Ngày thứ V Tuần cửu nhật Suy tôn Thánh Giá - năm 2021

Thứ bảy - 04/09/2021 08:04 474 0
 

Để biểu lộ lòng thảo kính đối với Thiên Chúa là Cha, hết lòng ghi ơn đấng sáng lập và tiền nhân, đời sống thánh hiến của mỗi chúng ta cần phải được nuôi dưỡng, củng cố, phát triển toàn diện nơi cộng đoàn qua việc tích cực sống ba chiều kích “ Chiêm niệm, khổ chế, tông đồ”. Vì thế,
Chúng ta cùng bước vào tuần cửu nhật chuẩn bị lễ suy tôn thánh giá trong năm thánh với chủ đề : Người nữ tu Mến Thánh Gía sống tâm tình tri ân trong đời sống cộng đoàn qua ba chiều kích “Chiêm niệm, khổ chế, tông đồ”. 
 
Ngày thứ V Tuần cửu nhật Suy tôn Thánh Giá -  năm 2021

Tâm tình tạ ơn nảy sinh từ phong cách sống đơn sơ, khiêm tốn, tuỳ thuộc và phó thác. “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”(Mt 11, 29). Trong đời sống chung nơi Cộng đoàn và nơi mình phục vụ, để sống khiêm nhường, hiền lành cần sự khổ chế cách quảng đại và bền vững.

Lời nguyện mở đầu :

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Với sáng kiến tuyệt vời trong tấm bánh đơn sơ nhỏ bé, Chúa ẩn thân để đi vào cuộc đời chúng con thật âm thầm, giản dị, đơn sơ. Chúa đến với chúng con không bằng quyền uy mà bằng tình thương của người cha, người thầy, người bạn. Chúa đồng hành với chúng con như một người tôi tớ luôn ân cần chăm sóc, sẵn sàng giúp đỡ chúng con trong khiêm tốn phục vụ. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin giúp chúng con biết mặc lấy tâm tình của Chúa để chúng con cũng có thể cúi xuống mà phục vụ, và sống bác ái với nhau nơi đời sống cộng đoàn. Xin đừng để thói kiêu căng, tự mãn, tự phụ, trên trước làm chủ trong lòng chúng con, khiến chúng con trở thành nô lệ cho sự dữ, sự ác mà đánh mất tình Chúa - tình người nơi đời sống chung.

Lạy Chúa, ngày thứ 5 trong tuần 9 ngày dọn lòng mừng lễ Suy tôn thánh giá hôm nay, Hội dòng mời gọi chúng con suy niệm gương hiền lành và khiêm nhường của Chúa. “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 29). Và sống tâm tình đơn sơ, khiêm tốn, tuỳ thuộc và phó thác vào Chúa nơi đời sống chung trong Cộng đoàn và nơi mình phục vụ. Xin giúp chúng con đừng bao giờ có thái độ kiêu căng, cố chấp để rồi không nhận ra tội lỗi, thiếu sót, bất toàn, khiếm khuyết của mình mà  ở lỳ trong tình trạng tội lỗi. Xin giúp chúng con luôn khiêm tốn nhận ra sự bất toàn của bản thân, để chúng con biết sống cảm thông và tha thứ cho nhau để sẵn sàng cộng tác, chia sẻ, yêu thương nhau trong nếp sống cộng đoàn.

Suy niệm:

“Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”(Mt 11, 29).

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy học nơi Người sự khiêm nhường đích thực. Người đã nên mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta trong suốt cuộc đời trần thế, Người đã khiêm nhường hạ sinh nơi máng cỏ thấp hèn. Dù chẳng mang tội, nhưng Người đã khiêm nhường để cho Gioan Tẩy Giả dìm mình thanh tẩy nơi dòng sông Giođan. Người là Thầy, là Chúa nhưng lại cúi xuống rửa chân cho các môn sinh của mình. Người chỉ im lặng, không một lời kêu thán trước những vu khống, những sỉ nhục, những roi đòn. Người đã khiêm nhường nhận lấy hình phạt ghê rợn nhất của con người là cái chết nhục nhã trên thập giá để cứu chuộc con người.

Nền tảng của sự khiêm nhường là sự biết Chúa và biết mình. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ sống tinh thần khiêm nhường nếu mình không nhận biết sự cao cả vô biên của Thiên Chúa. Chúa ban cho mỗi người ơn đức tin, đức cậy, đức mến và trí khôn, lý trí để có thể nhận biết Người qua vũ trụ, qua Thánh Kinh, qua tha nhân và qua tiếng nói từ bên trong nội tâm mình.

Khiêm nhường là vui lòng đi theo con đường Chúa dành riêng cho mỗi người. “Hãy nên thánh vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 19,2)

Khiêm nhường là dùng những ân huệ Chúa ban để phục vụ tha nhân và cho vinh quang Nước Trời. Khiêm nhường không có nghĩa là tìm cách ẩn núp dưới cái bóng của sự khiêm nhường để thoái thác công việc hay bổn phận với câu nói : “tôi dốt lắm, tôi không biết gì, tôi không làm được,…” Đó là tính lười biếng và kiêu ngạo đội lốt khiêm nhường.

Nếu công việc mục vụ, phục vụ… thành công mĩ mãn, đừng bao giờ mong ước lời khen ngợi vì lời khen ngợi ấy có thể nuôi dưỡng tính kiêu ngạo, có mong ước thì chị, tôi, chúng ta hãy mong ước lời khen ngợi cho vinh quang của Chúa vì nhờ ơn Chúa, chúng ta mới hoàn thành công việc cách tốt đẹp. Xin hãy chỉ tìm vinh quang Chúa chứ đừng tìm vinh danh mình. Nếu tôi đã cố gắng hết sức mà công việc ấy không mấy kết quả gì thì đừng phân bua, đừng bào chữa, đổ lỗi vì lý do này nọ, nhưng hãy khiêm nhường nhìn nhận giới hạn của mình mà cố gắng hơn cùng xin Chúa thêm sức cho trong những công việc tiếp theo.

Người khiêm nhường đích thực chẳng bao giờ ao ước hay chờ đợi lời khen ngợi nhưng chỉ muốn bị lãng quên. Người khiêm nhường không buồn sầu khi không được ca ngợi nhưng vui lòng đón nhận sự lãng quên. Giả sử vào dịp lễ bổn mạng nọ, dịp sinh nhật kia, nhân kỷ niệm khấn dòng của mình mà chẳng ai nhớ đến, chẳng ai quan tâm nói những lời chúc tốt đẹp, chẳng ai tặng quà, trao hoa cũng chẳng có lấy một tin nhắn chúc mừng nào cả…cứ vui lòng đón nhận. Những niềm vui và sự quan tâm bề ngoài ấy làm sao sánh được với sự bình an của trái tim mà Thiên Chúa ban  cho mình khi tôi ao ước bị lãng quên để được nên giống Chúa và để cầu nguyện xin ơn hoán cải cho các tội nhân, xin ơn trở lại cho các tín hữu đang sống xa lìa Chúa…

Điều tôi ao ước là Thiên Chúa được vinh danh, tôi khao khát yêu mến Người, và Người được mến yêu. Điều đó quan trọng hơn bất cứ vinh quang chóng qua ở đời này.
Các cộng đoàn tu sĩ không chỉ là những nhóm cầu nguyện nhưng còn là những cộng đoàn sống hãm mình không chỉ ở bên trong, có tính cách cá nhân, mà còn được bộc lộ bên ngoài, có tính cách cộng đoàn (x. YTCY III, số 28). Đấng sáng lập Dòng đã dạy: Khổ chế nhằm mục đích thông phần vào Hy tế của Đức Kitô và biểu hiện tình yêu cụ thể của ta đối với Người. Để sống tinh thần khổ chế trong vui tươi và sẵn sàng, điều tiên quyết phải có lòng khiêm nhường.

Các bậc tiền nhân của Hội dòng đã âm thầm, khiêm tốn, hiện diện và phục vụ hầu hết ở các xứ đạo xa xôi, nghèo hèn, thiếu thốn nhiều phương tiện, nhưng hiệu quả tông đồ thật lớn lao. Điều gì đã làm nên những sự vĩ đại ấy ? Phải chăng nhờ tinh thần cởi mở, hiền lành, đơn sơ, kính trọng mọi người, sẵn sàng cộng tác, chia sẻ, yêu thương nhau trong nếp sống cộng đoàn ?

Ngày nay chúng ta có nhiều phương tiện, tiện nghi để sống, phát triển và hoạt động     truyền giáo nhưng hiệu quả tông đồ lại yếu kém? Đâu là trăn trở của chúng ta ?

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, đi theo Chúa trong đời sống thánh hiến, cần lắm phải có lòng hiền hậu và khiêm nhường để những niềm vui và nỗi buồn, thất bại và khổ đau không làm chúng con nản chí sờn lòng, nhưng tất cả đều qui về cho tình yêu và vinh quang của Chúa. Xin giúp con không sống ảo tưởng về mình, không qui về mình nhưng tất cả cho Chúa, vì Chúa và trong Chúa. Xin cho chúng con xác tín Chúa luôn ở cùng chúng con. Chỉ nơi Chúa chúng con mới đủ sức chiến thắng cám dỗ, không ở trong Chúa chúng con dễ dàng bị cuốn hút bởi sự năng động và hấp dẫn của thế gian. Chúng con tin rằng, mỗi người đang hiện diện nơi đây, lúc này đã được Chúa yêu thương chọn gọi đi theo Chúa, được sống trong nhà Chúa, ngày ngày kề cận bên Chúa trong cầu nguyện, được sự nâng đỡ của chị em trong Hội dòng, cộng đoàn; được chung chia với nhau một sứ mạng… những điều đó mang lại cho chúng con niềm vui và hạnh phúc. Xin cho chúng con bước đi với Chúa, với chị em bằng một con tim thanh khiết, hân hoan, đầy ắp tình Chúa tình người. Xin lấp đầy con tim nhỏ bé của chị em chúng con bằng tình yêu Chúa mỗi ngày để nhờ tim con đầy ắp tình Chúa, chúng con thuộc về Chúa luôn luôn . Amen


Thực hành: Tập sống giản dị, đơn sơ, khiêm nhường trong Cộng đoàn và trong tương quan giao tế.


 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây