Chúng ta vừa tốt hơn, vừa xấu hơn chúng ta nghĩ

Thứ ba - 02/07/2024 04:13 213 0


CHÚNG TA VỪA TỐT HƠN, VỪA XẤU HƠN CHÚNG TA NGHĨ

 

Sự thật sẽ giải thoát chúng ta, và sự thật về bản thân chúng ta: chúng ta vừa tốt hơn vừa xấu hơn những gì chúng ta nghĩ về mình.
 


Sự phức tạp của chính chúng ta có thể làm hoang mang. Chúng ta tốt hơn những gì chúng ta nghĩ và chúng ta xấu hơn những gì chúng ta tưởng tượng, vừa quá khắt khe vừa quá dễ dãi với chính mình. Chúng ta là một pha trộn kỳ lạ.

Một mặt, chúng ta tốt. Tất cả chúng ta đều được tạo ra theo hình ảnh và giống Chúa, như triết gia Aristote và Thánh Tôma Aquinô khẳng định: về mặt siêu hình chúng ta tốt. Điều đó đúng, nhưng lòng tốt của chúng ta cũng ít trừu tượng hơn. Chúng ta cũng tốt, ít nhất là trong đa số thời gian, trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Chung chung, chúng ta quảng đại, thường là quá đáng. Dù đôi khi có vẻ bề ngoài, nhưng phần lớn chúng ta đều nồng ấm và hiếu khách. Điều tương tự cũng đúng về ý định cơ bản trong tâm trí và trái tim chúng ta. Chúng ta có trái tim bao la. Trong tâm hồn mỗi người, chúng ta dễ dàng bị kích thích bởi một chút tình yêu hoặc một chút khẳng định, ẩn chứa một trái tim rộng lớn, magna anima, luôn khao khát thương người. Vấn đề chủ yếu không phải ở lòng tốt, nhưng ở sự thất vọng khi chúng ta cố gắng sống điều này trong thế giới. Chúng ta thường tỏ ra lạnh lùng và ích kỷ trong khi chúng ta chỉ thất vọng, đau thương và tổn thương.

Không phải lúc nào chúng ta cũng tỏ ra tốt, nhưng phần lớn là tốt; dù chúng ta thường thất vọng vì chúng ta không thể (do hoàn cảnh, do tổn thương hay nhạy cảm) thể hiện lòng tốt của mình như chúng ta mong muốn, không thể ấm áp đón nhận thế giới và những người chung quanh mình. Chúng ta đi tìm một nơi ấm áp để thể hiện con người mình và thường không tìm thấy. Chúng ta không tệ nhưng thất vọng. Chúng ta yêu thương nhiều hơn chúng ta nghĩ.

Nhưng đó chỉ là một nửa của vấn đề, còn một khía cạnh khác: chúng ta cũng là kẻ có tội nhiều hơn chúng ta nghĩ. Một câu châm ngôn cũ trong đạo tin lành nói một cách chính xác về bản chất con người dựa trên thư Thánh Phaolô: “Vấn đề không phải chúng ta là kẻ có tội hay không, nhưng tội của chúng ta là gì?” Tất cả chúng ta đều là kẻ có tội, cũng như chúng ta có một trái tim rộng lớn, một tâm hồn vĩ đại, đồng thời chúng ta cũng có một tâm hồn nhỏ nhen, pusilla anima. Ở tận gốc rễ của bản năng cấu tạo nên chúng ta, có ích kỷ, ghen tị, hẹp hòi trong trái tim và tâm trí.

Hơn nữa, chúng ta thường mù quáng trước lỗi lầm thực sự của mình. Như Chúa Giêsu đã nói, chúng ta dễ dàng thấy bụi nơi mắt người mà không thấy đà trong mắt mình. Điều này thường tạo nên một trớ trêu kỳ lạ, nơi chúng ta nghĩ mình là kẻ có tội, lại không phải là nơi người khác đấu tranh nhiều nhất với chúng ta, hoặc nơi mà lỗi lầm thực sự của chúng ta ở đó. Ngược lại, chính ở những lãnh vực chúng ta nghĩ mình đức hạnh và chính trực thì tội lỗi thực sự của chúng ta thường ở đó, nơi người khác gặp khó khăn với chúng ta.

Chẳng hạn chúng ta luôn nhấn mạnh đến điều răn thứ sáu nhưng không tự kiểm bản thân về điều răn thứ năm (cay đắng, phán xét, tức giận và hận thù) hoặc điều răn thứ chín và thứ mười (liên quan đến ghen tị). Không phải là đạo đức tình dục không quan trọng, nhưng những thất bại của chúng ta ở đây khó lý giải hơn. Điều tương tự cũng không đúng với cay đắng, tức giận, đặc biệt là tức giận chính đáng, hay ghen tuông. Chúng ta có thể dễ dàng lý giải những điều này và không nhận ra ghen tuông là tội duy nhất mà Chúa thấy cần phải viết ra hai điều răn. Chúng ta tệ hơn chúng ta nghĩ và gần như chúng ta không nhận ra lỗi lầm thực sự của mình.

Vậy điều này dẫn chúng ta đến đâu trong tình trạng tốt hơn và tệ hơn như chúng ta nghĩ. Nếu chúng ta nhận ra chúng ta tốt hơn hoặc tội lỗi hơn chúng ta nghĩ, như thế sẽ hữu ích để chúng ta tự hiểu mình và cách chúng ta hiểu tình yêu và ơn Chúa trong cuộc sống.

Triết gia Aristote nói: “Hai điều trái ngược không thể cùng tồn tại trong một chủ thể.” Ông đúng về mặt siêu hình, nhưng hai điều trái ngược có thể (và thực sự) tồn tại trong chúng ta về mặt đạo đức. Chúng ta vừa tốt vừa xấu, vừa quảng đại vừa ích kỷ, vừa rộng lượng vừa nhỏ nhen, vừa nhân hậu vừa cay đắng, vừa tha thứ vừa oán giận, vừa hiếu khách vừa lạnh lùng, vừa đầy ân sủng vừa tội lỗi, tất cả cùng một lúc. Hơn nữa, chúng ta thường quá mù quáng trong cả hai trường hợp, vừa không nhận ra cái tốt cũng như cái xấu của mình.

Nhận ra điều này có thể làm chúng ta khiêm nhường và giải thoát chúng ta. Chúng ta là kẻ có tội được yêu thương. Cả lòng tốt và tội lỗi đều tạo nên bản sắc chúng ta. Không nhận ra sự thật này làm chúng ta hoặc chán nản không lành mạnh hoặc tự mãn một cách nguy hiểm, quá khắt khe hoặc quá dễ dãi với chính mình. Sự thật sẽ giải thoát chúng ta, và sự thật về bản thân chúng ta: chúng ta vừa tốt hơn vừa xấu hơn những gì chúng ta nghĩ về mình.

Thần học gia Robert Funk đã từng đưa ra ba châm ngôn về ân sủng nói lên điều này. Ông viết:

* Ân sủng luôn làm tổn thương từ phía sau, khi chúng ta nghĩ mình ít bị tổn thương nhất.

* Ân sủng khó khăn hơn chúng ta nghĩ: chúng ta đạo đức hóa sự phán xét để làm giảm bớt căng thẳng.

* Ân sủng dễ dãi hơn chúng ta nghĩ: nhưng nó không bao giờ dễ dãi ở thời điểm chúng ta nghĩ nó có thể dễ dãi.

Chúng ta cần dễ dãi hơn và khắt khe hơn với chính mình và cởi mở với cách mà ân sủng hoạt động.

 

Ronald Rolheiser

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Tác giả bài viết: Ronald Rolheiser,

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây