Nét dễ thương, chân thật của trẻ em vùng cao

Thứ tư - 26/01/2022 07:34 1.384 0
 
 

Nét dễ thương, chân thật của trẻ em vùng cao


Mỗi chuyến đi vùng cao, thường để lại trong tôi nhiều ấn tượng đáng nhớ, nhớ nhất là đôi mắt thơ ngây của những đứa trẻ nơi các bản làng, nhớ tinh thần đơn sơ chân thật, nụ cười hồn nhiên trong sáng của các em… Giữa cuộc sống còn đầy khó khăn, thiếu thốn nhưng gương mặt trẻ thơ vùng cao vẫn bừng sáng những nụ cười và không hề tham lam, tranh dành nhau khi được chia kẹo, quà bánh,

Ở Miền xuôi hay trong các thành phố, trẻ em con gia đình nghèo khó có dịp đến khu vui chơi, nhà chơi thiếu nhi thì trẻ em ở vùng núi, trong các bản làng khái niệm về “đồ chơi” dường như đang nói về một thế giới khác huống chi là được dắt đi tham quan, được chơi xe, chơi thú nhún, nhà banh…Trẻ em ở vùng cao thường có những trò chơi dân gian, nghịch đất, nghịch bùn nên đứa nào cũng lấm lem và nền nhà chúng ở cũng làm bằng đất lấy gì cho sạch được !

Mấy ngày còn lại của năm 2021 Âm lịch, các chị cộng đoàn Đồng Tâm Pleiku 2 gởi cho mấy tấm ảnh và dòng tin nhắn “Chị em trong cộng đoàn tranh thủ vào làng thăm các gia đình khó khăn hôm trước tặng quà còn thiếu”. Nhìn thấy người lớn, trẻ em tụ họp trong trật tự để nhận quà làm tôi xúc động, dường như mình đang có mặt bên họ lúc này. Anh chị em ở miền cao họ nghèo thật, họ nghèo đến nỗi trẻ em chỉ có quần đùi không áo giữa tiết trời mùa đông giá lạnh nhưng không hề có tranh dành dù họ chưa được nhận quà hoặc đã nhận quà rồi mà mình trao lần nữa, tụi nhỏ không hề nhận thêm và luôn trả lời “con có rồi”, cha mẹ chúng cũng thế ! không hề hơn thua, so sánh, kiện tụng cho dù lần này các Sơ mang không đủ quà hẹn họ lần sau, 

Những ngày giáp tết, người người nhà nhà ở thành phố chen nhau đi mua sắm, chưng diện bao nhiêu thứ hoa đẹp trà thơm, bánh mứt, phong bì lớn nhỏ; trẻ em được cha mẹ đưa đi sắm áo quần giày dép mới, đồ hiệu, sang chảnh…còn các trẻ em vùng cao nhận được cây kem, viên kẹo mút, ổ bánh mì… là niềm hạnh phúc lớn lao. Mỗi lần thăm gặp, nhìn thấy những đứa trẻ thế này cho tôi cảm giác tuổi thơ của các em bị “đánh mất” bởi nỗi vất vả, nhọc nhằn của hoàn cảnh gia đình, môi trường sinh sống, bọn chúng bị cuốn theo kế mưu sinh của cha mẹ. Có em mới sáu, bảy tuổi đã phải theo cha mẹ vào rừng hái măng, đốn củi, chăn bò…Cái ăn cái mặt không có nói gì đến việc học hành, nâng cao trí thức, nói chi tới việc giải trí vui chơi văn minh, sạch sẽ cho các em.

Còn đó bao nhiêu khó khăn làm sao cho các em có được con chữ, làm sao cải thiện mức thu nhập để cha mẹ bớt khổ mới mong các em có cơ hội đến trường. Những phần quà, những lần viếng thăm của chúng ta chỉ là sợi chỉ tạo sự gắn kết, lan tỏa tình yêu thương nhân ái trong mỗi dịp lễ tết mà thôi.

Ước gì chúng ta biết thận trọng hơn trong việc tổ chức những lễ hội với tiệc tùng linh đình, những mua sắm không cần thiết để tránh lãng phí trước sự thiếu thốn cơ cực của đồng bào mình. Ước chi những ai có điều kiện kinh tế luôn biết quan tâm đến người nghèo để nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh và không chỉ để lòng nhân ái được nhân rộng nhưng còn tạo cơ hội cho người nghèo được đổi đời. Chúng ta đừng sống như những Phú hộ bên cạnh quá nhiều Lagiarô ngay trước cổng nhà mình vì : “Lương thực để lãng phí là lương thực ăn cắp của người nghèo” 1.

Và…Mong ước những đứa trẻ hồn nhiên chân thật trên vùng cao sớm có "bữa cơm ngon", “ áo quần để mặc”, “có dép để đi” được học cái chữ, được tiến bộ và lớn lên như bao đứa trẻ khác trong xã hội văn minh của hiện tại ! 

 
  1.  ( x. bài phát biểu nhân ngày môi trường thế giới, 5-6-2013 của Đức Thánh Cha Phanxicô).
 

 








 
 

Tác giả bài viết: Nt. Anna Lê ( MTG/ QN )

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây