Thương quá phận nghèo ơi !

Thứ tư - 17/11/2021 22:02 1.110 0
 

THƯƠNG QUÁ PHẬN NGHÈO ƠI !
         
Cơn đau thắt ngực nó làm cơ thể khó chịu trong nhiều ngày qua.
         
Sáng hôm nay nó lại dày xéo "tấm thân tàn tạ" nên rồi quyết định đi khám. Ở cái thời điểm ngại di chuyển về Sài Gòn thì đi khám tại chỗ quả là điều ngán ngẫm cho dạng "lâm trọng bệnh" như bỉ nhân. Dĩ nhiên theo y khoa thì cơn đau đến mà đi khám là thời điểm tốt nhất để định bệnh.
         
Lần mò đến nơi cần đến.
         
Cái máy đo tim ở phòng khám đã "phiêu diêu miền cực lạc". Nhanh trí, bác sĩ Công Giáo hàng xóm dẫn lên khu điều trị bệnh để đo tim.
         
Cứ ngỡ rằng lên đây là an tâm chắc chắn vì đây là khu nằm bệnh của những người bị Nội. Thế nhưng rồi tất cả đều diễn ra trong âu lo và phập phồng.
         
Chuyện là con máy đo tim duy nhất ở đây có lẽ như đã "nhiễm" virus. Như lời chị nhân viên đo tim thì phải nhờ anh bác sĩ trong khoa vỗ vỗ đập đập thì nó mới chạy.
         
 "Bệnh" nhân quen quá ! Sau khi bác sĩ gõ "tóc tóc" vào cái vỏ máy thì nó chạy. Thế nhưng rồi nó chạy không như ý muốn vì kết quả bị nhòe. Thế là phải lay lay vài cọng dây quanh đó thì mới cho ra kết quả như mong muốn tìm : Đau thắt ngực.
         
Dĩ nhiên là dùng thuốc tạm trong thời gian chưa cho phép về nơi cần đến để khám. Nơi đó máy móc cũng như bác sĩ dường như an tâm hơn trong việc chẩn đoán bệnh.
         
Chiều đến, thi thoảng cơn đau lại thắt lên và cứ mỗi lần đau là lại nhớ đến con máy đo điện tâm đồ.
         
Nghĩ đến cái máy dường như nghĩ đến cả Trung Tâm Y Tế. Thương quá cho những y công ở nơi đây khi phải đương đầu với những trang thiết bị y tế như thế này.
         
Nói ra chả phải ai oán hay trách móc bởi lẽ cũng chả rảnh hơi để càm ràm như ai nào đó vẫn càm ràm. Nói ra cái suy nghĩ chân thành và rất thực này để thấy nơi cái vùng nghèo này dường như nghèo đủ thứ. Người ở đây dường như phải đối đầu với cuộc sống bôn ba lam lũ để tìm miếng cơm manh áo đã đành. Đến khi sức khỏe cần khám hay bảo dưỡng "công cụ" lao động thì gặp biết bao nhiêu vấn đề nan giải.
         
Người có tiền một chút thì lên tỉnh. Có tiền hơn nữa thì chạy tới Sài Gòn. Còn dĩ nhiên bao nhiêu cái thân phận nghèo thì cũng đành đón nhận sự chữa trị ở nơi đây.
         
Nhìn nơi mà sáng nay tôi đến cảm thương hơn là oán giận, tiếc nuối cho phận người hơn là thù ghét. Đơn giản là chính những vị lương y ở nơi đây họ cũng phải đón nhận với tất cả những gì mà cuộc sống mang lại. Giả như họ muốn tốt hơn cũng chả ai cho vì hoàn cảnh chỉ có thế thôi.
         
Nghĩ về cái nơi phồn hoa đô thị, ở Sài Thành rực rỡ là nhớ đến biết bao nhiêu máy móc cũng như dụng cụ và cả nhân lực tốt nhất để lo sức khỏe cho con người. Ở cái vùng nghèo này vậy thôi. Cái phận người gói ghém trong cái hoàn cảnh cũng như thực trạng của nền y khoa của nó.
         
Đói ăn khổ mặc lam lũ trong cuộc sống đã đành. Mạng sống con người ở đây nó cheo leo là vậy đó. Thế nhưng rồi nghĩ cũng lạ. Rồi thì ơn trên cũng an bài để rồi sao cũng được. Nhân viên, bác sĩ và cả bệnh nhân cùng đồng cảm với cái máy cà tàng đo nhịp thở của con người.
         
Con người được cái cũng dễ thích nghi : Có sao sống vậy và có sao sử dụng vậy. Đơn giản là họ cũng phải bằng lòng với những gì họ có chứ có cầu mong cũng chẳng hơn.
         
Vậy đó ! Đi khám bệnh để cảm và thấu hơn cái phận nghèo. Có đến những nơi như cái vùng như thế này mới thấm được những mảnh đời đau khổ. Có khi mình ở trên cao quá hay mình được phục vụ cũng như hưởng thụ quá mà mình quên đi cái phận nghèo.
         
Cũng nhờ cơn bệnh, cũng nhờ đến đến "vùng ngoại biên" như thế này thì may ra được cảm, được thấu hơn như thế nào với những con người bị bỏ rơi. Thương một cái là cái nghèo, cái khổ và cái thiếu thốn nó cứ như ôm chầm lấy con người ở nơi đây. Và dường như có điều lạ là họ quen quá với cái nghèo và cái khó ở nơi đây để rồi họ cảm thấy bình thường như đã có và cuộc sống như chả có gì làm phiền họ dù họ được trao ban cho những thứ thua cả cái bình thường.
         
Thương quá phận nghèo ơi !


 

Tác giả bài viết: Lm. Anmai, CSsR

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây