Chiêm ngắm thập giá của đại dịch Covid dưới ánh sáng Phục Sinh

Thứ ba - 17/08/2021 21:20 517 0
 


 
Chiêm ngắm thập giá của đại dịch Covid dưới ánh sáng Phục Sinh

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chết và đã sống lại vinh quang để cứu độ chúng con, chúng con xác tín Chúa đang hiện diện gần gũi và đích thật trong Bí Tích Thánh Thể, xin Chúa đón nhận tâm tình tôn kính và yêu mến, khát khao thuộc về Chúa mà chúng con muốn dành cho Chúa trong giờ này.

Biến cố phục sinh của Chúa là chân lý nền tảng và cao cả nhất cho niềm tin của chúng con. Đối với người vô thần, những người không tin vào Chúa thì ngôi mộ là điểm tận cùng của kiếp người. Ngôi mộ, nơi các vua chúa quan quyền, bậc quân vương anh hùng cũng như tên vô lại, kẻ cơ bần…người được chôn cất long trọng hay kẻ chỉ được quấn trong chiếc chiếu, hoặc bởi tấm vải mỏng manh…tất cả đều mục nát trở thành tro bụi.
Hiện tại, chúng con đang chứng kiến bao người phải ra đi vì dịch bệnh; Nhìn những chiếc quan tài xếp hàng dài trong sân chờ được đem đi chôn  hoặc hỏa táng, thấy những hũ tro được nhân viên giao về cho gia đình mà truyền thông báo chí đưa tin, lòng chúng con xót xa, đau buồn…

Nhưng chúng con tin rằng :
Bằng cuộc Vượt Qua của Chúa, Chúa đã bật tung cửa mồ, đẩy lùi quyền lực của sự chết và sống lại vinh quang. Chúa đã biến ngôi mộ là điểm cuối của đời người trở thành cửa ngõ dẫn vào cõi trường sinh, biến đau thương khổ hình của đường thập giá cùng cái chết tủi nhục thành niềm hoan lạc của ngày phục sinh.

Sự Phục sinh của Chúa biến ngày cuối cùng của kiếp sống nhân sinh trở thành ngày đầu tiên khải hoàn nơi đời sống mới trong Chúa. Xin thêm đức tin cho chúng con và các tín hữu Chúa để mỗi người biết góp phần nhỏ bé của mình trong sự chết đi cho những tính hư tật xấu và tội lỗi. Xin biến những khổ đau, thất vọng, buồn phiền của chúng con thành niềm hy vọng và hướng tâm hồn đến ngày phục sinh vinh quang với Đức Kitô là Đấng đã chết và sống lại để cứu độ chúng con.

SUY NIỆM:

Chúng ta đã sống trong nỗi lo âu, sợ hãi vì dịch bệnh Covid gần một năm rưỡi. Trong năm nay, 3 tháng hè đã trôi qua chúng ta phải tạm dừng mọi hoạt động mục vụ, phục vụ;  cả những chương trình thiêng liêng của Hội dòng cũng phải tạm ngưng…Những hoạt động cho Lễ hội Khấn dòng cũng chỉ diễn ra trong thầm lặng. Lẽ ra chị em toàn Hội dòng sẽ hân hoan bắt đầu niên khóa mới với sức sống mới và nhiệt huyết của hồng ân năm Thánh nhưng mọi sự đứng yên tại chỗ vì giãn cách xã hội.
 
Cách ly nhưng không cách lòng, cách ly thể lý để mỗi người, mỗi cộng đoàn đi vào sa mạc nội tâm để có nhiều thời gian cầu nguyện, lắng nghe tiếng Chúa và nhìn lại bản thân, đặc biệt là các chị em tuyên khấn và kỷ niệm khấn dòng.

Bầu khí trầm lặng nguyện cầu trong những ngày này mời gọi chúng ta chia sẻ với Đức Giêsu Kitô qua việc tưởng niệm Mầu Nhiệm Cuộc Thương Khó của Người.

Tưởng nhớ lại giây phút kinh hoàng ở đồi Golgotha, khi Đức Giêsu tắt thở, bóng tối bao trùm vạn vật, mọi sự dường như kết thúc - tưởng chừng bóng tối, quyền lực ma quỷ và sự ác đã hoàn toàn chiến thắng. Thế nhưng, vào ngày thứ nhất trong tuần Ngài đã sống lại - ánh sáng đã bừng lên xua tan bóng tối, ánh sáng và sự thật đã chiến thắng, Thiên Chúa đã chiến thắng Satan, sự thiện vẫn còn ngự trị trên trái đất này.

Trong đêm Thứ Bảy thánh, nghi thức làm phép Nến Phục Sinh cho chúng ta thấy một tia sáng nhỏ loé lên trong đêm tối. Tiếp đó ánh sáng từ ngọn nến Phục sinh được chuyển đến và thắp sáng ngọn nến của những người tham dự. Ánh sáng tỏa lan dần, và cuối cùng mọi đèn nến đều được bậc lên sáng rực. Hình ảnh này rất đẹp nó chứa đựng một ý nghĩa sâu sắc:  Ánh sáng đã hoàn toàn đẩy lui bóng tối
 - Bóng tối không thể nào thắng được ánh sáng.
- Ma quỷ không thể nào thắng được Thiên Chúa.
- Điều gian ác không thể nào thắng được sự thiện.

Và …Ánh nến sáng trên tay của các em tuyên khấn lần đầu, các chị em tuyên khấn trọn đời hay chị em tại các cộng đoàn lập lại lời khấn là lời nhắc nhở chúng ta về sự hiện diện của Chúa, thôi thúc mỗi người quyết tâm bước theo Đức Kitô chịu đóng đinh trong bất cứ hoàn cảnh nào. Dù bị giãn cách, dù những lễ nghi bên ngoài bị giới hạn nhưng lòng nhiệt thành muốn thuộc trọn về Chúa nơi tâm hồn của các chị em vẫn bừng cháy một niềm tin kiên vững, một niềm tình yêu mãnh liệt. Điều này cho phép chúng ta tin tưởng tình yêu và ánh sáng của Đấng Phục sinh đang tan chảy trong lòng mỗi người  chúng ta dù nguy hiểm của dịch bệnh vẫn rình rập quanh chúng ta.
 
Ánh nến sáng và sức nóng ấy được thắp lên, được lan tỏa từ nến Phục Sinh, gợi lại cho chúng ta niềm hy vọng về sự kiện Chúa Giêsu đã chết và sống lại mở đường cho nhân loại bước vào ánh sáng vĩnh cửu với Ngài. Làm sao để  sự sống vĩnh cửu nơi đời thánh hiến của chị em chúng ta trở thành lời chứng hùng hồn cho thấy Nước Thiên Chúa vượt trên tất cả. ( x. Hc Điều 10/2c))

Cái chết của Đức Giêsu trên Thập Giá vừa là “hy lễ Vượt Qua”  hoàn tất ơn cứu chuộc loài người bởi “Chiên Con Đấng gánh tội thế trần” (Ga 2,18) vừa là Hy Tế Giao Ước Mới, cho con người hiệp thông trở lại với Thiên Chúa, giao hòa con người với Thiên Chúa bởi “Máu đổ ra cho nhiều người được tha tội” (Mt 26,28) “Vì cuộc khổ nạn trên thập giá, Ngài đã có công nghiệp, đưa lại sự công chính hóa cho ta”, (Dt 5,9). Chính vì thế, khi các tín hữu Rôma đang phải lao đao khốn đốn vì những cuộc bách hại, thánh Phêrô đã gởi thư cho họ nói rằng “Anh em hãy vui mừng mặc dù còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Thực ra những thử thách đó chỉ nhằm tinh luyện đức tin của anh em, cũng như lửa thử vàng vậy” (1Pr.1,3-9). Còn thánh Phaolô, đang lúc phải ngồi tù  đã viết thư cho giáo đoàn Philip : “Anh em hãy vui lên. Tôi không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng anh em hãy vui mừng luôn trong Chúa” (Pl.3,1).
 
Nhiều lúc cảm thấy như Chúa quên nhân loại, quên chúng ta, sao Chúa vẫn cứ im lặng để cho nhân loại phải ghồng mình trước một con virus nhỏ bé vô hình, ngã lòng muốn buông trôi, phó mặc cho sự đời đưa đẩy. Chúng ta thấy cái ác và mưu mô của kẻ xấu hiên ngang tấn công trong mọi lãnh vực cuộc sống nên có cảm nhận bị vùi trong tăm tối mênh mông, cảm giác tội lỗi đang dẫn trước sự thiện thật xa…

Nhưng mầu nhiệm Chúa Giêsu phục sinh dạy cho chúng ta rằng đừng ngã lòng, bởi cuối cùng thì ánh sáng sẽ không bao giờ bị bóng tối đè bẹp, sự thiện sẽ chiến thắng cái ác. Sự thật, công lý cần có ý chí, thời gian mới làm sáng tỏ được.
 
Chúng ta cần chiêm ngắm, suy niệm đau khổ của nhân loại và của chúng ta trong hiện tại dưới ánh sáng Phục Sinh.  
 
Lần mở lại Kinh Thánh, đọc lại cuộc đời của các thánh,
 
Thánh Phaolô đã nói gì với anh chị em tín hữu Côrintô và cho chúng ta hôm nay : Nếu Chúa Kitô đã không sống lại, thì chúng ta là những người vô phúc nhất, ngu đần nhất, vì chúng ta đặt tin tưởng vào một chuyện hão huyền. Nếu Chúa Kitô đã không sống lại thì chúng ta vẫn còn mang tội lỗi ở trong mình và không ai giải cứu được chúng ta, không ai đem chúng ta đến gặp Thiên Chúa được. Nếu Chúa Kitô không sống lại, thì thập giá chỉ là dấu hiệu của nhục nhã, đau khổ của con người sẽ không có lối thoát và cái chết của con người sẽ là đường cùng, là ngõ cụt. (x. 1Cr 15,12 ).

Từ nay thập giá không còn là phương tiện, là cách thức để con người gây đau thương nhục nhã cho nhau, cho những kẻ bị coi là tội lỗi xấu xa, Thập Giá của Đức Kitô là dấu hiệu của vinh quang.

Niềm hy vọng Phục Sinh của thân xác chúng ta không phải là hão huyền. Chắc chắn chúng ta sẽ chết, bởi vì "thân xác chúng ta đã chết vì tội lỗi" (Rm 8, 10) nhưng "nếu Đức Kitô ở trong chúng ta" và chúng ta ở trong Người với đức tin sống động, thì linh hồn chúng ta sẽ sống bằng sự sống của Thiên Chúa và được tham dự vào sự bất tử của Người.   
Theo gương Đức Giêsu Kitô, Giáo Hội, các Thánh Tông Đồ, các thánh Tử Đạo và các môn đệ Chúa Giêsu theo dòng thời gian đã không thụ động trước những sự dữ. Nhưng ngược lại, các ngài đã dấn thân cách tích cực để biến những đau khổ trong hành trình đời người hiển nhiên phải có và những nỗ lực chết đi cho tội lỗi và nết xấu. Cố gắng sống thánh thiện ngay lành, công chính ngang qua những hy sinh nhỏ bé hằng ngày.
   
Các bậc tiền nhân trong Hội dòng cũng đã để lại cho chúng ta những gương sống thật đẹp, các chị đã không sợ hãi trước những đòi hỏi của Thập Giá, khi mang vác ghánh nặng của Thập Giá các ngài luôn tựa nương vào sức mạnh, sự nâng đỡ nơi Đấng Phục Sinh, để rồi họ luôn có thể nói : “… Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc Thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (x. 2Cr 4,8-10). Và Thánh Anphongsô chia sẻ trãi nghiệm lúc còn trên dương thế “ Khi yêu mến Thiên Chúa trong những đau khổ là chúng ta đang gieo hạt giống tốt cho hạnh phúc Thiên đàng”.
 
Là nữ tu Mến Thánh Giá, chúng ta cùng sẵn sàng đón nhận những đau khổ, những khó khăn trong cuộc sống, chung chia với anh chị em mình trong đại dịch như phương thế hữu hiệu để yêu mến và thông phần với cuộc thương khó của Đức Kitô hầu mang ơn cứu độ cho chính bản thân, mang niềm hy vọng cho anh chị em đang đau khổ, cô đơn  đau đớn vì nhiễm bệnh, vì người thân qua đời…

Chúng ta cùng mang ánh sáng phục sinh bằng những tia hy vọng của lời cầu nguyện và hy sinh khổ chế với lòng yêu mến để chuyển cầu xin ơn chữa lành, ơn bình an cho anh chị em xung quanh như hiến chương mời gọi “ Chị em tự nguyện hoặc chấp nhận những hy sinh hằng ngày, dù nhỏ mọn, âm thầm với ý hướng thể hiện tinh thần yêu mến Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, làm bằng chứng tình yêu lớn nhất dành cho Chúa Cha và anh chị em đồng loại”.( Hc 65/3.).
 
Lời nguyện kết:


Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con vừa chiêm niệm về bài học thiêng liêng mà Chúa dạy chúng con từ những đau khổ trong cuộc sống, trên đường lên Canvê, nơi cái chết đau thương của Chúa. Vẫn còn đó vết thương của roi đòn, vết giáo đâm vẫn còn in đậm trên thân thể Chúa dù Chúa đã vinh quang Phục Sinh. Xin cho con hiểu rằng:  không phải Chúa Phục Sinh để mang hết khổ đau và sự chết, nhưng Chúa Phục Sinh để mặc cho đau khổ và sự chết một ý và nếu chúng con biết mang nơi thân mình cuộc Thương khó của Chúa, thì sự sống của Chúa  mới có thể  được biểu lộ nơi cuộc sống chúng con. Xin cho chúng con kết hợp thâm sâu với Chúa trong cầu nguyện, để trong thinh lặng của cõi lòng, chúng con nghe được tiếng Chúa và cảm nghiệm như thánh Phao “Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày chúng ta cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3:10-11).

Xin giúp chúng con nhờ kinh nghiệm đã trãi qua đau khổ mà chúng con có thể an ủi người khác khi họ gặp khổ đau.“Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời ở thời mai sau ” (2 Cr 4:17). Vì vậy , xin cho con được tình yêu và sức mạnh của Chúa để không phàn nàn, càm ràm vì phải thay đổi điều này, điều kia trong đời sống chung, cả những trái ý, thất bại, rủi ro trong cuộc sống mà sẵn sàng vác thánh giá đời mình trong niềm tin- tình yêu và niềm vui. Amen

 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây