MỘT GIÁO HỘI ĐỒNG HÀNH, vĂN HÓA hiệp hành !
Lm. J.B. Lê Ngọc Dũng
Để hiểu đúng đắn chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI này, "Cho một Giáo hội đồng hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ" (Per una Chiesa sinodale: comunione, partecipazione e missione) cần tìm thấy ý nghĩa trong tập tài liệu "Tính đồng hành trong đời sống và trong sứ vụ của Giáo hội" (La sinodalità nella vita e nella missione della Chiesa) do Ủy ban Thần học Quốc tế, đã được Bộ Giáo lý Đức tin phê chuẩn, với ý kiến chấp thuận của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Sau khi hiểu đúng ý nghĩa của tính đồng hành của Giáo hội, bài xin quay trở khảo sát việc sử dụng từ ngữ "hiệp hành". Điều được nhận thấy là Giáo hội Việt Nam đang hình thành một văn hóa hiệp hành, mà việc sử dụng từ ngữ này đang khá lộn xộn, không hợp nghĩa và đang trên đà nẩy nở.
Bài không có ý bài bác, nhưng có ý tìm sự thật, để tránh và phòng ngừa những tai hại có thể xảy đến. Xin những vị viết lách, những vị rao giảng, những linh mục tu sĩ và những giáo dân nhiệt thành xem xét lại chữ "hiệp hành" và cách sử dụng nó.
1. MỘT GIÁO HỘI ĐỒNG HÀNH
1.1. Tính đồng hành (sinodalità): ý nghĩa
UBTH giải thích một cách ngắn gọn như một định nghĩa của tính đồng hành trong Giáo hội:
Tính đồng hành (La sinodalità), trong bối cảnh Giáo hội học này, chỉ cung cách sống và hoạt động (modus vivendi et operandi) riêng biệt của Giáo hội Dân Chúa biểu lộ và thực hiện cụ thể bản tính hiệp thông của mình (il suo essere comunione) trong việc bước đi cùng nhau (nel camminare insieme), trong việc tụ họp nhau và trong sự tham gia tích cực của tất cả các thành viên trong sứ vụ Phúc âm hóa (Số 6).
Hãy xét mệnh đề: "Tính đồng hành" chỉ cung cách sống và hoạt động (modus vivendi et operandi) riêng biệt của Giáo hội".
UBTH đã dùng cụm từ Latinh: modus vivendi et operandi, trong đó có danh từ là modus, có nghĩa là manner, method, way: cung cách, cách thức, lối, đường lối. Ở đây xin dùng chữ "cung cách".
Vậy "Cung cách sống và hoạt động riêng biệt" của Giáo Hội đó có gì đặc biệt?
Đó là:
[...] biểu lộ và thực hiện cụ thể bản tính hiệp thông của mình trong việc bước đi cùng nhau (nel camminare insieme), trong việc tụ họp nhau và trong sự tham gia tích cực của tất cả các thành viên trong sứ vụ Phúc âm hóa.
Vậy cái cung cách hay cách thức sống mang "tính đồng hành" chính là cung cách sống biểu lộ và thực hiện cụ thể (manifesta e realizza in concreto) "bản tính hiệp thông" (il suo essere comunione).
Ý niệm xuyên suốt hay nồng cốt của "tính đồng hành" chính là tính "hiệp thông" của Giáo hội. Theo định nghĩa trên, sự hiệp thông này được thể hiện và thực hiện một cách thực tiễn:
- Trong việc bước đi cùng nhau (nel camminare insieme)
- Trong tụ họp nhau (nel radunarsi in assemblea)
- Trong tham gia tích cực vào sứ vụ (nel partecipare attivamente alla sua missione evangelizzatrice).
Như vậy, có thể nói tóm tắt:
Một Giáo hội đồng hành (Una Chiesa sinodale) là một Giáo hội biểu lộ và thực hiện "tính hiệp thông" của mình một cách thực tiễn trong việc cùng nhau tham gia tích cực vào sứ vụ Phúc âm hóa của mình.
1.2. Tính hiệp thông
Hiệp thông là yếu tố chủ chốt trong tính đồng hành của Giáo hội. Vậy cần phải tìm hiểu cho đúng ý nghĩa của tính hiệp thông.
Chữ "hiệp thông" (koinonía, communio) thoạt tiên làm chúng ta nghĩ đến sự thông hiệp về tình cảm, bác ái, cứu giúp.... Tuy nhiên, nó còn có ý nghĩa sâu xa hơn rất nhiều, mà chính Công đồng Vatican II khai triển và giảng dạy. Đây là một từ nhà đạo, cần tìm ý nghĩa của hiệp thông trong Kinh Thánh, Thánh Truyền, truyền thống Giáo hội.
Tân Ước dùng từ hiệp thông (koinonía)19 lần (14 lần trong thư Thánh Phaolô) để chỉ: dây liên lạc bác ái của một cộng đoàn, thể hiện qua việc quyên góp để giúp một cộng đoàn khác (x. 2Cr 9,13); mối hiệp thông với Ðức Kitô (x. 1Cr 1,9) qua việc thông phần những khổ đau của Ngài (x. Pl 3,10), cùng qua Lễ Bẻ bánh, dự phần vào Thân thể Chúa Kitô” (x. 1Cr 10, 16); và mối “hiệp thông” với Chúa Thánh Thần (x. 2Cr 13,13).
Do đó, ngoài sự thông hiệp về tình cảm, bác ái, cứu giúp, sự hiệp thông chính yếu là sự chuyển thông hay thông hiệp "sự sống" và "ân sủng" của Thiên Chúa cho con người và giữa con người với nhau.
Ở trần gian này, các Kitô được hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau một cách rõ rệt và mật thiết nhất là trong Hiến tế Thánh Thể (Thánh Lễ). Các tín hữu khi tham dự Thánh Lễ, với tư cách tư tế cộng đồng họ hiệp thông với Hiến tế của Đức Giêsu Kitô để dâng lên Thiên Chúa Cha hiến lễ vô song, mang lại ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Người tham dự Thánh Lễ lãnh nhận chính Mình Máu Chúa, còn gọi là hiệp lễ, để hiệp thông chính sự sống và ân sủng của Thiên Chúa và rồi để họ hiệp thông với nhau sự sống thần linh và ân sủng đó.
Căn nguyên sâu xa nhất của hiệp thông được thấy trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, được Thánh Phaolô Tông đồ truyền dạy. Ngài nói: Chúa Cha giải hòa tất cả mọi người với nhau trong một thân thể nhờ Thánh Thần (x. Ep 2,11-18); Ðầu của thân thể là Ðức Kitô (x. Ep 1,22). Vì sống chung trong một thân thể, nên mọi chi thể đều liên hệ mật thiết với nhau, những bổn phận đối với nhau đều phát sinh từ đó; Thánh Phaolô dạy: “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau; nếu một phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1Cr 12,26).
Giáo hội học hiện rõ với ý nghĩa "hiệp thông", được nói đến trong sách Tông đồ Công vụ: Các kitô hữu hiệp thông với nhau về cả tinh thần lẫn vật chất, qua việc cùng nhau cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa (x. Cv 2, 42). Hoặc như trong thư của thánh Gioan Tông đồ, hiệp thông là kết quả của đức tin, làm cho các kitô hữu hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Con, cũng như với nhau ở trong Ngài (x. 1Ga 1,1-4).
Trong Giáo hội, ngay từ thời các Giáo Phụ, hiệp thông đã được dùng với hai ý nghĩa, là hiệp lễ (x. Gioan Kim Khẩu , In Joannem homilia 47, 3-4.) và cộng đồng Hội thánh (x. Augustinus , De unitate ecclesiae contra donatistas, 20, 56). Vì vậy, khi bị vạ “tuyệt thông”, tín hữu bị dứt quan hệ với Giáo hội và đồng thời bị cấm chịu Lễ. Cho nên, hiệp thông mang ý nghĩa vừa là bí tích vừa là sự cứu độ. Ngoài ra, trong Giáo hội cũng đã xuất hiện thành ngữ communio sanctorum, nghĩa là "các Thánh thông công" từ khoảng những năm 420. Tín điều này giúp chúng ta nhận ra các tín hữu trên Thiên đàng, ở Luyện ngục và trần thế đều hiệp thông hay chuyển thông ân sủng cho nhau.
Giáo hội phát sinh và là hình ảnh của mầu nhiệm hiệp thông tuyệt đối của Thiên Chúa Ba Ngôi. Các tín hữu vì cùng có một niềm tin vào Lời dạy của Chúa Con, và nhờ nhận ân sủng của Thánh Thần, trở nên con cái của cùng một Chúa Cha. Và nhờ được thông hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi, các phần tử của Hội thánh mới có thể hiệp thông với nhau thực sự.
Thánh Gioan viết: “... để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Ðức Giêsu Kitô, Con của Người” (1Ga 1,3).
UBTH, dựa vào các văn bản Công đồng Vatican II, cho thấy tính đồng hành của Giáo hội có cơ sở trên sự hiệp thông của Chúa Ba Ngôi: "Giáo Hội tham dự vào Đức Kitô Giêsu và nhờ Chúa Thánh Thần, vào đời sống hiệp thông của Ba Ngôi Chí Thánh, được định sẵn để bao trùm toàn thể nhân loại" (x. Số 43).
Trong tụ họp nhau (nel radunarsi in assemblea)
Xin hãy trở lại với định nghĩa của tính đồng hành: "Chỉ cung cách sống (modus vivendi et operandi) riêng biệt của Giáo hội Dân Chúa biểu lộ và thực hiện cụ thể bản tính hiệp thông của mình (il suo essere comunione) trong việc bước đi cùng nhau (nel camminare insieme), trong việc tụ họp nhau và trong sự tham gia tích cực của tất cả các thành viên trong sứ vụ Phúc âm hóa" (Số 6).
Ở đây chúng ta thử suy nghĩ về sự hiệp thông chỉ riêng về việc tụ họp nhau (nel radunarsi in assemblea).
Cuộc tụ họp (assemblea) thường xuyên và quan trọng nhất diễn ra hàng ngày, mọi nơi, là tụ họp cử hành Hiến Tế Thánh Thể (Thánh Lễ), nhờ đó Chúa Kitô chuyển thông sự sống ân sủng của Ngài cho chúng ta và chúng ta chuyển thông cho nhau sự sống và ân sủng đó. Ngoài ra còn vô số những cuộc tụ họp khác thuộc phụng vụ, như để cử hành các Bí Tích; đạo đức như để cầu nguyện, lần hạt; sinh hoạt xứ đạo, đoàn thể...
Đáng kể nhất trong Giáo Hội là các Giám Mục tụ họp Công Đồng, tụ họp THĐGM. Chúng ta lần này được tham gia vào THĐGM với giai đoạn thỉnh ý trước ở cấp độ giáo phận. Chính trong những cuộc tụ họp này, không đơn thuần được hiểu là một cuộc họp như bao cuộc họp khác trong xã hội dân sự. Chúng ta được nhắc nhở cầu nguyện, tĩnh tâm, lắng nghe Chúa Thánh Thần, để Ngài ban sự sống, sức mạnh và những ân sủng như khôn ngoan, hiểu biết, soi sáng cho chúng ta nhận ra những chân lý và giúp Giáo Hội áp dụng cho cuộc sống. Đồng thời chúng ta cũng nhận ra Chúa Giêsu đang ở cùng chúng ta, như Ngài đã phán: "Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy" (Mt 18,19). Trong cuộc tụ họp như vậy, chúng ta được đón nhận sự sống và ân sủng của Chúa và chuyển thông cho nhau để xây dựng Giáo hội. Và như vậy, cuộc tụ họp biểu hiện và thể hiện hiệp thông một cách thực tiễn, một cuộc họp của một Giáo hội đồng hành. Nếu thiếu vắng sự thông hiệp sự sống và ân sủng của Thiên Chúa, nó sẽ chỉ như bao cuộc tụ họp dân sự khác, dễ dàng đi tới sự đòi hỏi dân chủ, chỉ trích phê bình hàng giáo sĩ.
2. NHỮNG NGUY CƠ DO CHỮ "HIỆP HÀNH"
Tại sao lại có thể nói đến những nguy cơ? Thưa, vì hiện nay việc sử dụng từ ngữ "hiệp hành", mà ta đã dùng để dịch "Một Giáo hội hiệp hành" (Una Chiesa sinodale), "tính hiệp hành"(sinodalità), đã được sử dụng một cách lộn xộn, vô nghĩa, vượt ra khỏi ý nghĩa Giáo hội học.
2.1. Nguy cơ lệch lạc hóa từ nhà đạo
Trong tình trạng không hiểu hay hiểu sơ sơ, và thấy từ hiệp hành "cũng hay hay", những tu sĩ, những giáo dân nhiệt tâm sáng chế ra những khẩu hiệu hay dán nhãn "hiệp hành" một cách lộn xộn, vô tội vạ. Vô số từ ngữ nhà đạo "hiệp hành" được thấy trên Google. Đó là chưa kể đến những câu văn có chứa chữ hiệp hành, trong bài suy niệm, kinh cầu nguyện mang những ý nghĩa hàm hồ, chẳng ra đâu vào đâu.
- "Chùm ảnh hiệp hành". Vậy, hình ảnh cũng hiệp hành? Phải chăng, những người trong ảnh là những dũng sĩ hành hiệp, những người lương tự hỏi.
- "Hiệp hành trên đàng thánh giá". Nó là gì, quả là không hiểu nổi!
- "HIỆP HÀNH - ÂN SỦNG". Đây là những chữ in to trên một tấm thiệp kỷ niệm 50 năm thành lập Giáo xứ. Vậy, phải chăng có một "nhân đức hiệp hành" cũng như đức ái, đức khiêm ngường, đức công bình, tiết độ, dũng cảm..., hay một loại "ân sủng hiệp hành"?
- "Tu sĩ hiệp hành". Bên thiếu lâm có những nhà sư hiệp hành, hành hiệp. Vậy phải chăng bên đạo hiện nay cũng có những tu sĩ hiệp hành, hành hiệp tương tự?
- "Giờ hiệp hành", "Ngày hiệp hành"... Vậy, phải chăng cũng có: Tháng hiệp hành, Năm hiệp hành, Đời hiệp hành... Hiệp hành ở đây là gì? Phải chăng là một kiểu sinh hoạt, một cách cầu nguyện, tĩnh tâm?
- "Chùm thơ Tâm-Nguyện-Hiệp-Hành": Phải chăng thi sĩ có tâm nguyện hành hiệp, có tâm nguyện trừ gian diệt bạo, và quyết tâm làm cho bằng được?
- Và bài ca: "Chúng ta cùng nhau cất bước hiệp hành, một, hai, ba.... dô hò, dô hò...".
- Ước nguyện: "Ước gì Mình và Máu Đức Kitô cùng đồng hành với chúng ta trong tiến trình hiệp hành".
Hiệp hành trở thành "khẩu hiệu" của người Công giáo VN, được dùng một cách hăng say!
Vậy, có thể thấy một văn hóa mới của đạo Công giáo tại Việt Nam đang phát sinh, dùng "hiệp hành" như một ý lực sống, một khẩu hiệu, hoặc như một nhãn hiệu, được đặt vào nhiều lãnh vực tuỳ thích: Giáo hội, phụng vụ, tín lý, luân lý, tu đức, nhân đức, chính trị, xã hội... một cách lộn xộn, sai lạc.
Và hơn nữa, mai đây khi Đức Giáo Hoàng ra Tông huấn hậu THĐGM, nhiều nhà dịch thuật, giảng dạy sẽ khai triển, giảng giải từ "hiệp hành". Giáo dân sẽ nhiệt tình hưởng ứng. Vì là một đặc tính cốt yếu của Giáo hội, hiệp hành sẽ được ứng dụng vào cuộc sống. Nó sẽ đi vào mọi ngõ ngách sinh hoạt, tạo nên một nền văn hóa hiệp hành trong nhà đạo. Hãy thử nghĩ đến sự phát sinh từ ngữ một cách lệch lạc, ào ạt hơn nữa:
Đã có Một Giáo hội hiệp hành thì cũng sẽ có: Giáo xứ hiệp hành, nhà thờ hiệp hành, nhà nguyện hiệp hành, hội hiệp hành, liên đoàn Công giáo hiệp hành, đan viện hiệp hành, dòng tu hiệp hành, gia đình hiệp hành, cha hiệp hành, mẹ hiệp hành,
Đã có Giới trẻ hiệp hành thì cũng sẽ có: thiếu niên hiệp hành, bà mẹ Công Giáo hiệp hành, gia trưởng hiệp hành, học sinh hiệp hành, thiếu nhi hiệp hành, đồng ấu hiệp hành, thai nhi hiệp hành, thân xác hiệp hành ...
Đã có Lối sống hiệp hành thì sẽ có vô vàn hiệp hành:
Giáng Sinh hiệp hành, mùa Chay hiệp hành, ăn năn hiệp hành, sám hối hiệp hành, ăn chay hiệp hành, kiêng thịt hiệp hành, hãm mình hiệp hành, xức tro hiệp hành, rửa chân hiệp hành...
Lại nữa: Thương khó hiệp hành, Thánh Giá hiệp hành, Phục sinh hiệp hành, Lên trời hiệp hành, Hiện xuống hiệp hành, Ba Ngôi hiệp hành, Mẹ hiệp hành, Các Thánh hiệp hành, các đẳng hiệp hành...
Thêm nữa: Tập huấn hiệp hành, linh thao hiệp hành, tĩnh tâm hiệp hành, nhân đức hiệp hành, từ thiện hiệp hành, gặp gỡ hiệp hành, giao lưu hiệp hành, tình bạn hiệp hành, tình yêu hiệp hành, tình hận hiệp hành...
Có Xuân hiệp hành, thì cũng sẽ có Thu hiệp hành, Hè hiệp hành, du lịch hiệp hành, giải trí hiệp hành, ăn hiệp hành, ngũ hiệp hành, vui chơi hiệp hành, tắm biển hiệp hành...
Và bất tận: Thưởng hiệp hành, phạt hiệp hành, treo chén hiệp hành, xuất tu hiệp hành, sa thải hiệp hành, tranh chấp hiệp hành, thỏa hiệp hiệp hành...
Đám cưới hiệp hành, đám tang hiệp hành, tiệc mừng hiệp hành, cười hiệp hành, khóc hiệp hành, kết hôn hiệp hành, ly dị hiệp hành....
Sinh hiệp hành, tử hiệp hành, thiên đàng hiệp hành, hỏa ngục hiệp hành...
Cha mẹ hiệp hành con cái, các nữ tu hiệp hành người nghèo, hàng xóm hiệp hành hàng xóm... (Sao mà ác thế; các nữ tu sao lại hiệp hành người nghèo!)
Giám mục hiệp hành với chính quyền, với đảng bộ... (???)
2.2. Nguyên nhân lệch lạc
Thích "mới, hay" hơn là thích "đúng"!
Trước tiên, có ý tưởng cho rằng sinodalità là từ mới, mà dịch là "tính đồng hành" thì thường quá, nên chọn dịch chữ "hiệp hành" cho nó mới. Thêm vào đó có bài phân tích Hán Việt cho rằng dùng chữ "hiệp" thì hay hơn chữ "cùng".
Chúng ta cần "đúng", chính xác chứ không cần "mới hơn", "hay hơn"; cần tìm và giải thích đúng theo Việt ngữ hơn là Hán ngữ, để mọi người có thể hiểu. Nếu không, chúng ta có thể đi vào sự hàm hồ, thiếu logic.
Xin trích lại nguyên văn của một cha giáo sư được đăng tải:
Theo từ nguyên, trong tiếng Hylạp, hạn từ σύνοδος (synodus), được cấu tạo bởi giới từ συν (với) và danh từ όδός (con đường), nó diễn tả ý nghĩa là cùng nhau tiến bước trên một con đường. Nên từ “hiệp hành” diễn tả ý nghĩa ấy: hiệp là cùng, và hành là con đường.
Như vậy phải chăng: cùng, đường = hiệp, đường?
Bạn hãy thử tưởng tượng:
Cô giáo dạy Việt văn hỏi: Em cho cô biết "hiệp" là gì? - Thưa cô: "Hiệp là cùng".
Cô hỏi tiếp: "Vậy thì cùng là gì?" - Thưa cô: "Cùng là hiệp".
Cô giáo thấy quá lạ, trong đời cô dạy tiếng Việt chưa khi nào cô lại nghe như vậy: hiệp là cùng, cùng là hiệp!
- Ai dạy em như vậy? - Thưa cô, cha sở dạy ạ.
Cô giáo người lương, thương tình, ghi 3 điểm. Cô đã tính học đạo để lấy chồng đạo. Nhưng cô nghĩ đạo gì mà lạ lùng; bây giờ quyết định không học đạo nữa!
Trong thực tế, không lý luận đâu xa, cô giáo thấy ở "cùng" nhà với nhau, nhưng "hiệp" với nhau thì ít mà "chống" nhau thì nhiều. Ở chung thì đụng. Làm sao mà hai từ cùng và hiệp là đồng nghĩa với nhau được!
Nếu thích sự đúng đắn chúng ta phải dịch đúng chữ σύνοδος (synodus) = cùng đường = cùng đi với nhau = đồng hành.
Chúng ta sợ từ đồng hành có ý nghĩa tầm thường chăng, vì không đủ diễn tả ý nghĩa của một đặc tính lớn lao, cao trọng của Giáo Hội? Không sao đâu! Vì đây là một từ biểu tượng, một hình ảnh của đoàn Dân Chúa (Giáo hội) được triệu tập (bởi Chúa) đang cùng đi với nhau về quê Trời và Chúa cùng đi với họ. Đây như cuộc Xuất hành mới về Đất hứa mà Thiên Chúa luôn đồng hành với họ, dưới hình ảnh đám mây, cột lửa, Hòm Bia thánh. Còn cuộc Xuất hành đó có ý nghĩa gì, đặc tính gì, thì ta sẽ tìm hiểu thêm. Chúng ta sẽ đi lệch hướng nếu chỉ cố gắng cắt nghĩa đồng hành là gì, hiệp hành là gì theo mặt chữ của nó.
Chúng ta cần phải tìm hiểu ý nghĩa của "một Giáo hội đồng hành" trong ánh sáng của Kinh thánh, Thánh truyền dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội, như của UBKT đã nêu ở phần đầu bài, để có thể hiểu đúng, dẫn giải đúng và để tiếp nhận đúng Giáo huấn của Giáo hội.
Tưởng là mới nhưng lại cũ
Một lệch đường khác, đó là chúng ta đã chọn một từ ngữ, mà ta cho là "mới" tương ứng với từ ngữ "mới", sinodalità, sinodale. Thật ra, "hiệp hành" là một từ ngữ "cũ", rất cũ, và đang sử dụng trong dân gian, không phải là từ mới. Nó đang được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Bởi vậy, khi áp dụng vào phạm vi đạo giáo, nó vẫn mang theo những ý nghĩa trong dân gian, khiến gây mơ hồ, sai lệch, lộn xộn, vô nghĩa.
Chữ "hiệp hành" có thể mang những nghĩa chỉ "hành động", có thể kể như:
- Hiệp nhau lại hành động. Đây là nghĩa mà tín hữu nghĩ đến nhiều nhất.
- Hành động nghĩa hiệp, trừ gian diệt bạo, ví dụ như phim truyện "Hiệp khách giang hồ", "thiếu hiệp hành".
Chữ "hiệp hành" có thể mang những nghĩa du hành. Ví dụ như Hiệp khách hành. (Đây là truyện về các cuộc phiêu lưu của Thạch Phá Thiên, xoay quanh bài thơ "Hiệp khách hành" của thi tiên Lý Bạch).
Vì vậy, một người lương có thể tưởng rằng bên Công giáo cũng hiệp hành, hành hiệp, trừ gian diệt bạo.
Ngoài ra, chữ "hành" có thể có nghĩa là hành hạ. Như một nữ tu giải thích một cách vui đùa: Hiệp hành là hiệp lại mà hành nhau. Chúng ta cũng không thể ngăn cản một giáo dân nhiệt tình hiệp hành, chỉ dạy: Cha mẹ hãy hiệp hành con cái. Các nữ tu hãy hiệp hành người nghèo.
Lẫn lộn trong dịch nghĩa chữ sinodale
Nguyên nhân gây lệch lạc cũng một phần do sự lẫn lộn trong chuyển dịch từ ngữ Sinodale, xuất phát từ chữ synodus. Nó có hai nghĩa khác nhau:
- Tụ họp, hội họp, ví dụ trong process sinodale. Đây là nghĩa cũ, đang dùng.
- Đồng hành, ví dụ trong una Chiesa sinodale. Đây là nghĩa mới.
Hiện nay hầu như chữ sinodale đều được dịch là hiệp hành mà không lưu ý đến nghĩa cũ đang dùng là tụ họp, hội họp, công nghị... Chữ process sinodale được dịch lầm là tiến trình hiệp hành, và đã được dùng nhiều, do phổ biến từ quyển Cẩm Nang. Chính sự lẫn lộn này góp phần phát sinh ra nhiều từ ngữ lộn xộn, vô nghĩa như: Giờ hiệp hành, Ngày hiệp hành, Tháng hiệp hành, Năm hiệp hành, Thỉnh ý hiệp hành, Trước ngưỡng cửa hiệp hành"...
Thử hỏi, với chủ đề lần này là hiệp hành, process sinodale được dịch là tiến trình hiệp hành. Vậy với chủ đề THĐGM lần tới là "Chung thủy hôn nhân" thì sẽ dịch là "tiến trình chung thủy hôn nhân" hay sao?. Nếu vậy, trong Giáo hội Việt nam sẽ phát sinh những Giờ chung thủy, Ngày chung thủy, Năm chung thủy, Thỉnh ý chung thủy, Trước ngưỡng cửa chung thủy... !!!
2.3. Nguy cơ chính trị và phản Phúc Âm hóa
Thực tế, ngay hiện nay, ta thấy có bản tin của một Giáo phận: "CUỘC GẶP GỠ VÀ TRAO ĐỔI MANG TÍNH HIỆP HÀNH VỚI CÁC CHỨC SẮC TÔN GIÁO TẠI...". Cuộc gặp gỡ có sự hiện diện của Đức Giám mục giáo phận, một số linh mục và đại diện chính quyền các cấp tỉnh Bình Dương và các anh chị em tôn giáo bạn thuộc tỉnh Bình Dương.
Mang "tính hiệp hành" trong tựa đề trên có nghĩa là gì? Nó là sinodalità của Giáo Hội hay chăng? Khó hiểu quá! Phải chăng đã lạm dụng từ ngữ thần học Giáo hội?
Và trong tương lai khó có thể ngăn cản được các tín hữu nhiệt tình nhưng nhưng chưa hiểu, đưa lên những tựa đề tương tự, ví dụ như:
"CUỘC GẶP GỠ HIỆP HÀNH CỦA GIÁM MỤC GIÁO PHẬN VỚI THƯỢNG TỌA THÍCH ..."
"CUỘC HỘI NGỘ HIỆP HÀNH CỦA GIÁM MỤC GIÁO PHẬN VỚI BÍ THƯ ĐẢNG BỘ TỈNH..."
"LINH MỤC ĐOÀN LIÊN HOAN HIỆP HÀNH VỚI ĐẢNG BỘ TỈNH ...".
Các tựa đề trên có thể sẽ xuất hiện trên báo chí, trên truyền hình và người ta sẽ hiểu và chú giải chữ "hiệp hành" như thế nào? Quả là quá nguy hiểm!
Một người thuộc phe phái nào đó sẽ phê bình chỉ trích Giáo hội là "hiệp" hành với các đảng phái chính trị.
Hoặc ít nữa, cụm từ "Một Giáo hội hiệp hành" gây cảm tưởng nơi người lương là "một đạo đáng ngại, vì dân đạo đó hiệp nhất, đoàn kết. Vì vậy, "mình đừng có đụng vào các người có đạo đó!".
Kinh nghiệm ở quá khứ với những đấu tranh tôn giáo chính trị, với những giáo dân quá khích, và nay xuất hiện những khẩu hiệu "hiệp hành", khiến cho người lương thêm xác tín về một đạo đáng sợ: "Nếu bạn lỡ tung xe ở đó, lo mà chạy trốn nhanh, kẻo dân có đạo nó kéo ra hiệp nhau đánh thì chết!".
Vậy phải chăng, từ ngữ "hiệp hành" đã trở nên phản tác dụng?
Do đó, "hiệp hành" thay vì giúp người lương xích lại gần, lại đẩy họ ra xa. Chữ "đồng hành" lại giúp họ đến gần. Như vậy, từ ngữ được sử dụng cách sai lầm có thể gây phản truyền giáo, phản Phúc Âm hóa.
2.4. Hiệp hành gây giảm trừ đặc tính cốt yếu của Giáo hội
Sau cùng, "Hiệp hành" gây một nguy cơ nghiêm trọng nhất, mà ít khi nhận ra. Đó là làm giảm trừ đặc tính cốt yếu của Giáo hội và trong một số trường hợp, đánh mất yếu tính của Giáo hội.
Chỉ là hiệp
Người tín hữu, dù được giảng giải thế nào đi nữa, thì nó cũng chỉ để lại trong tâm trí họ ý nghĩa hiệp tâm, hiệp lòng, hiệp ý... hoặc là hiệp thông với ý nghĩa đơn sơ. Và vì thế, "hiệp" là điều chính yếu, được tập trung vào đó, bỏ lơi sự "chuyển thông", "thông ban" chính sự sống và ơn cứu độ của Thiên Chúa, như đã phân tích ý nghĩa của sự hiệp thông ở phần thứ nhất của bài này.
Trong thực tế, điều thấy khá rõ là nơi đa số những bài giảng, bài viết hầu như đưa đến kết quả với ý tưởng "hiệp" trong tâm trí người tín hữu, đề cao sự hiệp nhất, đồng tâm nhất trí, đồng lòng với nhau. Và nếu có đề cập đến hiệp thông thì cũng giải thích cách đơn sơ như là chuyện chia sẻ tình cảm, thông cảm, cứu giúp.
Xin được lấy ví dụ nơi bài "Thất đạo hiệp hành" (Bảy “con đường hiệp hành” trong áp dụng mục vụ, 6.12.2021).
Ngay ở Hiệp hành kiểu thứ nhất, "Giang Nam thất quái", tác giả linh mục này đề cao mẫu gương đồng tâm hiệp lực, viết rằng: "Ngẫm chuyện: với 7 vị sư phụ, đồng tâm hiệp lực, để suốt 18 năm dạy chỉ 1 người cả văn lẫn võ, cả 'ngón nghề để phòng thân' và 'nghệ thuật để làm người': đó không là một bài học đắt giá cho 'mục vụ giáo dục-đào tạo' của chúng ta hôm nay sao!".
Tiếp đến là Hiệp hành kiểu thứ hai: “Bóng đá tổng lực”, đề cao sự tham gia ăn ý với nhau tạo nên một sức mạnh: "mọi cầu thủ đều tham gia như nhau, hết mình ở bất cứ vị trí nào, công cũng như thủ, được liên tục hoán chuyển, để làm nên một 'sức mạnh tổng hợp', toàn đội, chứ không chú trọng hoặc ỷ lại vào một ít 'siêu sao'”.
Như vậy, ngay từ đầu, tác giả đề cao "đồng tâm hiệp lực", "tổng lực", "sức mạnh tổng hợp". Tác giả đã quên hay đã bỏ sót điều quan trọng nhất của "cách sống và hành động" (modus vivendi et operandi) đặc biệt của Giáo Hội, là làm sao "biểu lộ và thực hiện" được tính "hiệp thông", nghĩa là, sự "nhận lãnh và chuyển thông sự sống của Thiên Chúa và ơn cứu độ".
Đây là một ví dụ cho thấy chữ "hiệp" của hiệp hành đã khiến cho nhiều người rao giảng, người viết lách, tập chú vào ý tưởng "hiệp" đề cao hành vi con người.
Nguy cơ đồng hóa với xã hội dân sự
Khi chúng ta chỉ chú ý đến chữ "hiệp" do từ ngữ "hiệp hành" gợi ra, bỏ qua đặc tính chuyển thông sự sống thần linh và ân thánh Chúa, thì Giáo hội Công giáo cũng tương tự như bao giáo hội khác, hoặc cũng tương tự như bao chế độ, tổ chức xã hội khác; chứ không phải là Giáo hội của Chúa Kitô.
Hãy xem, trong thời gian chiến tranh, Việt Nam có tinh thần "quân dân cá nước", quân dân đoàn kết, hiệp lòng hiệp sức, tham gia sứ mạng, nhường cơm xẻ áo, hy sinh cả mạng sống cho nhau để đấu tranh. Vậy có thể nói, một xã hội dân sự Việt Nam như vậy còn có "tính hiệp hành" vượt xa Giáo hội!
Giáo hội là nhiệm thể Chúa Kitô, có Chúa Kitô là đầu và các chi thể, luôn luôn có sự chuyển thông sự sống thần linh cho các chi thể. Nếu không có, Giáo hội sẽ như một xác vô hồn, như một nắm đất của nhiều hạt tuy có kết hiệp lại, nhưng không có sinh khí của Đấng Tạo Hóa.
Trong thực tế, các buổi tụ họp để thỉnh ý, nếu thiếu vắng nhận thức về sự chuyển thông sự sống thần linh, ơn thánh Chúa trong cộng đoàn dân Chúa, dễ dẫn đến một sự phê bình chỉ trích giáo sĩ, đòi dân chủ hóa Giáo hội.
3. MỘT VÒNG LẨN QUẨN KHÓ THOÁT RA
Tôi nghĩ, đã có một vòng lẩn quẩn đã xảy ra. Một cách thực tế, chữ "hiệp hành" đã xuất hiện và được tiếp nhận với những lý do nào đó. Có lẽ là do chữ "hiệp" thì hay hơn, theo như một nhà Hán Việt phân tích. Có lẽ ảnh hưởng mạnh mẽ nhất là bản dịch thuật của Cẩm nang và tài liệu chuẩn bị THĐGM. Và có lẽ chữ "hiệp hành" lại được lên ngôi, khi tập sách nhiên cứu của Ủy ban Thần học Quốc tế được dịch ra Việt ngữ, sử dụng từ ngữ "hiệp hành", và được giới thiệu trên Vatican News tiếng Việt.
Một thực tế cho thấy, các Giám mục, hầu như lo việc mục vụ, đâu có thời giờ để nghiên cứu, các ngài thường dựa vào các chuyên viên, các học giả, các tiến sĩ, các dịch giả... Nhưng rồi, ngược lại, những học giả, các tiến sĩ, các dịch giả... lại dựa vào các Giám mục. Một vòng lẩn quẩn đang xảy ra và tạo ra ý tưởng chung chiếm ưu thế, khó mà thoát ra.
Một linh mục bạn, giáo sư, tiến sĩ Giáo luật, nói: "Mình không thích từ đó, đã phản đối ngay từ đầu, nhưng ở trên dùng, đa số dùng, thì mình đành theo thôi, không muốn tranh cải". Đây là một trường hợp điển hình cho biết bao nhiêu trường hợp khác.
Bản dịch tập tài liệu của UBTH: "La sinodalità nella vita e nella missione della Chiesa" (Tính hiệp hành trong đời sống và sứ vụ của Giáo hội), được Vatican News giới thiệu:
"Mở đầu cuốn sách nói về thuật ngữ ‘hiệp hành’ trong tiếng Anh là Synodality, tiếng Ý là sinodalità, và tiếng Pháp là synodalité. Thuật ngữ này có thể dịch sang tiếng Việt là “tính hiệp hành”, “tính đồng nghị”, “tính công nghị” hay “tính liên hiệp’’. Tuy nhiên, để có tính đồng nhất ngôn ngữ, thuật ngữ “tính hiệp hành” được chọn để dịch cho toàn văn bản này".
Lời giới thiệu này cho thấy tác giả, một cha giáo sư, tiến sĩ thần học tín lý, đã dựa vào "tính đồng nhất của ngôn ngữ" (?). Và tác giả chọn dịch cũng vì "thuật ngữ hiệp hành cũng được HĐGM Việt Nam chọn khi nói về Thượng hội đồng Giám mục sắp tới". Vậy phải chăng tác giả đã dung hòa các từ ngữ khác nhau để đồng nhất chúng và dựa vào uy tín cấp trên?
Làm như vậy là có tình đối với việc cư xử chứ không có lý đối với việc nghiên cứu, làm khoa học.
Các tác giả đã dựa vào cấp trên và cấp trên có lẽ cũng dựa vào các tác giả. Cái vòng lẩn quẩn đẩy thêm vòng lẩn quẩn!
Nếu vòng lẩn quẩn đó đúng thì không sao, nhưng nếu nó có sai lầm, thì xin những vị hữu trách, giáo sư, tác giả, người dịch, những vị rao giảng, những linh mục tu sĩ và những giáo dân nhiệt thành phân định lại để tìm thấy cái đúng cái sai.
Nhưng nếu nó là đúng thì không thể gây ra nguy cơ của một văn hóa nhà đạo lộn xộn, vô nghĩa, như đã phân tích ở trên.
Kết luận
Giáo hội là cộng đoàn Dân Chúa đang lữ hành cùng nhau về Nước Trời, đang thực hiện một cuộc Xuất hành mới, "một Giáo hội đồng hành", luôn có Đức Kitô và Chúa Thánh Thần cùng trên một con đường, chuyển thông sức sống thần linh và ơn cứu độ của các Ngài cho Giáo hội.
Vậy thì, nên để lại vị trí đúng chỗ của chữ "cùng" để chúng ta nhớ rằng "Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20). Ngài đang cùng đi với đoàn dân Ngài, đang "đồng hành" với Giáo hội của Ngài trên con đường dương thế, vốn đầy gian nan thử thách.
Yếu tính của Giáo hội, được diễn tả qua chữ "đồng hành", chính là "sự hiệp thông được biểu hiện và thực hiện" trong các hoạt động và đời sống Giáo hội. Mà hiệp thông ở đây, không chỉ là sự thông hiệp về tình cảm, bác ái, cứu giúp, nhưng chính yếu là sự "chuyển thông hay thông hiệp" "sự sống" và "ân sủng" giữa Thiên Chúa và con người, và giữa con người với nhau, như trong Bí Tích Thánh Thể. Và như trong thư của thánh Gioan Tông đồ, ngài nói hiệp thông là kết quả của đức tin, làm cho các kitô hữu hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Con, cũng như với nhau ở trong Ngài (x. 1Ga 1,1-4).
Tiếc rằng, sự chuyển dịch Việt ngữ với từ ngữ "hiệp hành" đã và đang gây những nguy cơ, giảm trừ hay đánh mất cái yếu tính chuyển thông sự sống thần linh này. Cái cảm thức "hiệp", hiệp lòng hiệp ý, hiệp sức... đã đề cao sức lực, tâm trí con người, vô tình gây nguy cơ làm giảm thiểu cảm thức Thiên Chúa đang ở "cùng" chúng ta, Đức Kitô đang đồng hành với chúng ta và làm giảm thiểu ý thức chúng ta cũng đang đồng hành với nhau trong ơn sủng của Thiên Chúa.