Thập giá Chúa Giêsu – nguồn mạch sự sống

Thứ hai - 23/08/2021 23:10 714 0
 
download (5)


 
THẬP GIÁ CHÚA GIÊSU, NGUỒN MẠCH SỰ SỐNG


Lời nguyện mở đầu:

 
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng con cám ơn Chúa đã thương cho chúng con được sống đến giờ phút này. Chúng con xin xưng tụng Chúa là Cha. Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con Đức Giêsu con một yêu dấu của Chúa, để nhờ Người, với Người và trong Người chúng con được sống được hiện hữu và được cứu độ.
  
Lạy Chúa Giêsu là nguồn mạch sự sống và là hạnh phúc của chúng con, vì yêu Chúa Cha và yêu nhân loại chúng con Chúa đã hy sinh làm người, chấp nhận kiếp sống mong manh và đón nhận cái chết đau thương trên thánh giá để chuộc lỗi cho loài người.Và cũng vì tình thương nhân loại Chúa tiếp tục hiến tế chính mình để nên nguồn mạch sự sống vĩnh cửu cho chúng con qua Mình và Máu Thánh Chúa nơi Thánh lễ mỗi ngày.

Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần cho chúng con để nhờ Ngài hướng dẫn chúng con biết thưa lên với Cha:  Cha ơi, Con yêu mến và muốn thuộc về Đức Giêsu con Cha trong mọi khoảnh nhắc đời mình và xin  cho chúng con nhìn nhận mình là kẻ có tội để luôn sống khiêm tốn tín thác vào tình thương và sự quan phòng của Cha luôn luôn.


Suy Niệm:

 
Được mời gọi dấn bước theo Chúa Giêsu trên con đường thánh giá, người môn đệ không thể nào tách mình ra khỏi sự liên hệ với Chúa.
 
Tin Mừng theo thánh Gioan, Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho và ngành nho, để diễn tả mầu nhiệm hiệp thông giữa Ngài và các môn đệ: Cũng như cành nho không tự mình sinh hoa trái, nếu không kết hợp với cây nho. Các con cũng vậy, nếu các con không ở trong Ta. “Thầy là cây nho, chúng con là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thì sẽ mang lại nhiều hoa trái, vì tách lìa ra khỏi Thầy, các con không thể làm gì được”.(Ga 15,4-5).
 
Chúa Giêsu là nguồn mạch của cuộc sống và sứ mệnh của chúng ta. Nếu chúng ta không kết nối mật thiết với Ngài, chúng ta không thể chu toàn sứ mệnh và cả những nỗ lực sống làm việc của mình không có ý nghĩa. Không sống trong sự hiện diện và đặt cùng đích đời mình dưới sự hướng dẫn và thúc đẩy của  Đức Kitô - nguy cơ những hoạt động của người Tông Đồ sẽ bị biến thành dụng cụ tìm kiếm chính mình hoặc các tư lợi ích kỷ… các tiêu chuẩn Tin Mừng sẽ biến mất, những dấn thân của người Tông Đồ sẽ bị nghi vấn. Sợ rằng đám đông dân chúng không còn nhận ra đâu là sứ giả của Thiên Chúa, đâu là điều đáng tin cậy trong những hoạt động mang Tin Mừng cứu độ của Giáo Hội Chúa.
 
Vì vậy, điều thiết yếu trong sứ mạng của người Tông Đồ từ các Kitô hữu sống giữa đời và những người sống đời tận hiến là phải sống trong Chúa, sống cho Chúa và vì Chúa để cuộc sống của mỗi người luôn gắn kết thân tình với Đức Giêsu và giữ mãi mối hiệp thông tình yêu với Ngài.
  
Cuộc gặp gỡ thân tình với Đức Giêsu trong cầu nguyện sẽ biến đổi tâm hồn chúng ta theo từng nhịp đập nơi con tim của Chúa Giêsu Kitô. Tuy nhiên, cần hiểu rõ là sống gần Chúa không có nghĩa là bỏ mặc anh chị em xung quanh với những vấn đề của họ, nhưng nhờ sống trong Chúa mà chúng ta có thể nhìn thế giới với đôi mắt của Chúa và yêu thương thế giới với con tim của Chúa.

Như thế, khi sống trong Chúa - với Chúa -  vì Chúa trong sự thân tình với Ngài sẽ giúp chúng ta quan tâm và phục vụ anh chị em một cách trung thực hơn.

Thánh Phaolô vị tông đồ dân ngoại đã có kinh nghiệm sống với Chúa và tình yêu dành cho Đức Giêsu đã nêu gương cho chúng ta. Lòng hăng say tông đồ của ngài phát sinh từ tâm hồn say mến Chúa Giêsu. Nhiều lần ngài đã tâm sự với những người con tinh thần của ngài :
  
 - Đối với tôi, sống chính là Chúa Giêsu (Pl 1,21).

 - Không còn phải là tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi (Gl 2,2).

  - Tình yêu của Chúa Kitô thúc đẩy chúng tôi (2C 5,14).

  - Tôi biết Đấng tôi tin tưởng (2Tm 1,12).

 - Ai có thể chia lìa chúng ta khỏi tình yêu của Chúa Kitô? Các cơn thử thách ư? Sự lo âu, các cơn bách hại ư? Đói kém? Trần truồng? Nguy hiểm? Gươm giáo?… Tôi chắc chắn một điều là dù sự chết, dù mạng sống, dù các thiên thần, dù hiện tại, dù tương lai, dù các quyền lực, dù trời cao, dù vực thẳm, dù bất cứ một thụ tạo nào, không gì có thể chia cách chúng ta khỏi tình yêu chủa Thiên Chúa được mạc khải trong Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta (Rm 8,35-39).
  
Con người của thánh Phaolô rất sâu sắc, được xây dựng trên một nền tảng duy nhất là tình yêu mà thánh nhân dành cho Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu là trung tâm cuộc đời của thánh nhân. Chúa Giêsu là sức mạnh nâng đỡ, khích lệ , ban nguồn sinh lực cho thánh nhân trong hành trình tìm kiếm và truyền giảng chân lý Tin Mừng. Chúng ta không thể hiểu được thánh Phaolô, nếu chúng ta tách rời ngài khỏi Chúa Giêsu. Tất cả cuộc đời thánh Phaolô hướng về Chúa Giêsu. Thánh Phaolô là người say mê Chúa Giêsu.  Nhưng đây không phải là một thứ say mê tình cảm, mà là tình yêu đích thực, là kết quả của một đức tin xác tín mạnh mẽ Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng cứu thế duy nhất của nhân loại. Chính vì vậy mà thánh Phaolô đã trung thành với Chúa Giêsu trong mọi hoàn cảnh, dù thử thách, dù gian nguy, dù bị bách hại… “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỵ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào,chiều cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta. (x. Rm 8, 35-39).
   
Lòng say mê yêu mến Chúa Giêsu nơi thánh Phaolô được biểu lộ qua các thư của ngài. Ngài là một người biệt phái, một tiến sĩ luật, một nhà trí thức. Đó là những tước hiệu đem lại vinh dự và vinh quang. Tuy nhiên, thánh Phaolô không dựa vào những tước hiệu đó và không giới thiệu mình với tước hiệu này. Trái lại, ngài luôn tự giới thiệu dưới những tước hiệu sau đây: Phaolô, môn đệ Chúa Giêsu; Phaolô, tông đồ của Chúa Giêsu; Phaolô, tôi tớ của Thiên Chúa; Phaolô, tù nhân của Chúa Giêsu. Có thể nói: Chúa Giêsu là thư giới thiệu, là thẻ căn cước của ngài; Chúa Giêsu là cuộc sống của ngài. Chúa Giêsu là tiêu chuẩn quyết định cho mọi chọn lựa của ngài.
    
"Trong khi người Do Thái đòi các phép lạ, người Hy Lạp tìm kiếm các sự khôn ngoan, thì chúng tôi rao giảng Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, một nhục mạ đối với người Do Thái, và là sự điên rồ đối với người Hy Lạp; nhưng đối với những người được kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, thì Chúa Kitô là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa" (1Co 1,22-24). "Khi đến nơi anh em, tôi không muốn biết gì hơn là Chúa Giêsu Kitô, Đấng chịu đóng đinh" (1Co 2,2).

Theo gương thánh Phao-lô, chúng ta những người mang danh hiệu “mến thánh giá”. Câu tâm niệm “ Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con” mà chúng ta đọc hằng ngày vẫn nhắc nhở mình về điều gì nếu không phải là, mỗi người đã thuộc về Đức Kitô, không có gì tách tôi ra khỏi lòng yêu mến dành cho Người.
  
Điều này còn giúp mỗi người ý thức sâu sắc và rõ ràng về việc gắn kết đời mình với Đức Kitô và để Người chi phối, hướng dẫn mọi hoạt động của chúng ta. Khi tham gia những hoạt động đa dạng của Hội dòng dù âm thầm lặng lẽ hay hoành tráng tưng bừng ở bên ngoài và ngay khi phải chấp nhận những đau yếu của tuổi già hoặc phải mang bệnh tật dù còn rất trẻ đều được gắn liền với sứ vụ của Đức Kitô cách sâu xa trong công trình cứu độ của Người do hồng ân thánh hiến.

Vì thế, chúng ta cùng gắn kết đời mình thân tình với Đức Giêsu Kitô để Người tiếp tục hoạt động trong chúng ta trong mọi hoàn cảnh và sứ vụ của mỗi người. Có như thế đời sống của người sống đời tận hiến mang danh Đức Kitô tiếp tục mang nguồn sống cho con người trong thế giới hôm nay nhất là trong tình hình dịch bệnh ngày càng trở nên nguy hiểm.

Lời nguyện kết :

  
Lạy Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh lòng con mến yêu, xin hãy cất xa khỏi tâm trí, cõi lòng những gì làm chúng con xa lìa Chúa. Xin giải thoát khỏi mỗi người  những thấp hèn, tầm thường của kiếp nhân sinh để giúp con đến gần Chúa hơn. Xin cải hóa con khỏi cái tôi ích kỷ, nhỏ nhen để hiến trọn thân con cho Chúa. Xin bến đổi con trở thành chứng nhân cho tình yêu Chúa mọi nơi và mọi lúc. Chúa đã "trở nên nô lệ cho tất cả", "trở nên hoà đồng với tất cả để bằng mọi giá cứu vớt tất cả", Xin giúp con cũng biết đóng góp phần nhỏ bé của mình trong ngày sống để trong Chúa, với Chúa vì Chúa chúng con cũng trở nên tất cả cho mọi người. Amen

 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây