Con nhớ mẹ
Nt. Têrêxa Thanh Hữu
2022-03-08T09:38:20-05:00
2022-03-08T09:38:20-05:00
https://hoidongmtgquinhon.org/cong-dong/con-nho-me-1083.html
https://hoidongmtgquinhon.org/image/pic/con-nho-me001.JPG
MẾN THÁNH GIÁ QUI NHƠN
https://hoidongmtgquinhon.org/uploads/logonew.png
CON NHỚ MẸ
Những ngày đầu tháng 3, học sinh các cấp ở Sài Gòn được trở lại trường sau 9 tháng dài nghỉ học vì đại dịch Covid. Niềm vui như đang vỡ òa với các cô cậu học trò vì trong tâm trạng nhớ thầy nhớ bạn. Tôi đọc được điều đó qua ánh mắt, nụ cười, những lời nói dễ thương của các bé Mầm Non Mai Anh trường mình.
Nhưng đó cũng là ngày mà một số bé phải xa rời vòng tay mẹ, rời xa sự chăm sóc riêng của một ai đó để đến nơi đầy lạ lẫm, bỡ ngỡ, một môi trường mới. Chắc chắn sự nhớ thương, những ngấn lệ chảy dài là điều không thể không có nơi các bé…Rảo một vòng khối lớp Mầm, Nhà Trẻ, tôi thấy các bé đang khóc với một điệp khúc chung chung : “Con nhớ mẹ”. Nghe mà thương vô cùng. Bước tới gần các em, tôi vỗ về chúng: Uh! Cô cũng nhớ mẹ lắm. Nhưng thôi, con nín đi. Ở đây chơi với Cô và các bạn, để mẹ đi làm kiếm tiền mua sữa, mua đồ đẹp cho con nè. Rồi chiều mẹ đón con về mà.
Một số bé nghe vậy liền gạt nước mắt, bẽn lẽn bước đi, vài đứa khác thì khóc ré lên nhưng sau một hồi mệt, chúng cũng nín. Chơi một lúc, tới giờ cơm hay giờ ngủ, tôi đi qua lại thấy mắt chúng rơm rớm và vẫn một câu không chỉnh sửa thêm bớt : “Cô ơi! Con nhớ mẹ”. Chỉ một câu nói chỉ có 3 từ vắn gọn, đơn sơ, chân thành nhưng chất chứa cả một nỗi niềm làm tôi không thể không nghĩ suy.
Thiết nghĩ, đã không ít lần bạn và tôi cùng cất lên những lời tự chính đáy lòng mình như thế. Con nhớ mẹ. Nhưng tự hỏi, có bao giờ và được mấy lần ta hỏi lòng mình, tại sao ta nhớ mẹ?
Phải chăng, con nhớ mẹ khi cần sự bao bọc chở che, khi thiếu tiền đóng học phí, khi thiếu cái ăn cái mặc, khi đau yếu bệnh tật không có ai chăm sóc…Khi mà cuộc sống và những người bên cạnh không cung cấp đủ nhu cầu cho bản thân ta? Hoặc thi thoảng ta nhớ mẹ trong những ngày lễ đặc biệt như ngày 8.3, ngày 20.10, ngày của mẹ, nhớ bởi các trang mạng quảng cáo bách mắt, và trên đường phố trưng bày đủ những món quà dành riêng cho phái nữ…Tất cả những điều đó đều tốt nhưng vẫn còn cái gì đó chưa đủ. Bởi như nhạc sĩ Gia Khiêm trong bài hát “ Mẹ yêu ơi”, mà nhiều người trong chúng ta đều thuộc lòng câu “ Mẹ là lẽ sống của đời con”.
Nếu mẹ là lẽ sống thì một khi vắng mẹ con sẽ ra sao bạn nhỉ? Và chắc chắn ai trong chúng ta cũng đều biết, sự hiện hữu của bản thân sẽ không thể có được ngay trong cuộc sống này nếu thiếu sự hy sinh, mang nặng đẻ đau của mẹ. Thế mà thực tế lắm lúc không như vậy. Vẫn còn đó những người mẹ cô đơn khi tuổi đà xế bóng. Có những người mẹ đang bị con cái xem là gánh nặng của gia đình. Đâu đó trong các khu biệt thự nhiều tầng, mẹ cũng có thể là một Ôsin hay một bà già giúp việc mà thôi. Chiếc điện thoại với đầy đủ chức năng có lẽ luôn là điều hấp dẫn thế hệ trẻ hôm nay hơn những lời nhắc nhở của mẹ. Lắm lúc tiếng thở dài của mẹ khi nằm bên cạnh con không đủ để con có thể lắng nghe bởi tiếng ồn ào của game, tiếng báo hiệu tin nhắn trên zalo, facebook từ những người bạn chưa quen biết…đã làm đôi tai con không thể nghe tiếng lòng của mẹ.
Và có lẽ, trên trần gian này không có người mẹ nào mà không mong muốn con mình được khỏe mạnh, hạnh phúc, bình an và thành công. Mỗi hơi thở của cuộc đời, từng nhịp đập của con tim đong đầy tình mẫu tử, những bước chân đời người nơi mẹ đều hướng về con cái. Bởi chúng là giọt máu, là gia tài, là cuộc sống của các ngài.
Tình cảm, tình người và đặc biệt là tình mẫu tử là món quà mà Thiên Chúa trao ban cho con người. Vì chẳng ai được sinh ra không bởi mẹ, và cũng chẳng ai ngăn cản nổi tình mẫu tử nơi mỗi con người. Có thể, mỗi giai đoạn của cuộc đời mỗi người sẽ mang những sắc màu nỗi nhớ không như nhau. Nghe tiếng khóc của các bé tôi lại nghĩ, không biết những người làm con như bạn và tôi lúc này có đang nhớ mẹ, và nhớ mẹ với mục đích gì. Rồi tôi lại ước mong… mong mỗi người con luôn nhớ mẹ không chỉ khi mình cần, nhưng nhất là trong những khi mẹ muốn. Nhớ trong sự hiếu thảo, trong cách sống và trong ước muôn của mẹ dành mình.
Tác giả bài viết: Nt. Têrêxa Thanh Hữu