VÙNG ĐÀ LẠT TĨNH TÂM
MỪNG LỄ MẸ DÂNG HIẾN – KHẤN SINH NHẮC LẠI LỜI KHẤN
Như thường lệ, cứ hai tháng chị em trong vùng được gặp nhau trong dịp tĩnh tâm tháng. Lần tĩnh tâm này rơi vào tháng 11, chị em tại cộng đoàn Dâng Hiến Phú Hiệp – Di Linh đăng cai.
Chương trình tĩnh tâm được khởi đi từ tối thứ sáu, chị em từ các cộng đoàn trong vùng qui tụ tại cộng đoàn Dâng Hiến Phú Hiệp – Di Linh. Cùng nhau tập hát và tập nghi thức nhắc lại lời khấn cho thánh lễ ngày hôm sau. Đây còn là cơ hội để chị em có thời gian hàn huyên tâm sự, chia sẻ về đời sống và sứ mệnh tại mỗi cộng đoàn.
Vào lúc 5g00 ngày 16/11/2024, chị em dâng lễ Mẹ Dâng hiến. Ý chỉ Thánh lễ hôm nay “ Cầu nguyện cho mỗi người biết noi gương Mẹ Maria để luôn thuộc trọn về Đức Kitô, Người mà chị em đã chọn như vị Lang Quân duy nhất của mình”.
Trong bài giảng cha chủ tế nhắc nhở cho các chị em về ba lời khấn mà chị em đã khấn hứa với Thiên Chúa thông qua Giáo Hội và Hội Dòng để có thể sống trọn vẹn con người của mình, trọn vẹn đời sống mỗi người chúng ta. Những lời khấn chỉ gói gọn trong sáu từ đơn giản: vâng phục, thanh khiết, khó nghèo, thế nhưng đó là một hành trình sống và đào luyện căn nguyên suốt cả cuộc đời.
Có thể nói tất cả mọi người sống đời thánh hiến, khi khấn ba lời hứa, luôn đặt cho mình câu hỏi lời khấn nào quan trọng hơn, lời khấn nào khó hơn. Nhưng xét cho cùng nó đi theo dòng thời gian, theo mỗi giai đoạn. Như thời gian nhà tập lời khấn vâng phục cảm thấy dễ dàng, chị phụ trách, bề trên phán dạy dễ dàng đón nhận, dễ dàng sửa đổi, nhưng khi làm bề trên rồi trở về vai trò như các chị em khác, các em nhỏ làm bề trên mình, mình có dễ dàng vâng phục không? Những người lớn tuổi có những suy nghĩ theo thời trước, lớp sau lại lên bảo mình đi đây đi đó rất khó nghe, rồi đắn đo suy nghĩ, phản bác.
Đời sống khiết tịnh cũng thế đến một giai đoạn, một thời điểm chúng ta đễ dàng vượt qua tất cả.
Đời sống khó nghèo cũng vậy trong thời gian tu tập khó nghèo rất ư đơn giản, ta cứ sống căn nguyên triệt để dễ dàng bỏ qua kể cả tiền bạc, danh vọng. Khi ra môi trường xã hội, đi giúp xứ, đời sống cộng đoàn rồi nảy sinh những nhu cầu cấp thiết cho bản thân, cho cộng đoàn. Nếu chúng ta không cân nhắc, không dễ nhận định đúng đắn dẫn đến vấp phạm lỗi. Khó nghèo còn là một trong tâm thức, chúng ta nên vun đắp cho mình một trái tim như Chúa Giêsu “ Động lòng thương”, ba từ này là một qua trình thanh luyện tâm hồn để có một trái tim nhạy cảm, yêu thương, khi va chạm với khó khăn của chị em, trái tim tôi cũng động lòng trắc ẩn với những khác biệt về tuổi tác, tính tình, trình độ văn hóa, lối suy nghĩ để sống tình chị em thực sự. Khi sống chia vui sẻ buồn trong đời sống cộng đoàn, yếu tố nền tảng mà Chúa Giêsu nói “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6,31) trong mối tương quan cộng đoàn, luôn đặt mình trong hoàn cảnh người khác. Tại sao người chị em lại làm như thế đối với tôi, trong sự việc đó hãy đặt mình vào đó thì mới thấu hiểu, cảm thông, mới chia sẻ đồng hành, mới tương trợ chị em của mình.
Mẹ Têrêxa Calcutta trong đời sống ơn gọi và trong cuốn sách trái tim đầy yêu thương, mẹ nói “ Sự đau khổ lớn nhất của một con người tức là vô cảm đối với người thân cận”. Chúng ta là người dâng hiến phảỉ có trái tim nhạy cảm, yêu thương, chia sẻ, cảm thông với người xung quanh.
Kết thúc bài giảng, mỗi người nến sáng trong tay tiến lên cung thánh để một lần nữa đọc lại lời khấn trước mặt Chúa, trong sự hiện diện của cha chủ tế và cộng đoàn dân Chúa. Việc lặp lại lời khấn như một hành động giúp các chị em nhớ lại ngày đầu tiên khấn “ Một lần đã dâng hiến, thì trọn đời Chúa ơi, con sẽ không bao giờ không bao giờ đổi thay”. Ước gì nhìn thoáng lại chặng đường dài ngắn đã qua như để thêm năng lượng, thêm dầu tình mến để lửa nhiệt thành của ngày đầu thánh hiến luôn được giữ mãi như thuở ban đầu.
Và, lúc 8g00 Chị Têrêxa Ngọc Thủy – TCV, Phụ trách vùng gặp gỡ chị em, chia sẻ chủ đề “Sống niềm vui thánh hiến qua sứ vụ truyền giáo, với lòng nhiệt thành tận tụy”. Chị nhấn mạnh hiến chương điều 68. “Đời sống tông đồ căn bản và cốt lõi nhất là đời sống thánh hiến trong cộng đoàn”. Cộng đoàn hòa hợp, yêu thương, thông cảm, hiểu nhau thì tự động hương yêu thương lan tỏa ra bên ngoài.
Sống giữa lòng dân khác vùng miền, phục vụ giáo xứ trong giáo xứ có nhiều anh chị em đến từ các vùng: Nam, Trung, Bắc, chính điều đó các chị em phải tinh ý để có thể hiểu nhau hơn. Kẻ đưa đẩy người chất phát, kẻ văn hoa người mộc mạc…
Do vậy, để duy trì mối hiệp thông gắn kết khi thi hành sứ vụ không gì khác là phương ngôn sống: đơn sơ, giản dị, vui tươi, khiêm tốn, kính trọng, yêu thương và sẵn sàng quên mình phục vụ mọi người cách vô vị lợi; đặc biệt quan tâm đến người nghèo thấp cổ bé miệng, đó chính là vũ khí chiến thắng thành công trong việc tông đồ.
Tiếp theo chương trình chị em quây quần, nắm tay nhau hát vỗ tay chúc mừng ngày nhà giáo Việt Nam.
Sau giờ giải lao Cha tiếp tục giúp gợi ý một vài nét về kinh nghiệm cầu nguyện. Tiếp theo, chị em quây quần bên Thánh Thể Chúa, để một lần nữa lòng kề lòng thầm thì với Chúa trong tâm tư sâu lắng với những ưu tư, khắc khoải, những thành công thất bại trong đời sống để cảm nếm tình thương Chúa phủ bóng trên cuộc đời, đồng thời xoay ngược thời gian rà sót lại những yếu đuối bất toàn để đón nhận lòng thương xót Chúa qua Bí Tích Hòa Giải.
Sau đó, chị em dùng cơm trưa và nghỉ trưa.
13g30 chị em bắt đầu thi định hướng vòng bán kết để tìm ra nhân tài cho vòng chung kết sắp tới.
Tạ ơn Chúa đã qui tụ chị em chúng ta bên nhau trong ngày tĩnh tâm, cùng nhau nhắc lại lời khấn dòng. Xin Chúa tiếp tục ban muôn phúc lành và cho từng chị em, để mỗi người cảm nghiệm cách sâu xa về tình yêu Chúa dành cho mình, sống niềm vui và hạnh phúc khi sống ơn gọi Mến Thánh Giá. Ước gì mỗi chị em là cánh tay nối dài của Đức Kitô chịu đóng đinh, nỗ lực làm lan tỏa Đặc Sủng Mến Thánh giá cho những nơi mình được sai đến.