Xin hãy làm em

Chủ nhật - 26/06/2022 19:36 2.345 0
 

XIN HÃY LÀM EM

Lần giở lại những trang Tin Mừng của các Thánh sử, chúng ta bắt gặp Tin Mừng theo Thánh Luca chương 15 với dụ ngôn “Người cha nhân hậu” hay “Đứa con hoang đàng” và một số nhà chú giải Kinh Thánh còn đặt tên cho dụ ngôn này cái tên là “Người kia có hai con trai”. Không phải vô tình mà tác giả đã ghi lại những chi tiết xem ra vụn vặt, đơn giản, bình thường và rất quen thuộc trong cuộc sống thường ngày của con người “Xin chia gia tài cho con”. Cụm từ này xem như là một nỗi đau của các gia đình đang sống trong một xã hội phát triển, một xã hội làm cho con người phải sống trong vòng lẩn quẩn, tất bật vì tiền tài, địa vị, danh vọng mà đôi lúc quên đi giá trị của đạo lý làm người, quên đi phẩm giá của mình, nhân phẩm và lương tri con người bị chai lì, một xã hội vàng thau lẫn lộn thậm chí có người phải thốt lên “lương tâm không bằng lương tháng”.

Hình ảnh người con thứ đòi cha nó chia gia tài mà Chúa Giêsu nói đến trong xã hội Do Thái ngày xưa như một cuộc tiên báo cho chúng ta thấy được một thực trạng xã hội hôm nay. Việc chia gia tài, tranh giành của cải đang như là một thực tế đau lòng mà ngày nay các gia đình đang phải đối diện. Chúa Giêsu nhìn thấy được lòng dạ xấu xa của con người nhưng không phải vì lý do đó mà Ngài từ bỏ con cái mình. Ngài vẫn yêu thương và yêu cho đến cùng bằng cái chết trên thập giá. Đức Giêsu kể rằng: “Người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần gia tài con được hưởng. và người cha đã chia của cải cho hai con” (Lc15, 12). Chia gia tài là một hành động nó muốn cha nó chết, muốn cắt đứt quan hệ cha con, muốn rời bỏ căn nhà mà lâu nay nó cùng chung sống với cha, muốn được tự do đi đến một phương trời xa để nơi đó sống một cuộc sống hoàn toàn mới, một thế giới của riêng nó. Nó muốn tự khẳng định mình, nó không muốn làm đứa con của cha mà chỉ muốn “là con”, muốn sống cho cái tôi của riêng mình nên nó tự nguyện rời bỏ địa vị một người con, một cậu ấm trong gia đình được kẻ hầu người hạ để đổi lấy thân phận của một con người không bằng con heo “Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho” (Lc15,16). Nó không cảm nhận được tình yêu mà người cha dành cho, không cảm nhận được hạnh phúc được làm con trong mái nhà của mình. Có lẽ đời tu chúng ta đôi lúc cũng mắc phải điều này.

Khi bước vào đời sống thánh hiến, mỗi người chúng ta được Thiên Chúa mời gọi sống hạnh phúc trên hành trình ơn gọi đó trong một Hội dòng với tư cách là một đứa con trong gia đình Hội dòng và cộng đoàn. Nhưng trên hành trình ấy nhiều lúc chúng ta chưa sống đúng với vai trò và địa vị của mình. Một cách vô tình hay cố ý chúng ta đã đánh mất địa vị làm con hoặc làm em trong Hội dòng, cộng đoàn. Chúng ta đã làm phai nhạt đi ý nghĩa đời dâng hiến mà Chúa mời gọi thuở ban đầu. Thời gian và công việc đã làm cho chúng ta một cách nào đó phá vỡ bầu không khí hạnh phúc của mái nhà Hội dòng và thay vào đó là đổ lỗi cho nhau giống như đứa con thứ, nó không cảm nhận được hạnh phúc khi làm con của cha trong một mái nhà. Vì nó nghĩ rằng một khi làm con là phải tuân theo nguyên tắc xin – cho; chào – báo cáo. Không được tự do, không được làm điều mình muốn, không chứng minh cho người khác thấy được mình nên nó muốn là nó, là cái tôi của nó chứ không muốn làm con của cha nó.

Trong đời sống thường ngày, một cách vô tình hay cố ý mỗi người chúng ta cũng dễ rơi vào trường hợp này. Chúng ta thường làm cho cuộc sống của mình thêm phức tạp và bất hạnh mặc dù vấn đề chẳng đáng là gì. Là thành viên của Hội dòng, tức là chúng ta được mang lấy địa vị làm con trong gia đình Hội dòng, được thừa hưởng gia tài và hạnh phúc của một đứa con khi ta sống trọn vẹn vai trò làm con của mình. Thế nhưng nhiều lúc chúng ta khướt từ địa vị làm con của mình để sống thân phận của người đầy tớ, sống cho cái tôi của mình, muốn khẳng định chính mình, muốn sống theo cái “là”, làm theo cái “là” và bắt người khác phải nhìn nhận cái “là” của mình. Và từ cái “là” ấy làm cho đời sống chung của chúng ta bắt đầu nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp làm cản trở những điều tốt đẹp mà lẽ ra chúng ta phải đạt được. Khi chúng ta tự tách mình ra khỏi nhịp sống chung của cộng đoàn, khỏi những đòi hỏi căn bản của đời sống dâng hiến, sống và làm việc ngày qua ngày như một thành viên trong một tập thể, lúc đó ta là đứa con thứ muốn đoạn tuyệt với cha, làm vì phải làm chứ chưa làm vì đứa con trong nhà của cha nó, chưa làm vì đứa con đối với Hội dòng, đứa em đối với chị. Chúng ta còn lệ thuộc và muốn tô điểm cho cái “là” của mình. Chúng ta đôi lúc không “làm em” nhưng “là em”. Và vì “là em” nên cứ cố gắng phấn đấu thực hiện cái “là” của mình bằng những tài năng khi có thể để chứng minh cho người khác thấy tôi phải “là” như thế, bắt người khác phải làm theo cái “là” của mình, ý kiến tôi phải “là” như vậy… Cứ như thế đến một lúc nào đó cuộc đời chúng ta sẽ bị lệ thuộc vào cái “là” và mắt bị che không còn nhận ra những cái cao quý hơn mà chúng ta cần nắm giữ. Chúng ta vô tình đánh mất đi địa vị cao sang đáng lẽ ra mình phải có để rồi nhận lấy thân phận không ra gì của một người đi tìm sự tự do cho riêng mình, cho cái tôi ích kỷ, cho những thứ không phù hợp cho đời thánh hiến.  

Ước gì chúng ta cảm nhận được tình thương của Chúa dành cho từng người qua Hội dòng, cộng đoàn. Đồng thời ý thức được vai trò và địa vị của mình trong gia đình Hội dòng cũng như cộng đoàn để mỗi ngày chúng ta sống tốt, sống trung thành với bổn phận làm con và làm em. Biết làm đẹp đời dâng hiến bằng những giá trị chân chính của sự khiêm nhường, của lòng biết ơn và mãi mãi hạnh phúc với thân phận làm con cũng như làm em đối với Hội dòng và cộng đoàn.

(Phỏng theo bài giảng tĩnh tâm của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang, năm 2016)


 

Tác giả bài viết: Nt. Anna Hiền Linh - MTGQN

 Tags: Phút suy tư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây