Buổi sáng chủ nhật hôm nay cũng như những sáng chủ nhật khác trong năm, cũng khuôn viên của nhà cơm Cộng đoàn Nhà Mẹ, cũng khuôn mặt quen thuộc của gần 100 chị em khấn sinh, thế nhưng chẳng biết sao vẫn có cảm giác như căn phòng này chật chội và người như đông hẳn lên. À! thì ra những ngày này trong thời gian dịch Covid 19, các Giáo xứ ngừng sinh hoạt tôn giáo tập trung nên các chị nữ tu trong Cộng đoàn không phải đi dạy giáo lý tại các Giáo xứ vào sáng chủ nhật để đảm bảo an toàn cho sức khỏe cộng đồng và giúp cho việc phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Đông đúc là đúng rồi.
Đang loay hoay bên khu vực rửa chén của Cộng đoàn, bỗng nghe tiếng gọi í ới của chị quản lý Cộng đoàn: “Chính ơi, Chính ơi!..., em ra bến xe nhận giùm chị 4 bao bơ của chị em Cộng đoàn Xã Đoài gởi về. Hôm nay chị bận công việc không đi được”.
Nhận 4 bao bơ trong mùa dịch Covid này với Cộng đoàn Nhà Mẹ thật là niềm vui và đáng quý vô cùng. Nhà đông con, hơn nữa mấy tháng nay Cộng đoàn đã nghỉ dạy trẻ, phải tiết kiệm trong những khoản chi phí, nếu không tình hình dịch kéo dài, khó khăn, chật vật là điều đương nhiên. Trong tình cảnh như thế, hễ ai cho rau củ, trái cây, lương thực, thực phẩm nhằm giúp cho chị em có đủ sức khỏe làm việc và chống chọi giữa cơn dịch thì chị em không ngại khổ, ngại khó mà đi lấy ngay lập tức.
“Chính ơi, chị Vy Thảo nhờ em ra bến xe lấy 4 bao bơ kìa”! Nguyễn Hòa nói khi thoáng thấy bóng Nguyễn Chính đi ngang qua.
Chưa hình dung được mấy bao bơ được gởi từ Cộng đoàn Xã Đoài- Đăk Nông về thuộc “hàng tạ hay hàng chục kilôgam”, Nguyễn Chính cố quan sát nhìn từ các hướng để tìm những chị em có vẻ “dầm sương dãi nắng” một chút, người mà có thể khiêng những bao bơ lên xe. Bên góc nhà, chị quản lý đưa mắt nhìn một nhóm chị em đứng cạnh cửa nhà cơm và tìm kiếm điều gì đó. Đến bên cạnh, Nguyễn Hòa hỏi: “Chị Thảo, nếu chị bận việc thì để em đi với các em cho”!
Vui vẻ, chị quản lý nói: “Vậy chị đi giùm em, em đưa tiền cho chị trả tiền cước phí vận chuyển, 4 bao trả cho họ 200.000 đồng...”. Cầm 200.000 đồng trong tay, tự nhiên vẫn có cảm giác thiếu hụt gì đó, Nguyễn Hòa mới hỏi lại: “Ủa Thảo! Tiền cước 4 bao là bao nhiêu? Bấy nhiêu có đủ không?”
“Đủ đó chị! Em đi nhận mấy hôm trước, nhà xe lấy tiền cước vận chuyển là 50.000 đồng/bao với tuyến đường từ Đăk Lăk về Quy Nhơn, đoạn đường từ Đăk Nông về Đăk Lăk đã có chị em Cộng đoàn Xã Đoài trả rồi”. Chị quản lý trấn an.
Cầm 200.000 đồng trong tay và tin tưởng câu trả lời chắc nịch của chị quản lý rồi, Nguyễn Hòa yên tâm mà không suy nghĩ thêm điều gì.
Minh Trân đánh xe 7 chỗ từ từ di chuyển trong Đại sảnh ra trước sân để chờ “đội quân đi khiêng bơ” bước lên xe. Cánh cửa xe mở ra, Minh Trân cố ngoảnh mặt lại để nhìn cho rõ khuôn mặt của “3 cô nương” có nhiệm vụ ra bến xe khiêng bơ lên xe và chở về. Toàn là những khuôn mặt quen thuộc: Nguyễn Hòa, Tuyết Oanh, Nguyễn Chính. Thế là “tứ đại cô nương” cũng đến nơi, dừng xe trước chiếc xe khách đang đỗ và hàng hóa được bốc dỡ xuống đã xong, đang chờ giao cho người gởi hàng. 4 chị em tiến đến và liên hệ với tài xế xe, đọc số điện thoại người nhận và nhận dạng 4 bao bơ có ghi tên của chị em mình. Quay sang bác tài xế, Nguyễn Hòa hỏi cước phí vận chuyển 4 bao bơ và được bác phụ xe trả lời: “70.000 đồng/bao”. Vậy là 4 bao bơ của mình phải trả cước phí 280.000 đồng, mà trong tay mình cầm chỉ có 200.000 đồng, sao đủ đây? Nguyễn Hòa suy nghĩ.
Tiến đến xe 7 chỗ của Nhà dòng, Nguyễn Hòa hỏi: “Trân, em có mang tiền không, cho chị mượn 80.000 đồng?”
“Em không có mang đồng nào chị ơi”. Minh Trân đáp.
Cả 4 chị em lục lọi hết trong các túi áo nhưng không ai có một xu dính túi. Tất cả họp bàn trên xe, phải làm sao đây để đủ tiền trả cho người ta. Minh Trân đưa ra ý kiến: “hay là chị Hòa xin chú cho mình nợ 80.000 đồng, lần sau mình trả”.
“Không được, ngại lắm, ai mà tin mình. Biết lần sau các chị có dịp gởi nữa không mà xin nợ. Nhưng ở giữa bến xe này biết có ai quen đâu mà mượn tiền”. Nguyễn Hòa đáp lại.
Tình thế quả là căng, chẳng còn cách nào khác, 4 chị em dẫn nhau đến bên chú phụ xe và hỏi: “Chú ơi, mấy hôm trước các Soeurs kia đến nhận hàng chú lấy tiền cước có 50.000 đồng/bao, sao hôm nay chú lấy 70.000 đồng/bao vậy?”
Chú nhà xe ôn tồn nói: “Bao hàng hôm nay lớn hơn mọi ngày khác, nên không thể tính 50.000 ngàn đồng/bao được Soeurs ơi!”.
4 chị em năn nỉ: “Nhưng chúng con chỉ mang theo có 200.000 đồng, chú lấy cước phí 280.000 đồng, chúng con không có để trả”.
Nhìn khuôn mặt tội nghiệp của 4 cô nương, chú phụ xe đành nói: “Thôi các Soeurs đưa 200.000 đồng cũng được, chứ lẽ ra phải 280.000 đồng”. Nghe đến câu đó, cả 4 chị em cảm thấy vui mừng, nhẹ nhõm như vượt qua được cửa ải. Chiêu năn nỉ này cũng có hiệu quả tức thì. Tạ ơn Chúa!
4 chị em xúm xít để khiêng 4 bao bơ lên xe, nhưng chẳng biết những bao bơ này bao nhiêu kilôgam bên trong mà sao nặng quá vậy, 3 người không thể khiêng lên nỗi. Dựng đứng lên cũng có thể gần bằng chiều cao của chị em, nặng là đúng! 4 chị em đang loay hoay tìm cách để khiêng 4 bao bơ lên xe, bỗng một anh thanh niên lạ mặt dừng xe máy và tiến lại gần nói: “các Soeurs khiêng bỏ ở đâu?”. Thế là anh nhanh nhẹn bốc từng bao bơ đặt lên xe cách gọn gàng trước sự ngỡ ngàng của 4 chị em. Sau khi đã bốc hết 4 bao bơ lên xe, 4 chị em nói lời cám ơn vị ân nhân “ không mời mà đến” đã tận tình giúp đỡ chị em lúc khó khăn. Mọi người bước lên xe.
Minh Trân quay lại hỏi: “Chị Hòa, sao chị trả cho nhà xe hết 200.000 đồng, không bảo chú đưa lại 7.000 đồng để trả tiền ra cổng bến xe?”.
“Trời! Dzụ gì nữa đây? Sao được? Tiền cước xe là 280.000 đồng, mà không trả đủ cho chú, năn nỉ xin lắm chú cho và chỉ trả có 200.000 đồng, mặt mũi nào bảo chú cho mình xin 7.000 đồng nữa vậy”. Nguyễn Hòa đáp lại.
“ Vậy sao ra cổng đây?” Minh Trân hỏi lại.
4 chị em lại tiếp tục họp bàn xem thử cách nào có được 7.000 đồng mua vé ra cổng bến xe, cả bọn bày cách cho Minh Trân xin chú gác cổng, nói lý do là chúng con không có 7.000 đồng để mua vé.
“Không được chị ơi, bà gác cổng khó chịu lắm, ra đó là phải xin đến 2 trạm, không dễ. Thà xin 7.000 đồng ở trong này còn dễ hơn. Đi xe 7 chỗ mà xin 7.000 đồng, ai mà tin”. Minh Trân trả lời.
Vẻ mặt của cả bọn tiu nghỉu vì không có 7.000 đồng, không biết ra cổng thế nào đây. Trong lúc mọi người đang bàn tán xôn xao thì anh thanh niên vẫn còn đang đứng ngay dưới đất, bên cạnh hông xe nhanh nhảu hỏi: “Ủa, mấy Soeus không có 7.000 đồng hả?”
Cả bọn sượng sùng với câu hỏi của anh ta nhưng biết làm sao bây giờ, miễn là có 7.000 đồng để ra được khỏi cổng bến xe, nên đã thật thà khai báo và xin giúp đỡ. Nguyễn Chính bỗng nói to: “Chú, cho xin 7.000 đồng, chúng con không có tiền ra cổng!”
Có lẽ anh thanh niên không thể nào tin rằng giữa thời đại văn minh này, 4 cô gái đi chiếc xe 7 chỗ mà không có được 7.000 đồng. Điều khó tin nhưng là có thật. Anh ta móc ví tiền và đưa tờ 10.000 đồng cho chị em. Nhận được 10.000 đồng mà 4 chị em mừng rỡ và rối rít cám ơn vị ân nhân tốt lành, lại 1 lần nữa giúp đỡ chị em. Phải nói là chưa bao giờ nhận được 10.000 đồng mà mừng như lúc này. Bình thường, 10.000 đồng có thể chưa mua được một ổ bánh mì cho buổi điểm tâm nhưng đối với 4 chị em lúc này nó thật quý giá. Một mùa dịch đáng nhớ với 4 chị em với món nợ: nợ anh 10.000 đồng giữa mùa dịch. Một món nợ không thiên về vật chất nhưng là món nợ ân tình, nợ tình thương, nợ của tình tương thân tương ái.
Tuy đã lên xe và ra khỏi cổng bến xe, nhưng có lẽ trong lòng ai cũng còn suy nghĩ đến sự việc vừa qua, Tuyết Oanh nói: “Sao hồi nãy mình quên lấy cho chú đó một ít bơ để cảm tạ lòng tốt của ân nhân?”
Ừ ha! Đúng là đầu óc lúc đó cũng chỉ nghĩ làm thế nào có 7.000 đồng để xe ra được khỏi cổng, chẳng suy nghĩ gì thêm được nữa. Cả bọn nhìn nhau tủm tỉm cười. Vậy thì dành ngày chủ nhật hôm nay để cầu nguyện đặc biệt cho vị ân nhân này.
Cám ơn đời và cám ơn người. Mười ngàn đồng chưa đáng để xem là một món nợ nhưng trong tình cảnh như thế, người nhận nó đã cảm được mình mang một món nợ là món nợ ân tình, nợ tình thương, nợ tình tương thân tương ái. Món nợ này không thể đong, đo, cân, đếm được nhưng cần được trả bằng chính tình yêu thương và chia sẻ như Thánh Phaolô đã nói trong thư gởi tín hữu Rôma “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái, vì ai yêu người thì đã chu toàn Lề Luật.” (x. Rm 13, 8). Thật vậy, đời sống người Kitô hữu không chỉ dừng lại ở việc thờ phượng Chúa, nhưng còn được mở rộng ra qua sự yêu thương và giúp đỡ mọi người xung quanh và kết quả sẽ nhận được là hoa quả của Thánh Thần, là niềm vui nơi chính sự chia sẻ của mình cho người khác vì “chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân...” (Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô Assisi).
Tạ ơn Chúa vì giữa một thế giới theo xu thế toàn cầu hóa và chủ nghĩa cá nhân, kéo theo nền kinh tế thị trường đưa đẩy con người vào những “bờ rìa đen” của sự cô đơn, sợ hãi, thất vọng, hận thù, bất công, nghèo đói... và gạt con người ra bên lề xã hội. Nhưng vẫn còn đó những con người nhạy bén, tinh tế nhận ra nhu cầu cần thiết của anh chị em đồng loại, biết trăn trở trước nỗi khổ đau và làm một điều gì đó thật cụ thể cho người đồng bào của mình chứ không nhắm mắt ngủ yên trong sự an toàn và tiện nghi vật chất.
Giữa một thế giới mà vật chất được đặt lên trên các giá trị tinh thần, đồng thời tương quan liên vị giữa người với người bị giảm khinh, thì vẫn còn đó những con người đã không ngần ngại hy sinh, quảng đại giúp đỡ anh chị em mình vượt qua khó khăn, thử thách, áp lực, nghịch cảnh, những sự cố hy hữu..., bằng tình tương thân tương ái, nghĩa cử yêu thương, chia sẻ thật cụ thể dù âm thầm nhỏ bé, xuất phát từ quả tim chân thành. Cám ơn đời.
Giữa một thế giới ồn ào và vội vã, con người đang tận dụng từng giây từng phút để lao vào kiếm tiền. Nhưng vẫn còn đó những con người dám dừng lại để quan sát, để thấy, để lắng nghe, đồng cảm, để ghé vai vác đỡ những nhọc nhằn, mỏi mệt của anh chị em, để chia sẻ nhằm biến khổ đau của đồng loại thành hạnh phúc, biến nước mắt thành nụ cười.
Giữa thế giới mà tình hình dịch bệnh tái đi tái lại và bùng phát, lan tràn ở nhiều nơi trên thế giới khiến cho mọi sinh hoạt thường nhật bị đảo lộn, kinh tế ngưng trệ, đời sống xã hội bất ổn, con người phải chật vật chống chọi và đối phó với dịch bệnh, nhất là những nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của con người đang thiếu thốn một cách trầm trọng thì vẫn còn đó nhiều vị hữu trách trong đạo cũng như đời, các vị giám mục, linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân, các thiện nguyện viên, các mạnh thường quân đã không ngừng sáng kiến chung tay thực hiện các “bữa ăn nhân ái”; “siêu thị 0 đồng”; “chợ 0 đồng”; “bếp 0 đồng”; “ATM lướt ống”... hoặc hỗ trợ nhu yếu phẩm nhằm giúp anh chị em có thêm nghị lực vượt qua cơn đại dịch. Vẫn còn đó những chị em trong Hội dòng đang phục vụ đó đây khắp nơi, cả những nơi Hải Ngoại xa xôi, dù vẫn bận rộn với sứ vụ của mình nhưng đã không ngại hy sinh thời gian, tiền bạc, công sức và đặc biệt là tình thương yêu để gởi từng bó rau, trái bí, củ khoai lang, cây sả, trái chanh, trái bơ, rồi đến thực phẩm khô và tươi sống, nhu yếu phẩm cần thiết..., gởi đến cho chị em ở những nơi đang bị cách ly, phong tỏa vùng tâm dịch hoặc những Cộng đoàn đang chăm sóc quý bà Hưu dưỡng, các nơi huấn luyện, nơi vùng sâu vùng xa và những Cộng đoàn có đông chị em phục vụ. Đặc biệt là những đồng tiền góp nhặt của các em bé trong các lớp giáo lý nơi đất nước Hoa Kỳ xa xôi để gởi đến ủng hộ anh chị em nghèo tại các vùng tâm dịch. Rất ý nghĩa và cảm động. Quả là món nợ ân tình.
Giữa lúc sự sống và sự chết thật mong manh, ai cũng muốn lùi mình vào một nơi an toàn để bảo vệ bản thân mình, gia đình mình trước sự uy hiếp của dịch bệnh thì vẫn còn đó những anh chị em tình nguyện viên, những nhà khoa học, bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu đang ngày đêm miệt mài nghiên cứu các loại vaccine phòng ngừa và xông pha nơi tuyến đầu để chữa trị, chăm sóc sức khỏe cho anh chị em cách tốt nhất nhằm giành lại sự sống cho họ. Xin cám ơn người.
Tạ ơn Chúa khi mà giữa thế giới đang có không ít người sống trong tình trạng “đóng băng” tâm hồn và cảm xúc của mình để sống với thói ích kỷ, chỉ nghĩ cho bản thân, thì vẫn còn đó những con người đang rộng mở trái tim để ngồi lại gần nhau giải quyết các tranh chấp và tìm kiếm hòa bình. Vẫn còn đó những con người đang mở rộng vòng tay để lo chung một mối lo là bảo vệ trái đất, ngăn chặn dịch bệnh, tận diệt ma túy, quan tâm đến người nghèo hơn; những vòng tay chăm sóc cho người già và trẻ em, những người vô gia cư, người di dân. Và vẫn còn đó những con người đang dang rộng đôi chân để có thể đi đến “vùng ngoại biên” tháo gỡ những hàng rào ngăn cách giữa các quốc gia, triệt tiêu nạn kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, màu da và làm cho con người được sống trong bình yên và hạnh phúc.
Món nợ ân tình mà các nơi trên đất nước Việt Nam cần trả cho anh chị em Sài Gòn khi đã từng thụ hưởng sự hỗ trợ, giúp đỡ từ vật chất đến tinh thần của người Sài Gòn, rõ nét qua các biến cố khi đồng bào đây đó lâm cơn hoạn nạn, bão lũ, thiên tai... lại ghi đậm dấu chân người Sài Gòn khắp hang cùng ngõ hẻm. Món nợ này đã được cụ thể hóa trong những ngày này khi anh chị em Công giáo Việt Nam đáp lại lời mời gọi của Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam trong thư kêu gọi gửi đồng bào Công giáo Việt Nam ngày 09/7/2021, mời gọi mọi người từ các tín hữu Công giáo, mọi thành phần Dân Chúa, các Giáo phận, Dòng tu, Giáo xứ, tổ chức từ thiện, Bác ái – Caritas, đoàn thể, ngành giới, nhóm thân hữu sáng kiến đóng góp những vật phẩm và tài chính để hỗ trợ, giúp đỡ anh chị em đồng bào mình ở Sài Gòn đang lâm nguy, đang thiếu nhân sự, thiếu gạo, thiếu rau, thiếu tiền, thiếu thuốc và thiếu cả tương lai...” (x. Thư kêu gọi của Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi đồng bào Công giáo Việt Nam). Món nợ tình thương này đã phát huy công dụng trong những ngày qua, biết bao chuyến hàng hóa từ các Giáo phận, Dòng tu, kiều bào các nước và những người thành tâm thiện chí khắp nơi đổ dồn về Sài Gòn với những dòng chữ Hướng về Sài Gòn thân yêu.
Tất cả món nợ ân tình, nợ tình thương đều là hồng ân của Thiên Chúa dành cho người trao ban cũng như người thụ hưởng. Trong Chúa, món nợ tương thân tương ái này được chia sẻ sẽ mang lại niềm vui và niềm hy vọng. Ước gì món nợ ân tình, nợ tình thương và nợ tương thân tương ái sẽ gắn kết muôn người trong tình hiệp nhất và yêu thương.
Mùa dịch Covid - 19 năm 2021