Tình yêu và tinh thần vâng phục của Đức Kitô

Thứ hai - 15/11/2021 23:36 1.228 0
 
NGẮM NHÌN THẬP GIÁ ĐỨC KITÔ, MỜI GỌI TÔI SỐNG VÂNG PHỤC
 
 


Lời nguyện đầu:
      
Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con ! Giây phút đầu tiên của ngày sống mới chúng con đến bên Cha để dâng lời tri ân- cảm tạ, tôn thờ và yêu mến Cha với trọn cả con người và ý chí chúng con. Tri ân Cha đã ban cho chúng con Thánh tử Giêsu để Ngài tự hiến nên của ăn thiêng liêng cho chúng con trong Thánh lễ mỗi ngày và Lời của Ngài làm kim chỉ nam cho chúng con trong hành trình tiến về quê trời hạnh phúc .Và nhờ NGÔI LỜI hướng dẫn chúng con nhận biết mình là con yêu dấu của CHA , hồng ân này cả cuộc đời chúng con dâng hiến vẫn không sao đáp đền cho cân xứng, chúng con xin ghi khắc trong tim và cố gắng sống theo giáo huấn của Đức Kitô trong sự hướng dẫn đầy khôn ngoan của CHÚA THÁNH THẦN và hiệp nhất với chị em trong gia đình HD Mến Thánh Gía sống tình con thảo với Cha trong đức vâng phục thánh hiến để THÁNH Ý CHA trở nên nguồn sống, nguồn hạnh phúc đời con.
  
Và xin cho con luôn ý thức rằng “ Vâng lời trọng hơn của lễ”, của lễ: là hoa quả, hương trầm, súc vật, tiền bạc… tượng trưng cho con, nhưng chưa đụng đến con. Khi vâng lời con lấy mình làm của lễ, giết chết ý riêng con, tự ái con làm của lễ toàn thiêu. Xin cho con cũng biết năng suy gẫm bí quyết sống tinh thần vâng phục của Đấng sáng lập dòng là : hành động trong sự lệ thuộc hòan toàn vào Đức Kitô trong từng biến cố lớn nhỏ nơi cuộc sống mỗi ngày.
     
SUY GẪM:
    
Thiên Chúa vì yêu thương đã tạo dựng con người cho họ thông chia vinh quang với Người. Tình yêu muôn thuở vẫn thường tồn và dành riêng cho họ. Thế nhưng, vì bất tuân con người đã phản nghịch lệnh truyền của Tạo Hóa, loài thọ tạo muốn trở nên Hóa Công.
 
Tự do là quà tặng vô giá con người được lãnh nhận từ Thiên Chúa nay lại dùng để phản bội  Người, từ chối quyền làm con Thiên Chúa.
 
Chính vì yêu thương con người lầm lỗi mà Ngôi Hai Thiên Chúa đã hạ sinh trong thân phận hèn mọn của con người, và để rồi sau cùng đón nhận cái chết trên thập giá.“Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục”. Lần giở lại Phúc Âm, ta có thể thấy cả cuộc đời Đức Giêsu từ khởi đầu cho đến cuối cùng đều diễn ra trong sự vâng phục Chúa Cha, tại Nazaret Người đã hằng vâng phục thánh cả Giuse và Mẹ Maria, thao thức với công việc Chúa Cha ủy thác, lúc bị cám dỗ trong vườn dầu muốn đi ngược lại kế hoạnh cứu độ từ muôn đời.
   
Lời thưa “xin vâng” của Đức Giêsu ngày càng trở nên khó hiểu,nặng nề dường như quá sức chịu đựng, khi “giờ đã đến”.’
  
Trong vườn Cây Dầu, cái chết đã hiện ra trước mắt, đau khổ, nhục nhã quá sức chịu đựng của một con người, nỗi sợ hãi phủ kín Đức Giêsu khi máu theo mồ hôi chảy ra ngoài. Bằng hơi thở thều thào, khiếp kinh, Người đã kêu lên: “Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con”. Nơi đây, nhân tính của Đức Giêsu thể hiện cách rõ ràng nhất. Người cũng xao xuyến, cũng sợ hãi. Đó là tâm trạng muốn tháo lui của con người trước khổ đau. Thánh tông đồ Phaolô cho rằng: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết”. Lời van xin này càng thể hiện rõ Đức Giêsu không phải là người muốn đi tìm cái chết, yêu mến sự chết. Người không đi tìm cái chết, nhưng Người muốn tiếp tục trung tín với Cha và phục vụ loài người, dù phải trả giá bằng mạng sống. Ðó là sự lựa chọn của Người, lựa chọn của một người có lòng tin. Ðức Giêsu xác tín rằng dù kẻ thù có cướp được sinh mạng của Người đi nữa thì Chúa Cha cũng chẳng bao giờ bỏ rơi Người, chẳng để cho Ngài phải thấy sự hư nát.
    
Từ niềm xác tín đến lòng vâng phục, “xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” lời xin vâng được thốt lên trước cơn khốn khó để đón nhận tất cả. Đức Giêsu giờ đây trở nên hiện thân của tội lỗi bởi lỗi lầm của nhân loại đặt trên đôi vai gầy gộc của Người. Sau tiếng xin vâng, ý định của Chúa Cha bắt đầu khởi sự và trở nên hoàn toàn trên thập giá.
    
Hơn nữa, tội lỗi đã xô đẩy con người vào vòng nô lệ của sự chết thế nào, thì sự nhục nhã trên đường khổ giá càng làm cho Con Thiên Chúa được vinh hiển, nhờ sự chết của  Người và cho những kẻ thuộc về Người. Đức Giêsu đã chiến thắng sự chết bằng việc mang tội lỗi phàm nhân mà đóng vào cây gỗ. Do đó, Người đã được tôn vinh trên mọi danh hiệu, trong vinh quang của Chúa Cha.
 
Đức Giêsu đã tiến xa, gắn sâu vào mối tương quan với Chúa Cha bằng sự vâng phục. Trước đó, ta thấy nơi Người lòng tín thác hoàn toàn, tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Cha có thể giải thoát Người khỏi khổ nạn. Thế nhưng, tin tưởng thôi chưa đủ. Tin mới chỉ là bước đầu của tình yêu, và tình yêu này thực sự trở nên trọn hảo trong việc thi hành Thánh Ý. “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người”. Đức Giêsu yêu mến Chúa Cha và hằng mong muốn làm đẹp lòng Người.
    
Lời "xin vâng" được thân thưa ngay trên cây thập giá, lúc Chúa Cha dường như đã bỏ rơi Người. “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”. Lời xin vâng đã thật sự hoàn trọn trong cái chết của Đức Giêsu khi chính Người đã rơi vào nỗi thẳm sâu của tuyệt vọng. Chính  lúc này đây, hơi thở cuối cùng của Người trút xuống, mối giao duyên đất trời được nối kết. Tất cả được hoàn tất trong Người.  
  
Và …nói đến đức vâng phục của đời sống thánh hiến rõ ràng là chúng ta nói đến sự hy sinh ý riêng của mình, hy sinh cá tính của mình, hy sinh bản ngã của mình như một của lễ dâng tiến Thiên Chúa trong sự liên đới mật thiết với ý cứu độ của Người. Đức vâng phục xem ra giúp chúng ta dứt khóat bước vào chương trình của Thiên Chúa trong sự hiệp thông với Đức Giêsu Kitô và giúp chúng ta đến chỗ cam kết dứt khoát để phục vụ sứ mạng của Giáo Hội.
   
Hy sinh cái tôi của mình, hy sinh ý chí của mình như Đức Kitô đã hy sinh trên núi sọ là một cái chết đem lại sự sống đó là một sự siêu thoát bản thân mình.

Nhiều khi nhìn vào cuộc hành trình cuộc đời của mình, chúng ta thấy ý chí xem ra thất thường và mỏng giòn, nhiều khi cũng chọn lựa những sự sai lầm. Và chính những điều đó đã được tăng sức bởi tình thương, bởi phó thác, bởi tuân phục. Mà sự lựa chọn này là một hành vi tự do và tự nguyện biểu lộ đầy đủ nhất giá trị của sự làm chủ ý của mình. Sự tuân phục khi chúng ta biết lắng nghe là thái độ căn bản của những người con trước mặt Thiên Chúa. Con người chúng ta chỉ là thụ tạo. Đã có lúc con người đã không tuân theo luật tình thương của Thiên Chúa Đấng tác tạo nên mình. Thiên Chúa không áp đặt cho con người, mà Thiên Chúa đã để cho con người được tự do. Tự do là biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.

Đọc lại Tin Mừng của thánh Gioan, Ngài dùng dụ ngôn cây nho để nói đến một sự thông hiệp, sự cắt tỉa của sự vâng phục trong cuộc sống hàng ngày. Nhìn vào cuộc đời của mỗi người chúng ta,một vài công việc của đời sống chúng ta lại cảm thấy thật là khó để vâng phục. Thánh Phaolô định nghĩa sống đức tin là một sự vâng phục, tuân theo những gì mà Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta. Sự vâng phục của Đức Kitô là sự vâng phục đến tận cùng của tình yêu nhân loại. Chính tác giả của thư gửi tín hữu Do Thái đã viết : «Người đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá».(x. Dt 4,14-16 ;5,78).  Sự vâng phục của Chúa Kitô là sự vâng phục của một người con hiếu thảo, của người con duy nhất đối với Cha của mình. Sự vâng phục cao nhất là sự vâng phục như một hiến lễ toàn thiêu với tinh thần của một người con hiếu thảo chấp nhận quảng đại, hy sinh theo tiếng gọi của người Cha.     
   
Ngày hôm nay Giáo Hội rất vui mừng khi nhìn thấy biết bao nhiêu thanh niên thiếu nữ con cái của Giáo Hội đã đi theo con đường của Đấng Cứu Thế đã biểu lộ rõ ràng hơn qua việc tự hủy, từ bỏ ý riêng của mình để tự nguyện tùng phục vì tình yêu. Khi chúng ta nói đến vâng phục là chúng ta nói đến việc hy sinh ý riêng của mình, chấp nhận cách quảng đại,tự do để hoàn tất chương trình của Thiên Chúa qua đời sống của chính mình.
    
Kinh nghiệm cho thấy để vâng phục lắm khi con tim của chúng ta rướm máu. Chúng ta đã khấn dòng 50 năm, 30 năm , 20 năm, 10 năm hay chỉ mới khấn lần đầu -  ít nhiều chúng ta đã có kinh nghiệm như Đức Kitô và muốn thốt lên như Ngài : “ Lạy cha, xin cất chén này khỏi con”…Nhưng rồi nhờ tình yêu và ân thánh dù có buồn một chút vì bản tính con người chúng ta đã  “ Xin vâng” và chính lời xin vâng ấy làm nên của lễ cứu độ. Và cho đến hôm nay từng giờ từng phút chúng ta đang thưa lời “ Xin vâng”, xin vâng trong việc thuyên chuyển của sứ vụ mới, xin vâng theo chương trình sống của cộng đoàn, xin vâng để làm một công việc trái ý, xin vâng để nghe một lời chói tai, xin vâng để dùng một cốc sữa dinh dưỡng mà mình không thích, bỏ một thói quen hại cho sức khỏe…xin vâng như thế Đấng sáng lập dòng MTG cho rằng đó là của lễ đẹp lòng Thiên Chúa nhất, và điều đó chân phước Phanxicôxavie NGUYỀN VĂN THUẬN gọi là anh hùng, Ngài nói : “ Thế gian bảo con vâng phục như vậy là “ Điên khùng”, Chúa nói con vâng phục vì CHÚA là “ anh hùng”. ( ĐHV 393)

Lời nguyện kết:
 
Lạy Cha! Chúng con cám ơn Cha đã cho chúng con những giây phút trầm lắng trong giờ suy gẫm sáng nay,để suy niệm về tình yêu vâng phục của Đức Kitô và nhìn về con đường tìm kiếm ý Chúa trong đức vâng phục của chúng con, cuộc sống của chúng con còn quá xa Chúa trong tiếng “ xin vâng”. Xin ban ơn phù giúp chúng con để dù có gặp khó khăn, thử thách, lo âu sợ hãi…khi đón nhận một lệnh truyền chúng con được ơn can đảm như Chúa mà thưa “Vâng” và cho chúng con hiểu rằng đời tu sĩ không được thanh luyện, không có thử thách, khổ đau hay lùi bước trước khó khăn gian khổ e rằng  con là tu sĩ giả. Xin cho chúng con những nữ tu hậu duệ của lịch sử hội dòng 350 năm, cũng được ơn can đảm, hiên ngang sống mầu nhiệm Thánh giá ngang qua đức vâng phục thánh hiến để rồi mỗi người không phải nổ thẹn trước tiền nhân nhưng được cộng tác với tiền nhân viết tiếp lịch sử dòng Mến Thánh Gía Qui Nhơn trong những tháng ngày tiếp nối. Lạy Cha! Xin thêm sức cho chúng con để hôm nay, ngày mai và mọi ngày trọn đời sống chúng con luôn biết thưa “XIN VÂNG” trong tình yêu phó thác. Amen


 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây