếu kém của mình và gánh vác cả những nỗi yếu hèn bất toàn, thiếu sót của anh em, gánh nặng của anh em.
II. Phục vụ lẫn nhau:
Chúa Giêsu đã nêu cao tinh thần phục vụ cho các môn đệ theo mẫu gương của Ngài. Ngài đã, đang và sẽ phục vụ với tư cách là người rốt hết và là người tôi tớ của mọi người: “Ai muốn làm người đứng đầu thì thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35); “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Thái độ mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải có đó là tinh thần phục vụ. Phục vụ chứ không phải là thống trị, và phục vụ đến độ sẵn sàng hi sinh cả mạng sống mình: “Ta đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hy sinh mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Mc 10,45). Rõ ràng ơn gọi của người môn đệ Chúa Kitô, những người sống đời tận hiến là phục vụ, phục vụ theo gương mẫu của Chúa Kitô. Khi ta lo tìm kiếm địa vị danh vọng và tranh giành quyền lực, hơn thua ganh ghét nhau, đòi hỏi được phục vụ vì đã cao niên hay làm chức vụ cao trọng là ta đang sống theo tinh thần thế tục. Ngược lại, khi ta sống tinh thần khiêm nhường phục vụ là ta đang sống ơn gọi làm người môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Phẩm giá của người môn đệ Chúa Kitô được đo bằng chính phẩm chất của việc phục vụ anh chị em.
Vậy ta đã sống tinh thần phục vụ thế nào ? Thường thì ta vẫn thích sai khiến, thích thống trị kẻ khác hơn là phục tùng và phục vụ; nếu có phục vụ đi nữa, ta chỉ thích phục vụ những kẻ giàu sang quyền thế, hay những kẻ trên mình. Người biết phục vụ chính mình sẽ ít có yêu cầu và dường như không mong muốn người khác phục vụ mình. Mà một khi đã biết tự phục vụ mình sẽ hiểu và thông cảm với cách phục vụ của người khác bởi mỗi người có một quan niệm sống và cung cách phục vụ khác nhau. Trong khi đó Chúa lại dạy rằng khi ta muốn người khác làm điều gì cho mình thì chính mình hãy làm điều đó cho tha nhân trước đã (x. Lc 6,31). Phục vụ chính mình hay phục vụ anh em là ta đang phục vụ chính Chúa. Bởi Chúa ở trong mỗi người ; Gìa trẻ, lớn bé đều có thể phục vụ vì mỗi người đều là hình ảnh của Đức Giê-su, mà được phục vụ chính Chúa thì còn vinh phúc nào bằng !
Vậy thử hỏi bao nhiêu lần ta đã đánh mất cái phúc vinh lớn lao này vì đã từ chối phục vụ Chúa trong những người anh chị em, biết tự phục vụ mình hay đã phàn nàn than trách vì không được chăm sóc phục vụ xứng đáng .
LỜI NGUYỆN KẾT:
Lạy Chúa Giê-su ! Đã bao lần chúng con nói yêu Chúa nhưng chưa thể hiện được bằng hành động cụ thể; hành động cụ thể của lòng mến là phục vụ chính mình và phục vụ anh chị em nhưng tất cả chỉ là lời trên môi chứ chưa cảm thật trong con tim và khối óc. Chúng con nói yêu Chúa trong giờ suy gẫm chứ chưa mang vào thực hành. Xin Chúa tha thứ cho chúng con, và cho chúng con có cơ hội làm lại cuộc đời, bắt đầu cuộc tình yêu mình ngay hôm nay, cuộc tình yêu dấn thân phục vụ trong cảm thông, yêu mến chân thành tràn đầy tình CHÚA, tình người. Amen