Người nữ tu với gia đình

Thứ sáu - 29/10/2021 20:40 1.329 0

NGƯỜI NỮ TU VỚI GIA ĐÌNH

  



Gia đình vừa là tế bào đầu tiên và sống động, vừa là nền tảng của xã hội ( Familiars consortio 42) gia đình Công Giáo là một Giáo là một Giáo Hội thu nhỏ ( F.C 49) là Giáo Hội tại gia ( F.C 61)
    
Theo định nghĩa trên, được sinh ra và lớn lên trong mái ấm gia đình, trong cái tế bào đầu tiên sống động và nền tảng của Giáo Hội, Xã Hội ấy, chắc chắn người nữ tu đã cảm nghiệm thật sâu về tình thương “ máu mủ ruột thịt” mà ông bà, cha mẹ. anh chị em trong gia đình đã dành cho mình. Điều không thể chối cãi được, nếu không có sự giáo dục ngay từ thuở lọt lòng mẹ về Đức Ki-tô và Giáo Hội, thì chị, tôi và các bạn đều không thể sống đời tu trì hôm nay.
    
Dù nghèo khổ đến đâu cha mẹ vẫn luôn ưu tiên cho con cái mình những gì tốt đẹp nhất theo khả năng và giới hạn của mình. Tôi không thể quên hình ảnh cha mẹ tôi vào những năm đói khổ trước đây, thuở ấy, tôi còn bé xíu, gia đình làm ăn vất vả, mỗi ngày ăn cơm độn “khoai và bắp”, cha mẹ tôi chọn ăn bắp, ăn khoai nhường phần cơm cho nội và anh chị em chúng tôi. Suốt ngày nắng nôi trên nương rẫy, tối về các Ngài vẫn dành thời gian để đọc kinh, lần hạt chung với chúng tôi. Tôi được lớn lên và hấp thụ bầu khí ấy. Để rồi giờ đây khi hát hay nghe ca sĩ Như Mai hát bài “ báo hiếu cha mẹ” lòng tôi không khỏi ngậm ngùi xúc động nhớ đến cha mẹ và mái ấm gia đình như ý bài hát “ Dù đã đi xa và ở bao chốn bao nơi vẫn không đâu vui cho bằng mái nhà, nay con lớn khôn rồi, ra đi tung cánh trong đời dù xa vô bờ vẫn nhờ đến tình mẹ cha...”
  
 Và dù bao công lao vất vả khó khăn công sinh thành dưỡng dục, cha mẹ vẫn không quản ngại giữ riêng cho mình đứa con nào, các ngài hiến dâng tất cả để mỗi đứa tự do chọn lựa bậc sống riêng mình.
    
Thật vậy, chị, tôi và các em đều luôn dành cho cha mẹ mình tình cảm sâu đậm, nhưng dẫu sao tiếng gọi hiến dâng cho Thiên Chúa trong đời tu vẫn mạnh mẽ và linh thiêng hơn ( Lc 3,49) từ đó thôi thúc chúng ta hiến dâng cho Ngài trọn con người và cuộc sống của mình. Từ đây, người tu sĩ không còn sống bằng cơm cha áo mẹ nhưng bằng chính Thịt và Máu Đức Ki-tô, Lời Hằng Sống, lời khấn dòng, hiến luật và nếp sống cộng đoàn với tất cả  những con người: tính tình, tuổi tác, suy nghĩ và sự giáo dục khác nhau, thế nên lắm lúc gặp nhiều khó khăn.
   
Tôi thiết nghĩ, khó khăn chúng mình gặp trong đời đã được Đức Ki-tô thánh hóa qua thánh lễ, các giờ kinh nguyện, những lúc âm thầm riêng tư bên Thánh Thể, những khó khăn chúng mình đang gặp sao so được với bao hy sinh mà cha mẹ, ông bà, anh chị em trong gia đình dành cho mình, hy sinh chúng mình đang trãi qua cũng chẳng thấm vào đâu so với những cố gắng mà các bậc tiền bối trong Hội Dòng đã hy sinh để xây dựng gia đình hội dòng bền vững đến hôm nay. Thật thế, mỗi lần gặp khó khăn tôi thường nghĩ đến tình thương của Chúa, của cha mẹ cũng như bao người đang âm thầm hy sinh cho tôi... dường như những khó khăn ấy vơi bớt đi và vượt qua cách dễ dàng. Tôi còn nghĩ, một khi mình hết lòng với Chúa, kính yêu ông bà cha mẹ, anh chị em và cộng đoàn mà mình đang là thành viên đời tu của mình hạnh phúc.
 
 Và điều làm cha mẹ vui lòng trên hết là những đứa con sống trọn ơn gọi của mình. Sách châm ngôn có nói: “ Hãy lắng nghe cha con đấng sinh thành ra con, đừng khinh dễ mẹ khi người già yếu, chân lý khôn ngoan, nghiêm huấn và hiểu biết con hãy mua lấy chứ đừng bán đi. Thân phụ người khôn sẽ vui mừng, đấng sinh thành người công chính sẽ hỷ hoan và người sinh ra con được vui mừng” ( Cn 23)
     
Vì thế, khi người tu sĩ sống đời tu trưởng thành, sống đời tông đồ nhiệt huyết, trung kiên, đời sống cầu nguyện sâu sắc, sống chan hòa với nhau trong nếp sống cộng đoàn, chính là lúc người tu sĩ mua lấy sự công chính và sự khôn ngoan, chắc chắn bậc sinh thành dưỡng dục người tu sĩ sẽ hỷ hoan vì người con mình sinh ra, được như thế người tu sĩ báo hiếu đền ơn bậc sinh thành dưỡng dục mình cách cụ thể và thiết thực nhất. Và nhờ gương sáng đời sống tông đồ người tu sĩ góp phần xây dựng tế bào gia đình, Giáo Hội thu nhỏ, nền tảng của xã hội ngày càng bền vững trước bao nhiêu sóng gió, trào lưu muốn vùi dập các gia đình mà mẹ Giáo Hội đang âu lo. Chúng ta cùng đi tiên phong xây dựng gia đình ruột thịt, gia đình cộng đoàn mình thành tổ ấm yêu thương hầu có thể sản sinh cho Giáo Hội và Xã Hội những mầm sống thánh thiện, đạo đức ; đẩy lui nền văn hóa sự chết đang đe dọa, làm băng hoại đời sống thánh thiện của các gia đình trong Giáo Hội Việt Nam và thế giới hôm nay.


 

 

Tác giả bài viết: Anna Lê Bạch Tuyết

 Tags: Phút suy tư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây