Ai ai cũng biết rằng "nàng ấy" đã quay lại và lợi hại hơn xưa. Nhà nhà, người người đều sợ "cô ấy" và đã chung tay, chung sức, chung lòng để chống dịch.
Thế nhưng rồi, giữa cái lúc dầu sôi lửa bỏng của dịch bệnh ấy ta lại thấy cơn bão lớn của truyền thông.
Dù muốn dù không thì ai là dân cư mạng đều nghe về cơn bão lớn này. Chuyện gì đó giữa người phụ nữ và thêm 2 nhân vật nữa.
Hình như là người của công chúng, người nổi tiếng để rồi cả 3 dù không muốn cũng được mọi người biết đến. Trong cơn bão đó, ta lại thấy 2 người đàn ông im tiếng và 1 người có động thái gửi lại số tiền tạm cho là mượn. Người kia tính đến nay im bặt.
Và, đứng trước sự việc như vậy, hẳn nhiên người yêu thương, ủng hộ Chị không ít mà người đả phá chị cũng không phải là nhỏ. Như Chị chia sẻ thì con số công kích Chị lên đến hàng ngàn.
Bản thân tôi, cá nhân tôi, khi nghe những gì Chị nói, như chú em tinh thần hay nói : "Nhiều điều không nghĩ ra hen Cha" khi tôi chia sẻ những chuyện riêng tư. Để minh chứng lời mình nói, tôi trưng cho em những dấu chứng là điều tôi nói là có thật.
Chuyện của Chị. Như bao người khác. Tôi nghe ! Nghe nhưng không bình phẩm, không lên tiếng. Chả phải hèn nhát hay là không biết nói nhưng thầm lặng để chờ thời gian. Thời gian chính là phương thuốc, là liệu trình để phơi bày tất cả sự thật ra ánh sáng.
Chị nói những điều xem chừng quá sốc. Có thể tôi cũng có những câu chuyện như Chị nhưng chưa có cơ hội nói hay chưa đến dịp phải nói. Chị nói bởi đơn giản Chị là nạn nhân, Chị là người trong cuộc. Và, những điều Chị nói, ai không thích nghe thì không cần vào nghe. Nghe xong nếu muốn gì thì cần phải bình tĩnh và hết sức bình tĩnh để điều nghiên trước khi phán quyết.
Tất cả những gì Chị nói còn đó và có đó. Nếu Chị sai thì Luật Pháp sẽ có biện pháp với Chị. Và, những ai Chị phơi bày ra đúng hay sai cũng còn đó và có đó Luật Pháp. Cạnh đó, con người còn có một chốn để phán xét chính mình đó chính là tiếng nói của lương tâm. Lương tâm không nhìn được bằng mắt mà nó ở trong thẳm sâu của tâm hồn.
Với tôi, không nói Chị đúng hay Chị sai nhưng những gì Chị can đảm đưa ra là thật. Dĩ nhiên thuốc đắng thì dã tật mà sự thật thì mất lòng. Và tất cả những gì Chị đưa ra đều sẽ được kiểm chứng cũng như Luật Pháp phải ra tay.
Mình không ở trong hoàn cảnh của người khác, của Chị nên càng không nên bình phẩm bất cứ điều gì. Mình cũng không là nạn nhân nên cũng khó nói lắm. Cũng chỉ vì mong cho hết bệnh mà cả tin và có khi dẫn đến mất mạng,
Bản thân tôi cũng mém một chút là đi đến để xin chữa đó chứ ! Cũng may, nếu không thì...
Những ai dính dự đến câu chuyện hay là nạn nhân mà Chị nói thì họ sẽ cùng với những người có trách nhiệm phơi bày ánh sáng. Tiếc thay có những người xem chừng ra những câu chuyện mà Chị nói chả ăn nhập gì đời mình.
Qua cơn bão này, ta lại nhìn về truyền thông. Truyền thông không phải là con dao 2 lưỡi mà là con dao đến ngàn lưỡi. Nếu mình không khéo, không cản thận thì những con dao đó sẽ cứa vào mình.
Trên hết và sâu thẳm nhất của truyền thông vẫn là chân lý, vẫn là sự thật, công bằng và tôn trọng người khác. Tiếc thay có những người sử dụng truyền thông nhưng đã quên đi đạo đức truyền thông và nhất là mau nói mà không chịu nghe. Có những chuyện chỉ nghe người ta nói thôi mà đã tin cũng như đi loan truyền nhanh chóng.
Trưa nay, một anh "ta ru" nhiệt huyết đã tính chia sẻ chút gì đó cho vùng gần tôi ở. Hỏi ra thì Anh chưa hề biết nơi đó mà chỉ biết qua "phây búc". Khi chia sẻ thì Anh mới ngộ ra nhiều điều mà Anh chưa bao giờ nghĩ đến.
Còn với bản thân, nạn nhân của nhiều năm và nhiều người đến mức khó đến. Chỉ vì nghe có một tai để rồi mình trở thành nạn nhân của nhiều vụ chặt chém.
Đã hơn 1 lần xách giỏ ra đi mà không minh giải được nửa lời. Ngậm đắng nuốt cay rời xứ như kẻ trộm để rồi sau đó vài năm được sát thủ đến vỗ vai : "Tớ xin lỗi cậu ! Lúc đó tớ hiểu nhầm cậu ..."
Ơ hay ! Đâu phải là 10 năm về trước mà đến bây giờ cũng vậy. Nhiều sát thủ lăm lăm khẩu súng bên tay để bắn người khác và bắn ngay cả nó dù không hề nghe đủ 2 tai.
Truyền thông phải nói thật kinh khủng. Người ta lợi dụng truyền thông để làm điều bất chính. Người ta đã dùng nó như một quy trình để kiếm tiền trên xương máu của người nghèo.
Nếu như những gì ta đang nhìn thấy đây thì bi đát. Bao nhiêu người bệnh, bao nhiêu người yếu lòng yếu dạ đã phải rơi vào cảnh khổ.
Ai nào đó từng là nạn nhân của truyền thông, của sự dữ, của sự ác thì nên chăng hết sức cẩn thận trước khi phán quyết điều gì đó. Hãy để thời gian phơi bày ra ánh sáng tất cả sự thật.
Và như thế, cơn bão truyền thông đang còn chưa lắng trên các trang mạng xã hội sẽ minh chứng ai thật ai giả. Vả lại, đây cũng là kinh nghiệm và nhất là cho những người Kitô hữu. Nếu mình là Kitô hữu thì đừng có bày trò để lừa người này hại người kia. Lương tâm và nhất là Giáo Lý Kitô giáo không bao giờ cho phép mình kiếm tiền trên những người đau bệnh.
Bản thân là bệnh nhân. Rất may mắn cứ đến bác sĩ chứ không hề dám đến với lang băm. Nói như thế cũng tội những thầy lang chân chính. Cả anh chị em nghệ sĩ cũng vậy. Thành Lộc, Cẩm Vân, Bảo Quốc, Kim Cương, Chí Tài ... vẫn là những nghệ sĩ chân chính mà tôi hằng trân quý và ngưỡng mộ.
Tưởng nghĩ và ước mong trước khi mình phán quyết điều gì đó thì hãy chờ thời gian như Thánh Phaolô nói là anh em đừng phán xét trước kỳ hạn. Hơn thế, Kitô hữu chúng ta còn có Đấng Chí Công xét xử chúng ta. Chính vì thế, chúng ta hãy để cho Thiên Chúa xét xử chúng ta. Chúng ta lắng nghe những câu chuyện của cuộc đời và lặng thầm suy nghĩ để làm bài học cho chúng ta là đừng bao giờ đi làm hại người ta.
Lm. Anmai, CSsR