Chiêm ngưỡng Chúa Ba Ngôi Vẻ đẹp tuyệt mỹ

Thứ bảy - 25/05/2024 20:17 309 0
 
Chiêm ngưỡng Chúa Ba Ngôi
Vẻ đẹp tuyệt mỹ
 
 
Chiêm ngưỡng Chúa Ba Ngôi
Linh hồn tôi bối rối
Biết mình đang có tội
Mà sao Chúa vẫn yêu
Tôi cũng thấy thêm điều
Mình cũng nên đáp lễ
Biết không nên kể lể
Chẳng lẽ lại thua trăng
Ca ngợi Chúa vĩnh hằng
Trang điểm hoa cây cỏ
Mình không nên đứng ngó
Cô tịch về nương thân
Từ vẻ đẹp ân cần
Lần đến Nguồn Vẻ Đẹp
Là chính Chúa Ba Ngôi
Gọi tắt là CHÚA ĐẸP.

Mời bạn:
“Đứng tựa non sao bờ suối ngọc
Hồn say dìu dịu mộng êm êm”
[1].
Non sao và suối ngọc là vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp làm hồn say, mộng êm êm. Tôi đang chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt mỹ của Thiên Chúa. Vâng, chỉ có Thiên Chúa Đẹp, nét đẹp tuyệt mỹ. Vẻ đẹp của mọi vẻ đẹp mới làm cho các thụ tạo nên tuyệt mỹ: “Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ! Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt/ Như đón từ xa một ý thơ… Hàng thông lấp loáng đứng trong tim/ Cành lá in như đã lặng chìm/ … Sông Ngân Hà nổi giữa màng đêm/ Cả trời say nhuộm một màu trăng”
[2].
Trước vẻ đẹp của thiên nhiên như vậy, Hàn Mạc Tử đã nhận ra vẻ đẹp của Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng là nguồn gốc của mọi vẻ đẹp: “Đức Chúa Trời đã
tạo ra trăng, hoa, nhạc, hương là để cho người đời hưởng thụ… và nhân đấy, chiêm nghiệm lẽ mầu nhiệm, phép tắc của Đấng Chí Tôn”
[3]. Còn thánh Gioan Thánh Giá đã chiêm ngắm vẻ đẹp của Thiên Chúa Đấng Chí Tôn qua rừng cây, đồng cỏ; thậm chí còn hỏi chúng: Chúa có đi qua chỗ các ngươi không?
“Ôi những rừng cây và bờ bụi/ Bàn tay Đấng Chí Ái đã trồng lên/ Ôi đồng cỏ xanh non/ trang điểm những hoa xinh/ Xin hãy nói ta hay/ Chàng có đi qua chỗ các ngươi không?”
[4]
Khi chiêm ngắm vẻ đẹp của loài người, thánh Augustinô đã mời: “Hãy nhìn xem, chúng tôi thật đẹp biết bao/ vẻ đẹp chúng tôi là lời tuyên xưng về Thiên Chúa”. Còn thi hào Dante người Ý ca ngợi vẻ đẹp ghi dấu ấn của Thiên Chúa bằng áng thơ: “Đây vẻ đẹp thiêng vũ loài trọng vọng/ mắt cung chiêm huyền ấn tỏ vĩnh hằng/ dấu thiêng liêng dẫn về nguồn cùng đích/ vũ hoàn ca bay bay nhạc thơm căng”[5].
Nếu chúng ta dừng lại ở vẻ đẹp của thiên nhiên và của con người mà không biết nhờ đó đi lên cùng Thiên Chúa để nhận ra và chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoàn Mỹ là Thiên Chúa Ba Ngôi thì thánh Bonaventura gọi kẻ ấy là kẻ mù quáng và khờ dại
[6].
Vậy con nhờ thiên nhiên mà đi lên cùng Thiên Chúa để mắt khỏi mù lòa, tai khỏi điếc và miệng lưỡi khỏi bị câm.
- Mắt tôi thấy máu Ngài đổ trên bông hồng/ thân xác Ngài lấp lánh giữa tuyết trắng vĩnh cửa/ tôi thấy gương mặt Ngài trong từng bông hoa.
- Tai tôi nghe tiếng sấm và tiếng chim hót líu lo/ là tiếng Ngài-và được khắc họa/… mão gai Ngài được đan bằng từng ngọn gai/ thập giá Ngài từ mỗi cây xanh
[7].
- Miệng lưỡi tôi cùng trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa/ Không trung loan báo việc tay Người làm
[8].
Các tầng trời và cả tâm hồn tôi trở thành cuốn sách ghi chép sự khôn ngoan, quyền năng là từ bi của Chúa.
Vậy hôm nay, con đã nhìn thấy Chúa đợi chờ, từ bi đón nhận con; Ngài đã cảm hóa và đại lượng yêu thương con. Chúa Cha đã và đang điều động tất cả để chinh phục một linh hồn, nào Ngôi Lời nhập Thể, nào Giáo hội bạn tình của Người, nào là bí tích, ơn thánh – Chúa Thánh Thần. Tất cả đều trở thành hữu ích cho những người yêu Chúa
[9].
Ôi lạy Chúa! Chúa đã yêu con. Chúa đã thông ban cho con sự sống của Ngài. Chúa đã trang điểm cho con kiều diễm. Chúa đã say mê con và làm con giống Chúa. Để biết ơn tình Chúa con cũng say mê Chúa. Linh hồn con thắt buộc vào Chúa bằng sợi dây vừa rất rắn chắc, vừa rất mềm mại đó là sợi dây quyến luyến nhau
[10].
Cả trời đất cùng con say tình Chúa
Vẻ đẹp Ngài trang điểm khắp nhân gian
Nhuộm non xanh cả đồng vàng suối ngọc
Quyến luyến Ngài con ngậm Ánh Hào Quang.
                                
Mừng lễ Chúa Ba Ngôi – 2024
                  Cát Đen

       
 

[1] QUÁCH TẤN - “Đà Lạt đêm sương”
[2] HÀN MẠC TỬ, Đà Lạt trăng mờ.
[3] HÀN MẠC TỬ. Nguồn: Có một vườn thơ đạo. NXB Phương Đông. 2012, tập 1 tr. 118-121.
[4] THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ. Ca Khúc Tâm Linh, 4 NXB Phương Đông.1018, tr. 40.
[5] DANTE ALIGHIERI, Thiên đàng ca khúc 1,15. Bản dịch của lm. Đình Chẩn
[6] Xem thánh BONAVENTURA, Lộ trình tâm linh lên cùng Thiên Chúa, Norberto Nguyễn Văn Khanh, OFM, chuyển ngữ, 2007, tr. 68-69
[7] Xem Vẻ đẹp của thi ca Công giáo. Nguyễn Hương chuyển ngữ, nguồn: https://daminhbuichu.net/ve-dep-cua-thi-ca-cong-giao/
[8] Xem Thánh vịnh 19.
[9] Xem Lm. ROBERT DE LANGEAC, Âm thầm sống trong Chúa, 1968, tr. 160.
[10] Xem sđd, tr. 178-179.
Tham khảo BÌNH NHẬT NGUYÊN, Vẻ đẹp thinh lặng và cô tịch của Hàn Mạc Tử trong bài Đà lạt trăng mờ. NXB Đồng Nai, 2022.

Tác giả bài viết: Cát Đen

 Tags: Thơ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây