Tôi muốn có một Giáo hội bị bầm dập ...

Thứ năm - 09/02/2023 18:48 1.829 0


Tôi muốn có một Giáo hội bị bầm dập ...
 

“Tôi muốn có một Giáo hội bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Giáo hội bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu vào sự an toàn riêng của mình” (Đức Thánh Cha Phanxicô).

Tôi muốn có một Giáo hội bị bầm dập ... Đó chính là tâm tình của Đức Thánh Cha Phanxicô. Thật sự, chả phải muốn nhưng trong thân phận làm người và sống trong kiếp người thì con người cũng phải bị bầm dập cũng như bị tổn thương và dơ bẩn.

Chuyện quan trọng hơn của chuyện bầm dập, tổn thương và dơ bẩn đó là tìm phương thuốc để băng bó và chữa trị chứ không phải dửng dưng, đứng đó hay ngồi im đó để mà nhìn. Hay như là tệ hơn nữa là đóng cửa thanh nhàn bám víu vào sự an toàn riêng của mình.
Thật thế, vô cảm là một thái độ sống mà ai ai cũng sợ.

Không khó để hiểu vô cảm là gì. Đơn giản, vô cảm chính là sự trơ lì cảm xúc, dửng dưng, thờ ơ, "máu lạnh" với những hiện tượng đời sống xung quanh, chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân. Ra đường gặp cái đẹp không mảy may rung động; gặp cái tốt không ủng hộ; thấy cái xấu, cái ác không dám lên án, không dám chống lại...

Khi xã hội chưa phát triển ta thấy vô cảm chỉ là những hiện tượng đơn lẻ, nhưng bây giờ đang có chiều hướng lây lan, nếu không có những biện pháp ngăn chặn thì có thể trở thành một căn bệnh có tính xã hội. Trong cơn lốc toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cùng với việc tiếp thu những tinh hoa của văn minh nhân loại thì lối sống hưởng thụ và mặt trái của nền kinh tế thị trường đang tác động mạnh đến tâm lý xã hội, dần dần hình thành lối sống thực dụng trong một bộ phận người Việt Nam.

Trên các trang mạng xã hội và ngay trong thực tế chúng ta dễ thấy hình ảnh người ta có thể thản nhiên đứng nhìn cảnh một kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu; một vụ nữ sinh lột áo, giật tóc, đánh hội đồng; một vụ làm nhục người khác… như xem một màn kịch, lấy điện thoại ra quay rồi tung lên mạng. Người ta coi như không nhìn thấy kẻ gian móc túi trên xe buýt mặc dù việc đó xảy ra sờ sờ trước mắt. Từ những chuyện tranh cãi hay xô xát lặt vặt nhưng không ai lên tiếng can ngăn và thế là dẫn tới án mạng.

Đứng trước những cảnh ngộ như thế, nhiều người đặt câu hỏi tại sao người ta không can thiệp? Bởi người ta vô cảm trước nỗi đau của đồng loại. Bởi người ta sợ liên lụy, mang vạ vào thân.

Không khó để thấy một bệnh nhân, hay nạn nhân được đưa tới bệnh viện, cho dù đang trong tình trạng thập tử nhất sinh, nhưng không được cứu chữa ngay vì còn chờ người nhà đến làm các thủ tục cần thiết, trong đó có cả thủ tục "đầu tiên", đến khi xong mọi thủ tục thì đâu còn người nữa để mà cứu chữa. Một vụ tai nạn trên đường vắng, nạn nhân nằm trên vũng máu, xe gây ra tai nạn đã bỏ chạy mất tăm, còn bao nhiêu xe khác vẫn vun vút lao qua vì "quá bận", "quá vội"…

Ngày mỗi ngày, mở báo lên ta sẽ thấy ngay trên các mặt báo hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác, người ta thấy tràn ngập các vụ việc thuộc loại " cướp, giết, hiếp" hay "tiền, tình, tù tội", nhiều vụ kinh hoàng, sởn gai ốc. Báo chí có tác dụng cảnh báo, nhưng đọc mãi thành quen, rồi chai sạn, thờ ơ trước những chuyện tày trời như thế. Không ít vụ việc phơi bày sự vô cảm đến tàn nhẫn của những người chứng kiến.

Và rồi với tất cả những điều đó, ta thấy thái độ ứng xử trước nỗi đau, tai họa của người khác là phản ứng tự nhiên mang tính người, là thước đo đạo đức, là sự sát hạch đạo đức xã hội một cách nghiêm khắc nhất. Trước nỗi đau, tai họa và bất công mà người khác phải chịu đựng, nhưng ai đó không phản ứng được tức là đã bị tê liệt về tinh thần xã hội. Đó là sự suy đồi về lối sống, suy thoái về đạo đức.

Vấn nạn về căn bệnh vô cảm này ai ai cũng đã thấy và khi căn bệnh này không được ngăn chặn thì xã hội sẽ không tránh khỏi bị sụt lở nền tảng đạo đức và tinh thần, gây hoang mang, làm nảy nở cái xấu, cái ác. Trong những hoàn cảnh nhất định, cái thiện và cái tốt sẽ bị cái xấu, cái ác tấn công, xâm hại; lẽ phải bị triệt tiêu, công lý bị đẩy lùi.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã từng nói : Kitô hữu không thể vô cảm trước khốn khổ của tha nhân.

Kitô hữu không thể thờ ơ với bi kịch của các hình thức nghèo đói, sự khinh miệt và phân biệt đối xử mà những người không thuộc “nhóm của chúng ta” đang chịu. Chúng ta không thể vô cảm, với trái tim tê liệt, trước sự khốn khổ của rất nhiều người vô tội. Chúng ta không thể không khóc. Chúng ta không thể không phản ứng. Chúng ta xin Chúa ơn biết khóc, một sự khóc than hoán cải con tim trước những tội lỗi này.

Đứng trước những vấn nạn của Xã Hội và nhất là của Giáo Hội ngày hôm nay, thay vì ngồi đó để ca thán, để chỉ trích, để lên án thì mỗi chúng ta cùng chung nhau dâng lên Chúa lời cầu nguyện. Thiết thực nhất vẫn là tràng chuỗi Mân Côi. Kèm theo đó, mỗi chúng ta hãy hành động tùy theo khả năng của mình. Có khi băng bó vết thương lòng của ai đó. Có khi đơn giản cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống đang ở bên cạnh ta.

Mỗi chúng ta hãy làm điều gì đó để xoa dịu nỗi đau cho một Giáo Hội đang bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn.

 

Tác giả bài viết: Lm. Anmai, CSsR

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây