ĐỜI VÀ NHỮNG PHIÊN TÒA
Chuyện kể về cuộc đời Thánh Anphongsô
Anphongsô Đệ Ligoriô sinh ngày 27 tháng 9 năm 1696 tại Marrinella gần thị trấn Naples.
Cha mẹ cậu thuộc dòng quí tộc: quyền uy cũng như của cải đều dư thừa nhưng không vì thế mà kém sút về đạo hạnh. Chính vì vậy, mà Thiên Chúa đã đoái thương cho hai ông bà được phúc sinh hạ một đấng thánh.
Nhờ được một bà mẹ đạo đức giáo huấn nên ngay từ hồi còn thơ ấu, Anphongsô đã là một thiếu nhi nết na và có một tâm hồn mến Chúa sâu xa, có lòng kính mến Chúa Giêsu ngự trong phép Thánh Thể và Đức Mẹ Maria đồng trinh rất đặc biệt.
Anphongsô được đi học rất sớm và vì siêng năng nên có thể nói cậu trội đã vượt về hết mọi môn học, đặc biệt môn văn chương và âm nhạc. Mới mười sáu tuổi, sinh viên ưu tú Anphongsô đã giật bằng tiến sĩ giáo luật và dân luật. Thân phụ Anphongsô cho con theo đuổi nghề luật sư và chỉ sau một thời gian ngắn, ngài trở thành một trạng sư lỗi lạc tại kinh thành Naples. Suốt mười năm trường sống trong nghề luật sư, Anphongsô đã tỏ ra là một người công bình liêm khiết và quãng thời gian đó Thiên Chúa như muốn dùng Ngài làm một tấm gương phản chiếu cho sự đạo đức thánh thiện giữa một thế giới ham chuộng danh lợi.
Rồi một biến cố xảy đến làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của Anphongsô. Năm 1723, Ngài nhận cãi cho một vụ kiện mà bị cáo là hầu tước miền Toscane. Ngài dành hẳn một tháng trời để nghiên cứu vấn đề, và với sự xác tín thế nào cũng thắng, Ngài hùng hồn biện hộ trước tòa án với những lý chứng vững vàng. Dứt lời, mọi thính giả đều vỗ tay vang rền và chính ông chánh án cũng tưởng phải xử án theo lời vị luật sư trẻ tuổi. Nhưng trong khi mọi người cũng như chính Anphongsô tưởng sẽ đắc thắng thì vị luật sư cãi cho nguyên cáo đứng dậy. Miệng mở một nụ cười kiêu hãnh, ông lên tiếng bênh vực cho thân chủ và cho Anphongsô thấy một khía cạnh chính yếu mà Ngài đã quên không xét đến. Chính cái khía cạnh quan trọng ấy đã đánh đổ tất cả những lý luận hùng hồn của Anphongsô và dĩ nhiên kết quả vụ kiện đã xoay chiều hẳn.
Trước tình thế ấy, Anphongsô như người bị sét đánh. Tuy nhiên với tâm hồn chính trực, Ngài không hề cãi lại và vui lòng nhận sự thất bại. Ngài chỉ đáp lại một cách khiêm tốn:
- Thưa quí vị, tôi đã lầm trong vụ này, xin quí vị tha lỗi.
Và bước ra khỏi tòa án ngài lẩm bẩm:
- Ôi thế gian giả dối, ta đã biết cái mặt thật của ngươi... !
Chúa nhật 28 tháng 8 năm 1723 trong khi tận tâm săn sóc các bệnh nhân trong một phòng bệnh, Anphongsô nghe như có tiếng Chúa thúc giục trong lòng :
- Con còn ở thế gian làm gì nữa ?
Anphongsô mau mắn đáp lại:
- Lạy Chúa, xin Chúa hãy dạy con làm tất cả những gì Chúa muốn.
Ra khỏi bệnh viện, Anphongsô vào nhà thờ các cha dòng Chuộc Kẻ Làm Tôi gần đấy. Ngài sấp mình thờ lạy Mình Thánh Chúa. Để tỏ lòng thành thật, Ngài rút gươm ra đem đặt trên bàn thờ Đức Mẹ.
Nhớ lại câu chuyện xưa về phiên tòa quyết định cuộc đời của Thánh Anphongsô tôi lại nghĩ về những phiên tòa trong cuộc đời. Cuộc đời nó thay trắng đổi đen quả thật là bình thường trong cuộc đời.
Bản án dành cho chàng thanh niên mang tên Giêsu cách đây hơn 20 thế kỷ cũng vậy thôi. Một bản án bất công nhưng rồi người ta vẫn thi hành vì sự thật đã bị vùi dập và công lý ở trong tay kẻ ác.
Người ta vẫn thường hay đùa công lý chỉ là “ký lông” mà thôi. Mà thật sự là vậy, khi công lý không có công bằng thì coi như nó chỉ là trò đùa mà thôi. Và nhất là trong những phiên tòa mà đồng tiền đứng về kẻ mạnh cũng như sức mạnh của phán quyết không nằm trong tay người yếu thế.
Chả phải thời của thánh Anphongsô mà thời nào cũng thế. Thế cho nên ta cũng chả thấy gì làm phải buồn khi có những phiên tòa bất công xảy ra trong cuộc đời của ta. Khi ta nhìn thấy sự bất công hay người ta xử ác với nhau thì ta lại có cơ hội nhìn lại chính cuộc đời của chúng ta như bài học dạy ta đừng đối xử bất công với ngay chính người trong gia đình của mình.
“Thế gian ơi ta biết mi rồi !” đó là câu cảm thán của thánh Anphongsô và có lẽ cũng là câu cảm thán của mỗi chúng ta khi thấy sự bất công, gian dối trong cuộc đời.
Cũng chả phải có một vụ án bất công nhưng có quá nhiều vụ án bất công xử ác với kẻ yếu thế. Rất dễ hiểu họ xử như vậy khi họ không có lòng nhân hậu cũng như thay trắng đổi đen là tâm tính của họ.
Ngày nay sự dữ và sự ác lan tràn. Có điều chúng ta cần phải khôn ngoan cũng như can đảm để sống bác ái và yêu thương mà trên hết là phải sống công bằng. Ranh giới giữa sự dữ và sự ác cũng như giữa công bằng và bất công bởi lẽ do lòng của con người vô cảm với người khác và không sống thật.
Không khéo mình lên án người khác bất công, phiên tòa này phiên tòa kia bất công nhưng chính bản thân ta đang sống bất công với ngay cả người thân hay ruột thịt của mình. Hãy thận trọng về cách hành xử của mình với tha nhân, với người bên cạnh.