Hỡi tu sĩ, cần lắm một trái tim như Giêsu

Thứ năm - 11/11/2021 18:40 1.305 0
 
HỠI TU SĨ,
CẦN LẮM MỘT TRÁI TIM NHƯ GIÊSU
 
 



Thế giới đang trên đà tiến triển về nhiều phương diện như khoa học, kỹ thuật, công nghệ… Các nước đang từng bước đi vào sử dụng tri thức cho sự phát triển và hình thành nền kinh tế dựa vào tri thức. Quá trình phát triển này đã kéo theo nhiều vấn đề, ảnh hưởng xấu đến nền văn hóa, nhận thức của con người bị sai lệch để lại bao nỗi bất ổn, con người đang ngập chìm trong lối sống vô cảm và nghèo nàn tình yêu. Dường như lòng nhân ái, tình thương cảm đang dần dần bị quên lãng, phẩm giá con người không được trân trọng đúng mức. Những từ ngữ lòng thương xót giữa người với người, các mối tương quan liên vị hầu như là một điều gì lạc hậu và hoang tưởng.
 
Hằng ngày, chúng ta chứng kiến nhan nhản các vụ giết người, khủng bố, tệ nạn xã hội, phá thai, ly dị, lừa dối, lường gạt nhau vì lợi nhuận của đồng tiền… trên các phương tiện thông tin đại chúng và ngay cả nơi môi trường gia đình, hàng xóm, học đường, cơ quan, công ty… Thái độ sống dửng dưng, vô cảm, chủ nghĩa “mackeno” lại được biện minh là vì tôn trọng tự do cá nhân, trân trọng khoảng không gian riêng tư của mỗi người. Và cách nào đó, nó ngấm ngầm len lõi rất tinh vi vào sinh hoạt cộng đoàn của người tu sĩ khiến họ sống bên nhau, sống gần nhau nhưng không hiểu nhau, không cảm, không đón nhận, không chấp nhận nhau với những nét rất riêng biệt.
 
Đây quả là vấn đề báo động tình hình suy thoái đạo đức và nhân bản nơi nhân loại. Bạn và tôi sẽ làm gì đây để giới thiệu Lòng Thương xót của Thiên Chúa cho con người đương đại nếu chính mình không phải là người chuyển tải sứ điệp yêu thương này bằng chính cuộc sống yêu thương, tha thứ, quan tâm, chia sẻ, bao dung, bác ái từ trong cộng đoàn mình sống cho đến môi trường mình dấn thân phục vụ? Giữa dòng đời nổi trôi và vẩn đục này, cần lắm một trái tim như Giêsu đó, hỡi các tu sĩ?

Đức Thánh Cha Phanxicô nêu lên thao thức của mình Sứ điệp Mùa Chay 2015: “Mong mỏi lớn lao của tôi là tất cả nơi nào có sự hiện diện của Giáo Hội, đặc biệt là nơi những giáo xứ và cộng đoàn, sẽ trở nên những hòn đảo lòng thương xót giữa biển cả thờ ơ”. Bởi đó, trong Năm Thánh Lòng Thương xót này, Giáo Hội không ngừng mời gọi các tu sĩ hãy trở thành những chuyên viên thực thi lòng thương xót như chính Thầy Giêsu đã từng mời gọi, bằng tình liên đới và sự tôn trọng từ các anh chị em tu sĩ đang sống trong cộng đoàn tu trì của mình đến những con người mà ta có bổn phận chăm sóc, phục vụ.
 
Nhưng phải chân thành mà nói, tự vấn lương tâm, người tu sĩ chúng ta nhận thấy rất nhiều điều “bất ổn” đang làm xơ cứng Lòng Thương xót mà Thiên Chúa mời gọi mỗi ngày. Làm sao có thể trở thành chứng từ của Lòng Thương xót đầy khả tín với anh chị em bên ngoài trong khi người anh, người chị, người em đang sống trong cộng đoàn bên cạnh tôi đây đang phải chịu áp lực, đau khổ, chán nản, thất vọng, thậm chí họ muốn bỏ đời sống Dâng Hiến khi không nhận được niềm vui, sự cảm thông, động viên, khích lệ, cũng như được đón nhận? Bởi đó, hơn bao giờ hết cần lắm một trái tim như Giêsu!

Cần lắm một trái tim như Giêsu để biết tươi cười, nói lời dễ nghe và dịu dàng với anh chị em thay vì những lời nói chua ngoa, đanh đá, những lời nói có thể làm cho con tim của người khác phải đau đớn và tổn thương.
 
Cần lắm một trái tim như Giêsu để biết cho đi mà không cần điều kiện, để biết chia sẻ, giúp đỡ mà không mong được đáp đền theo cơ chế  “có qua có lại “, để biết nhạy bén trước nhu cầu thiết yếu của người khác, “chạnh lòng thương” trước cái đói cả vật chất lẫn tinh thần của anh em và sẵn sàng đáp ứng cho họ như Chúa đã nuôi đám đông được no nê. (x. Mt 15, 32)
 
Cần lắm một trái tim như Giêsu để biết sống với anh chị em chung lý tưởng, chung chí hướng với tấm lòng chân thành, trái tim đơn sơ và bằng những hành động thiết thực thay cho một mớ lý thuyết suông hay những hoa ngữ sáo rỗng.
 
Cần lắm một trái tim như Giêsu để sẵn sàng lắng nghe những tâm tư, niềm vui, nỗi buồn, những đau khổ, thất bại, nỗi chán chường và cả những thương tổn về mọi phương diện mà anh chị em trong cộng đoàn gặp phải thay cho thái độ dửng dưng, vô cảm và những pháo đài phòng thủ; nơi giam hãm sự cô đơn và buồn tủi, hận thù, ích kỷ và sự bất hạnh.
 
Cần lắm một trái tim như Giêsu để dễ dàng mở rộng tâm hồn đón nhận anh chị em sống bên cạnh với những gì họ là, tôn trọng họ như nhân vị cá biệt, độc đáo thay vì lúc nào cũng bắt bẻ, xét nét chi li, bắt họ phải theo những quan niệm và tiêu chuẩn do mình đặt ra.
 
Cần lắm một trái tim như Giêsu để có cái nhìn thương xót, cảm thông, bao dung, chấp nhận như “cái nhìn của Chúa với Matthêu, với Phêrô, với người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình…”  thay cho ánh mắt soi mói, những lời gièm pha, chỉ trích, tẩy chay, quan niệm hẹp hòi và cả những cái nhìn thiếu cảm thông và vội kết án.
 
Cần lắm một trái tim như Giêsu để có cùng nhịp đập đều, không nhanh cũng không chậm, không loạn nhịp khiến “máu yêu thương” có thể được đưa đến cho mọi người không phân biệt tôn giáo, địa vị sang hèn, giàu có hay bần cùng, trí thức hay bần nông, người mình ưa thích hay không có thiện cảm thay cho những thái độ sống bất công, thiếu tế nhị, thiếu bác ái và thiếu nhân bản.
    
Cần lắm một trái tim như Giêsu để biết sẵn sàng tha thứ cho những xúc phạm của anh chị em “không bảo là tha đến bảy lần nhưng là đến bảy mươi lần bảy”(x. Mt 18, 22) và cử hành nghi thức “ rửa chân” cho nhau, nhất là những ai chưa có chỗ trong trái tim mình.
 
Cần lắm một trái tim như Giêsu để lọc những vị kỷ để chỉ còn vị tha, lọc hiềm thù để chỉ còn yêu thương, lọc ô uế để chỉ còn tinh trong. Một trái tim bằng thịt chứ không phải bằng kim khí hoạt động như chiếc động cơ do con người chế tạo.
 
Cần lắm một trái tim như Giêsu đủ thinh lặng nội tâm để lắng nghe tiếng kêu cứu của những người đau khổ, người nghèo, người bị gạt ra bên lề xã hội, người bị kết án, loại trừ, người bị bỏ mặc cho các lỗi tội và lầm lỡ, người đang bị cướp đi phẩm giá của một con người.
 
Sự hiện diện của tôi trong cộng đoàn có là niềm vui và hy vọng, người kiến tạo hòa bình, người luôn chiếu tỏa sức sống của niềm tin và sự an bình của Thầy Giêsu Chí Thánh không? Con người nếu chỉ thương mến nhau bằng những ưu điểm mà chúng ta nhìn thấy ở nhau thì còn nghĩa lý gì, chẳng chút gì phong phú cả. Ai cũng đều là người có ưu điểm và khuyết điểm, ai cũng là người có lỗi, có tội, sao tôi không đặt hoàn cảnh tôi vào trong hoàn cảnh của người đối diện để có cái nhìn quảng đại và bao dung hơn. Quả thật, có một cái gì “bất ổn” trong con người của tôi đây!
 
Lòng thương xót là lòng trắc ẩn trong trái tim chúng ta khiến chúng ta có thể làm một chút gì đó đem lại niềm vui và hạnh phúc cho anh chị em trong cộng đoàn và cả những người chúng ta có dịp gặp gỡ, tương quan. Một cái mỉm cười, một cử chỉ quan tâm chào hỏi, một sự san sẻ, một thái độ chấp nhận, tha thứ… Hãy nắm lấy đôi tay của anh chị em mình và truyền cho họ hơi ấm của tình Chúa, tình bằng hữu và tình huynh đệ. Hãy lấy tình yêu thương mà tha thứ và làm hòa với nhau, xóa bỏ mọi hận thù ngăn cách để giúp nhau tìm được hạnh phúc đích thực trong đời sống Hiến Dâng và phục vụ của mình, đồng thời biết quan tâm giúp đỡ những người bị gạt ra bên lề xã hội và những người đang gặp đau khổ về thể xác cũng như tinh thần. Tránh sa vào thái độ thờ ơ lãnh đạm, đánh mất cảm xúc cũng như hạ thấp nhân phẩm của anh chị em mình. Mỗi người cần trở thành nhân tố tích cực trong việc kiến tạo và xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống
 
Tóm lại, mỗi tu sĩ ý thức vai trò và trách nhiệm của mình là máng thông ơn để Lòng Thương xót Chúa đến được với từng người trong thế giới này, hầu mọi người nhận ra khuôn mặt thương xót của Thiên Chúa đang được hiện thực và cụ thể hóa qua đời sống gương sáng của tu sĩ. Nhờ đó họ được an ủi, bình an, có được sức mạnh để đi tiếp cuộc lữ hành và an vui trong tình yêu Chúa mà họ cảm nhận được. Trong bài giảng của Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, Giám mục Giáo phận Bà Rịa đã mời gọi các tu sĩ nhân ngày bế mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến 30/01/2016: ”Hơn ai hết, những tu sĩ phải là những người hăng say nhiệt thành thực hiện Lòng Thương xót đối với anh chị em tha nhân, nhất là những người nghèo khổ, bệnh tật, bị xã hội loại trừ tùy theo hoàn cảnh và linh đạo của Hội dòng mình… Lòng Thương xót phải được trải nghiệm bằng sự cảm nhận một cách xác tín rằng Chúa  yêu thương chúng ta, Chúa luôn trao ban Lòng Thương xót của Người cho chúng ta, luôn cảm thông với những yếu đuối, vấp ngã của chúng ta. Có như thế chúng ta mới trở nên là những sứ giả biết trao ban Lòng Thương xót của Chúa đến với tha nhân mình….”
                                                                  

 

Tác giả bài viết: Mary Nguyễn Hòa

 Tags: Phút suy tư

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây