Vòng luẩn quẩn và lối đi không còn cách thoát.

Thứ ba - 29/06/2021 21:04 425 0


         
Trời chang chang nắng, mồ hôi như đổ lửa cũng như muốn thiêu hủy cái thân "còm cõi" 85 ký làm thêm rát cả lòng người. Rời khỏi cái nơi "mát mẻ" để đi đến cái nơi mà na ná như lò thiêu là đích đến.
         
Hồi lâu, những người có trách nhiệm ngồi chung quanh nghe chuyện Cha Xứ giải thích cũng như trao đổi về tương lai gần nhất cho bọn trẻ, chúng yêu nhau rồi thì giờ chỉ còn cách làm thủ tục nhanh nhất có thể để cho chúng đến với nhau hợp tình và hợp lý cũng như không phạm luật.
         
Chưa "giỗ" 1 năm cái này mà mấy đứa trọ học tá túc trong Nhà Thờ rời khỏi những năm dài đèn sách để rồi chúng lại mon men ... lấy chồng. Cô dâu hơn chú rể một "nồi bánh tét". Cả 2 đường như chả có cách gì tìm kế sinh nhai ngoài cái chuyện nhờ "gấu mẹ".
         
Nhìn con nhỏ vừa xong 12 lấy chồng có lẽ ai ai cũng ngao ngán. Người Kinh thì đã khó huống hồ chi người đồng bào thiểu số. Thế nhưng rồi đến tuổi và ưng thuận thì đành chấp thuận chứ chẳng lẽ can ngăn. Có điều nhìn về tương lai của đôi vợ chồng trẻ này sao nó mù tối quá.
         
Chả biết chú rể "cào" được bao nhiêu con chữ. Cô dâu thì cũng ráng "cày" cho hết lớp 12.
         
Ở cái vùng nghèo này, 12 là "ngon" lắm rồi đó ! Đơn giản là "tuổi thọ" trung bình của học tập chỉ là lớp 7 hay là 8. Cứ cái tuổi thơ ngây ấy nhưng gia đình túng quẩn thì làm ngay cái lợi trước mắt là đi ... chăn bò.
         
Nhìn thấy cậu nhỏ thon thon lấp liếm cười dưới nhà sàn gỗ, hỏi thăm bé học được hết lớp 5. Vừa đùa vừa muốn cho bé học thêm nên đành nói : "Ngày xưa ma học hết có lớp 3 trường làng nên giờ con ráng đi học nha ! Đừng bỏ học sớm như ma thì chán lắm !"
         
Nói thì nói vậy thôi nhưng lòng muốn đẩy cho chúng học được cao hơn. Thế nhưng rồi dù có là Trung Cấp Y tá đi chăng nữa cũng nằm võng đưa con ở cái dãy nhà sau. Đung đưa giọng buồn nuôi con nhỏ vì để có đủ số tiền chung chi gì đó để được vào làm đúng bằng cấp thì nhà nghèo không chạy nổi. Thế thì đành về nhà giúp cha mẹ đắp đổi qua ngày bữa đói bữa no.
         
Nhỏ Y tá còn như vậy huống hồ chi nhỏ 12. Học như thế cũng là giỏi lắm rồi vì cái đầu ra của bọn nhỏ coi như không lối thoát giống như đời chúng vậy. Cứ quanh quanh quẩn quẩn trong cái làng và cái nghèo như ôm chầm lấy cuộc đời của bọn nhỏ cũng như bà con trong xóm nhỏ nơi đây.
         
Dù có ai đó nâng đỡ cho đi học cao hơn nữa nhưng rồi có cao hơn nữa cũng chẳng biết làm chi. Người Kinh nghèo mang cơn khổ thì người đồng bào khổ còn rát hơn người Kinh biết là bao.
         
Hình như bọn trẻ ở đây được ăn học tới nơi tới chốn tìm được như đếm trên đầu ngón tay vậy. Cứ lứa sau nhìn lứa trước ôm trọn cái tương lai mịt mù nên rồi chẳng có cách nào khác là chúng lập gia đình khi tuổi chưa đủ lo và âu lo chưa kịp biết tính ra sao.
         
Nhìn về phía trước, đôi vợ chồng trẻ này cũng như bao đôi vợ chồng trẻ cùng trang lứa mãi cứ vất vả lao đao. Cứ suốt ngày cây mì với quả bắp thì làm sao cuộc đời lên nổi. Đất cát thì khi túng thiếu cứ dè người Kinh mà bán, vô hình chung người đồng bào lại giúp ích cho người Kinh vì những cây lúa non và những cây cà phê chưa đậu quả.
         
Cuộc đời của những người ở đây cứ loanh quanh luẩn quẩn như không tìm được lối thoát.
         
10 năm trước, 20 năm trước là sao thì năm nay cũng là vậy.
         
Nhìn những đứa trẻ lem luốc không có đến đôi dép để mang tôi chạnh lòng đến không suy nghĩ nổi. Trời ban cho chúng như vậy nhưng chẳng hề thấy ốm đau. Có khi giàu sang phú quý và dư thừa quá để rồi đau bệnh. Ở cái vùng nghèo này không đau thì thôi chứ đã đau rồi thì vô phương cứu. Nguồn nước và môi trường sống cứ như bao trọn gói cả cõi nhân sinh của họ.
         
Xe lăn bánh về lại nơi "êm ấm". Nhìn những cánh đồng mạ non nếu không khéo thì vội nghĩ đó là của những anh chị em đồng bào thiểu số. Nhưng không, mảnh ruộng, con bò mà ai thấy đó nay đã là sở hữu của người Kinh. Kiếp nghèo nó cứ như muốn ôm chầm không buông tha những mảnh đời đau khổ ở cái chốn nghèo này.
         
Cánh cổng Nhà Thờ khép lại cũng là lúc bầu trời chập tối. Cuộc đời của những người nghèo, của những đứa trẻ ở đây cách riêng 2 đứa trẻ chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân cũng có một tương lai khép lại và bầu trời sập tối như cảnh tượng chiều nay nghe thấy.
         
Biết sao được khi cuộc đời của những người nghèo ở cái vùng này quanh quanh luẩn quẩn với cái nghèo và hình như cái nghèo thương những người dân ở đây lắm vậy. Miên man suy nghĩ và nghĩ suy cũng miên man nhưng chưa tìm ra được ngõ thoát cho những mảnh đời lam lũ quanh năm và dường như họ không tài nào thoát khỏi cái kiếp nghèo.

Lễ Thánh Phêrô & Phaolô Tông Đồ

Tác giả bài viết: Lm. Anmai, CSsR

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây