Sửa dạy huynh đệ: thực thi lòng thương xót, nói sự thật

Thứ hai - 28/06/2021 03:45 331 0
Thực thi lòng thương xót, nói những điều chân thật: làm sao để tuân giữ hai điều này cùng lúc? Nhà thần học giải thích “sửa dạy huynh đệ”.
 
 

Giáo hội dạy chúng ta thực hành lòng thương xót, nhưng cũng đòi hỏi chúng ta nói những điều chân thật. Làm sao để giữ hai điều này cùng lúc, chẳng hạn khi nói chuyện với một người mà bạn không bao giờ muốn chia sẻ sự chọn lựa hay quan điểm sống. Việc trách mắng một người anh em có lỗi không phải là bổn phận của chúng ta sao? Đâu là cách tốt nhất để làm điều đó mà không khiến mọi người khó chịu hay tạo ra sự chia rẽ?

Cha Diego Pancaldo, giáo sư thần học tu đức, trả lời:

Khi bình luận về cách diễn tả của Thánh vịnh 85: “lòng thương xót và chân lý sẽ gặp nhau”, Thánh Tôma Aquinô nhấn mạnh rằng “sự thật và lòng thương xót của Thiên Chúa được tìm thấy nơi mọi công trình của Ngài”. Sự thật và lòng thương xót trong Kitô giáo có mối liên kết nội tại, không đối nghịch cũng không nằm cạnh nhau. Nơi Chúa Giêsu Kitô, sự thật sống động, lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện: “Theo một nghĩa nào đó, chính Ngài là lòng thương xót”. Trên đây là nhận xét của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong thông điệp Dives in Misericordia, số 2. Tính duy nhất này được tái khẳng định trong bài giảng của Đức Giáo hoàng Phanxicô cho các giám mục Ý vào ngày 19 tháng 5 năm 2014. “Chân lý và lòng thương xót, đừng bao giờ tách rời chúng. Đừng bao giờ… Không có chân lý, tình yêu tự biến thành một cái hộp trống rỗng, mà mỗi người tự lấp đầy theo ý riêng mình: Đạo của bác ái không có chân lý có thể dễ dàng bị lẫn lộn với những thứ tình cảm tốt đẹp dành riêng, có ích cho cuộc sống chung của xã hội, nhưng nó nằm ở bên lề, vì vậy không ảnh hưởng gì đến các kế hoạch và tiến trình xây dựng việc phát triển con người”.

Thực hành chân lý trong đức ái chắc chắn đòi hỏi cố gắng, thường không thoải mái, nhưng đức ái trong sự thật rõ ràng là một trong những hình thức cao nhất của tình yêu dành cho tha nhân. Một người mẹ hay người cha không biết sửa dạy con cái sẽ không giúp chúng trưởng thành, một vị giáo sư không chỉ ra được những sai lỗi của học trò sẽ không giáo dục chúng được. Tình yêu dành cho tha nhân không nằm ở chỗ để cho nó trôi qua thoải mái. Chúa Giêsu yêu mến các môn đệ bằng cách chấp nhận những thái độ sai trái của họ, với một sự thẳng thắn phát xuất từ tình yêu. Chính Ngài đã mời gọi chúng ta thực hành việc sửa dạy huynh đệ, vốn đòi hỏi sự khiêm nhường và kiên nhẫn. Trong sứ điệp Mùa chay 2012, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI cho biết điều này bao gồm việc chú ý đến người khác, ngài nói: “Chú ý đến người anh em còn bao hàm sự quan tâm đến lợi ích thiêng liêng của họ. Và ở đây, tôi muốn nhắc lại một khía cạnh của đời sống Kitô giáo mà đối với tôi dường như đã trôi vào quên lãng: sửa dạy huynh đệ dưới cái nhìn của ơn cứu rỗi đời đời. Ngày nay, nói chung, chúng ta rất nhạy cảm đến những bài diễn thuyết về chăm sóc và bác ái vì lợi ích thân thể và vật chất của người khác, nhưng chúng ta hầu như im lặng hoàn toàn về trách nhiệm tinh thần đối với anh chị em của mình. Điều đó không có trong Giáo hội sơ khai và trong các cộng đoàn thực sự trưởng thành trong đức tin, ở đó không chỉ lưu tâm đến sức khỏe thể xác của người anh em, mà còn chăm sóc linh hồn của người đó ở phút cuối phận đời. Chúng ta đọc trong Thánh kinh: “Đừng khiển trách đứa ngoan cố kẻo nó thù ghét con. Hãy khiển trách người khôn ngoan, con sẽ được họ thương mến” (Kn 9,8). Chính Chúa Giêsu ra lệnh sửa lỗi người anh em khi phạm tội (x. Mt 18,15). Động từ được sử dụng để xác định việc sửa dạy huynh đệ - elenchein – cũng là động từ nói đến sứ mạng tiên tri về tố cáo của những người Kitô hữu đối với một thế hệ đắm chìm trong tội ác.

Đức Bênêđictô XVI nhắc lại lần nữa: “Truyền thống của Giáo hội đã kể việc “khuyên bảo các tội nhân” là một trong số những công trình của lòng thương xót thiêng liêng đó. Điều quan trọng là phải phục hồi chiều kích đức ái Kitô giáo. Không được im lặng trước sự ác. Ở đây tôi nghĩ đến thái độ của những người Kitô hữu, vì nể trọng con người hoặc đơn giản là vì thuận tiện, họ thích ứng với tâm thức chung, hơn là cảnh báo anh em mình về những cách suy nghĩ và hành động trái với sự thật và không đi theo con đường ngay thẳng. Tuy nhiên, sự khiển trách Kitô giáo, không bao giờ được cổ vũ bằng tinh thần lên án hay đả kích; mà luôn được lay động bằng tình yêu và lòng thương xót, xuất phát từ sự quan tâm thực sự vì lợi ích của người anh em. Thánh Tông đồ Phaolô đã khẳng định : “Thưa anh em, nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những người được Thần Khí thúc đẩy, hãy lấy tinh thần hiền hoà mà sửa dạy người ấy; phải tự đề phòng kẻo chính mình cũng bị cám dỗ” (Gal 6,1). Trong một thế giới chủ nghĩa cá nhân chiếm ưu thế, khám phá lại tầm quan trọng của việc sửa dạy huynh đệ thật sự quan trọng, để cùng nhau hướng đến sự thánh thiện. Ngay cả Thánh kinh cũng nói: “Vì chính nhân có ngã bảy lần cũng đứng lên được” (Cn 24, 16), và tất cả chúng ta đều yếu đuối và thiếu thốn (x. 1Ga 1,8). Vì vậy, đó là một việc làm lớn lao để giúp đỡ và cho phép mình được giúp đỡ để đọc lại bản thân bằng sự thật, để cải thiện đời sống của mình và đi trên đường ngay chính của Thiên Chúa. Luôn cần một cái nhìn yêu thương và sửa dạy, nhận biết và thừa nhận, phân định và tha thứ (x. Lc 22,61), như Thiên Chúa đã và đang làm với mỗi người trong chúng ta.”

Tác giả bài viết: Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Nguồn tin: https://gpquinhon.org

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây