Trong thinh lặng xem Chúa giải nghĩa tình yêu

Thứ bảy - 08/06/2024 05:56 141 0

Trong thinh lặng
xem Chúa giải nghĩa tình yêu


Trong thinh lặng tình yêu
Tim nghe lòng thổn thức
Chúa về gieo thúc giục
Tạ ơn lành trời cao
Tim tái tạo thanh tao
Lòng nhân từ của Chúa.
   
Thinh lặng xem Chúa giải nghĩa tình yêu. Trong đó, tôi hướng sự chú ý về phía Thiên Chúa và vui sướng được sự trợ giúp đến từ Ngài. Bất cứ điều gì Ngài làm cũng là niềm vui cho tôi. Tôi biết ơn Chúa là để tái tạo lòng nhân từ của Chúa nơi trái tim tôi. Lòng biết ơn còn làm cho tôi giống Ngài.


Đức Chúa không ở trong cơn gió bão, không ở trong trận động đất, Ngài ở trong tiếng gió hiu hiu[1]. Jean Harang đã nói: “Giá trị của con người được đo lường nơi khả năng thinh lặng nội tâm của người đó. Người ta không thể cầu nguyện bằng lời, mà là bằng cách chìm đắm trong sự thinh lặng”. Nhà thần học Henri de Lubac quả quyết: “Chúng ta chỉ trở nên viên mãn khi trở nên trầm lặng trong cuộc sống nội tâm”.

Vậy để xem Thiên Chúa giải nghĩa tình yêu tôi phải sống trong thinh lặng với Chúa, toàn tâm toàn ý quy hướng về Chúa, cảm nhận niềm vui và bình an khi ở bên Ngài.
    
Để nhìn thấy Thiên Chúa, để đàm đạo cách thân thiết với Người linh hồn tôi sống trong thinh lặng, trong lộ trình đi lên cùng Thiên Chúa, nghĩa là cô tịch siêu nhiên giải thoát bản thân khỏi những ngăn chặn của ngoại giới. Linh hồn say đắm trong lớp khí thánh thiện, thuần khiết để xem Chúa giải nghĩa tình yêu. Lớp khí thánh thiện ngấm thấu vào linh hồn, tẩy rửa và thanh luyện tôi, đưa tôi vào vườn tình Giêsu[2]. Đức Kitô “Chỉ mong ràng buộc trong tôi chẳng còn gì, nhờ thế trói buộc được thân mình vào ý Người muốn, và nhờ thế thực hiện ý Người trong suốt đời tôi - ý ấy là tình yêu Người ràng buộc thân tôi”[3]. Thánh Gioan Thánh Giá lại cảm nghiệm sự cô tịnh đó là “Đêm yên hàn” đêm của nhạc thinh lặng, của niềm cô tịch réo rắt, của buổi tối bồi dưỡng và đắm say yêu mến: “Và là đêm yên hàn / Đang khi hừng đông cựa mình thức giấc / Nhạc thinh lặng / Niềm cô tịch réo rắt / Bữa tối bổ dưỡng và đắm say yêu mến”[4]. “Sự thinh lặng có khả năng làm tan biến mọi tư tưởng, mọi hình ảnh của ta về Thiên Chúa. Chỉ như thế, chúng ta mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa thật”[5] và xem Người giải nghĩa tình yêu.

    
Chúa giải nghĩa tình yêu trong thinh lặng nên tôi cũng chiêm ngưỡng điều ấy trong lặng thinh. Thần học gia Maurice Zundel đã rất xác tín về điều này khi chia sẻ: “Chỉ có thinh lặng của toàn thể bản thể con người, trong cái chết của cái tôi mới có thể nghe được tiếng vang vọng nhiệm mầu của cái thinh lặng nơi Thiên Chúa”. Karl Rahner cũng đồng ý rằng: “Ta đã cố gắng để yêu mến Thiên Chúa trong những lúc không cuốn theo ngọn sóng xuất thần trào dâng, những lúc không thể nhầm lẫn bản thân mình với xung lực sự sống hướng đến Thiên Chúa, những lúc chấp nhận chết đi vì một tình yêu có vẻ như cái chết và hoàn toàn tiêu cực, khi chúng ta kêu lên từ sự trống rỗng và vô thức tột cùng”. Và điều này chẳng phải tôi hằng kêu xin Chúa mỗi khi hát Kinh hòa bình sao: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân; vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

   
Xem Thiên Chúa giải nghĩa tình yêu, còn được Thiên Chúa quyến rũ linh hồn mình bằng một vẻ kiều diễm nhiệm mầu. Tình yêu Chúa ôm ấp linh hồn một cách quyến luyến và đưa linh hồn vào cõi an tịnh hoàn toàn mới lạ. Nơi ấy, linh hồn tôi thấy vui mừng và hoan hỉ. Quyến rũ này được Rabindrannath Tagore gọi với danh từ rất đáng yêu Hoàng tử của lòng em: “Từ đây thôi hết hãi hùng đời dành cho em, trong mọi đấu tranh em gặp, anh sẽ là người chiến thẳng. Anh đã để lại cho em sự chết làm bạn đồng hành, em sẽ lấy đời mình làm vương niệm phong vua người ấy. Kiếm anh cho sẽ theo em cắt mọi xích xiềng. Từ đây thôi hết hãi hùng đời dành cho em.


Từ đây em bỏ hết trang sức tầm thường. Hỡi Hoàng tử của lòng em, thôi nhé, hết rồi chờ đợi, hết rồi nhỏ lệ trong xó tối âm u, hết rồi thẹn thùng, bẽn lẽn và hết rồi duyên dáng dịu dàng. Anh đã cho em kiếm sắc làm vật điểm trang. Từ đây thôi hết làm đỏm con gái ngây thơ”[6].
 
Linh hồn đến với Chúa bằng mọi giá dù phải bỏ hết, mất hết linh hồn vẫn chịu[7]: “Tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người”[8]. Đan sĩ Thomas Merton cũng cảm nghiệm được giá trị của từ bỏ khi viết: “Bí mật lớn nhất trong các bí mật của Thiên Chúa chính là Ngài. Ngài chờ để truyền đạt chính Ngài cho tôi theo một cách thức tôi không bao giờ có thể diễn tả cho những người khác, hoặc thậm chí cảm nghĩ chúng một cách mạch lạc. Tôi phải ước muốn nó trong thinh lặng. Chính vì điều này tôi phải từ bỏ tất cả”. Đó là những người đã gặp được Đức Kitô và được xem Thiên Chúa giải nghĩa tình yêu trong hành trình tâm linh của mình.


    
“Lạy Chúa,

xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu,
và trọn cả ý muốn của con,
cùng hết cả những gì con có,
và những gì thuộc về con.

Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con,
Lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.
Tất cả là của Chúa,
xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.

Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.

Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen”[9].

Thánh Gioan Thánh Giá đã hạnh phúc reo lên khi biết mình được Thiên Chúa giải thoát một cách thinh lặng nhưng sinh động và khi nhìn thấy tình yêu đã được Thiên Chúa giải bày cách tường tận trong sâu thẳm linh hồn:

“Thế là linh hồn tôi hoàn toàn chăm chú
Đem hết năng lực phụng sự Chàng
Tôi chẳng còn chăn bầy vật
Cũng chẳng còn phận sự nào khác

Chỉ còn một việc là yêu”[10].

                                               
 

[1] Xem 1V 19,9a. 11-13a.
[2] Xem linh mục ROBERT DE LANGEAC, Âm thầm sống trong Chúa, 1968, tr. 97-98.
[3] RABINDRANATH TAGORE, Lời dâng 34 nguồn: https://daminhtamhiep.net/2014/04/loidang-tho-tagore.
[4] THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ, Ca khúc tâm linh 15, NXB Phương Đông, 2017, tr. 152-177.
[5] Evagre le Pontique 
[6] RABINDRANATH TAGORE, Lời dâng 52 nguồn đã dẫn.
[7] Xem linh mục ROBERT DE LANGEAC, Âm thần sống trong Chúa, 1968, tr. 80-81.
[8] (Pl 3,9).
[9] Thánh INHAXIÔ, kinh Dâng hiến, nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cua-thien-chua-tra-ve-thien-chua-5-6-2018-thu-ba-tuan-9-thuong-nien-b--32596
[10] Thánh GIOAN THÁNH GIÁ, Ca khúc tâm linh, 28. NXB Phương Đông 2017, tr. 281-287


 

Tác giả bài viết: Cát Đen

 Tags: Thơ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây