Hiến thân hay tiến thân

Thứ ba - 22/11/2022 21:41 876 0
 


HIẾN THÂN HAY TIẾN THÂN
 
Hôm nay, ngày Lễ Đức Mẹ dâng mình cho Chúa, trong tôi, suy nghĩ về chuyện dâng mình cho Chúa của cuộc đời của mỗi Kitô hữu cách riêng đời tu trì.

Đời sống tu trì phải chăng là một đời tận hiến cho Nước Trời và vì Nước Trời.

Trong Thánh Lễ tuyên lời khấn Dòng, tuy công thức khấn có thể khác nhau một chút nhưng tất cả không ngoài ý nghĩa là vâng lời, khiết tịnh và khó nghèo cùng với lời thề bền đỗ và đặc biệt hiến mình cho Chúa. Lời khấn dòng của Dòng Chúa Cứu Thế thật dễ thương và đầy ý nghĩa : “Con là ... Do Thánh Thần của Chúa hướng dẫn, con quyết tâm dâng hiến toàn thân con cho Chúa bằng cách đi theo sát Đức Kitô Cứu Thế. Để kiện toàn việc hiến dâng ấy nay con tự do chọn đời sống Kitô hữu được ghi khắc bởi các lời khuyên Tin Mừng bằng cách tuyên khấn trọn đời lời khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục cũng như lời khấn và lời thề sống bền đỗ theo tinh thần và quy tắc Dòng Chúa Cứu Thế”

Trong công thức ấy, ta nghe được lời khấn để trở thành tu sĩ đó là : “con quyết tâm dâng hiến toàn thân con cho Chúa”. Như vậy, căn cốt của đời tu là hiến toàn thân con cho Chúa. Chẳng cần giải thích, việc dâng hiến toàn thân ấy bao hàm cả thân xác, ý nghĩ của đời tận hiến. Đặc biệt việc dâng hiến ấy hoàn toàn tự do.
Dâng toàn thân con cho Chúa không phải là việc dễ dành như lời con người nói và thề hứa với Thiên Chúa. Đơn giản rằng trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, biết bao nhiêu gian nan thử thách để hoàn thành việc dâng hiến ấy không phải là chuyện dễ.

Nhìn vào thực tế của cuộc sống, việc hiến thân của người tu sĩ không phải là chuyện một sớm một chiều hay cả đời. Như thế mới gọi là đường tu. Mấy ai can đảm nói rằng mình mạnh mẽ trong đời tận hiến hay tuyên bố tôi đây tận hiến cho Chúa suốt đời. Có thể nói mạnh mẽ đó nhưng thực chất tận hiến cho Chúa hay không thì chỉ người đó và Thiên Chúa biết.
Giữa những cám dỗ của tình cảm, tiền bạc, quyền lực và danh vọng, để thật sự hiến thân cho Chúa không phải là chuyện đơn giản. Ta nhìn vào thực tế, ta sẽ thấy những cám dỗ đó như luôn rình rập đời tu của những ai đã hơn một lần nói rằng mình tận hiến toàn thân mình cho Chúa.

Đâu có có những lời nhận xét : “Ồ ! Cha đó ngày xưa khi còn làm thầy dễ thương lắm nhưng đến khi làm cha thì ...”

Đàng sau cái chữ thì đó chắc chắn là ...

Dễ bào mòn người tu sĩ và làm mất chất tu mà người ta dễ thấy vì nhìn vào sẽ thấy ngay đó chính là đời sống khó nghèo, những cám dỗ hay cạm bẫy trước vật chất.
Đắng lòng khi nghe lời chia sẻ của một người từ nơi xa : “Cha biết không ! Trước đây con quý em đó lắm ! Con muốn đồng hành với em đó trong công việc mục vụ. Con xem Cha đó như em của mình nhưng đến nay con đã nhận ra và con không muốn liên lạc với em đó nữa ...”

Và rồi biết bao nhiêu chuyện nội tình mà Chị ấy như chia sẻ cho vơi lòng về linh mục ấy.
“Cha biết không, iphone 13 ra là mua iphone 13, iphone 14 ra là có iphone 14. Cha ấy đi xe mấy trăm, bây giờ đang muốn đổi xe hơn tỷ ...”
           
Kèm theo đó là những cảm nhận buồn về vị mục tử mà người đó thấy buồn và thất vọng.
           
Chả phải mình chị này nhưng thi thoảng vẫn nghe những nhận định không hay về đời tận hiến. Nghe được những điều đó dĩ nhiên là buồn chứ không vui. Cùng với cảm nhận buồn đó chính là việc duyệt xét lại nhân cách sống cũng như cung cách sống đời tận hiến của mình.
           
Nhìn vào thực tế của đời tu, khó mà qua khỏi ánh mắt của giáo dân khi người tu không sống đời hiến thân mà dùng đời tu để tiến thân. Có tu sĩ hình như khi đi tu thì giàu ra, khi đi tu thì thành công về nhiều mặt khác để rồi có người nói : “Chả biết nếu người đó không tu thì ngày nay được như thế không ?”
           
Câu nói xem ra bùi ngùi nhưng thực tế là vậy.
           
Có một câu chuyện mà không thể phủ nhận được trong đời tận hiến nữa đó là chuyện “Cha truyền con nối” hay “Con ông cháu cha”. Có những người tu nhưng chớp thời cơ rất nhanh và rất lẹ. Đi vào nhà tu đó nhưng rất mau mắn để tìm đến những bậc vị vọng để nhận các đấng là cha bố và dĩ nhiên họ xem thường những tu sĩ quèn, những người không chức vị trong đời tu. Từ cha bố, từ những bậc vị vọng mà họ theo đó đời tu của họ ngày một sáng ra cũng như họ sẽ ở những vị trí đẹp và tốt sau khi thành đạt.
           
“Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa ra quét lá đa” ! Câu nói xem chừng ra đúng chứ chẳng sai. Những người thấp cổ bé họng hay không có ai đó đỡ đầu thì dường như cả đời quanh quẩn đâu đó ở ven đô chứ mấy khi được vào nội ô hay trung tâm thành phố lớn.
           
Những chuyện như thế này trong Giáo Hội xem chừng ra cũng bình thường bởi lẽ là thân phận con người nên không thể nào tránh khỏi những toan tính theo kiểu con người. Thôi thì nâng đỡ nhau, cho nhau những cái “ghế” đẹp cũng được nhưng miễn sao đừng mất chất tu là được rồi.
           
Giữa những cám dỗ về tiền bạc cũng như danh vọng ấy, người hiến thân thật sự vẫn mãi mãi kiên định trong lời tuyên khấn cũng như đời dâng hiến của mình. Nếu như không tỉnh táo cũng như không đi theo sát Đức Kitô Cứu Thế thì người tu sẽ chuyển sang trạng thái tiến thân.
           
Tiền bạc, địa vị và danh vọng là những thứ dễ làm cho người ta mất chất tu. Chạy theo tiền bạc, danh vọng và địa vị thì người ta sẽ tiến thân chứ không con hiến thân nữa.
           
Tiến thân hay hiến thân vẫn là tự do chọn lựa của mỗi người. Thật sự để hiến thân không phải là chuyện đơn giản. Tự mỗi người phải cố gắng, phải cầu nguyện và phải kết hợp mật thiết với Chúa thì mới sống trọn vẹn đời hiến thân được.
           
Hãy nhìn và hãy sống như Mẹ Maria là gương mẫu của đời dâng hiến để đời tận hiến ngày mỗi ngày càng đẹp và sáng hơn trước mặt Chúa và trước mặt mọi người. Hãy thật lòng tận hiến đời mình cho Chúa trong đời sống tu trì chứ đừng dùng đời sống tu trì như là bàn đạp cho đời tiến thân của mình.
           
Ngày mỗi ngày tôi vẫn đấm ngực cũng như nhìn lại đời sống của mình. Xin Chúa và xin Mẹ cho mình đừng tiến thân nhưng hay hiến thân cho Chúa và mẹ trong mỗi ngày sống của mình.

Lễ Đức Mẹ dâng mình

 

Tác giả bài viết: Lm. Anmai, CSsR

 Tags: Phút suy tư

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây