Thứ Sáu Tuần II Phục Sinh

Thứ tư - 10/04/2024 02:53 169 0

Thứ Sáu Tuần II Phục Sinh
Con người cần góp phần mình vào công trình của Chúa

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng con xin tôn thờ, yêu mến và chúc tụng Chúa ngay từ sớm mai này. Cám ơn Chúa đã cho chúng con sống những ngày Mùa Phục Sinh thật hân hoan, vui tươi mà Phụng vụ mang lại. Nhưng khi sống tâm tình hoan lạc vui tươi này không có nghĩa là chúng con được thoát khỏi mọi lắng lo ưu phiền hay khỏi phải đón nhận những đau khổ của phận người. Không, chúng con tin rằng, chúng con đang được Đức Giêsu Phục Sinh nâng đỡ để đón nhận những thực tại của đời thường với một tinh thần mới: tinh thần tin yêu phó thác, tinh thần chứa chan hy vọng mà gương sống các tông đồ đã để lại. Các Tông đồ lòng đầy hân hoan ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho dù bị cấm cách, bắt bớ, đánh đòn... lòng các ông vui mừng vì được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu.
Và chính tình yêu đã thôi thúc các tông đồ làm mọi sự cho vinh danh Thiên Chúa. Cũng nhờ tình yêu, dù cảm thấy mình bất lực trước nhu cầu bánh ăn của hơn năm ngàn người, các ông vẫn mạnh dạn dâng hiến chút ít lương thực của mình “ Năm chiếc bánh và hai con cá”. Xin Chúa cho chúng con biết đón nhận những thánh giá là những nghịch cảnh trong đời sống với tình yêu và lòng tín thác. Xin cho chúng con cũng biết dâng hiến cho Chúa những hy sinh nhỏ bé, những phần đóng góp vừa sức mình để Người dùng chúng mà thực hiện những việc lớn lao cho công cuộc cứu độ con người trong thế giới hôm nay.

Suy gẫm:

Ngày nọ, có một phụ nữ trung niên đến với lũ người nghèo khổ, hung dữ. Nhìn thấy tình trạng bi đát trước mắt, bà nhủ lòng: “Ta phải làm điều gì mới được”. Thế rồi bà dồn tất cả tiền bạc của mình thuê một căn nhà cũ với chiếc sàn nhà dơ dáy bẩn thỉu. Tuy căn nhà không khang trang lắm nhưng có thể dùng được. Ngày hôm sau, bà đi khắp vùng lân cận tìm lũ con nít đem về dạy dỗ chúng...
 
Thế rồi điều gì đã xảy ra cho người phụ nữ và công việc bảo trợ của bà ấy? Ngày hôm nay bà đã có 80 trường học trang bị đầy đủ, 300 nhà phát chẩn lưu động hiện đại, 70 bệnh viện cho người cùi, 30 viện săn sóc người hấp hối, 30 viện săn sóc trẻ em bị bỏ rơi và 40.000 tình nguyện viên khắp thế giới sẵn lòng giúp bà. Người phụ nữ đó không ai khác chính là Mẹ Têrêsa Calcutta, ngày nay đã được phong hiển thánh. ( Truyện: Mẹ Têrêsa Calcutta)

Thiên Chúa toàn năng có thể làm được mọi sự theo ý Ngài, nhưng Ngài lại muốn chúng ta cộng tác vào công trình của Ngài. Ngài có thể biến đá thành cơm bánh, nhưng Ngài vẫn đón nhận 5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé. Sự đóng góp của con người tuy nhỏ bé, nhưng rất cần thiết. Đó chính là khởi điểm để Chúa làm việc lớn lao hơn. Tục ngữ Pháp có câu: “Hãy tự giúp mình, rồi Trời sẽ giúp bạn” Đừng khoán trắng cho Chúa mọi việc...Hãy đóng góp phần của mình.

Phép lạ bánh hoá nhiều, cho chúng ta nhận thấy tình thương và quyền năng của Đức Giêsu, cũng như giá trị của sự đóng góp của con người. Dĩ nhiên nếu không có 5 chiếc bánh và 2 con cá của cậu bé kia, Đức Giêsu vẫn có thể làm phép lạ để nuôi dân chúng, như Thiên Chúa đã làm cho manna từ trời rơi xuống trong sa mạc nuôi dân Israel khi họ tiến về Đất Hứa. Nhưng ở đây 5 chiếc bánh và 2 con cá của em bé đáng chúng ta suy nghĩ để rút ra bài học cho đời sống của mình.

Bài học thật quý giá mà Chúa Giêsu đã dạy cho môn đệ của ngài hôm nay là gì nếu không phải là hãy vào cuộc, dù khó khăn cũng phải vượt qua. Hãy đóng góp phần mình dù nhỏ bé chỉ bỏ chút công đi tìm như Anrê, đóng góp 5 cái bánh và 2 con cá phần ăn của một trẻ em. Và ngài tiếp tục mời gọi “hãy phân phát cho họ ăn và thu lại những mẫu còn thừa kẻo phí đi”.

Đói khát và dư thừa, thiếu thốn và phung phí là hai trạng thái trái ngược hiện nay trên thế giới. Có người vừa trải qua cơn đói, nay lại vứt bừa bãi những mẩu bánh thừa. Đức Giêsu bảo các môn đệ đi thu lượm những miếng bánh thừa ấy. Ngài dạy cho mọi người biết tiết kiệm. Tiết kiệm là biết trân trọng những cái Chúa ban. Tiết kiệm là ý thức rằng của cải trên thế giới là của mọi người. Nếu tôi phí phạm, anh em tôi sẽ thiếu thốn. Điều này đã được Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh trong sứ điệp gởi ông Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu), Tổng Giám đốc Tổ chức Nông Lương của Liên Hiệp Quốc (FAO) Nhân Ngày Quốc tế Nhận thức về Thất thoát và Lãng phí Thực phẩm, Ngài viết “ tiếng kêu của những người đói khát, phải được vang lên ở các trung tâm nơi đưa ra quyết định. Tiếng kêu này không thể bị im lặng hoặc bị bóp nghẹt bởi những lợi ích khác. Ngài nhắc lại: “Cần phải thu gom để tái phân phối, không sản xuất để vung vãi. Tôi đã nói điều này, và tôi sẽ không mệt mỏi nhấn mạnh, lãng phí thực phẩm là lãng phí con người”.
 
Trong thế giới hiện tại, chúng ta có quá nhiều lương thực nhưng lại không được phân phối đồng đều. Có nhiều người lo lắng làm thế nào giảm bớt phần ăn để được giảm cân, phải uống thuốc giảm cân. Nhiều người cứ mãi bận tâm về bản thân mình với vấn đề đó, không còn có chỗ dành cho yêu thương. Còn trong thế giới thứ ba, vấn đề là làm sao có được cái ăn, cái mặc, ngàn ngàn trẻ em phải đói, nhiều người già phải đi làm kiếm sống mỗi ngày.

Phép lạ của Đức Giêsu hôm nay còn nói với chúng ta điều gì?
Chúng ta hãy biết ơn Thiên Chúa về lương thực mà chúng ta có được và cẩn thận không hoang phí nó. “Lãng phí thực phẩm, một trong những hình thức lãng phí nghiêm trọng nhất, và nó cho thấy sự coi thường một cách ngạo mạn đối với mọi thứ, về mặt xã hội và con người, nằm đằng sau việc sản xuất thực phẩm. Vứt bỏ thực phẩm có nghĩa là không coi trọng sự hy sinh, công sức, chi phí vận chuyển và năng lượng để mang lại thức ăn chất lượng trên bàn ăn. Phí phạm thực phẩm có nghĩa là khinh thường những người hàng ngày làm việc vất vả trong các lãnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ nhằm cung cấp lương thực nhưng nó lại bị thất thoát hoặc lãng phí và không hoàn thành được mục đích đáng khen ngợi của nó. Điều này ngày càng trở nên cấp bách hơn, vì chúng ta phải thừa nhận, và tôi muốn nhấn mạnh rằng, thực phẩm mà chúng ta vứt đi lại là thực phẩm đã bị tước đoạt một cách bất công từ tay những người thiếu ăn; từ những người có quyền có lương thực hàng ngày vì nhân phẩm bất khả xâm phạm của họ. Thánh Phaolô đã nói rất rõ rằng vấn đề không phải là giúp đỡ người khác khỏi khó khăn nhưng đó là vấn đề đồng đều. Sự dư thừa của một số người phải bù đắp cho sự thiếu hụt của những người khác (x. 2 Cr 8, 13-15) và ( x. Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc tế Nhận thức về Thất thoát và Lãng phí Thực phẩm 29.09.2023).

Thế giới ngày nay thật văn minh, dư thừa vật chất nhưng vẫn là một thế giới đói nghèo, của cải trên trái đất này đang nằm trong tay những người giàu sang phú quý.  Đói ăn, thiếu mặt, thiếu những nhu cầu cơ bản của một con người đang là nỗi xót xa của nhiều anh chị em. Không xa xôi tận các nước Phi Châu, ngay trên quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta, còn đó những người không có cái gì để ăn. Và vẫn có đó những tâm hồn thiện nguyện xót xa trước cảnh đói nghèo đã bắt tay vào việc với niềm tin: dù chỉ với “năm chiếc bánh và hai con cá”, Thiên Chúa cũng sẽ làm cho con người được no nê ân phúc. Ngài sẽ biến đổi bộ mặt thế giới này trở nên nhân bản hơn, xinh đẹp hơn bằng tình thương và sự đóng của con người dành cho nhau.

Cảm phục trước tình thương, quyền năng của Thiên Chúa với sự đóng góp chút xíu phần ăn của một cậu bé, chúng ta được mời gọi đóng góp và hợp tác phần nhỏ bé của mỗi người để Đức Giêsu thực hiện những việc lớn lao khi Ngài cần. Chúng ta đừng cảm thương, cảm thấy thương người này người kia “đau khổ, tội nghiệp” – lòng thương cảm rất tốt nhưng chỉ thương cảm suông thì chưa đủ, không có giá trị. Đừng nói thương trên môi miệng hay chỉ cảm xúc bên trong cõi lòng “Thương thương, nhớ nhớ, thương thương, Nước kia muốn chảy mà mương không đào”. Lòng thương cảm thì có nhưng ra tay hành động thì rất hiếm. Đừng ngại vì thiếu phương tiện, khó khăn,...Tình yêu sẽ tạo ra các mối dây liên kết và tự động sẽ có những sáng kiến, hãy sẵn sàng hy sinh và hợp tác. Xin Chúa giúp chúng ta luôn nổ lực để sống cuộc đời đầy ý nghĩa khi khám bản thân qua việc yêu thương và trợ giúp người khác.Tình yêu không thu hẹp, không đóng khung trong các mối bận tâm cá nhân, nhưng vươn ra đối với tất cả mọi người, với nhu cầu của anh chị em. Tình yêu nối kết và mở rộng đến người nghèo, người kém may mắn ... chúng ta sẽ được triển nở phong phú hơn. Đức Giêsu cũng sẽ dễ dàng để thực hiện những điều lớn lao hơn cho con người, cho kế hoạch cứu độ của Ngài nếu ta biết dâng cho Ngài những tặng vật bé nhỏ của ta.

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa chạnh lòng thương trước đoàn người đông đảo theo Chúa, Chúa biết mình sẽ làm gì, nhưng vẫn tế nhị hỏi ông Phi-líp-phê tìm đâu ra bánh. Chúa muốn các tông đồ cộng tác với Chúa. Chúa thấy rõ sự lúng túng của các ông, nhưng vẫn đề nghị “ chính anh em hãy cho họ ăn”. Ông Anrê đã không đứng yên để nhìn anh này, anh kia, bạn nọ hay chỉ đứng nhìn Chúa, ông đã đi tìm và gặp được một bé trai có năm chiếc bánh và hai con cá. Đây là phần ăn của người nghèo, nhưng cậu bé cũng đã quảng đại dâng tất cả cho Chúa.

Lạy Chúa, với năm chiếc bánh và hai con cá , Chúa đã làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi trên năm ngàn người ăn no nê. Quyền năng của Chúa có thể làm được tất cả mọi sự. Thế nhưng Chúa vẫn mời gọi, chờ đợi sự đóng góp của con người, và sự đóng góp dù rất tầm thường nhỏ bé, Chúa vẫn nhận và làm phát sinh kết quả dồi dào tốt đẹp.

Lạy Chúa, ngày nay, vẫn còn đó biết bao người đói khổ, xuyên qua những biến cố trong cuộc sống hằng ngày, Chúa vẫn đang chờ đợi con đóng góp phần của mình để xoa dịu những cơn đói khát khổ đau ấy. Xin cho con luôn thiết tha cộng tác với Chúa trong công cuộc cứu độ nhân loại ngang qua nhưng hy sinh nhỏ bé. Xin Chúa giúp con và anh chị em trên thế giới biết quý trọng thực phẩm Chúa ban, biết hưởng dùng với lòng biết ơn và chia sẻ với người nghèo. Xin cho con đừng quá lo lắng cho nhu cầu thể xác của mình mà biết quan tâm đến nhu cầu của anh chị em chung quanh. Amen  


 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây