Tu sĩ ơi, mình bỏ gì ?

Chủ nhật - 20/03/2022 00:49 3.708 0
 
 
 

Thời gian gần đây, với sự « mất mát » quá lớn trong cơn đại dịch, mọi người dường như ý thức sâu hơn về sự mong manh của phận người. Và ý niệm “buông bỏ » đã được đề cập rất nhiều trên các trang mạng và có cả sách tâm lý dạy “cách buông bỏ” để có được niềm hạnh phúc an nhiên. Ý niệm này cũng được giáo lý nhà Phật quan tâm để hướng dẫn các phật tử.
“BUÔNG BỎ” là chỉ để cho lòng được nhẹ nhàng, vì “người đó, vật đó, vị trí đó, danh vọng đó...” không thuộc về mình, mình không thể níu kéo, không thể nắm giữ... Nếu không biết “buông bỏ” thì cứ đau khổ hoài, muộn phiền mãi.
“TỪ BỎ” của Chúa Giêsu mang ý nghĩa khốc liệt hơn nhiều. Đó là “TỪ BỎ” những gì mình có thể nắm giữ, được quyền nắm giữ và không chút phiền não cho bản thân khi nắm giữ, đó là địa vị, danh vọng, tương quan, của cải... để nhẹ nhàng theo Chúa.
“TỪ BỎ” là ý niệm gắn liền với đời người tu sĩ. Từ khởi đầu ơn gọi cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, người tu sĩ luôn nhận được lời mời gọi này qua từng ngày sống, và có thể nói là từng giây phút sống.
Nhưng, dừng lại một chút, có cái gì đó sai sai... trong cách “TỬ BỎ” hôm nay:
Dường như chúng ta đang “BỎ” những gì chính yếu, cơ bản?
  • Bỏ lỡ nhiều thời gian lặng lại bên Thánh Thể, việc đọc sách thiêng liêng... với đủ lý do công việc bổn phận, học hành, thăm viếng, mục vụ...
  • Bỏ những quyết tâm cho từng ngày sống thay vào đó là quyết tâm làm cho xong việc này, học cho xong bài vở nọ.
  • Bỏ những giờ chơi chung, vui đùa – trò chuyện cùng chị em vì phải bận tâm cho việc “chấm, quẹt” của smartphone, những cuộc hẹn tán ngẫu trên mạng.
  • Bỏ xây dựng tương quan tình chị tình em trong cộng đoàn để đi tìm kiếm những tương quan từ bên ngoài.
  • Bỏ đi những niềm vui thánh thiêng giản dị đến từ những công việc bé nhỏ bình thường để kiếm tìm niềm vui hào nhoáng từ những công tác nổi trội, gây tiếng vang và kèm theo sự ái mộ của mọi người.
  • Bỏ đi nét đẹp giản dị đơn sơ của lời khấn nghèo, thay vào đó là tìm kiếm trang bị tiện nghi vật chất cho bản thân bằng nhiều hình thức.
  • Bỏ tất cả nhưng thể không bỏ “cái tôi”. Tôi sống đàng hoàng, chỉnh chu, xin đừng ai “đụng đến tôi”.
  • Và quan trọng hơn cả, đó là bỏ xây dựng tương quan gắn kết với Chúa, thay vào đó là đủ thứ công việc mang tính đạo đức, với đủ lý do “con bận lắm Chúa ơi”.
Vậy đó, nói gì thì nói, phải đấm ngực thú nhận rằng người tu sĩ thời 4.0 có hình thức “TỪ BỎ” hơi sai sai và hơi xa xa với đường lối Chúa. Tuy nhiên, hiện vẫn còn có nhiều tu sĩ thánh thiện, gương mẫu, trung thành và tốt lành, vẫn sống đúng căn tính ơn gọi của mình, luôn coi người khác trọng hơn mình, sống khiêm nhường giản dị, biết ý thức và biết kiểm soát sử dụng các phương tiện truyền thông nhằm để phục vụ và loan báo Tin Mừng, đời sống thiêng liêng luôn ưu tiên đặt lên hàng đầu. Nhưng con số mẫu người tu sĩ như thề này ngày càng it đi theo năm tháng. Tuy nhiên, mẫu người tu sĩ ấy, dù có vẻ “lạc hậu” nhưng vẫn là hình ảnh đẹp vô cùng và không thể phai mờ.

Mùa Chay thánh nữa lại đang lặng lẽ trôi đi trong cuộc đời mỗi người. Mùa Chay năm nay ảm đạm hơn vì dịch bệnh, vì chiến tranh. Nhưng, Mùa Chay không trở nên ảm đạm vì thiếu ơn thánh. Như lối mở của bài Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Chay, Chúa vẫn luôn kiên nhẫn và “bật đèn xanh” cho chúng ta có cơ hội hoán cải. Ước mong lời cam kết “TỪ BỎ” của chúng ta đừng quá lệch lạc và xa rời với Tin Mừng. Bỏ gì thì bỏ, xin đừng bỏ CĂN TÍNH: người của Thiên Chúa, người của cầu nguyện, người của sự hiệp thông, người bác ái, trung thành và uy tín.


 

Tác giả bài viết: Nt. Anna Đỗ Khuyên

 Tags: Phút suy tư

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây