Chiêm ngắm Đức Giêsu trên Thánh Giá để học cách tha thứ nơi đời sống chung.

Thứ tư - 01/05/2024 19:41 125 0

Chiêm ngắm Đức Giêsu trên Thánh Giá để học cách tha thứ nơi đời sống chung.  

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con,
Chúng con xin ngợi khen, chúc tụng, cảm tạ và yêu mến Cha ngay từ giây phút đầu tiên của ngày sống mới này. Chúng con cám ơn Cha về mầu nhiệm Cứu độ mà Đức Giêsu đã thực hiện qua cuộc khổ nạn, cái chết và sự Phục Sinh của Ngài. Chúng con đang sống những ngày vui của Mùa Phục Sinh. Nhưng chúng con muốn ngắm nhìn Đức Giêsu trên Thánh giá để học với Ngài bài học của tình yêu tha thứ. Chính những giờ phút cuối cùng trên Thánh Giá dù tủi nhục, khổ đau nhưng Đức Giêsu đã hoàn toàn tín thác và đã nói lời tha thứ cho nhân loại tội lỗi, tha thứ cho những kẻ gây ra án mạng bởi lời vu khống, cáo gian, bởi ghanh tị, ghét ghen....

Lạy Chúa Giêsu, chiêm ngắm dung nhan bình tĩnh, hiền từ của Chúa trong lúc đau đớn tột cùng trên thánh giá, xin cho con hiểu được phần nào lòng quảng đại, yêu thương và tha thứ mà Chúa dành cho mỗi người trong nhân loại chúng con. Chúa yêu thương, rộng lượng tha thứ tội lỗi của chúng con mỗi giây phút trong cuộc sống. Thế nhưng, nhiều lúc chúng con khó bao dung, bỏ qua những tổn thương, đau lòng gặp phải giữa đời thường. Xin cho mỗi người xác tín rằng: chỉ khi nào mình cảm nhận được Chúa thương yêu tha thứ thật sự, mỗi người mới có thể sống quảng đại với những người chung quanh và sẽ nhạy bén, tế nhị...để không làm ai đó phiền lòng hoặc bị tổn thương giữa những chung đụng hằng ngày.

Suy niệm:

Lời nói đầu tiên được Đức Giêsu thốt ra sau khi Ngài bị đóng đinh vào thập giá. Đó là những lời của sự tha thứ. “Lạy Cha, xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc. 23, 34)

Chúa Giêsu nói lời tha thứ và đã xin Cha tha cho ai? cho những kẻ thù, cho tên đầy tớ đã vả mặt Chúa trong dinh thượng tế Caipha? cho Philatô, một nhà chính trị nhiều mưu mô, xu thời và tàn ác, đã lên án tử cho Chúa Giêsu để giữ tình nghĩa với Xêda, Chúa sẵng sàng tha cho Hêrôđê, một tên bạo chúa đã khoác cho Con Thiên Chúa cái áo của kẻ dại dột, điên khùng? Chúa còn tha cho những tên lính dã man đã đánh đòn và treo Vua các vua trên cây thập tự, đứng trơ vơ giữa trời và đất? Chúa sẵn sàng tha cho họ hết thảy, vì Chúa hiểu cho họ rằng họ không thực sự nhận biết việc họ làm, họ không đủ ý thức việc họ làm là một tội ác. Chúa đã không xét đoán, không biện minh, dù Chúa có quyền và có thể làm điều đó. Lời tha thứ xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm gói trọn Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại qua mọi thời.

Ngay trong lúc tột cùng của khổ đau, giữa lúc nhục nhã ê chề;  khi công lý và sự thật bị nhấn chìm giữa bất công nhất, Chúa Giêsu đã nói lời Tha thứ xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm. Ngài cầu xin Cha“Lạy Cha, xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc. 23, 34). Đây quả là sứ điệp cao quý mà Đấng Cứu Độ trần gian mang lại cho loài người.

Trong cơn hấp hối, các tử tội thường nguyền rủa và lên án kẻ đã xử tử mình, hoặc nói lời mình oan, hoặc van xin sự khoan hồng cho mình. Nhưng Đấng tuyệt đối vô tội đã không nguyền rủa lên án ai, cũng chẳng nài van người ta tha cho mình, trái lại, Ngài đã xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm. Hành động tha thứ của Đức Giêsu, minh chứng Ngài là Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, chính Người đã ban ơn tha thứ cho con người trong nhân loại. Lời tha thứ của Thiên Chúa được long trọng tuyên bố 2 lần, lần thứ nhất trong vườn Địa Đàng, khi Thiên Chúa hứa ban ơn cứu độ cho nhân loại qua lời tiên báo: Dòng dõi người đàn bà sẽ đạp dập đầu con rắn ác thần, và giờ đây, Thiên Chúa trong thân phận Người Tôi Tớ đau khổ đã hoàn tất lời hứa ấy. Lời trăn trối thứ nhất này biểu lộ tình yêu vô cùng lớn lao của Thiên Chúa. Lời này đã vang dội suốt dòng lịch sử cứu độ, lời này đã được Thánh Stêphanô, xin Chúa tha thứ cho những kẻ đã ném đá xử tử mình “Ông Stephano quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận linh hồn con”. “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.”(Cv 7,59- 60). Và thái độ rộng lượng tha thứ của thánh Phaolô khi bị mọi người bỏ rơi trước tòa án, thánh nhân đã viết cho ông Timôtê: “Lần đầu tiên khi ra tòa để biện hộ thì chẳng một ai bênh vực cha cả, mọi người đều bỏ rơi cha, nhưng thôi xin đừng chấp điều ấy làm gì” (2Tim. 4,16)

Chúng ta được mời gọi học tha thứ từ nơi Đức Giêsu và các thánh, tha thứ luôn luôn, tha thứ 70 mươi lần bảy. Và điều này không dễ dàng chút nào. Lòng tha thứ mở rộng con tim, làm nảy sinh sự chia sẻ, đem lại sự an bình.

Để học tha thứ, mỗi người nhìn nhận xem mình có thứ tính cách của Philatô khi không đủ can đảm để dám sống theo lương tâm ngay thẳng, vì sợ người khác đánh giá, coi thường, sợ điều này điều kia mà không sống sự thật hoặc không dám lên tiếng cho sự thật. Mình có giống Hêrôđê ham danh vọng và quyền lực hơn là yêu thương và khoan dung. Có phải nhiều lần tôi và chị em bỏ qua tiếng lương tâm, để ngụy biện để đi theo lối sống dễ dãi, không trung thành với điều đã tự nguyện khấn hứa.

Nếu không cảm nhận ơn tha thứ Chúa dành cho mình và cần sự tha thứ của người khác, chúng ta sẽ mất tự do. Nếu đánh mất tự do thì khó lòng buông bỏ những cay đắng, giận hờn, nhỏ nhen trong cuộc sống. Và nếu mỗi người trong chúng ta không vượt lên chính mình, không cố gắng bước theo sát Đức Kitô để sống yêu thương và tha thứ trong đời sống thánh hiến, cuộc sống nơi cộng đoàn có nguy cơ thành hỏa ngục. Điều này đã được Đức thánh cha Phanxicô nhắn gởi cho các tu sĩ hôm chiều ngày 2/2/2021, ngài khuyên các tu sĩ tránh nhiều chuyện, đừng nói hành nói xấu và hãy có tính hài hước.

Vì sao Đức thánh cha Phanxicô khuyên tránh nhiều chuyện? Thiển nghĩ, có sự nhiều chuyện trong cộng đoàn bởi thiếu tình huynh đệ và sự tha thứ. Mỗi người ai cũng cho mình đúng, mình nhất, mình luôn bị tổn thương chứ không hề nghĩ mình đã từng làm tổn thương kẻ khác...Đức Thánh Cha nhận định rằng “nhiều chuyện” giết chết đời sống cộng đoàn. Do đó đừng nói hành nói xấu người khác. Có người nói: “Điều đó không dễ đâu cha ạ, vì đôi khi nó xuất phát từ trong lòng!”. Đức Thánh Cha trả lời: “Đúng, nó đến từ trái tim: nó đến từ lòng đố kỵ, nó đến từ rất nhiều tội lỗi chết người mà chúng ta mang trong lòng. Hãy thoát khỏi nó.” Ngài nói tiếp: “Luôn luôn có nhiều điều không xuôi thuận. Từ bề trên, từ cố vấn, từ người khác... Luôn có những điều chúng ta không thích, phải không? Đừng đánh mất tính hài hước của anh chị em; điều này sẽ giúp chúng ta rất nhiều. Nó giúp chống lại tính nhiều chuyện: biết cách cười chính mình với trái tim nhân hậu, cười trước các tình huống và thậm chí với người khác; nhưng đừng để mất đi tính hài hước của anh chị em. Những gì tôi khuyên anh chị em không phải là những lời khuyên quá giáo điều, mà là nhân bản để phát triển tính kiên nhẫn.” [1]

Không ai trong chúng ta không có khổ đau, thập giá. Không ai chưa một lần bị tổn thương hay chưa làm người khác tổ thương. Và thực tế chẳng mấy ai đã từng không có nhưng đau bệnh nơi tâm hồn, đã không hề vấp ngã hay thất bại bao giờ ? Vì thế, sức nặng của Thập giá sẽ được sẻ chia, nâng đỡ... nếu như chúng ta biết ra khỏi mình đến với tha nhân, giúp đỡ và xoa dịu nỗi khổ đau của người khác cũng như sẵn sàng để tha thứ và cho đi.“Không ai nghèo đến nỗi không có gì để cho đi, nhưng cái quan trọng đầu tiên là cho đi chính mình.” (ĐGH. Phanxicô)

Hãy nhìn ngắm Chúa Giêsu trên thánh giá để ta sống những biến cố đau thương trong cuộc đời mình với lòng tin yêu phó thác. Người chiến thắng là người tin rằng Thiên Chúa vẫn ở với mình ngay lúc mình cảm thấy như Thiên Chúa hoàn toàn vắng bóng. Kẻ chiến thắng là kẻ trải qua những kinh nghiệm cùng cực nhưng vẫn xác tín rằng mình vẫn đang nằm trong vòng tay đầy yêu thương của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46). Chúa Giêsu đã qui hướng mọi sự về Cha, đã trao phó tất cả cho cha, và cuối cùng dâng trong tay Cha chính sự sống của mình, và qua đó cũng chính là sự sống của mỗi người chúng ta. Rồi “Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19, 30).

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, con sẽ chẳng bao giờ hiểu được sự tha thứ của Chúa đối với những người đã vu khống, cáo gian và kết án một người không hề phạm tội và bắt Ngài phải chịu bản án bất công, dã man, tàn nhẫn. Con sẽ mãi mãi không hiểu được, bởi con chỉ là con người, con chưa cảm thấu được sự tha thứ, lòng thương xót vô biên của một vị Thiên Chúa dành cho cuộc đời con.

Khi chiêm ngắm thánh giá, xin cho tâm hồn con thực sự được sâu lắng, được cảm nghiệm cách thiết thực hơn trước lời của Ngài “Lạy Cha, xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”, lời đầy sức mạnh đã khiến các thánh của Chúa sẵn sàng bước theo Chúa dù đường đời của các ngài không chút bằng phẳng, cuộc sống của các ngài luôn bị chống đối, rình rập từ những kẻ ác tâm, những kẻ không muốn chọn con đường thập giá, những kẻ muốn đi ngược lại với Tin Mừng.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã từng xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm, lời van xin của Chúa không chỉ dành cho những người góp phần trong vụ án xử tử Chúa, nhưng còn để xin Chúa Cha tha thứ cho con và chị em con cũng như mọi người. Chúa xin Cha tha những tội vô tình hay cố ý của chúng con. Với một tình yêu bao dung, đầy lòng thương xót. Chúa xin Cha tha tội cho con không biết đến số lần hay mức độ, Chúa tha thứ, và mở cho con con đường sự  sống.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, Xin biến đổi con, để con cũng có thể cầu xin Cha ơn tha thứ và sẵn lòng tha thứ cho người khác, mỗi khi có ai đó tìm cách gây thiệt hại hay làm tổn thương con, khiến con rơi vào đau khổ, và cảm thấy mệt mỏi, chán chường. Bởi chỉ có sự tha thứ, mà con học được nơi Chúa, sẽ mang lại cho bản thân và cộng đoàn con đang sống sự bình an và hạnh phúc thật.  Amen.

[1]. (x https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-02/dtc-phanxico-tu-si-noi-hanh-noi-xau-hai-huoc.html)

 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây