Yêu mến Chúa thể hiện qua việc tích cực sống kỷ luật

Thứ ba - 12/07/2022 21:38 819 0
 

 

Yêu mến Chúa thể hiện qua việc tích cực sống kỷ luật



Lời nguyện mở đầu:
      
Lạy Ba Ngôi cực thánh, chúng con xin tạ ơn-tôn vinh- ngợi khen chúc tụng tình thương nhưng không Cha đã dành cho chúng con qua Thánh tử Giêsu, chính Ngài đã hiến thân nên của ăn thiêng liêng nuôi chúng con trong bàn tiệc thánh. Tri ân Ngôi Ba Thánh Thần dạy chúng con hiểu biết về Chúa để đón nhận Ngài trong niềm tin tưởng mến yêu.


Xin Ba Ngôi ở lại với chúng con để của ăn chúng con đón nhận mỗi ngày mãi là nguồn sức sống, nguồn trợ lực cho chúng con trên hành trình theo Đức Kitô trong lý tưởng Mến Thánh Giá. Xin giúp chúng con sống thánh lễ mỗi ngày, để nhờ ơn sống thánh lễ chúng con càng nên thánh dễ dàng hơn như lời của Đấng đáng kính Phanxicôxavie Nguyễn Văn Thuận để lại trong đường hy vọng “ Thánh là sống thánh lễ mỗi ngày”. Sống thánh lễ là sống trong niềm vui có Chúa hiện diện, không chỉ trong nhà nguyện chúng con mới sống Thánh lễ nhưng mọi nơi con đến : hàng quán, chợ búa, nhà cơm, nhà ngủ, phòng làm việc, phòng giải trí, nhà giặt… tất cả mọi nơi đều có thể giúp chúng con dâng Thánh lễ, sống trong sự hiện diện của Chúa, nghĩa là hiến dâng cho Chúa của lễ đời mình bằng những hy sinh hiến tế; luôn làm tốt, nghĩ tốt trong mọi lúc. Sống trong sự hiện diện của Chúa thì cho dù những điều xấu có xảy đến, điều đau khổ, thất vọng chán chường vì những trái ý tất nhiên không tránh khỏi trong cuộc sống vẫn là của lễ để dâng hiến mỗi phút sống của chúng con hôm nay và mọi ngày trong đời sống.

Suy niệm:

 Trong Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến số 41, của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có đoạn viết như thế này: “Bằng việc liên tục thúc đẩy tình yêu huynh đệ, dưới hình thức đời sống chung, đời thánh hiến cho thấy sự tham dự vào sự hiệp thông Ba Ngôi có thể thay đổi các tương quan con người và tạo ra những kiểu liên đới mới. Bằng cách đó, đời thánh hiến nói cho con người về vẻ đẹp của hiệp thông huynh đệ, cũng như về những con đường dẫn tới sự hiệp thông ấy” (số 41).

Sống chung thành cộng đoàn là bản chất, là điều cốt yếu của Hội dòng chúng ta (Hc. Điều 37). Mỗi người chúng ta đều thuộc về một nơi chốn, một cộng đoàn, nơi đó chúng ta chia sẻ cuộc sống, nâng đỡ nhau về tinh thần lẫn vật chất để thi hành sứ vụ của Hội dòng. Hiến chương điều 38 còn nêu lên điểm cốt yếu làm nên đời sống cộng đoàn, trong đó: điều quan trọng là cùng nhau tuân giữ kỷ luật, kỷ luật là phương tiện hữu hiệu giúp cho cá nhân và cộng đoàn tăng trưởng trên đường hoàn thiện. Kỷ luật cần thiết cho sự ổn định, hài hòa, gắn kết, nuôi dưỡng bảo vệ mỗi thành viên trong ơn gọi thánh hiến. Tuy nhiên, sự giằng co, so đo được mất hơn thua giữa cái “chúng ta” và cái “tôi”, giữa cái “chung” và “cá nhân” trong mỗi người đã làm cho việc sống kỷ luật trở thành rào cản, thành khó chịu, vướng bận, gò bó, mất tự do…
Kỷ luật đem lại cho chúng ta nhiều lợi ích cả tinh thần lẫn vật chất. Ích lợi tinh thần là giúp ta hoàn thiện con người mình, tiến lên đỉnh cao của trọn lành. Kỷ luật là khuôn mẫu và thước đo để rèn luyện con người. Một danh nhân nói : “Nếu không có cái thước thẳng, sao biết mình đã có chỗ cong. Đã không biết được chỗ nào mình sai thì làm sao biết sửa mình cho ngay ngắn được”.  
Một đời sống có kỷ luật ví như một tòa nhà có họa đồ kích thước, “Muốn tròn phải có khuôn. Muốn vuông phải có thước”(Ca dao).
Trong một cộng đoàn dù lớn hay nhỏ, phải có kỷ luật hay nội qui cho mọi người tuân giữ nhằm bảo vệ công ích,“Ở đâu mà mỗi người gọi được là tự do hành động theo ý mình và buông thả theo phóng túng thì hỗn độn mất trật tự nhanh chóng hiện ra lan tràn”(N. Machiavel).
Sống chung trong cộng đoàn thường có cọ xát giữa cái “ tôi” và “chúng ta”, giữa lợi ích cá nhân và tập thể…nhưng khi có phân định và chọn lựa sẽ giúp cho mỗi người tăng trưởng và tiến bộ hơn trong đời sống nhân bản và siêu nhiên. Những đụng độ tất yếu phải có trong đời sống chung giúp mỗi người có cơ hội rèn luyện bản thân. Những cọ sát, khó dễ, mâu thuẩn có khi mang lại những tổn thương nhưng đó lại là cơ hội để mình lập công trước mặt Chúa. Những khó khăn trong đời sống tập thể giúp ta tập sống khiêm nhường, bỏ mình, tự hủy để nên thánh thiện hơn. Một cộng đoàn lý tưởng mọi người yêu thương nhau, trên thuận dưới hòa, chị bảo em nghe, sẵn sàng nâng đỡ chia sẻ, hết lòng yêu thương, không có chút trục trặc, lủng củng e rằng đó là cộng đoàn trong sách, trong các bài nghiên cứu… Nhiều người chán nản đời sống cộng đoàn nên đã đi tìm niềm an ủi ở bên ngoài. Họ thích làm việc bên ngoài vì ở đó có người tung hô, ca ngợi tài năng của mình, người ngoài dành cho họ nhiều sự ngưỡng mộ và lời khen tặng, trong khi ở cộng đoàn, họ bị coi thường hay chẳng ai đoái hoài gì đến. Có nhiều người luôn sẵn sàng, hy sinh quên mình vì người khác, ngoại trừ chị em trong cộng đoàn. Họ nhận thấy đời sống cộng đoàn như hoả ngục và cố công đi tìm một thiên đường nào đó bên ngoài cổng tu viện. Nhưng đây là một sai lầm, một lối sống ảo tưởng. Chẳng hạn khi mình ngã bệnh, người ngoài có thể đến thăm với quà cáp,bì thư nhưng chị em trong cộng đoàn mới là người sẵn sàng chăm sóc, túc trực đêm ngày để mớm cho miếng cháo; pha cho ly sữa, lấy cho liều thuốc và nhiều sự khác nữa…rồi khi tắt hơi, người ngoài có thể đến thắp cho một nén hương, nhỏ vài giọt nước mắt và quên hẳn mình theo thời gian. Như thế, chỉ có chị em trong cộng đoàn mới thật sự cùng hiệp thông cầu nguyện, chia sẻ, lo lắng cho ta vào những khoảnh khắc khủng khiếp nhất của kiếp người và luôn đi với ta đến ngày cuối cùng của thế giới, khi Đức Kitô trở lại trong vinh quang. Chỉ có chị em trong Hội dòng mới nhớ đến chúng ta dù khi ai đó đã đi về bên kia thế giới bằng chứng cụ thể mà Hiến chương điều 61/2 đã dạy và Nội Qui điều 26 đã qui định.  

Vì thế, cần lắm bản lĩnh và sự thánh thiện của một tu sĩ được thể hiện nơi đời sống chung trong cộng đoàn. Nơi sự hòa hợp giữa đời sống kỷ luật chung cộng đoàn và kỷ luật bản thân. Đời sống cộng đoàn tuy có nhiều chấm trắng - đen, đan xen giữa cái “ tôi” và “chúng ta”, giữa “bản ngã” và “hướng thượng” nhưng chính nó lại giúp cho người tu sĩ hoà điệu và hoàn thiện đời sống mình. Chúng ta nên tập luyện nhân đức phân định để có thể chọn lựa sống kỷ luật theo Hiến Chương, Nội qui của Hội dòng như là Thánh Ý Chúa. Nhờ kinh nghiệm luôn hướng về Mầu nhiệm Thánh giá của Chúa Giêsu, luôn hướng về Chân Thiện Mỹ ta có thể vượt qua những cám dỗ … Và, ta xin Ơn Chúa giúp mình trung thành với việc tập luyện một nhân đức cần thiết, hay từ bỏ một tính xấu nền tảng nào đó đang ngăn cản ta sống mật thiết với Chúa và tình nghĩa với chị em; hoặc đang không muốn khép mình để sống kỷ luật dòng, kỷ luật của bản thân, tôi đang đứng chân trong chân ngoài, đang đi nước đôi…Sống kỷ luật giúp người tu sĩ xây dựng đời sống của mình trong khuôn khổ nề nếp vững chắc, an toàn: “Khi bạn nghiêm khắc với bản thân, cuộc sống tự nhiên sẽ dễ dàng. Khi bạn dễ dàng với bản thân, cuộc sống tự nhiên sẽ khó khăn” (Zig Ziglar). Và Ca dao Việt Nam đã dạy:“ Bề trên ở chẳng kỉ cương. Cho nên kẻ dưới lập đường mây mưa”.

Vì thế, không thể có một tu sĩ sống ngoài kỷ luật. Việc tuân giữ kỷ luật giúp người tu sĩ sống đẹp lòng Chúa, thể hiện tình yêu đối với Thiên Chúa Cha và trung thành với ơn gọi của mình.

Lời nguyện kết:

“Chúa ơi, con đã để mình bị lừa, con đã trốn tránh tình yêu của Chúa bằng muôn ngàn cách, nhưng một lần nữa con lại đến đây, để canh tân giao ước của con với Chúa. Con cần Chúa. Xin cứu con một lần nữa”. Vui biết chừng nào khi trở lại với Người sau mỗi lần lạc lối! Xin cho con lặp lại điều này một lần nữa: Chúa không bao giờ thấy mệt khi tha thứ cho chúng con, chỉ có chúng ta thấy mệt khi đi tìm lòng Thương Xót của Ngài” 1. Lạy Chúa, xin cho tình yêu của chúng con dành cho Chúa thật sâu sắc để việc tuân giữ kỷ luật của chúng con có giá trị, có ý nghĩa, đẹp lòng Chúa và mang lại nhiều ơn ích thiêng liêng cho đời sống cá nhân, cộng đoàn và cho sứ vụ…

Xin cho đời sống của chúng con trở thành tiếng vọng giữa thế giới tục hóa và nó đang len lỏi cả trong cộng đoàn tu viện của chúng con: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần" (Mt 3,2) “ Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa ” (Lc 3,1-6), “Lạy Chúa, xin ban cho con một ý chí để tìm kiếm Chúa, một sự khôn ngoan để gặp Chúa, một đời sống đẹp lòng Chúa, một lòng kiên trung để chờ đợi Chúa trong niềm tin, và một niềm tin, để cuối cùng con sẽ chiếm được Chúa. Amen.”(Thánh Tôma Aquinô)

 

1. ĐHY  Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Chứng Nhân Hy Vọng

 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây