ĐỜI TU KHÔNG LÀ SỰ ĐỔ VỠ
NHƯNG LÀ HIỆP THÔNG VÀ CHIA SẺ
Vào ngày 08.9.2010, trên kênh YouTube đã chiếu lại bộ phim “Des homes et des dieux” hay “Of gods and men” (Con người và thần thánh) của đạo diễn Xavier Beauvois người Pháp; bộ phim đạt giải thưởng lớn tại liên hoan phim Cannes năm 2010. Nội dung được xây dựng trên thực tế cuộc sống của các Đan sĩ Dòng Xitô Tiblirine trên núi Atlas tại Algérie, một nước Bắc Phi có đa số dân chúng theo Hồi giáo.
Algérie và Pháp có mối liên hệ rất nhiêu khê và phức tạp. Đã có một cuộc chiến đầy tai tiếng dưới thời chính phủ của tướng De Gaulle. Người Pháp đã phải nhượng bộ cho người Algérie có hai quốc tịch. Nhưng Pháp vẫn can thiệp vào chiến trường Algérie. Trong chiều hướng ấy, Đan viện Thánh Mẫu Atlas bị ảnh hưởng trầm trọng. Tính mạng bị đe dọa khiến cộng đoàn khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng là câu hỏi: Nên ở lại hay nên đi? Đây là một vấn đề sống chết liên quan đến tính mạng của các anh em nên mọi người cần thảo luận để tìm câu trả lời chuẩn xác nhất. Sau nhiều cuộc tranh luận diễn ra gay gắt và hết sức căng thẳng đến nỗi cộng đoàn hầu như tan vỡ…; cuối cùng nhờ cầu nguyện, các Đan sĩ đã đi đến quyết định chung kết là ở lại, mặc dù tình hình ngày càng nguy kịch.
Bộ phim khá cô đọng, ngôn ngữ đầy biểu tượng và ý nghĩa rất sâu xa. Nhưng điều đáng chú ý ở đây là nhà đạo diễn đã dàn dựng rất khéo léo và tinh tế. Ngay từ đầu bộ phim, người ta thấy xuất hiện hai câu Thánh Kinh: câu 6 và câu 7 của Thánh vịnh 82: “Ta đã phán: Hết thảy các ngươi đây đều là bậc thần thánh, là con Đấng Tối Cao, thế nhưng rồi phải chết không khác kẻ phàm nhân, và có ngày sụp đổ như mọi bậc quan quyền.”(TV 82, 6 -7). Chắc chắn, nhà đạo diễn, qua hai câu Lời Chúa này, khai mào cho bộ phim và chuyển tải một thông điệp từ cuộc sống của những tu sĩ, những người đi theo Chúa đã từ bỏ mọi sự, sống siêu thoát như cuộc sống của các Thiên Thần và các Thánh trên trời… Bộ phim chứa đựng nhiều bài học cho đời tu nhưng ở đây chúng ta chỉ bàn về khía cạnh hiệp thông trong đời sống cộng đoàn của các Đan sĩ. Phải chăng đây cũng là vấn đề nhức nhối của các Dòng tu hiện nay.
Tông huấn Vita Consecrata của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II năm 1996 đã nhấn mạnh chiều kích hiệp thông, hiệp nhất chính là đặc tính cơ bản, là dấu chỉ tròn đầy của Tin mừng tình yêu: “Những con người hiệp nhất với nhau vì đã cùng cam kết bước theo Đức Kitô – sequela Christi – và được thúc đẩy bởi cùng một Thánh Thần, không thể nào không biểu lộ cách hữu hình sự viên mãn của Tin mừng tình yêu, như là những cành của một cây nho duy nhất”[1]. Trong khi đó, John Lozano mô tả: “Cộng đoàn thánh hiến là một nhóm người Kitô hữu được kêu gọi sống độc thân và giao phó đời mình cho nhau để sống thành một cộng đoàn, cùng nhau tìm Chúa và chia sẻ đời sống vật chất với nhau”.
Khi dấn thân vào đời sống tu trì, mỗi người được mời gọi sống trong một tu hội, một Hội dòng nào đó và ơn gọi sống đời Thánh hiến được diễn tả qua đời sống cộng đoàn. Vì thế, mỗi người Tu sĩ được mời gọi dấn thân theo Chúa Kitô là sống, xây dựng và làm thăng tiến đời sống cộng đoàn mà mình đang là thành viên. Chính vì thế, cộng đoàn không thể tách rời khỏi đời sống của người tu sĩ; nhưng mỗi tu sĩ phải thích nghi và đón nhận tất cả các thành viên trong cộng đoàn. Cộng đoàn là một gia đình gồm những người, có thể bất đồng với nhau về mọi phương diện, nhưng được qui tụ nhân danh Đức Kitô và vì lý tưởng dấn thân phục vụ cho Nước Trời. Vì thế, mỗi thành viên phải đón nhận nhau. Một cộng đoàn có Chúa Kitô hiện diện thì không có sự phân biệt, đố kỵ nhau, như lời Thánh Phaolô nói: “Không còn chuyện phân biệt Do thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô (Gl 3,28). Để có được một cộng đoàn bền vững và phát triển thì cần có sự hiệp nhất và bác ái với nhau:“Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái, đó là mối dây tuyệt hảo liên kết anh em” (Cl 3,12); “Sống đức ái huynh đệ, giúp con người lớn lên trong tình yêu đối với Thiên Chúa và chị em, nên cũng là “mảnh đất” cho con người triển nở" (x. Đời sống Huynh đệ Cộng đoàn 35).
Trong đời sống cộng đoàn, nếu mỗi thành viên biết đón nhận và xây dựng cho nhau thì đời sống cộng đoàn sẽ triển nở hơn; và từ sự triển nở đó mỗi thành viên sẽ đi đến hiệp thông trọn vẹn. Đời sống cộng đoàn phải chăng là một nét đẹp giới thiệu cho mọi người thấy được Nước Thiên Chúa đang ngự trị giữa chúng ta. Hiến chương của Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn điều 68/1 cũng đã nói đến chiều kích này: “Hình thức tông đồ căn bản nhất là sống đời thánh hiến trong cộng đoàn”. Một cộng đoàn thiếu yêu thương, hiệp nhất sẽ là dấu hiệu phản chứng tình yêu Chúa trong môi trường mình đang phục vụ.
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong tông huấn Đời sống Thánh hiến, đã ân cần lưu ý: “Trong đời sống cộng đoàn, người ta phải xác tín rằng sự hiệp thông huynh đệ không chỉ là một phương tiện giúp thi hành một sứ mạng nào đó, mà còn là nơi Thiên Chúa ngự, nơi mà người ta có thể kinh nghiệm được sự hiện diện bí nhiệm của Chúa Phục sinh. Điều này được thực hiện nhờ tình yêu hỗ tương của các phần tử trong cộng đoàn, tình yêu được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và Thánh Thể, được thanh luyện nhờ Bí tích Hòa giải, được nâng đỡ nhờ lời nguyện xin ơn hiệp nhất, là một ân huệ Thánh Thần ban cho những ai biết sẵn sàng lắng nghe Tin mừng với lòng vâng phục…”[2].
Toàn thể Giáo Hội đang hiệp thông sống và hành động theo chủ đề của Thượng Hội Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XVI đó là: Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ; và khắp nơi đang nỗ lực triển khai định hướng mục vụ này trong Giai đoạn Thượng Hội Đồng cấp Giáo hội địa phương như tài liệu Cẩm Nang hướng dẫn dã chỉ rõ: “Giai đoạn đầu tiên nầy của Tiến trình Thượng Hội đồng là nền tảng cho tất cả các giai đoạn tiếp theo. Mục đích của giai đoạn giáo phận, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, là nhằm cống hiến cho nhiều người, càng nhiều càng tốt, một kinh nghiệm hiệp hành thục sự trong việc lắng nghe nhau và cùng nhau tiến về phía trước, chứ không đơn giản chỉ là trả lời một bảng câu hỏi”[3].
Khi công bố văn kiện Hậu Thượng Hội Đồng về giới trẻ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành tông huấn “Christus Vivit” (Đức Kitô đang sống - CV). Nơi đây, ngài đã đề nghị nhiều định hướng cho chương trình mục vụ giới trẻ; và trong đó định hướng “Hiệp Hành” chính là điểm quy chiếu quan trọng cho việc thực hiện tiến trình Tân Phúc Âm hoá: “Sự tham gia của giới trẻ đã giúp “đánh thức”mô thức hiệp hành, là một “chiều kích cấu thành của Hội Thánh.” Như thánh Gioan Kim Khẩu nói, “Hội Thánh đồng nghĩa với Hiệp Hành”, bởi vì Hội Thánh không là gì khác mà chính là việc “cùng nhau bước đi” của đàn chiên trên con đường lịch sử để gặp Đức Kitô”[4].
Hiệp hành có nghĩa là cùng bước đi với nhau, sát bên nhau trên một con đường; và mục đích của hiệp hành là để gặp gỡ, lắng nghe và tìm ra ý muốn của Chúa. Chính Chúa Giêsu đã cứu chúng ta bằng con đường hiệp hành; Ngài đã từ bỏ trời cao, từ bỏ địa vị cao sang, chấp nhận cái nghèo, chấp nhận sự trần trụi để nhận lấy kiếp phàm nhân, chỉ trừ tội lỗi; Ngài đã cùng ăn uống, cùng chung chia vận mạng với chúng ta. Trên con đường Emmau năm ấy, Chúa đã hiệp hành với hai môn đệ. Lúc này Chúa “hiệp hành” chứ không chỉ đồng hành cách đơn điệu; vì Chúa đang cùng đi với hai môn đệ trên một con đường, Chúa đã gợi chuyện và lắng nghe hai môn đệ tâm sự về nỗi buồn của mình. Chúa không ở xa xa nhưng đang ở sát bên cạnh để lắng nghe, để hiểu, để cảm thông và giúp đỡ. Nhờ hiệp hành mà hai môn đệ đã nhận ra Chúa; nhờ hiệp hành nên hai môn đệ đã thay đổi trạng thái, thay đổi suy nghĩ, thay đổi hướng đi, thay đổi mục đích… Sau khi nhận ra Chúa, nỗi buồn tan biến và niềm vui Phục sinh đã bừng sáng.
Tông huấn Christus Vivit nhấn mạnh: “Mục vụ giới trẻ phải “mang tính hiệp hành” (synodale), nghĩa là có khả năng liên kết trong một “hành trình chung”, điều đó bao hàm “sự quý trọng các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho mỗi thành viên trong Giáo Hội theo ơn gọi và vai trò của mình, đồng thời sẽ thúc đẩy mọi thành viên tham gia gánh vác trách nhiệm. Với tinh thần nầy, chúng ta sẽ có thể tiến tới một Giáo Hội có nhiều tác nhân tham gia và cùng chia sẻ trách nhiệm, một Giáo Hội có khả năng cho thấy được nét phong phú nhờ tính đa dạng, đồng thời chúng ta cũng đón nhận với lòng biết ơn sự đóng góp của các tín hữu giáo dân, nhất là của giới trẻ và nữ giới, cùng sự chung tay góp sức của các người sống đời thánh hiến nam và nữ, của các nhóm, hội đoàn và phong trào. Chúng ta không được gạt bỏ một ai hoặc làm cho một ai có thể muốn xa lánh chúng ta”.[5].
Ngày nay đời sống cộng đoàn các Dòng tu gặp nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng lối sống tự do, hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân theo trào lưu của xã hội. Để có được một cộng đoàn hiệp nhất bình yên và bền vững theo tinh thần của Đức Kitô chúng ta cần phải có tính hiệp hành. Vậy làm sao để thực hiện tính hiệp hành trong đời sống cộng đoàn? Và hiệp hành như thế nào?
Đối với người tu sĩ, tính hiệp hành được thể hiện qua sứ mạng của mình bằng cách hiệp thông với anh chị em mình gặp gỡ hằng ngày, biết lắng nghe và chia sẻ mọi nỗi vui buồn của họ ngay cả những người gây rắc rối, phiền phức cho mình.Trong đời sống cộng đoàn cần hiệp thông với chị em đang sống chung, sống cùng và sống với. Biết lắng nghe, chia sẻ, cảm thông bằng lời cầu nguyện, qua các sinh hoạt chung, các biến cố vui buồn, coi chị em trong Hội dòng là người thân, cùng nhau sống và gắn bó với nhau, bảo vệ, nâng đỡ nhau suốt đời cho đến chết.
Hiến chương điều 40/1 đã lưu ý: “Chị em hãy yêu mến cộng đoàn mà mình đang là thành viên, đem hết sức lực xây dựng cộng đoàn trở thành như một gia đình”. Sống trong một Hội dòng, một cộng đoàn với nhiều thế hệ, nhiều quan điểm, nhiều khuynh hướng, phong tục tập quán khác nhau… làm sao có thể tránh khỏi những lúc “trái gió trở trời”; nhưng chính những lúc như thế, “nhân tố hiệp hành” sẽ là phương thuốc, là cơn gió xuân lành mạnh để “bầu trời” u ám đó được tươi đẹp hơn!
Thế nhưng, cũng không ít người sẽ tự hỏi: “Hiệp hành bằng cách nào?”. Các Đan sĩ dòng Xitô Tiblirine trên núi Atlas trong câu chuyện phim đã kể ở trên đã cho ta thấy: tuy bị chao đảo về thời cuộc, và cộng đoàn lủng củng hầu như sắp tan rã vì những bất đồng ý kiến, nhưng cuối cùng cũng đã tìm ra lời giải đáp là nhờ vào hiệp thông với Chúa bằng lời cầu nguyện, trung tín với bổn phận, lắng nghe, đối thoại và tìm ra ý Chúa trong cộng đoàn của mình.
Bộ phim đã chuyển tải cho chúng ta một bài học quý giá: cộng đoàn của các Đan sĩ gồm nhiều thế hệ già, trẻ khác nhau, khi bắt đầu cuộc tranh luận tưởng chừng như rất khó hòa hợp. Tuy nhiên, trong sự khác biệt ấy, ta thấy được tình hiệp thông huynh đệ qua sự giúp đỡ của người lớn tuổi giúp người trẻ tuổi bằng lời lời động viên, chia sẻ để nhận ra được lý tưởng của mình. Người nhỏ tuổi thì lắng nghe đối thoại, đón nhận nhau… Và một chi tiết rất cảm động mà đạo diễn muốn gửi đến cho người xem là hình ảnh của các anh em chăm sóc giấc ngủ cho thầy Luca sau một ngày làm việc vất vả và còn đọc báo cho thầy ngủ; hay một chi tiết khác: cha Bề trên đến tắt đèn, đắp chăn cho người anh em già yếu, tận tình phục vụ anh em trong cộng đoàn… Những cử chỉ tuy rất nhỏ nhưng rất dễ thương và làm nên một điều rất vĩ đại là xây dựng một cộng đoàn hiệp nhất yêu thương và bền vững.
Vâng, hiệp thông là thế đấy; ngoài hiệp thông với Chúa, chúng ta cần hiệp thông với chị em trong cộng đoàn; cần đối thoại cách chân thành khi gặp bế tắc, phục vụ lẫn nhau cách tận tâm, tận tình và tế nhị vì tình yêu dành cho Đức Kitô. Từ bỏ ý riêng để tìm ra ý Chúa qua chị em, biết kiên trì cầu nguyện, kiên trì lắng nghe nhau, kiên trì đối thoại. Đôi khi, trong lòng ta không muốn và không thể nào gặp mặt người chị em đó để nói một câu nhưng vẫn phải kiên trì và quyết tâm đối thoại trong tinh thần xây dựng. Có như thế chúng ta mới trở nên một “cộng đoàn hiệp hành”; vì con đường “hiệp hành” luôn đòi hỏi phải khởi đầu, diễn ra, duy trì và hoàn chỉnh với sự hiệp nhất, hiệp thông!
Trong đời sống cộng đoàn, nếu mỗi người chúng ta quá dửng dưng với người bên cạnh thì chúng ta không thể hiểu và cảm thông cho nhau được; mỗi người với mỗi công việc khác nhau, với những địa vị cấp bậc, lứa tuổi khác nhau… nên ai cũng có những nỗi ưu tư lo lắng riêng.Trong môi trường và hoàn cảnh như thế, nếu chúng ta không thể hiện tiến trình hiệp hành thì chúng ta không thể nào hiểu được, cảm thông được và sẵn sàng chia sẻ cho nhau. Sống trong một cộng đoàn nếu mỗi thành viên không trở thành “chuyên viên hiệp hành”, không cùng đi với nhau và dìu nhau tiến bước, thì cộng đoàn có nguy cơ tan vỡ và sẽ trở một gánh nặng, một “cái ách nặng nề” mà mỗi ngày mình phải vác lấy, phải cam chịu cách bất đắc dĩ; hay văn chương một tí, chỉ là “quán trọ để dừng chân”; vui thì ở lại chơi, buồn thì dứt áo ra đi. Cũng đừng quên, một cộng đoàn dòng tu, nếu không được xây dựng và gia cố mỗi ngày trên “nền tảng hiệp hành” thì cuộc sống nơi cộng đoàn đó sẽ chỉ có chỉ trích, chê bai, kết án…; và đến một lúc nào đó, cộng đoàn trở thành tòa án ngày qua ngày xét xử nhau, và chị em sẽ trở thành những con vật sát tế.
Hiệp hành là thay đổi lối sống, thay đổi lối suy nghĩ, thay đổi cách nhìn, thay đổi cách nhận xét; không nên đóng khung người khác trong một thành kiến cá nhân; hãy nhìn thấy điều tích cực của người bên cạnh với một con tim tràn đầy tình Chúa để tất cả đều bước đi chung trên một con đường của Đức Kitô và cùng nhau nhìn về một hướng. Có như thế đời sống cộng đoàn mới phát triển một cách bền vững lâu dài và đời tu không phải là một sự đổ vỡ như những gì ta đã từng gặp nhưng là một sự hiệp thông và chia sẻ.
Như câu ngạn ngữ từ ngàn xưa của các dân tộc Phi Châu mà Đức Phanxicô đã lấy lại để ân cần nhắc nhở các bạn trẻ trong tông huấn Christus Vivit: “Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu bạn muốn đi xa, hãy đi với những người khác”[6], ước gì chúng ta ý thức được tầm quan trọng của tính hiệp hành để mỗi ngày chúng ta xích lại gần nhau, biết lắng nghe, chia sẻ và cùng nhau bước đi trên con đường Đức Kitô cách mạnh mẽ và xác quyết hơn. Và để được như thế, không gì hơn, chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau, cho các cộng đoàn đang sống đời thánh hiến, bằng chính những lời cầu cho tiến trình hiệp hành của Thượng Hội Đồng Giám Mục thứ XVI: “Xin dạy chúng con lối đường phải đi và cách bước đi trên lối đường đó… Đừng để chúng con u mê sa vào nẻo đường lầm cũng đừng để chúng con làm theo thiên kiến. Xin giúp chúng con tìm thấy nơi Chúa sự hiệp thông giữa chúng con…”[7].
[1] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Đời sống Thánh hiến (Vita Consecrata – VC), số 52.
[3] CẨM NANG CHO THƯỢNG HỘI ĐỒNG VỀ TÍNH HIỆP HÀNH, phần IV, tr. 27.
[4] ĐGH PHANXICÔ, Diễn từ kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội Đồng Giám Mục, ngày 17/10/2015.
[5] ĐGH PHANXICÔ, Tông huấn Đức Kitô Đang sống (Christus Vivit – CV), số 206.
[7] CẨM NANG, sđd, Kinh cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng, tr. 3.