“Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19, 35-42)
Lời nguyện mở đầu :
Lạy Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh.
Chúng con tin Chúa đang ở giữa chúng con trong nhà Tạm, và trong tâm hồn mỗi người. Chúng con xin được tôn thờ yêu mến và chúc tụng Chúa. Chúng con xin trao vào lòng thương xót Chúa mọi thương đau của loài người với những khổ tâm, khổ xác vì sự lan tràn mất kiểm soát của virus corona. Sự tàn phá của cải vật chất và giết chết người hàng loạt của nó, nhiều anh chị em đặt câu hỏi “tại sao?” Tại sao lại có đại dịch này? Tại sao Chúa để cho dịch bệnh xảy ra? Tại sao Chúa không can thiệp khi chúng con kêu cầu…
Lạy Chúa Giêsu,
Cám ơn Chúa đã cho chúng con những phút giây lắng đọng và bình yên này để chiêm ngắm “Chúa Chịu Đóng Đinh và Chịu Chết trên Thập Giá”. Qua cuộc đời và cái chết của Chúa xin cho chúng con và mọi người Kitô hữu biết rằng Con Thiên Chúa đã trải nghiệm và biết hết những đau khổ của phận người và chắc chắn Ngài không bỏ rơi chúng con, và những người không phải Kitô hữu cũng tìm được nơi Chúa gương mẫu cho cuộc sống khó khăn giữa cơn đại nạn nguy hiểm này. Xin cho mọi người nhìn nhận quyền năng của Chúa qua những dấu chỉ yêu thương, sản sẻ, phục vụ nhỏ bé của anh chị em đồng bào, đồng đạo của mình.
Đọc Tin Mừng (Ga 19, 35-42)
Suy niệm:
Nhìn lên Thập Giá, chúng ta thường nhìn thấy Chúa Giêsu với một thân xác trần trụi, một sự đau đớn cả thể xác và tâm hồn. Nhưng hôm nay chúng ta được thánh Gioan mời gọi hãy nhìn hình ảnh của “Đấng, họ đã đâm thâu”, thánh nhân muốn chúng ta nhìn thân thể nát tan và bị đâm thủng của Đức Giêsu do hành động của “họ”, nhìn ra hình dạng thật sự của Tội và Sự Dữ hiện hình nơi Đức Kitô chịu đóng đinh.
Đức Giêsu để cho mình bị treo trên thập giá, được đặt trên đồi cao, thân thể nát tan, chính là để chúng ta nhìn thấy những điều thật hữu hình, thật cụ thể, đập vào mắt loài người. Chúa muốn chúng ta nhìn thấy những gì loài người đã làm cho Chúa, và vẫn còn đang làm cho Chúa qua thân thể của Ngài là những con người bé nhỏ, bất hạnh, bị bỏ rơi, chịu thiệt thòi vì hoàn cảnh, phải chịu thương đau ngay khi sinh ra (mù, điếc, khiếm khuyết, tâm thần), người nghèo, người vô tội, người bị nhiễm bệnh covid…
Thánh Phaolô đã từng nói, Ngài tự nguyện trở nên “giống như thân xác tội lỗi” (Rm 8, 3) ; và Ngài “đồng hóa mình với tội” (2Cr 5, 21 và Gl 3, 13).
Bản chất sự tội là ẩn giấu, che đậy, có khi còn trá hình dưới nhiều hình thức nên khó nắm bắt.
Thánh Giá Đức Kitô mặc khải cho loài người chúng ta hình dạng thật của Tội.
Chúng ta được mời gọi nhìn lên Đấng chịu đâm thâu để thấy, cảm nghiệm thế này:
- Thân thể nát tan , da thịt bầm tím sưng tấy cùng với những giọt máu rỉ ra vì roi đòn, kết quả của lòng ghen ghét, của sự phản bội, của sự bất trung, và sự bất công của vụ án gian dối.
- Đầu đội mạo gai, Chiếc mão gai nói lên sự đau đớn tột cùng nó còn diễn tả sự nhạo báng nhiều hơn là diễn tả về sự đau đớn. Quân lính La-mã 'kết một chiếc mão gai và đội trên đầu Ngài…Chúng quỳ rước mặt Ngài, nhạo báng rằng: "Lạy Vua dân Do Thái” (x. Ga 19-2-5).
- Chân tay bị đóng ghim vào thánh giá gỗ, cho thấy con người tàn bạo dã man không còn nhân nhân tính, hành động theo thú tính.
- Lưỡi đòng đâm thấu con tim, máu cùng nước chảy ra : bạo lực của con người đã đi tới tận cùng, và tất yếu là như vậy. Sự dữ luôn muốn đi tới tận cùng.
Ngắm nhìn Thập Gía Chúa Giêsu chúng ta thấy sự dữ và tội lỗi con người đã dành cho con người và cho Con Thiên Chúa.
Tiếp tục ngắm nhìn thập giá để thấy rằng đây là dụng vụ đế quốc Rôma dùng để thi hành công lí của Lề Luật. Đây là hình phạt tiêu biểu mà Lề Luật dành cho người phạm trọng tội. Vì thế, thập giá là biểu tượng cho công lí của con người.
Nhưng, người chịu đóng đinh là chính Đức Giêsu, Đấng hoàn toàn vô tội, Đấng công chính hoàn hảo; vì thế, cho chúng ta hiểu thêm về bản chất của con người, sự công chính của con người chỉ là gian dối, giả tạo và ở bề ngoài.
Thập Giá mời gọi chúng ta không kết tội cho dù Sự Dữ ngang qua những con người cụ thể kết tội Chúa, vì Chúa vô tội, và cũng không kết tội loài người và chính mình, để con người hiểu rằng Chúa phải “ chịu tội” thay cho chúng ta.
Chúng ta cũng không kết tội bản thân mình và những người khác; không “kết tội” cũng có nghĩa là không kêu trách, than van, càm ràm cả Chúa, nhất là trong lúc này khi chúng ta, những người thân yêu trong gia đình mình, gia đình nhân loại và quê hương Việt Nam đang gặp tai họa kinh khủng từ con virus vô hình.
Kết tội tự nó là điều dữ. Khi kết tội Đức Kitô, Sự Dữ bị lộ nguyên hình, trong mức tội ở nơi người kết tội, chứ không phải nơi người bị kết tội.
Nơi cuộc Thương Khó của Đức Giêsu, Người đã mang tội lỗi cho loài người vào lòng bao dung, thương xót …Đức Giêsu trên thánh giá mời gọi chúng ta đừng kết tội mình và kết tội nhau : “Trong Đức Ki-tô, không còn lên án nữa” (Rm 8, 1)
Chúng ta vừa chiêm ngắm Đức Giêsu trên Thánh giá và thấy rõ sự thật về tội lỗi và sự dữ, chúng ta vẫn biết nguyên nhân xảy ra dịch bệnh và hậu quả của nó?
Chúng ta được mời gọi nhìn lên Đấng Chịu Đinh với lòng tin để đón nhận ơn tha thứ và cầu mong được chữa lành.
Ngắm nhìn Thập Giá Đức Kitô, chúng ta được mời gọi cảm nghiệm tình yêu nhưng không và thương xót của Thiên Chúa, một tình yêu có thể chịu đựng mọi tội lỗi của con người đến chết trên Thập Giá.
Ngắm nhìn Thập Giá, Chúa cho con người trong nhân loại và riêng đối với mỗi người chúng ta nhìn ra bản chất của Tội và cho ta biết Ngài không lên án con người, Ngài muốn cứu sống con người.
Thiên Chúa không thể tha thứ mà không đồng thời chữa lành cho con người, Ngài giúp con người nhìn ra tội và ban ơn thống hối. “Đừng sợ! Tôi đâu có thay quyền Thiên Chúa! Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt, để thực hiện điều xảy ra hôm nay, là cứu sống một dân đông đảo.” (St 50, 19-20) lời này trong câu chuyện của anh em nhà Giuse sách Sáng Thế ghi lại.
Chiêm ngắm Thập Giá Đức Kitô, Ngài nói với chúng ta: Hãy sống công chính, nên hoàn thiện không phải nhờ giữ Luật, nhưng nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô, “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. Tôi không làm cho ân huệ của Thiên Chúa ra vô hiệu, vì nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hóa ra Đức Kitô đã chết vô ích. ( Gl 2, 20-21).
Như thế, Đức Giêsu chịu đóng đinh nói gì với chúng ta giữa khó khăn của đại dịch?
“Thiên Chúa không bao giờ là nguyên nhân của sự dữ, dù là trực tiếp hay gián tiếp, Ngài làm sáng tỏ sự dữ nhờ con Ngài là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại để chiến thắng nhờ sự luân lý to lớn là tội lỗi của con người, nguồn gốc của mọi sự dữ”. (TYGL-Số 324)
Chúng ta hãy tin vào Thiên Chúa, Đấng chúng ta hiểu biết và yêu mến Ngài, là Đấng giàu lòng thương xót “Cây lau bị dập Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lắt chẳng nỡ tắt đi”, phương chi là cả nhân loại đang đau khổ, tuyệt vọng vì thảm họa của đại dịch hiện nay.
Với đức tin, ta có thể nói, cơn đại dịch là dấu chỉ của lòng thương xót mà Thiên Chúa biểu lộ cho nhân loại. Hãy đọc ra dấu chỉ của lời cảnh tỉnh từ nơi Thiên Chúa mà sám hối canh tân. Đừng níu kéo sự dữ, đừng tìm cách che giấu tội lỗi nhưng hãy bày tỏ tâm tình của thống hối và tín thác nơi lòng thương xót của Chúa.
Cầu mong cho nhân loại này biết quay về với nguồn cội Chân-Thiện-Mỹ.
Đức Kitô Chúa chúng ta đã “ Hoàn Tất Mọi Sự” trong mầu nhiệm Vượt Qua. Xin Chúa cũng hãy hoàn tất mọi sự trong cuộc đời của từng người chúng con, bằng tình yêu và lòng thương xót đến cùng của Người.
Lời nguyện kết:
Lạy Chúa Giêsu yêu mến, tạ ơn Chúa đã cho chúng con thêm cơ hội để chiêm ngắm Chúa trên thánh giá, nhìn ngắm và nhận ra tội lỗi và sự dữ con người đã dành cho Chúa và cho nhau cho đến lúc này. Nhân loại đang quằn quại trong lo âu của sợ hãi, chết chóc vì sự dữ lan tràn. Chúng con xin phó thác tất cả cho lòng thương xót Chúa và tha thiết xin Chúa tha thứ tội lỗi của chúng con và cả nhân loại.
Nhờ lời chuyển cầu của hiền mẫu Maria, xin cho chúng biết lắng nghe, suy gẫm và sống Lời Chúa, để chúng con có thể đi theo Người đến cùng, đến tận chân Thập Giá và đứng vững cùng với Mẹ.
Trong niềm tin yêu hy vọng Chúa sẽ dẫn dắt nhân loại đi trong chân lý để mỗi người tín hữu luôn vững vàng tuyên xưng “ Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến !” Amen