Sức mạnh của lời Cám ơn, Làm ơn, và Xin lỗi trong đời sống cộng đoàn

Thứ hai - 15/07/2024 00:18 941 0
Cám ơn (Thankyou), Làm ơn (Please), và Xin lỗi (Sorry) là ba câu nói thông dụng nhưng hết sức quan trọng mà ai cũng cần phải học để sử dụng thường xuyên trong mọi tương quan, bởi không chỉ mang tính lịch sự trong giao tiếp, chúng còn có sức mạnh rất lớn trong việc nối kết mọi người trong gia đình, công ty, và cộng đoàn trong sự tin tưởng và trưởng thành của mỗi cá vị.
 

Trước khi bàn về sức mạnh của những lời nói trên, chúng ta cần chú ý đến tầm quan trọng của sự chân thành trong lời nói. Ai trong chúng ta cũng đều có khả năng nhận biết ý nghĩa của những hành động và đọc được phần nào những suy tư của con người qua biểu cảm của họ. Ngay cả khi còn bé, trước khi biết nói, ta đã học cách đọc nét mặt và ngôn ngữ không lời của cha mẹ và những người xung quanh. Hầu hết giao tiếp được thực hiện trong cuộc sống là giao tiếp phi ngôn ngữ. Khi chúng ta nói “cám ơn,” “làm ơn,” hoặc “xin lỗi” một cách thiếu chân thành thì người khác đều có thể thấy và cảm nhận được. Chúng ta có thể dễ dàng dùng ngôn từ để nói ra những lời trên, nhưng những hành động và biểu cảm không lời sẽ tiết lộ sự thật về thái độ chân thực hoặc thiếu chân thực của chúng ta. Sức mạnh của những cụm từ này sẽ chỉ được biểu lộ một cách hiệu quả nếu chúng ta sử dụng chúng một cách chân thành; và khi đó, chúng ta sẽ thấy rằng mình có khả năng kết nối tốt hơn với những thành viên khác trong cộng đoàn và xây nên những mối liên hệ một cách tự nhiên và bền vững hơn.
 

Cảm ơn


Lòng biết ơn chỉ xuất hiện khi chúng ta có khả năng nhìn thấy giá trị gì đó ở nơi người khác. Và khi nhận được lòng biết ơn từ ai đó, chúng ta thường cảm thấy vui, vì việc mình làm cho người khác được nhìn nhận, có giá trị và được người đó trân quí. Lòng biết ơn mang lại niềm vui và sự kết nối cho cả hai bên, giữa người trao và người nhận. Tất cả chúng ta đều tìm kiếm lòng biết ơn và đánh giá cao cảm giác mà nó mang lại. Ví dụ, khi làm một việc tốt cho người khác, dù rất nhỏ, như là nhặt hộ lên chiếc bút người khác đánh rơi, thì chúng ta cũng đều mong rằng việc làm của chúng ta sẽ mang lại niềm vui nho nhỏ cho người được giúp. Và theo phản ứng tự nhiên, ai cũng rất vui nếu nhận lại được câu nói “cảm ơn”.
 

Dù là một câu nói đơn giản và ngắn gọn, nhưng rất nhiều người trong chúng ta, đặc biệt là người sống trong môi trường văn hóa Á Châu, lại cảm thấy khó thực hiện. Đối với văn hóa Âu Châu thì khác. Người Âu Châu học và tập nói lời cám ơn ngay từ nhỏ. Con cái cám ơn cha mẹ, và cha mẹ cũng không ngần ngại nói lời cám ơn con cái. Trong công sở và trong các cộng đoàn dòng tu cũng thế, người ta cám ơn nhau một cách rất tự nhiên. Giám đốc và các bề trên luôn tỏ ra rất thân thiện và vui vẻ cám ơn cấp dưới và bề dưới về những việc họ đã làm trong việc xây dựng công ty, hoặc xây dựng cộng đoàn. Tuy nhiên, trong văn hóa Á Châu thì việc cám ơn trong gia đình và trong cộng đoàn còn rất hạn chế. Vậy, điều gì ngăn cản chúng ta bày tỏ lòng biết ơn với những người xung quanh? Có lẽ, một trong những nguyên nhân chính là do văn hóa ứng xử của người Á Đông, nhưng nguyên nhân sâu xa hơn đó là sự tự ti và thiếu cởi mở.


Chúng ta thường quên nói lời cám ơn và quên thể hiện lòng biết ơn đối với người khác vì hầu hết chúng ta đều dành phần lớn thời gian để nghĩ và lo cho bản thân mình, nên không thể nhìn thấy rõ điều tốt và đáng trân quý nơi anh chị em xung quanh đã và đang làm cho chúng ta. Những căng thẳng, khó khăn, và tranh đấu trong cuộc sống hàng ngày đòi hỏi rất nhiều sự chú ý và khiến chúng ta mất thời gian, công sức. Điều này xuất phát một cách tự nhiên từ quy luật tự bảo tồn. Chúng ta cần phải lo cho bản thân trước tiên. Sẽ không thực tế và thiếu khôn ngoan nếu ai đó tập trung vào nhu cầu của người khác trước khi chú ý đến nhu cầu của chính họ. Chính Chúa Giêsu đã dạy, “ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22, 39). Nếu chúng ta không yêu thương và lo cho chính mình trước hết thì làm sao chúng ta có thể biết cách mà chăm sóc cho nhu cầu của anh chị em xung quanh. Nếu không biết cách tự chăm sóc bản thân, chúng ta sẽ trở nên vô giá trị đối với mọi người. Tuy nhiên, không ai là một hòn đảo cô độc. Không ai có thể tự mình đáp ứng tất cả mọi nhu cầu của chính mình. Vì thế, quan trọng là chúng ta phải nhận ra giới hạn của bản thân, giới hạn của anh chị em xung quanh, và tập đánh giá cao những gì người khác đã và đang làm để giúp chúng ta và để làm cho cuộc sống tốt hơn.


Lòng biết ơn cho phép chúng ta ý thức được tầm quan trọng của người khác và những điều tốt đẹp mà họ mang lại cho chúng ta. Khi dành thời gian suy ngẫm về những điều tốt đẹp mà người khác làm vì lợi ích của chúng ta cho dù gián tiếp hay trực tiếp, chúng ta sẽ cảm thấy biết ơn và kết nối với họ. Thường xuyên tập mở tâm trí và nghĩ đến những người xung quanh, đặc biệt là những người có ảnh hưởng đến cuộc sống chúng ta, sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong cách chúng ta nhìn thế giới và sống tương quan với họ. Ví dụ, khi tôi biết ơn cha mẹ về tình yêu cha mẹ dành cho tôi, thì lòng biết ơn ấy sẽ thúc giục tôi sống hiếu thảo với cha mẹ và quyết tâm trở nên giống như họ trong việc yêu thương những người Thiên Chúa trao phó cho tôi trong ơn gọi của mình. Khi tôi biết ơn người bạn thân đã đồng hành với tôi trong những lúc khó khăn, thì lòng biết ơn ấy cũng cải hóa cách tôi sống với người khác, nhắc nhở tôi quảng đại trao ban và cảm thông với anh chị em xung quanh.
 

Trong cuốn sách 365 Thank Yous: The Year a Simple Act of Daily Gratitude Changed My life, tác giả John Kralik đã kể lại rằng, ở tuổi 53 trong lúc ông cảm thấy cuộc sống thật bế tắc vì văn phòng luật của ông phải đóng cửa cùng lúc với cuộc hôn nhân của ông bị đổ vỡ, ông đã tìm được nguồn cảm hứng để thay đổi cái nhìn về cuộc sống từ tấm thiệp cám ơn của người bạn gái cũ gửi cho ông. Tấm thiệp chỉ đơn giản là lời cám ơn về món quà Giáng sinh mà ông đã gửi tặng cô. Nhưng lời cám ơn đơn giản ấy lại giúp ông cảm thấy vui và cuộc sống có ý nghĩa hơn. Từ ngày hôm đó, ông quyết tâm mỗi ngày viết một tấm thiệp cảm ơn về những món quà, lời nói động viện, hoặc một điều gì đó tốt đẹp mà ông nhận được trong hiện tại cũng như trong quá khứ, từ những người thân trong gia đình tới những người bạn, từ nhân viên cũ tới bác sỹ và cả những người đưa thư, người hàng xóm. Nhờ quyết tâm viết thiệp cảm ơn mỗi ngày trong suốt một năm, cuộc đời ông đã hoàn toàn thay đổi. Ngay sau những tấm thiệp cám ơn đầu tiên được gửi đi, ông đã bắt đầu nhận lại những hoa trái ngoài sức tưởng tượng của chính mình. Ông không chỉ có thêm được những người bạn tốt, nhưng nhờ các tương quan chân thành ấy, dần dần ông gầy dựng lại sự nghiệp và cảm thấy cuộc sống ngày một ý nghĩa và bình an hơn. Rõ ràng, lòng biết ơn đã có tác động rất lớn đến cuộc sống của ông, vì nó giúp ông nhìn thấy những mặt tích cực nơi những con người xung quanh và thúc giục ông bắt chước những điều tích cực nơi người khác.
 

Một lợi ích khác của lời cảm ơn là tương quan qua lại. Khi nghe được lời cảm ơn, điều đầu tiên mọi người đều muốn làm là nói lời cảm ơn để đáp lại. Đó là bởi vì quy luật tương hỗ nội tại trong mỗi chúng ta. Khi ai làm điều gì đó cho chúng ta, chúng ta muốn đáp lại một cách tương tự. Luật tương hỗ này giúp chúng ta làm việc cùng nhau. Vì vậy, khi chúng ta nói lời cảm ơn, thì ngay lập tức lời cảm ơn của chúng ta kích hoạt một chuỗi phản ứng biết ơn. Một người nhận được lòng biết ơn ở người khác thường cũng sẽ nhìn thấy ở người đó những điều họ biết ơn. Đó là lý do tại sao lòng biết ơn có sức mạnh lớn để xây dựng cộng đoàn vững mạnh. Nếu chúng ta muốn có một gia đình bền vững, một công ty hoặc một cộng đoàn vững mạnh, hãy bắt đầu bằng việc xây dựng văn hóa biết ơn trong chính gia đình, công ty và cộng đoàn ấy.
 

Một trong những cách hữu hiệu nhất để truyền bá lòng biết ơn là kể lại những lời nói tốt mà chúng ta nghe người khác nói sau lưng một ai đó. Ví dụ, “hôm qua chị nghe thấy bác Ân khen em chịu thương chịu khó và nhiệt tình lắm.” Điều này trái ngược hoàn toàn với việc nói hành nói xấu sau lưng người khác. Khi chúng ta nghe một ai đó nói tích cực sau lưng một người khác, hãy cho người đó biết, bởi vì không có lời khen nào hấp dẫn hơn khi chúng ta được nghe rằng, có người đang nói rất tốt về chúng ta. Những lời khen ngợi gián tiếp qua người khác, hoặc tình cờ nghe được là những lời khen ngợi tốt nhất. Hành động chia sẻ lời khen ngợi ấy mặc dù rất đơn giản, nhưng sẽ làm cho người được khen ngợi cảm thấy họ được trân trọng và khích lệ họ tiếp tục làm những điều tốt. Và đồng thời, hành động kể lại lời nói tốt của người khác cũng sẽ làm cho mối tương quan của mọi người trong câu chuyện được thêm gắn kết và bền vững hơn.


Làm Ơn – Xin Vui Lòng


Lời nói “làm ơn,” hoặc “xin vui lòng” là một dấu hiệu của sự tôn trọng. Nó nói lên rằng chúng ta tôn trọng sự tự do và nhìn nhận vai trò của ai đó trong việc mà chúng ta đang nhờ họ thực hiện. Ví dụ, “Em làm ơn lấy cho chị lọ muối ở trên bàn!” Khi sử dụng từ “làm ơn” hoặc “xin vui lòng,” chúng ta kêu gọi sự cộng tác của người đó trong tự do thay vì ra lệnh cho người đó làm điều chúng ta muốn. Khi nghe một mệnh lệnh, mọi người theo xu hướng rất tự nhiên thường muốn chống lại mệnh lệnh đó. Cảm giác sẽ dễ chịu hơn nhiều thay vì bị ép buộc làm điều gì đó, chúng ta lại được mời gọi cộng tác để giúp người khác đáp ứng nhu cầu của họ. Vậy, tại sao nhiều lúc chúng ta lại không muốn sử dụng từ “làm ơn” hoặc “xin vui lòng”? Đơn giản vì, chúng ta có khuynh hướng cảm thấy rằng những từ này diễn tả sự yếu thế hoặc thiếu thẩm quyền của mình, nhất là khi chúng ta ở cương vị cao hơn về tuổi tác hoặc chức vị.
 

 

Thực ra, lời nói “làm ơn” không phải là biểu hiện của sự yếu kém, nhưng lại thể hiện thế mạnh, trình độ văn hóa, và sự tự tin của người nói. Người có hiểu biết đủ sẽ hiểu rằng, không ai có quyền kiểm soát trên người khác. Chúng ta có thể đưa ra yêu cầu, và thậm chí dùng quyền lực để ép buộc ai đó thực hiện điều gì đó, nhưng liệu họ có làm tốt công việc hay không vẫn hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của họ. Khi sử dụng từ “làm ơn,” điều ấy diễn tả rằng chúng ta cần người khác cộng tác và chúng ta mời gọi họ trở thành cộng tác viên cũng như chủ sở hữu về hành động của họ. Một giáo sư tiến sĩ nọ khuyên các sinh viên thạc sĩ kinh tế năm cuối rằng: “Các bạn hãy cư xử với mọi nhân viên trong công ty của bạn như thể họ là những tình nguyện viên. Chắc chắn các bạn phải thuê và trả tiền cho các nhân viên để họ hoàn thành công việc, nhưng công việc có được thực hiện tốt hay không lại do chính nhân viên lựa chọn. Chỉ dùng tiền thôi sẽ không đảm bảo rằng công việc được thực hiện đúng cách và nghiêm túc. Chỉ khi có sự cộng tác thực sự của mọi nhân viên trong công ty thì bạn mới có thể đạt được thành công đích thực.” Lời nói “làm ơn” hoặc “xin vui lòng” chính là điểm khởi đầu nếu chúng ta muốn có được sự cộng tác nghiêm túc và nhiệt tình của các thành viên trong nhóm, trong công ty, và trong bất kỳ cộng đoàn nào.


Xin Lỗi – Thông Cảm


Câu nói, “tôi xin lỗi,” tưởng chừng như đơn giản, nhưng trong thực tế nhiều người lại khó thực hiện. Sở dĩ thế là vì nhiều người cho rằng lời “tôi xin lỗi” nói lên sự yếu đuối hoặc thất bại của mình. Thực ra, lời nói “xin lỗi” hoặc “xin thông cảm” có sức mạnh rất lớn trong mọi tương quan, từ gia đình tới cộng đoàn dòng tu, từ công sở tới trường học. Một lời xin lỗi chân thành cho phép thay đổi mối tương quan theo hướng tốt hơn và khẳng định rằng chúng ta đang thực sự quan tâm đến cảm nhận và suy nghĩ của người được xin lỗi. Vì khi có thể nói lên lời xin lỗi chân thành là khi chúng ta biết giới hạn của mình, biết đồng cảm với người khác, và biết nhận định lại các tình huống cũng như tương quan trong một cái nhìn mới tốt hơn. Đây đều là những đặc điểm quan trọng cần phải có nơi một nhà lãnh đạo.
 

Chúng ta không nên xin lỗi về điều gì đó mà chúng ta không cần phải xin lỗi. Vì đó sẽ là một lời xin lỗi không thành thật và sẽ gây ra hậu quả trái ngược. Ví dụ, khi chúng ta đang đậu xe ở bãi đỗ xe và có ai đó lùi vào xe của mình. Ta không nên xin lỗi vì đó là lỗi của họ và họ phải chịu trách nhiệm về tình huống đó; nhưng chúng ta vẫn có thể nói lời cảm thông về điều mà họ gặp phải. Cách cư xử ấy còn cho thấy chúng ta biết quan tâm và đồng cảm với người khác.
 

Diễn tả được thái độ quan tâm tới người khác chính là điểm mạnh lớn nhất của lời xin lỗi; đồng thời cho thấy rằng chúng ta hiểu những gì họ đang trải qua và muốn cùng họ giải quyết vấn đề đó. Con người thường có mong muốn được kết nối và làm việc với người khác. Vì thế, chúng ta có thể làm được điều đó và làm cho cuộc sống trở nên tốt hơn khi biết dùng lời xin lỗi chân thành và đặt mối quan hệ lên trên lòng kiêu hãnh.
 

Ngôn từ chính là một trong những sức mạnh lớn nhất mà chúng ta sử dụng khi sống chung hoặc làm việc với người khác. Ngôn từ và thái độ thiếu tôn trọng cũng chính là một trong những nguyên nhân tạo nên cuộc chiến tranh lạnh kéo dài giữa những người sống chung trong gia đình hoặc trong cùng cộng đoàn. Do đó, để có thể xây dựng mối liên hệ tin cậy và thấu hiểu giữa các thành viên trong cộng đoàn, mỗi người hãy luyện tập sử dụng các từ “Cảm ơn,” “Làm ơn” và “Xin lỗi” một cách chân thành và thường xuyên. Bởi vì, những từ này sẽ giúp mọi người cảm thấy được tôn trọng và thấy mình có giá trị với người khác. Phản ứng tích cực qua lại giữa mọi người khi sử dụng những từ này sẽ tạo nên một môi trường văn hoá, lịch sự, đầy sự tôn trọng và tạo lập được những mối liên hệ bền vững.


Dựa trên bài viết “The Power in Thank You, Please and Sorry” by Oliver Young
Chuyển ngữ: Agnes Liên Đỗ


 

 

 

Tác giả bài viết: Chuyển ngữ: Agnes Liên Đỗ

Nguồn tin: https://daminhbuichu.net

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây