VIẾT VỀ CHA - NGƯỜI CHA TINH THẦN
LAMBERT DE LA MOTTE
(Giải Ba)
Đức cha Lambert de la Motte, người cha đáng kính của con!
Hơn ba trăm năm mươi năm, cha đặt chân đến quê hương đất nước Việt Nam thân yêu và cả vùng các dân tộc Á Châu, mà con cứ ngỡ như mới ngày nào. Gương mặt phúc hậu của cha, tinh thần khổ chế trong sứ vụ thừa sai của cha, và cả một gia sản thiêng liêng của cha để lại cho những người con Mến Thánh Giá, hằng in đậm trong tâm trí và hòa lẫn trong máu huyết của con. Gia sản ấy không gì quý giá hơn là cha luôn nối chặt đời mình vào thập giá Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh qua ba chiều kích: chiêm niệm, khổ chế và tông đồ. Nơi cha, hội tụ những nhân đức sáng ngời, mà ai cũng ngưỡng mộ và kính phục. Con rất hãnh diện và tự hào về cha. Kín múc nhựa sống từ gương sáng của cha, con nguyện hằng tín trung với ơn gọi và quyết tâm sống đến cùng linh đạo Mến Thánh Giá. Con muốn viết thật nhiều về cha để mọi người ở thời đại hôm nay và mai này biết về cha, yêu mến cha và sống linh đạo của cha sâu sắc hơn. Nhờ đó, họ khám phá vẻ đẹp.3 rạng ngời của Đức Giêsu Kitô - Đấng chịu đóng đinh trên thập giá vì tình yêu lớn nhất dành cho Chúa Cha và nhân loại.
Gương mặt phúc hậu của cha
Gương mặt phúc hậu của cha toát lên vẻ đẹp sáng ngời của lòng đạo đức sốt mến. Lòng đạo đức được nuôi dưỡng từ trong một gia đình tử tế dưới sự dạy dỗ tỉ mỉ của ông bố, từ một nền giáo dục rất cẩn thận của một đứa trẻ thuộc giai cấp quý tộc, và từ sự ảnh hưởng của những bậc thầy đạo đức: Julien Hayneuve, Jean de Bernières de Louvigny, Jean Eudes, Simon Hallé. Từ nhỏ, cha đã có tính cách chững chạc của một người trưởng thành chín chắn[1] và có đời sống nội tâm sâu sắc: Nguyện ngắm mỗi ngày, đánh tội, ăn chay nhiều lần trong tuần và rước lễ hằng ngày… Mới lên chín tuổi, cha được ơn Chúa soi sáng và có suy nghĩ: Quy tụ những người yêu mến thánh giá Chúa Giêsu để lập một Hội dòng mang tên Mến Thánh Giá. Theo dòng thời gian và từ kinh nghiệm thiêng liêng - Cảm thấu, hiểu sâu, say yêu Đức Kitô Chịu Đóng Đinh và muốn trở nên đồng hình đồng dạng với Người - cha đã cắm thật sâu vào lòng đất Việt Nam và miền đất Á Đông tình yêu thập giá của Đức Kitô. Cha đã khai sinh Dòng nữ đầu tiên tại Việt Nam với tên gọi Mến Thánh Giá, vào năm 1670 tại Đàng Ngoài - Kiên Lao và năm 1671 tại Đàng Trong - An Chỉ.
Gương mặt phúc hậu của cha còn toát lên vẻ đẹp rạng ngời của sự thanh thoát. Thanh thoát từ bỏ chức vụ thẩm phán tại Tòa Án Thuế Vụ Rouen - một địa vị xã hội mà bao viên chức dân sự nhắm tới - chỉ vì cha luôn ôm ấp niềm khao khát đời sống trọn lành, không hài lòng với cuộc sống bình thường của một nhân sĩ đạo đức[2]; và cha đã quyết định theo đuổi ơn gọi linh mục. Cha có linh cảm rất đặc biệt trong ngày dâng thánh lễ mở tay: Tình yêu Thiên Chúa đã đốt lên trong lòng cha và lôi kéo cha đến với các dân tộc chưa hề biết Chúa hơn là đến với các dân tộc đã biết Ngài[3]. Dịp thuận tiện đến, cha xin gia nhập đoàn Thừa sai Paris để đi loan báo Tin mừng ở những nơi xa lạ còn nhiều khó khăn, trong đó có Việt Nam. Lòng thanh thoát còn được thể hiện khi cha quyết định dâng hiến tất cả tài sản của riêng cha cho công cuộc truyền giáo ở miền Viễn Đông này[4]. Qua đó, mọi người thấu hiểu tấm lòng thao thức, khắc khoải của cha cho sứ vụ truyền giáo ở vùng đất Á Châu biết chừng nào!
Nỗi nhớ về cha thôi thúc con khao khát vun trồng đời sống nội tâm sâu đậm hơn, hun đúc nơi con lòng yêu mến Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh say đắm hơn, nhắc nhở con sống thanh thoát hơn và thắp lên trong con lửa nhiệt huyết dấn thân hết tình cho sứ mạng của Hội dòng. Dầu đảm trách những công việc hèn mọn hay cao sang; dầu được sai đến những nơi xa xôi, vất vả, khó khăn hay nơi đô thị phồn vinh; dầu được kính trọng hay bị phân biệt đối xử, bị xem thường… vẫn nguyện họa lại tình yêu đối với thánh giá Con Thiên Chúa cách thiết thực nhất, bằng sự “dâng tiến, trao gửi và cống hiến thân xác tôi cho Đức Giêsu Kitô để Người dùng [… và] tiếp nối sự hy sinh»[5] của Người”.
Tinh thần khổ chế trong sứ vụ thừa sai của cha
Từ ngày rời bỏ quê hương để thực hiện cuộc hành trình sang Châu Á, cha sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách về khí hậu, ăn uống, điều kiện sống, đôi khi chịu đói, chịu khát, chịu rét… Càng gặp gian nan khốn khó bao nhiêu, đức tin của cha càng mạnh mẽ và tình yêu cha dành cho Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh càng đậm đà thắm thiết bấy nhiêu. Bên cạnh sự từ bỏ bề ngoài, khi sống sứ vụ thừa sai tại nơi truyền giáo, cha rất đau lòng và luôn bị xâu xé nội tâm, bởi thường xuyên gặp sự chống đối của các tu sĩ Dòng Tên và các tu sĩ khác thuộc chế độ bảo trợ Bồ Đào Nha. Họ vu khống, bịa đặt, bôi nhọ, gài bẫy, kiện tụng, vu oan cha đủ điều[6]. Tuy nhiên, cha nhận thấy đây là cơ hội để sống tinh thần Tám mối phúc. Chiêm niệm Mầu nhiệm khổ giá của Đức Kitô là nguồn nội lực để cha chiến thắng những chuyển động tiêu cực theo bản tính tự nhiên hoặc theo lý trí thuần tuý để hành động theo ánh sáng của Lời Chúa. Trong hy sinh, nguyện cầu và cả những giọt nước mắt chảy ngược vào trong, cha đã tự hủy, chết đi trong mọi sự để Tin mừng của Chúa được mọi người biết đến. Cha đã cho Chúa Giêsu Kitô mượn thân xác của cha để tiếp nối hy lễ cứu độ của Chúa Cứu Thế. Cha cảm nhận rằng: “Vì lòng mến Chúa Giêsu Kitô, chúng ta sẽ […] chịu người ta thù ghét, nói xấu và hất hủi bằng ngàn cách mà các tôi tớ Chúa đang rao giảng Phúc âm trong Thần Khí của Người được vinh dự lãnh nhận ”[7]. Trong mọi cảnh huống của cuộc sống, cha đều quy về Đức Kitô Chịu Đóng Đinh và thông phần vào cuộc khổ nạn của Người.
Gương sống của cha làm con suy nghĩ và nhìn lại tinh thần sống khổ chế của mình. Bản chất của khổ chế là thông phần vào cuộc khổ nạn Cứu thế của Chúa Kitô được thể hiện như thế nào trong đời sống của con? Tất cả mọi khổ luyện, hy sinh, hãm mình, từ bỏ… con quy hướng về ai và với mục đích gì? Thật là vô vị nếu con sống khổ chế mà không hướng về tình yêu Đức Kitô. Hạnh phúc thay khi con sống từ bỏ với tinh thần nối kết, bén rễ sâu trong Đức Kitô Chịu Đóng Đinh. Ấy là lúc con được dự phần vào cuộc khổ nạn của Người. Một cách nào đó, mầu nhiệm khổ nạn của Chúa Kitô trở nên hiện thực và hữu hiệu trong cuộc đời con, để con có thể thưa với Chúa Cha như thánh Phaolô đã cảm nghiệm: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Cha ơi, khi con xác tín và sống được điều này, chính là lúc con làm cho gia sản tinh thần của cha được triển nở, được mưu ích cho đời sống thiêng liêng của con, cũng như làm cho nhiều người nhận biết và tôn thờ Đức Giêsu Kitô. Chắc cha vui và hài lòng về con lắm cha nhỉ?
Một chút suy tư về cuộc đời và tinh thần sống khổ chế của cha giúp con nhìn lại chính mình và quyết tâm sống tốt hơn, nhất là, sống tích cực hơn ba chiều kích linh đạo Mến Thánh Giá - chiêm niệm, khổ chế và tông đồ. Ba chiều kích này luôn song hành với nhau, không thể tách rời, điểm quy chiếu là Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh. Chính cha đã thắt chặt mối dây liên kết này suốt cả cuộc đời và chỉ đường cho con bước theo. Quả vậy, cha được mệnh danh là «con người chiêm niệm. Nhiều lần cha nhắn nhủ với các vị thừa sai và những người con Mến Thánh Giá: “Trước khi gieo vãi hạt giống Phúc Âm, hãy dùng lời cầu nguyện làm cho mưa móc sa xuống trên cánh đồng ”(Đức cha Lambert- Tự sự 31). Nghĩa là, muốn việc tông đồ có kết quả tốt, trước hết, phải bén rễ và chìm sâu trong cầu nguyện. Cầu nguyện hậu thuẫn cho việc tông đồ và thúc bách sống khổ chế. Thật vậy, nếu con biết nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện, sống gần gũi với Thiên Chúa và luôn kết nối thân mật với Đức Giêsu Kitô, con dễ dàng sống khổ chế: Uốn nắn miệng lưỡi, lý trí, con tim, thân xác theo tinh thần của Đấng Chịu Đóng Đinh; con sẵn sàng dấn thân, không ngại khổ cực, gió sương trong công tác mục vụ và sứ vụ được trao ban. Con cố gắng mỗi ngày sống được như vậy vì luôn khao khát gắn chặt đời con với Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh và ước ao hiến dâng trọn vẹn cho Người.
Cha ơi, những người con tinh thần của cha luôn cầu nguyện cho cha sớm được Giáo hội nhìn nhận là gương sáng đạo đức thánh thiện, và được vinh hiển trong hàng ngũ các thánh. Xin cha cũng cầu bầu cùng Chúa cho chúng con.
[1] X. FRANÇOISE FAUCONNET-BUZELIN, Người cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại, Sư huynh Lucien Hoàng Gia Quảng (chuyển ngữ), Nxb Phương Đông, 2015, tr. 49.
[3]X. ĐÀO QUANG TOẢN, Đức cha Lambert de la Motte, 2016, tr. 10.
[5] Nhóm Nghiên cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá, Di Cảo số 4, Bài tự sự “ Những trực giác mới của một nhà thừa sai nhận được trong lúc nguyện ngắm… ”, trong Tuyển Tập Bút Tích của Đức cha Pierre Lambert de la Motte, chương I, số 4.
[6] X. FRANÇOISE FAUCONNET-BUZELIN, Tìm về nguồn gốc Hội Thừa Sai Hải Ngoại, Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, 1624-1679, Sư huynh Lucien Hoàng Gia Quảng (chuyển ngữ), Nxb Phương Đông, 2015, tr. 156- 165.
[7] Nhóm Nghiên cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá, Di Cảo số 6, Bài tự sự “Dốc lòng của một thừa sai tông tòa khi vào nơi truyền giáo của mình ”, trong Tuyển tập Bút Tích của Đức cha Pierre Lambert de la Motte, Phần III, số 30.