Cách Ứng Xử trong Cuộc Sống: Thẳng Nhưng Phải Khéo

Thứ bảy - 03/09/2022 21:48 712 0
 


Nếu thẳng thắn quá, bạn sẽ khiến nhiều người ghen ghét, thậm chí có thể bị ghét ra mặt. Trong cách ứng xử trong giao tiếp, có khá nhiều người thích được khen ngợi….Thông thường chúng ta hay có quan niệm rằng, một người “thẳng thắn” thì khó mà “khéo léo”. Vì họ thường nói ra những điều họ nghĩ mà không quá quan tâm dư luận – những người xung quanh sẽ phản ứng như thế nào. 

 Học cách ứng xử trong cuộc sống và trong giao tiếp là bài học dành cho nhiều đối tượng. Trong đó “thẳng thắn” và “khéo léo” là hai tính cách quan trọng được phân tích trong bài viết này.


Thẳng thắn là gì?

  
Đầu tiên, hãy bàn về “Thẳng thắn”. Chúng ta cần hiểu thế nào gọi là “thẳng thắn”. Những người nói thẳng thường nói thật và dám nói ra những điều mà nhiều người không dám nói. Những lời nói đó có thể tốt hoặc xấu nhưng không hề nói thêm hoặc nói bớt nhằm xuyên tạc câu chuyện. Thẳng thắn là một đức tính tốt nhưng thẳng thắn quá thường hay mất lòng.

Tuy nhiên không thể phủ nhận, những góp ý thẳng thắn giúp chúng ta nhiều bài học quý báu, mà bài học đầu tiên đó là học cách làm bạn và nói chuyện “thẳng thắn” với những người “thẳng thắn”; bởi một trong những cách ứng xử thông minh trong giao tiếp đối với người thẳng thắn là hãy thẳng thắn giống như họ.

“Thẳng thắn” thôi chứ đừng “vô duyên”

Để sự “thẳng thắn” không biến thành “vô duyên”, hãy lắng nghe và học thêm cách ứng xử thông minh trong cuộc sống từ những người “thảo mai”. Những người thảo mai thường khéo ăn khéo nói trong giao tiếp, biết lấy lòng mọi người xung quanh, biết tạo ra những lợi ích cho riêng mình. Tuy không ai thích những cô nàng “thảo mai” nếu họ biết cô ấy “thảo mai”, nhưng những cô nàng “thảo mai” thường có khá nhiều người yêu mến.

Nếu thẳng thắn quá, bạn sẽ khiến nhiều người ghen ghét, thậm chí có thể bị ghét ra mặt. Trong cách ứng xử trong giao tiếp, có khá nhiều người thích được ngọt nhạt, khen ngợi và tung hô. Khi tiếp nhận lời khen, cái tôi được vuốt ve khiến đôi khi lý trí bị mất kiểm soát. Theo lẽ thường tình, chúng ta luôn đón nhận lời khen trong tâm trạng hân hoan.
  
Để thắng thắn mà không bị vô duyên hay bị ghen ghét, chúng ta cần “thẳng thắn” đúng nơi, đúng lúc. Không ai thắng tính lại thích bị nhiều người ghét cả. Chỉ là họ chưa biết cách điều chỉnh các hành vi ứng xử của bản thân trong cuộc sống. Có những tình huống cho phép bạn nên thẳng thắn, rõ ràng, công khai. Tuy nhiên sẽ có lúc chúng ta phải khéo léo nói giảm, nói ẩn dụ, hoặc chỉ tiết lộ một phần của câu chuyện.

  
Những người thẳng thắn thường không biết nói dối. Điều đó không đồng nghĩa với việc họ phải có bổn phận nói hết mọi thứ. Nói một phần và giấu đi một phần là nghệ thuật. Đôi khi chỉ cần hé mở một vài thông tin là đã có hiệu quả gấp trăm lần so với việc nói ra tất tần tật với mục đích nhẹ lòng! Đó là cách ứng xử khéo léo trong giao tiếp cần phải học.


“Thẳng” mà “Khéo” cần có sự chân thành
  
Mấy ai thẳng thắn và vô cùng khéo léo để khiến người nghe không bị tổn thương mà còn được học hỏi rất nhiều điều lẫn tâm phục khẩu phục? Người thẳng thắn và khéo léo biết nói những điều cần phải nói tại những thời điểm thích hợp, tùy đối tượng người nghe. Nếu người nghe là người cũng thẳng thắn và khéo léo, nói một hiểu mười, chắc bạn sẽ không cần phải nói hoặc diễn đạt quá nhiều đến lần thứ hai hoặc thứ ba. Họ chắc chắn là những người thông minh, vừa có chỉ số IQ cao vừa có chỉ số EQ cao.

  Bản thân những người “thẳng” nhưng “khéo” đã được tôi luyện trong rất nhiều tình huống tâm lý phức tạp, cũng như trải nghiệm nhiều khía cạnh cuộc sống khác nhau (không xét đến yếu tố tuổi tác). Họ hẳn đã từng có kinh nghiệm ở vị trí là người tiếp nhận thông tin, và khi họ trở thành người truyền tải thông tin, họ sẽ hiểu người nghe cần gì và có những phản ứng như thế nào. Những người thẳng thắn và khéo léo biết cách đạt được những điều họ muốn.
 
 
Thẳng tính thôi chưa đủ, vì hẳn bạn sẽ có nhiều người ghét hơn nhiều người thương. Bạn có thể nói rằng tôi chỉ cần chơi với những người hiểu tôi, chấp nhận con người tôi thôi đủ rồi. Tôi không biết thảo mai, không biết lấy lòng ai và tôi không cần phải biến bản thân thành một con người khác để có thêm một vài người bạn xã hội. Bạn có thể khăng khăng nói rằng tính bạn là như vậy, ông trời cho bạn tính cách ấy, không thể thay đổi.


Bạn tuyên bố cuộc đời này ngắn, sao phải sống vì thái độ của người khác? Họ không ưa mình ư? Mặc kệ họ. Đúng là mặc kệ họ, và họ cũng mặc kệ bạn! Nhưng nếu bạn thử nghĩ thoáng hơn một chút, khéo léo không đồng nghĩa với “giả tạo”. Khéo léo không biến bạn trở thành một người tồi tệ. Việc lấy lòng ai đó trong một hoàn cảnh hoặc một thời điểm nào đó không khiến bạn trở nên “giả dối”. Quan trọng vẫn là bạn biết cách khéo léo trong giao tiếp và mềm mỏng trong ứng xử với một tấm lòng chân thành.
 

“Thẳng” nhưng “Khéo” rất có ích trong công việc

Một tập thể khi làm việc chung có rất nhiều cá tính khác nhau va chạm. Nếu tập thể ấy có nhiều cá tính mạnh, người lãnh đạo phải biết mềm dẻo đúng lúc, đồng nghiệp nói chuyện với nhau cũng phải biết nương. Một tổ chức muốn tồn tại vững bền cần công sức đóng góp của nhiều cá thể. Nếu thiếu đi một nhân tố nào đó cũng sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng công việc tổng thể.

Nghệ thuật ứng xử khéo léo trong giao tiếp, trong cách phân chia, phân bổ và phân công công việc, nói thì dễ nhưng làm lại rất khó. Rất nhiều tổ chức thành công; điều đó chứng tỏ họ có cách và có phương pháp. Việc thẳng thắn trong công việc là cần thiết vì nó giúp công việc được giao rõ ràng và minh bạch. Còn sự khéo léo thể hiện khả năng của người lãnh đạo hoặc đồng nghiệp khi biết cách khai thác tối đa năng lực của một cá nhân.

Cần phải nói ngay và luôn, không phải những ai lớn tuổi thì luôn có nhiều trải nghiệm và sự khéo léo hơn những ai ít tuổi hơn. Vì thế trong công việc, chúng ta hoàn toàn công bằng không dựa trên yếu tố tuổi tác. Ai có khả năng và tố chất hơn người đó sẽ thành công hơn về mặt địa vị và thu nhập.

Những người thẳng tính không thích lải nhải

Đối với những người thẳng tính, họ có thể nói nhiều hoặc nói ít tùy tính người, nhưng đa phần họ không thích nói dai, lải nhải hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần. Ngay cả những người “thẳng” nhưng “khéo”, nếu họ phải lặp đi lặp lại một điều gì đó trên hai hoặc ba lần, họ có xu hướng không nói về vấn đề đó nữa mà sẽ chuyển sang phương án hành động. Tùy điều kiện, hoàn cảnh và tình huống mà hành động của họ có thể khác nhau: không dây dưa với bạn nữa, không nói chuyện đó với bạn nữa, không quan tâm cảm nhận của bạn về chuyện đó nữa, không làm việc đó chung với bạn nữa, không nhờ bạn làm việc đó nữa, để ý và bắt lỗi bạn khi cần thiết vì “tôi đã nhắc bạn điều này nhiều lần rồi”…
Đối với những người thẳng thắn thì việc “không có mợ chợ vẫn đông”, “bạn không thích tôi, ừ tôi cũng không cần bạn” và “không phải là không có ai giỏi hơn bạn để thay thế bạn”. Những người thẳng thắn có nhiều trải nghiệm sẽ khéo léo hơn khi quyết định sẽ thẳng đến mức độ nào trong từng tình huống giao tiếp với mọi người.
 

Tuy nhiên mọi thứ đều có giới hạn, nếu thẳng thắn cần có giới hạn thì sự khéo léo cũng cần phải có giới hạn để không bị biến thành dễ dãi. Chắc chắn một điều, những người thắn thắn và được việc, họ không thích chơi với những người nói xấu sau lưng nhưng tươi cười trước mặt họ.
Tôi thiết nghĩ, học cách ứng xử trong giao tiếp và trong cuộc sống là bài học cả đời.
 

Nguồn : Elle
 

Tác giả bài viết: Nguồn : Elle

Nguồn tin:

 Tags: Phút suy tư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây