Tại sao con người đau khổ ?
Lời nguyện mở đầu:
Lạy Chúa, chúng con cám ơn Chúa về một ngày mới tràn trề ân sủng nhờ Thánh lễ chúng con sắp tiến dâng (đã dâng tiến). Cám ơn Chúa ban ánh mặt trời rực rỡ soi sáng cho mọi hoạt động của con người và cho sinh vật lá xanh được quang hợp để phát triển làm lương thực nuôi sống chúng con. Cám ơn Chúa về những thanh âm tuyệt vời của thiên nhiên làm cho cuộc sống thêm thú vị.Tạ ơn Chúa đã qui tụ chúng con thành gia đình thiêng liêng là cộng đoàn để cùng nhau ca tụng Chúa, phản ảnh sự hiện diện của Chúa nơi đời sống tận hiến của chúng con.
Xin Chúa cho mỗi chúng con luôn cảm nghiệm tình yêu Chúa dành cho mỗi người trong mọi hoàn cảnh để biết quảng đại dâng hiến, tận hiến trong hy sinh tự hủy ngỏ hầu phần nào đáp trả tình Chúa yêu trong ơn gọi Mến Thánh Giá.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần thánh hóa, chúc lành để lời kinh nguyện và mọi việc chúng con làm hôm nay cùng với công nghiệp của Chúa Giêsu mang ơn cứu rỗi đến cho muôn người, đặc biệt là thân nhân, ân nhân của chúng con đã an nghỉ trong Chúa.
Suy Niệm :
Hôm nay chúng ta cùng suy : “Tại sao con người đau khổ?”
Ở đời, người ta sẽ hăng hái bước đi theo ai đó nếu người này giới thiệu hay hứa hẹn một con đường, một lối sống nhẹ nhàng, thênh thang, một kết quả lao động cân xứng với công sức và tài năng mình cống hiến …không ai dại gì đón nhận những nỗi khổ đau hay chọn đi vào con đường tăm tối mờ mịt không tương lai và cả những chông gai khó khăn, khổ đau thất bại ở phía trước. Thế nhưng, phận người tội lỗi không thể tự giải thoát mình khỏi khổ đau, tăm tối và cả sự chết; khổ đau, tội lỗi do chính con người chọn lựa và chuốt lấy ngang qua ông bà nguyên tổ.
Lịch sử cứu độ đã giới thiệu cho chúng ta những khuôn mặt, những nhân vật nổi tiếng đã từng trải đau khổ trong Kinh Thánh từ thời Cựu Ước: Gióp, Đa-vít, Salomon,
Cuộc sống và gương đón nhận thử thách khổ đau trong cuộc đời các ngài còn đó như là bài học cho những ai tin yêu và bước theo Chúa Giêsu. Đặc biệt những người mang danh hiệu Mến Thánh Gía. Gương sống của những bậc thánh nhân cho thấy rằng: Không có đau khổ nào lớn bằng đau khổ không nhận ra chính mình. Không nhận ra tình thương Thiên Chúa trải dài trên đời mình mà chỉ thấy mình khổ còn người khác sướng, người khác gặp may mắn còn mình số con rệp, đời sống toàn gặp trái ý rủi ro.
Gương mặt tiêu biểu đã từng trải qua đau khổ trong Cựu ước là Ông Gióp,
Khi đọc sách ông Gióp, chúng ta thấy cuộc đời ông gặp nhiều rủi ro, bất công. Ông ở hiền sao ông không gặp lành? Ông làm gì sai mà bị quả báo đến nỗi khó có ai đau khổ như ông. Ngay cả vợ ông người san sẻ với ông bao nhiêu sự trong đời sống vợ chồng cũng chẳng hiểu gì về việc đón nhận đau khổ của ông - bà đã lên tiếng ‘Hãy nguyền rủa Đức Chúa và chết đi’.( Giop 2,9b) Thật là đau khổ!
Trong đau khổ tột cùng ấy ông Gióp đã làm gì ?
Gióp thưa với Đức Chúa : Tôi biết rằng Chúa có thể làm được mọi sự, chẳng có ý chỉ nào Chúa lấy làm khó lắm. Kẻ nầy là ai, không hiểu biết gì, lại dám che ám ý chỉ của Chúa? Phải, tôi đã nói những điều tôi không hiểu, tức các sự lạ lùng quá cho tôi, mà tôi chẳng thông biết. Hỡi Chúa, xin hãy nghe, tôi sẽ nói; Tôi sẽ hỏi Chúa, Chúa sẽ chỉ dạy cho tôi. Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, Nhưng bây giờ, mắt tôi đã thấy Ngài: Vì vậy, tôi lấy làm gớm ghê tôi, và ăn năn trong tro bụi.(Gióp 42:1-6)
Cuối cùng ông Gióp đã nhận ra điều gì? Nhờ đâu ông nhận biết như vậy?
Làm thế nào chúng ta có thể thấu hiểu huyền nhiệm của đau khổ?
Ông Gióp cam nhận bao nhiêu mất mát đau đớn với một niềm tin sắt đá nơi Thiên Chúa.
Chẳng khác nào ông Gióp chúng ta cũng không thể tránh đau khổ. Chúng ta cũng có thể thốt ra câu hỏi “tại sao?”
Thiên Chúa không trực tiếp trả lời nguyên nhân nào Gióp đau khổ. Không phải Thiên Chúa lẩn tránh, nhưng sứ điệp Kinh Thánh dẫn chúng ta đến điều cao hơn, sâu hơn : chương trình và ý định Thiên Chúa vượt quá giới hạn của con người. Khoảng cách từ con người đến Thiên Chúa là vô biên. Ngay cả những thực tại trần gian, con người còn chưa hiểu hết, huống chi hiểu chương trình của Thiên Chúa ! Như vậy, vấn nạn sự dữ, đau khổ vẫn còn đó; đau khổ vẫn là một huyền nhiệm. Câu trả lời cho vấn đề là : con người tích cực, chủ động đón nhận những biến cố xảy ra, và biết mở lòng cảm thông hơn với anh em đồng loại, hơn là cứ khăng khăng tìm hiểu cho được đau khổ là gì.
Chúng ta thường cảm thấy chán nản, buồn sầu, tiếc nuối khi đối diện với những mất mát : một kế hoạch bị bỏ dở, một mối tương quan thân thiết bị phá vỡ, cái chết của người thân, bị hiểu lầm, thất bại… Để phản kháng lại khoảng trống đó, người ta thường hay co cụm mình lại hoặc là giận dữ, ê chề, buông xuôi tất cả. Những thái độ đó đều tiêu cực, phá hủy sự trọn vẹn của đời sống. Cần lạc quan hơn để phát hiện ra than hồng vẫn ủ trong đống tro tàn. Đó là thái độ tích cực mỗi người cần phải có.
Chúng ta không lạc quan ngây thơ mà từ chối hay coi những biến cố đó như không xảy ra hoặc không ảnh hưởng gì tới mình. Thái độ như thế cũng dễ biến ta thành con người hời hợt, vô tình, vô cảm với cuộc sống. Như vậy ta không thể phủ nhận mất mát, nhưng không để những điều này quật ngã chúng ta.
Chúng ta thường cố tình trốn chạy nỗi ê chề của mình, lẩn trốn người khác, và có khi lẫn trốn cả chính mình nữa. Hãy tập đối diện và đón nhận tất cả như một tiến trình của đời sống, một cuộc sống đích thực,
Đau khổ không hoàn toàn vô ích, nhưng nó đang thanh luyện ta, và có sức mạnh cứu độ con người. Làm sao chúng ta nhận được phúc lành ngay trong nỗi sầu đau mất mát ? Làm sao chúng ta đi trọn cuộc đời với những bước xiêu vẹo, khập khiễng của phận người? Khi kinh nghiệm, cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa bên đời và thực sự Người đang đi cùng với chúng ta, thì chúng ta sẽ cảm nhận được trong nỗi đau có vị ngọt của tình yêu.
Sự khôn ngoan khôn lường của Thiên Chúa vượt quá trí hiểu và khôn ngoan của loài người. Không hiểu được nhưng chúng ta phải tin vững chắc rằng cuộc khổ nạn của Chúa Kitô đã mang lại ơn tha thứ và cứu độ của Thiên Chúa cho con người theo lời dạy của Thánh Phaolô :“ Trong Thánh Tử ( Chúa Kitô) , nhờ máu Thánh Tử đổ ra. Chúng ta được cứu chuộc, được tha thứ tội lỗi. Theo lượng ân sủng rất phong phú của Người ( Ep 1:7)
Đau khổ của Chúa Kitô đã mang lại ơn cứu rỗi cho toàn thể nhân loại như Giáo hội tin và dạy cho con cái mình từ xưa đến nay. Đây là điều mà khôn ngoan con người không thể hiểu và chấp nhận được, nhưng đó chính là sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa mà Thánh Phaolô đã khám phá và giải thích cho chúng ta “Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là Những người được cứu độ thì đó là sức mạnh của Thiên Chúa.” (1Cr 1,18) “ cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.“( 1 Cr 1, 25 ). Xét theo khôn ngoan của loài người nói chung - đặc biệt của người Do Thái và dân ngoại thời Chúa Giêsu nói riêng thì đau khổ thập già là “ điều ô nhục và điên rồ”.(1 Cr 1, 23)
Vì thế cây thập giá đã trở thành biểu tượng của đau khổ, tủi nhục lớn lao nhất đối với sức chịu đựng và hiểu biết của con người. Nhưng trong viễn ảnh đức tin, thì đó lại là sự khôn ngoan khôn lường của Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Kitô, Đấng đã vui lòng chịu khổ hình thập giá để cứu chuộc cho nhân loại khỏi tội, khỏi chết đời đời. Trong tinh thần này, thập giá đã trở thành“ nguồn hy vọng độc nhât của chúng ta ” như Giáo hội ca tụng “vì nhờ khổ nạn thập giá của Chúa Kitô mà chúng ta hy vọng được cứu rỗi để sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa trong Nước Trời”. Đó là tất cả ý nghĩa của sự đau khổ nhìn qua lăng kính Thánh Kinh và ơn cứu chuộc của Thiên Chúa dành cho con người.
Xin Chúa giúp chúng ta được vui lòng chịu đựng những đau khổ, gian nan, thử thách mà Chúa gửi đến trong cuộc sống của mỗi người bao lâu chúng ta còn sống trên trần thế này.
Lời Nguyện kết :
Lạy Chúa Giêsu! Chúng con thường dễ than trách khi phải đối diện với khổ đau, nhưng lại không biết rằng Chúa đang nắm lấy tay chúng con và đồng hành ngay bên. Xin cho chúng con luôn nhận ra sự quan phòng và nâng đỡ của Ngài, không chỉ lúc chúng con hạnh phúc, nhưng cả trong những khi phải đối diện với những khổ đau của bệnh tật, yếu đuối… Ước gì chúng con luôn biết nhìn lên Thập Giá để chiêm ngưỡng một tấm hình hài vô giá đang ôm trọn những khổ đau của nhân thế để chúng con luôn nhận ra tình yêu bao la mà Ngài dành cho cuộc đời của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu xưa Chúa đã dùng thập giá để cứu chuộc chúng con. Chúa đã không chọn cách nào khác ngoài việc chịu đau khổ và chết trên đó. Như thế, Chúa cho chúng con hiểu được Chúa yêu chúng con vô cùng. Chúa đã mang lại cho thập giá một ý nghĩa mới, ý nghĩa của tình yêu trọn hảo. Xin Chúa giúp mỗi người chúng con cũng biết đón nhận thập giá của bản thân với trọn vẹn tâm tình tín thác, yêu thương: Yêu Chúa và yêu mọi người, để tình Chúa luôn mãi ở trong con và cuộc đời con luôn diễn tả tình yêu Chúa. Amen