Cách Giải Quyết Các Vấn Đề Trong Đời Sống Cộng Đoàn
Giải quyết một vấn đề mà không nắm được mục tiêu là điều không thể hoàn tất.
Trong đời sống chung của một cộng đoàn, có những lúc hội họp hay khi phải thảo luận về một vấn đề gì đó, càng có những ý kiến khác nhau -đôi khi căng thẳng – càng làm cho vấn đề được sáng tỏ và làm phát triển cộng đoàn. Vấn đề là người ta bàn cãi với nhau như thế nào và giải quyết với nhau làm sao ?
Giải quyết một vấn đề mà không nắm được mục tiêu là điều không thể hoàn tất. Trong đời sống cộng đoàn, chúng ta không thể giải quyết được những trục trặc với nhau và không đối thoại được với nhau là vì không xác định được mục tiêu của đời sống Cộng đoàn, cũng như mục tiêu của vấn đề cần phải giải quyết hoặc là không nắm được mối tương quan của công việc đó với Cộng đoàn. Cái khuyết của Nhà tu chúng ta là : Chỉ xác định mục tiêu của vấn đề cần giải quyết chứ không xác định được từng mục tiêu cho từng bước giải quyết vấn đề. Cứ sai là bắt đầu lại từ đầu, mà không nhìn thẳng vào từng khó khăn để tìm ra hướng giải quyết.
MỘT SỐ TƯ DUY TRONG TƯƠNG TÁC LÀM VIỆC
1. Lối tư duy thắng – thua
Là bắt buộc phải thắng, bất chấp mọi thứ. Ai cũng muốn nắm đầu. Chọn tư duy này, nhất là người chỉ huy, thì trở nên áp đặt. Tôi phải thắng, nhất định phải thắng… Nguyên nhân của loại tư duy này có gốc gác từ trong gia đình. Thường cha mẹ nào cũng muốn con mình hơn người khác, nên dạy con cái ra đường là phải thắng. Cách đối xử của cha mẹ : so bì đứa con này với đứa con kia, yêu đứa này hơn đứa khác làm cho con cái mang kiểu tư duy thắng – thua. Trong một nhóm bạn chơi với nhau, quen đối xử với nhau theo kiểu thắng thua thì các em cũng bị ảnh hưởng. Khi vào nhà dòng, chính cách đối xử của những người có trách nhiệm cũng làm cho những người dưới ảnh hưởng thứ tư duy thắng – thua này. Thêm vào đó là lý do về tuổi tác. Tuổi trẻ đang sung sức thường cố gắng làm mọi cách để công việc có hiệu quả. Các chị Phụ trách cộng đoàn hoặc các chị trong Ban huấn luyện mà ở độ tuổi này, thường đánh giá các em theo công việc, theo khả năng… Còn các chị trung niên thường không đánh giá theo công việc nữa mà đánh giá các em theo cách quan sát. Bên cạnh đó, cách thức thưởng – phạt cũng tạo nên loại tư duy thắng – thua. Hình thức thưởng cá nhân được định dạng ngay trong vô thức dẫn đến tư duy phòng thủ, không chịu nghe ai, cũng khó lòng cộng tác với người khác.
2. Tư duy thua – thắng
Là “từ từ rồi tính, nhường nhau, để cho người nào giỏi thì làm. Mình chịu thiệt thòi một chút cũng được, để cho cộng đoàn êm ấm…
Những người thua – thắng là những người nhanh chóng làm dịu người khác. Họ tìm kiếm một sự dễ dãi. Họ xoa dịu để nhóm hoặc cộng đoàn được êm ấm. Những người này thường ít bộc lộ cảm xúc, vui buồn. Họ có hài lòng hay không hài lòng cũng không ai biết. Họ chấp nhận thua để cho người khác thắng, cốt sao cộng đoàn được êm thắm, bình an, khỏi lộn xộn.
Thật ra đây không phải là giải pháp. Bởi vì những người này không bao giờ chịu đàm phán, trao đổi, không nhiệt tình và quan tâm tới những vấn đề của cộng đoàn. Bề trên bảo gì cũng cho là đúng, chị Phụ trách bảo sao làm vậy. Cách giải quyết này bề ngoài xem ra có vẻ êm thấm, nhưng bên trong rất căng thẳng vì cứ phải nín nhịn, chịu đựng và bỏ qua. Đây không phải là cách giải quyết mà chúng ta nhắm tới.
3. Tư duy cùng thua :
Trong lối tư duy này, người ta lấy đối tượng làm trung tâm cuộc sống chứ không phải con người. Mình đã thua thì người khác cũng không được thắng. Đây là loại tư duy theo lối “không ăn được đạp đổ”. Trong nhà tu thường chẳng ai giải quyết vấn đề kiểu này, nhưng chúng ta cũng nên biết và đừng bao giờ để mình hay cộng đoàn mình rơi vào lối tư duy ấy.
4. Tư duy cùng thắng :
Đây là loại tư duy mà các nhà tâm lý ngày nay đang đề cập nhiều. Tư duy cùng thắng là chọn một giải pháp để hai bên cùng có lợi. Muốn vậy, họ phải chấp nhận ngồi lại với nhau, đưa những vấn đề của cuộc sống vào trong một diễn đàn và cùng nhau thảo luận. Thảo luận chứ không phải cạnh tranh. Họ chú ý nhiều tới mối quan hệ và dung hoà những cái khác biệt để đi đến một giải pháp cuối cùng là : Hai bên cùng có lợi.
Những người chỉ nghĩ đến mình thì chọn giải pháp cùng thua hoặc thắng-thua. Những người chỉ nghĩ đến người khác thì chọn giải pháp thua-thắng. Đó không phải là hai giải pháp tối ưu vì nhịn đến một lúc nào đó cũng không nhịn được nữa, hoặc thắng hoài cũng chẳng được gì. Vì thế, người ta tìm giải pháp chú ý đến mối quan hệ : Với công việc này chị em tôi sẽ như thế nào? Mối quan hệ của các thành viên trong nhóm sẽ ra sao ? Và sau đó ngồi lại để chọn một giải pháp chung dựa trên những sự khác biệt.
Bước vào cách giải quyết theo tư duy cùng thắng, chúng ta nên biết một số nguyên tắc và chiến thuật sau :
Về mặt tính cách :
Con người phải có sự chính trực, nghĩa là họ xác định được giá trị khởi đi từ bản chất của họ. Tôi là tôi, chị em tôi là chị em tôi. Không có kiểu lập lờ. Tôi phải nhận thức được về tôi và tôi phải nhận thức được về người khác. Nhận thức bằng sự chính trực, họ là họ chứ tôi không nhìn nhận họ ra kiểu của tôi hay tôi ra kiểu của họ. Sự chính trực nằm ngay trong sự nhìn nhận, đánh giá người khác. Trong đời sống cộng đoàn, chị em cần nhìn nhận một cách chính trực về chính mình và những người mà chúng ta được mời gọi để sống chung và làm việc chung.
Khởi đi từ sự đánh giá chân thực về mình và người khác, chúng ta sẽ không dán nhãn cho bất cứ ai. Để giải quyết bằng tư duy cùng thắng, đòi hỏi ta phải nhìn nhận và giải quyết vấn đề một cách chính trực. Khả năng chính trực này còn nằm trong thái độ sống chung, trong cách ứng xử với nhau.
Sự chín chắn :
Sự chín chắn ở đây không chỉ là sự chín chắn về mặt tình cảm. Nó bao gồm 2 yếu tố : sự cân bằng về mặt tình cảm và sự cân nhắc tính toán.
Chúng ta đi tu để sống với nhau và để nhận ra nhau. Vậy mà nhiều khi chúng ta chỉ nhắm mắt làm mà không quan tâm, không để ý đến ai, có khi không thèm nhìn mặt nhau nữa. Bởi vì không quen nhìn nên không hiểu nhau muốn nói gì. Bề trên hay chị em có buồn, có mệt mỏi mình cũng chẳng biết.
Trong cách giải quyết vấn đề, có nhiều người quá liều, cứ thử đi, được thì được, không được thì thôi. Lại có những người rất dè chừng, đắn đo kỹ lưỡng, tính toán từng li từng tí, rồi mới đưa ra quyết định của mình. Từ những lối chọn lựa này lại nảy sinh vài lối tư duy khác. Lối tư duy của những người tính toán và liều lĩnh ở mức độ thấp họ sẽ chọn giải pháp cùng thua. Liều lĩnh thôi thì sẽ rơi vào một trong hai trường hợp : hoặc thắng – thua, hoặc thua – thắng. Những người cân nhắc đắn đo thì thường chọn giải pháp thua – thắng. Những người liều lĩnh ở mức độ cao sẽ chọn giải pháp thắng – thua. Chỉ những ai ở mức quân bình mới chọn giải pháp cùng thắng.
Tóm lại, thành công lệ thuộc vào sự quân bình giữa liều lĩnh và cân nhắc tính toán trong chọn lựa.
Sự rộng lượng, lòng quảng đại :
Trên nguyên tắc, nhà tu có thừa sự rộng lượng, nhưng trong thực tế thì không dám chắc. Sự rộng lượng này biểu lộ ngay trong cách đón nhận nhau, lắng nghe nhau, quan tâm tới nhau. Quan tâm tới mối quan tâm của nhau, quan tâm tới nhu cầu của nhau. Nếu tôi không quan tâm tới nhu cầu của chị em, tôi không biết người đó muốn gì để cùng giải quyết. Tôi không biết người khác mong muốn gì, làm sao tôi giải quyết cùng thắng như nhau. Nếu tôi không rộng lượng, tôi chỉ nhìn nhận và phân định vấn đề dựa trên suy nghĩ của tôi mà không đón nhận được những suy tư của người khác.
Người ta thường đưa ra 6 con vật biểu tượng cho 6 loại chọn lựa khác nhau.
Rùa – rút lui : Những người này khi gặp mâu thuẫn hay khó khăn trong Cộng đoàn sẽ rút vào cái mai của mình để tránh né sự va chạm. Đó là mẫu người sợ đối đầu với mâu thuẫn. Họ tránh xa những mâu thuẫn, sẵn sàng hy sinh mục đích và các mối quan hệ của mình để sống yên thân. Họ là dạng người luôn chọn giải pháp thua – thắng.
Cá mập – áp đảo : Loại này luôn luôn áp đảo đối phương để họ theo giải pháp của mình. Đối với những người này, mục đích là tối quan trọng, phải đạt được nó với bất cứ giá nào, còn các mối quan hệ là thứ yếu. Đây là mẫu người không hề quan tâm đến nhu cầu của người khác. Trong tranh chấp, có kẻ thắng người thua nhưng họ luôn luôn là kẻ thắng cuộc và coi đó là một thành tích. Chọn giải pháp thắng thua, nên người ta dùng mọi cách đe dọa, đè bẹp, “Ai mạnh thì thắng”.
Gấu bông – xoa dịu : Họ xem các mối quan hệ là tối quan trọng, và mục đích của họ là thứ yếu. Loại này muốn được mọi người chấp nhận và thương yêu. Họ tránh mâu thuẫn để giữ hòa khí. Họ sẵn sàng hy sinh mục đích của mình miễn là được người khác yêu thương. Họ chấp nhận thua thiệt để giữ mối quan hệ với mọi người.
Chồn – thỏa hiệp : Loại này quan tâm đồng đều tới các mối quan hệ và tìm cách để thỏa hiệp. Họ cần hy sinh mục đích của mình và vận động đối phương làm như họ. Họ cùng nhau tìm những giải pháp dung hòa để đôi bên cùng có lợi. Nhưng sự thoả hiệp này cũng không phải là giải pháp, bởi nếu không đạt được thỏa hiệp, coi như không đạt mục đích. Trong thực tế, nhiều chị em rời bỏ đời sống tu trì cũng vì không đạt được thỏa hiệp.
Chim cú – đối đầu : Chim cú coi trọng mục đích và những mối quan hệ. Đối với chim cú, mâu thuẫn là vấn đề phải giải quyết, nhằm đạt được mục đích của đôi bên. Chim cú không thỏa mãn cho đến khi đạt được mục đích chung và giải quyết được sự căng thẳng giữa đôi bên.
Đây mới là giải pháp chúng ta nhắm tới. Trong quan hệ cùng thắng, người ta phải giải quyết theo kiểu chim cú. Nghĩa là phải dám nhận định vấn đề để biết khó khăn đang nằm ở đâu và phải gỡ nó như thế nào ? Đâu là phương án để giải quyết và những phương án đó sẽ dẫn tới đâu ? Không lẩn trốn cũng không bỏ cuộc khi làm đi làm lại mà chưa thấy kết quả. Phải đối diện với những mâu thuẫn, những trục trặc và tìm cách giải quyết.
Vấn đề thỏa thuận.
Trong giải quyết, người ta đòi phải thỏa thuận. Thoả thuận ở đây không mang tính thỏa hiệp, nhưng mang tính tương tác các mối quan hệ giữa những con người với nhau. Vì vậy, sự thỏa thuận này là một cuộc chuyển hướng từ chỗ tương tác hàng dọc sang tương tác hàng ngang. Nghĩa là, trong Cộng đoàn không phải là Bề trên – Bề dưới nữa mà là những người cùng giải quyết công việc. Bề trên vẫn trong vai trò của người lãnh đạo nhưng cũng đặt mình trong hoàn cảnh như mọi người để cùng nhau giải quyết. Đó cũng là tương quan chuyển từ chỗ giám sát sang chỗ tự giám sát, nghĩa là xem tôi có trục trặc không chứ không phải xem xét người khác. Từ chỗ là đối thủ của nhau trở thành đối tác với nhau, cùng làm việc, cùng giải quyết công việc. Khi còn là đối thủ nghĩa là còn tư tưởng thắng – thua hoặc thua – thắng, nhưng trong thỏa thuận, chúng ta tìm sự tương tác.
Để giải quyết được điều đó, cần có 5 nguyên tố :
– Xác định công việc tôi phải làm và thời gian để hoàn thành nó.
– Phải có chỉ dẫn và thông số rõ ràng.
– Phải có nguồn lực, nghĩa là tài lực, nhân lực cho mỗi công việc. Kế hoạch và xây dựng một kế hoạch, có tổng kết đánh giá.
– Các quy tắc hỗ trợ hay hệ thống hỗ trợ, mà ở đây tùy thuộc vào cách đánh giá. Tôi cần những hệ thống tổ chức bên ngoài để hoàn thành công việc. Những hỗ trợ bên ngoài nhiều khi méo mó một chút cũng làm cản trở sự thành công.
– Các quá trình trong giải quyết vấn đề :
* nhìn vấn đề theo cách nhìn của người khác hơn là theo cách nhìn của tôi.
* Nhận diện những vấn đề then chốt của đôi bên.
* Xác định những kết quả sẽ đạt được : nếu tôi làm như thế này, nếu tôi giải quyết nước này thì kết quả sẽ đi đâu, nếu giải quyết cách kia, kết quả sẽ đi đâu.
* Nhận diện những phương án mới : nếu phương án này không có kết quả, thì tôi phải chọn giải pháp nào.