Tản mạn cuối năm: “Gặp gỡ” !

Thứ tư - 19/01/2022 03:33 689 0
 
Tản mạn cuối năm: “Gặp gỡ” !
 


Không biết từ bao giờ, những cuộc gặp gỡ cuối năm cứ đến hẹn lại lên, từ các cơ quan đoàn thể lớn cho đến các nhóm bè bạn, nhưng cuộc gặp mặt này luôn chan chứa thân tình với: Tiệc tất niên, chạp mả, lễ giỗ, họp lớp, họp nhóm…
 
  • Các cơ quan - đoàn thể xã hội tổ chức tất niên để tri ân khách hàng và nhân viên của mình, đồng thời tạo bầu khí gắn kết cho hướng đi cho một năm mới sắp tới.
  • Gia đình, dòng họ, chòm xóm thì đến gặp gỡ nhau trong những ngày chạp mả, lễ giỗ tưởng nhớ tiền nhân. Đây là dịp hiếm có để con cháu quy tụ bên nhau tỏ bày tình thân huyết thống và học được những kinh nghiệm quý báu của các bậc “cây cao bóng cả” trong gia tộc.
  • Với những người bạn học chung trường, chung lớp thì dịp họp lớp là để thăm hỏi- cùng ôn lại những kỷ niệm của một thời. Buổi gặp mặt này càng ý nghĩa khi những người bạn chia sẻ cho nhau những câu chuyện đẹp, những phấn đấu để đạt đến thành công trong cuộc sống, sẵn sàng hỗ trợ tạo điều kiện cho những bạn kém may mắn hay đang gặp khó khăn…

Cuộc gặp gỡ cuối năm là một trong những nét văn hóa đáng trân trọng, nó thật ý nghĩa và để lại nhiều ấn tượng tốt trong các mối tương quan.

Nó đẹp thiệt đó ! Nhưng cũng chỉ là những cuộc gặp gỡ “bên ngoài”, gặp gỡ của xã giao. Có cuộc gặp gỡ quan trọng bên trong tâm hồn mà ta cũng nên “tổ chức gặp” trong dịp cuối năm, đó là cuộc gặp gỡ với những người đang có khúc mắc với ta.

Và nếu chỉ có “gặp” mà không “gỡ” thì chưa đủ. Làm sao để qua cuộc “gặp” này, người ta có thể “gỡ” cho nhau những mâu thuẫn, hiểu lầm đang có? Làm sao gặp để gỡ  những sợ tơ đang làm tâm hồn rối bời; làm sao để “hàn gắn”, “nối kết” những đổ vỡ, rạn nứt không đáng đã xảy ra ?

Trong các cuộc gặp để giải quyết vấn đề khúc mắc trong cuộc sống ta dễ rơi vào thái độ “vạch lá tìm sâu” để chứng minh mình có lý, mình tốt, mình đúng hơn người. Nếu cứ như vậy, khó tìm được con đường gặp nhau, và không thể “gỡ” những hiểu lầm nghi kỵ đang có nơi nhau. Cứ như thế, ta vô tình để người khác thành không, để ta trở thành có. Một cuộc gặp gỡ bắt đầu bằng việc trách cứ nhau thì sẽ lập tức cánh của tâm hồn bị đóng lại, nguy cơ không thể “gỡ” được những khúc mắc, đồng thời làm cho tương quan ấy ngày càng xấu đi.“Đôi khi thế giới thật rộng lớn. Bao la đến nỗi chỉ cần một lần chia xa là cả đời không còn cơ hội gặp lại. Nhưng cũng có lúc trái đất bỗng trở nên giới hạn. Nhỏ bé đến mức vừa chia tay, quay đầu lại đã thấy gương mặt họ đang tươi cười, rạng rỡ... Cho nên: khi gặp gỡ hãy biết cách trân trọng, lúc bên nhau nhất định nhớ giữ gìn” ( Khuyết danh )
  
Để có thể “gặp gỡ” điều cần thiết  mỗi người phải có là lòng bao dung, và biết hướng nhìn về chân thiện mỹ. Khi trân trọng mối tương quan đã có với nhau và không muốn nó rạn nứt, ta dễ khiêm tốn nhận ra mình cũng có phần nào đó sai lỗi trong việc gây nên sự đổ vỡ này.
 
Để có thể “gặp gỡ”, ta cần chân nhận rằng đây là chị (em), là bạn bè, là người cùng ta gánh vác xây dựng cuộc sống này, xã hội này, cộng đoàn này chứ không phải kẻ thù, không phải người dưng nước lã. Để có thể “gặp gỡ” cần trân trọng nhau, giúp nhau thoát khỏi những khó khăn vấp váp trong đời chứ không phải để đè bẹp một tâm hồn đã vương vào đổ vỡ khổ đau.
 
Cuộc gặp gỡ sẽ trở nên khó khăn khi ta bật “đèn xanh” muốn “hàn gắn” nhưng người kia lại bật “đèn đỏ” báo rằng họ chẳng thiết tha gì với cuộc gặp này, hoặc người bạn bật “đèn vàng” báo hiệu họ cũng muốn “gỡ” lắm, muốn “hàn gắn” nhưng trong ta vẫn còn “cái gai, cái xà” nơi đôi mắt hay trong tâm hồn “còn tổn thương chưa thể bỏ qua được…” Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nỗ lực khiêm tốn nhìn nhận lầm lỗi, hãy sửa đổi tâm hồn, hãy “lấy cái xà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người khác”. Vì thế, trước khi quyết định gặp gỡ, ta không nên bỏ cầu nguyện và hãy đánh giá mọi sự kiện dưới áng sáng Tin Mừng “Anh em xét đoán thế nào thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy”, “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán”, như thế, Chúa Giêsu đã mở một con đường của yêu thương, không xét đoán thì sẽ nhận lại được sự tình thương của Thiên Chúa. Không ai muốn bị xét xử, và khi bị xét xử, ai cũng muốn được xét xử khoan dung thông cảm. Mà muốn được khoan dung thương xót, thì trước hết, chính mình cũng phải biết thương xót khoan dung.
   
Cuộc sống chung cần lắm nơi mỗi người ơn khao khát muốn “gỡ” những dây tơ “lòng thòng, lượm thuộm” của những nhỏ nhen, ích kỷ. Điều đó sẽ giúp ta tìm cách hòa điệu với người khác, để có thể cảm thông, tha thứ và đón nhận nhau. Dù có thế nào chị ,tôi, bạn, chúng ta là một phần của nhân loại, chúng ta được mời gọi trở nên thành viên trong gia đình Hội dòng. Mỗi người được chọn lựa cách đặc biệt, được đặt sống cạnh nhau để làm phong phú thêm sự thánh thiện của Giáo Hội. Vì thế, không ai là con số “0” khi sống bên cạnh chúng ta.“Nếu giọt nước rơi xuống hồ, nó sẽ biến mất. Nhưng nếu rơi xuống lá sen, nó sẽ tỏa sáng như một viên ngọc. Rơi giống nhau nhưng ở cùng ai mới là điều quan trọng.( danh ngôn). Không ai là vô duyên vô cớ xuất hiện trong cuộc đời của bạn, của chị và của tôi, sự xuất hiện của mỗi người đều có nguyên do, đáng được biết ơn, đáng được trân trọng, đáng được ta nỗ lực hết sức để “gặp”“gỡ” những vướng mắc còn ứ đọng bên trong cuộc sống chung nếu có!

Ước gì những cuộc gặp mặt, hội họp cuối năm cũng là dịp để mỗi người dừng lại xét xem mình có điều gì cần “gỡ” với ai không? Nếu có, ta nên can đảm đi bước trước để “gặp- gỡ”. Khi thành tâm muốn “gỡ”, Chúa sẽ giúp ta. Khi ta đã làm hết sức mà không thể “gỡ”, hãy phó thác cho Chúa, Chúa sẽ “gỡ” giúp ta trong một dịp nào đó và hãy sống hãy làm theo gương thánh Phaolô “Điều khiến chúng tôi tự hào là lương tâm chúng tôi làm chứng rằng: chúng tôi lấy sự thánh thiện và chân thành Thiên Chúa ban mà cư xử với người ta ở đời, đặc biệt là với anh em. Chúng tôi không cư xử theo lẽ khôn ngoan người đời, nhưng theo ân sủng của Thiên Chúa” (2Cr 1,12; x. 2Cr 2,17; 1Tx 2,3-10). Amen


 

Tác giả bài viết:  Nt. Anna Đỗ Khuyên

 Tags: Phút suy tư

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây