Giáo lý về Thánh Giuse: Bài 12. Thánh Giuse quan thầy Giáo hội hoàn vũ
Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
2022-02-17T00:34:43-05:00
2022-02-17T00:34:43-05:00
https://hoidongmtgquinhon.org/giao-hoi/giao-ly-ve-thanh-giuse-bai-12-thanh-giuse-quan-thay-giao-hoi-hoan-vu-1027.html
https://1.bp.blogspot.com/-xhqvsFgOlcY/Yg2yM_6KSAI/AAAAAAAAHww/9pBelGhai1MN2YSJY1jY1ijTugbslQClQCNcBGAsYHQ/s16000/papa.jpeg
MẾN THÁNH GIÁ QUI NHƠN
https://hoidongmtgquinhon.org/uploads/logonew.png
Trong bài giáo lý cuối cùng về Thánh Giuse, sáng thứ Tư ngày 16/02/2022, Đức Giáo hoàng Phanxicô giải thích tước hiệu "Thánh Giuse quan thầy của Giáo hội". Việc Thánh Giuse có nhiệm vụ bảo vệ Chúa Giêsu và Mẹ Maria là sự kiện nổi bật. Thiên Chúa đã trao cho Thánh Giuse, như đã thực hiện với Đức Maria, qua đó Thiên Chúa đã nhìn thấy nơi ngài một người chồng yêu thương và kính trọng, luôn chăm sóc Mẹ và Hài Nhi. Theo nghĩa này “Thánh Giuse không thể không là người bảo vệ của Giáo hội, bởi vì Giáo hội là Nhiệm thể nối dài của Chúa Kitô trong lịch sử.
Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúng ta kết thúc loạt bài giáo lý về Thánh Giuse. Những bài giáo lý này bổ sung cho Tông thư Patris Corde, được viết nhân kỷ niệm 150 năm, ngày Chân phước Piô IX tuyên bố Thánh Giuse là quan thầy của Giáo hội Công giáo. Nhưng tước hiệu này có ý nghĩa như thế nào? Thánh Giuse là “quan thầy Giáo hội” nghĩa là làm sao? Hôm nay tôi muốn cùng anh chị em suy tư về vấn đề này.
Trong trường hợp này các Tin mừng cung cấp cho chúng ta chìa khóa để đọc chính xác hơn những tước hiệu trên. Thực ra, ở cuối mỗi biến cố chúng ta thấy Thánh Giuse như là nhân vật chính, Tin mừng ghi nhận việc ngài mang Hài Nhi và Mẹ của Người đi theo và thực hiện điều mà Thiên Chúa đã truyền lệnh cho ngài (x. Mt 1,24; 2,14.21). Cho nên, việc Thánh Giuse có nhiệm vụ bảo vệ Chúa Giêsu và Mẹ Maria là sự kiện nổi bật. Ngài là người bảo vệ chính của các đấng: “thật vậy, Chúa Giêsu và Đức Maria là kho tàng quý giá nhất của đức tin chúng ta” (Tông thư Patris corde, 5), và kho tàng này được Thánh Giuse gìn giữ.
Trong kế hoạch cứu rỗi người Con không thể tách rời khỏi Mẹ, khỏi đấng “đang tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin và trung thành lưu giữ sự kết hợp của mình với Con cho đến trên thập giá” (LG, 58), như Công đồng Vatican II đã nhắc nhở chúng ta.
Theo một nghĩa nào đó, Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse là tế bào nguyên thủy của Giáo hội. Chúa Giêsu vừa là Người vừa là Thiên Chúa, Đức Maria là đồ đệ đầu tiên và là Mẹ; và Thánh Giuse là người bảo vệ. Cả chúng ta nữa “chúng ta luôn phải tự hỏi mình, liệu chúng ta có dùng hết sức lực để bảo vệ Chúa Giêsu và Mẹ Maria, những người được giao phó cách mầu nhiệm cho trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ của chúng ta không” (Patris corde, 5). Ở đây có một dấu vết rất tuyệt vời của ơn gọi kitô hữu: đó là bảo vệ. Bảo vệ sự sống, bảo vệ sự phát triển nhân loại, bảo vệ khối óc và con tim con người, bảo vệ công việc con người. Chúng ta có thể nói rằng, người tín hữu giống như Thánh Giuse: phải bảo vệ. Là người kitô hữu không chỉ lãnh nhận đức tin, tuyên xưng đức tin mà còn bảo vệ sự sống, sự sống của chính mình, của người khác, sự sống của Giáo hội. Con của Đấng Tối Cao đã xuống trần gian trong thân phận của người yếu đuối nhất: Chúa Giêsu đã sinh ra như vậy, rất nhỏ bé, yếu đuối. Ngài cũng cần được bảo vệ, che chở, chăm sóc. Thiên Chúa đã trao cho Thánh Giuse, như đã thực hiện với Đức Maria, qua đó Thiên Chúa đã nhìn thấy nơi ngài một người chồng yêu thương và kính trọng, luôn chăm sóc Mẹ và Hài Nhi. Theo nghĩa này “Thánh Giuse không thể không là người bảo vệ của Giáo hội, bởi vì Giáo hội là Nhiệm thể nối dài của Chúa Kitô trong lịch sử và đồng thời trong tư cách làm mẹ Giáo hội đã phác họa tình mẫu tử của Đức Maria. Thánh Giuse vẫn tiếp tục bảo vệ Giáo hội, tiếp tục bảo vệ Hài Nhi và Mẹ của Người, và cả chúng ta nữa, khi yêu mến Giáo hội là chúng ta tiếp tục yêu mến Hài nhi Giêsu và mẹ Người” (Patris corde số 5).
Hài Nhi này là Đấng sẽ nói: “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” ( Mt 25,40). Vì thế, những người đói khát, ngoại kiều, người di cư, không quần áo, đau yếu, tù đày là “Hài Nhi” mà Thánh Giuse chăm sóc. Chúng ta được mời gọi để chăm sóc những người này, là anh chị em của chúng ta, như Thánh Giuse đã làm. Cho nên, Thánh Giuse được khẩn cầu như người bảo vệ cho tất cả mọi người túng thiếu, lưu vong, đau khổ và thậm chí những người sắp qua đời – như đã nói trong bài giáo lý thứ tư tuần trước. Và chúng ta cũng phải học từ Thánh Giuse để “bảo vệ” những tài sản này: yêu mến Hài Nhi và Mẹ của Người; yêu mến các Bí tích và dân của Thiên Chúa; yêu mến những người nghèo và giáo xứ của chúng ta. Mỗi thực tại này luôn là Hài Nhi và Mẹ của Người (x. Patris corde, số 5). Chúng ta phải bảo vệ, vì qua điều này chúng ta bảo vệ Chúa Giêsu, như Thánh Giuse đã làm.
Thời đại ngày nay, người ta chỉ trích Giáo hội, nhấn mạnh những điểm mâu thuẫn của nó - có rất nhiều -, đó là chuyện thường tình, nhấn mạnh những tội lỗi, mà trong thực tế đó là những mâu thuẫn của chúng ta, những tội lỗi của chúng ta, bởi vì từ lâu Giáo hội đã là dân tội lỗi, gặp được lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta hãy tự hỏi lòng mình, chúng ta có yêu mến Giáo hội như Giáo hội là không. Dân Thiên Chúa trong cuộc lữ hành với nhiều giới hạn, nhưng cũng với khát khao phục vụ và yêu mến Thiên Chúa. Thật vậy, chỉ có tình yêu mới đem lại cho chúng ta khả năng nói lên sự thật toàn vẹn, bằng cách không thiên vị; nói ra những điều không đúng, nhưng cũng để nhận ra tất cả những gì tốt lành và thánh thiện đang hiện hữu trong Giáo hội, bắt đầu từ Chúa Giêsu và Mẹ Maria.
Yêu mến Giáo hội, bảo vệ Giáo hội và cùng bước đi với Giáo hội. Nhưng Giáo hội không phải là một nhóm nhỏ gần gũi với linh mục và điều khiển tất cả mọi người. Không! Giáo hội gồm tất cả chúng ta, tất cả mọi người.
Trên cuộc hành trình, hãy bảo vệ lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Sau đây là một câu hỏi hay: Khi tôi có vấn đề với ai đó, tôi cố gắng bảo vệ người đó hay lập tức tôi lên án họ, nói xấu họ, hủy diệt họ? Chúng ta phải luôn bảo vệ!
Anh chị em thân mến, tôi khuyến khích anh chị em hãy nài xin sự chuyển cầu của Thánh Giuse trong những lúc khó khăn nhất của cuộc đời mình và cộng đoàn của mình.
Ở nơi mà mọi lỗi lầm của chúng ta trở thành gương mù, chúng ta hãy xin Thánh Giuse lòng can đảm để thực thi chân lý, để cầu xin sự tha thứ và để khiêm tốn bắt đầu lại.
Ở nơi mà sự bách hại ngăn cản việc loan báo Tin mừng, chúng ta hãy cầu xin Thánh Giuse ban thêm sức mạnh, sự kiên nhẫn để có thể chịu đựng sự hành hạ và đau khổ vì tình yêu Tin Mừng.
Ở nơi thiếu thốn phương tiện vật chất và nhân lực khiến cho chúng ta cảm thấy nghèo khó, nhất là khi chúng ta được kêu mời phục vụ cho người yếu hèn nhất, không được bảo vệ, cho kẻ mồ côi, cho người đau yếu, người bị bỏ rơi trong xã hội, chúng ta hãy cầu nguyện với Thánh Giuse để ngài trở thành sự Quan Phòng cho chúng ta. Biết bao nhiêu vị thánh đã hướng về ngài! Trong lịch sử của Giáo hội, biết bao nhiêu người đã tìm đến ngài như một vị thánh quan thầy, một người bảo vệ, một người cha.
Chúng ta hãy bắt chước họ, và vì vậy, tất cả chúng ta, hôm nay cùng cầu nguyện; chúng ta nguyện xin Thánh Giuse bằng lời kinh mà tôi đề nghị ở cuối Tông thư Patris corde, bằng cách phó dâng cho ngài những ý định của chúng ta, cách đặc biệt là Giáo Hội đang đau khổ và đang bị thử thách. Và bây giờ, anh chị em đã có trong tay kinh này bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, tôi nghĩ là có bốn ngôn ngữ, và tôi tin rằng nó cũng sẽ được chiếu trên màn hình để đọc chung, mỗi người bằng ngôn ngữ của mình, có thể cầu nguyện với Thánh Giuse.
Kính chào Đấng Gìn giữ Đấng Cứu Thế,
Bạn hôn phu của Đức Trinh Nữ Maria.
Chúa đã trao Con Một của Chúa cho ngài;
Mẹ Maria đã tin tưởng vào ngài;
Chúa Kitô đã lớn lên thành người cùng với ngài.
Lạy Thánh Giuse diễm phúc,
xin cũng hãy tỏ ra ngài là cha của chúng con
và hướng dẫn chúng con đi trên đường đời.
Xin giúp chúng con đón nhận ân sủng, lòng thương xót và lòng can đảm,
và xin bảo vệ chúng con khỏi mọi sự dữ. Amen.