Của cho không bằng cách cho !

Thứ sáu - 16/07/2021 22:09 846 0


 
Câu nói xem chừng nhẹ nhàng nhưng sâu lắng : "của cho không bằng cách cho !".
         
Thật vậy ! Người cần nhận dù sao đi cũng là con người để rồi người cho dù là ai đi chăng nữa nên chăng cũng cần trân trọng người nhận, cần trân quý những người cần đến sự chia sẻ của mình.
         
Những ngày dịch bệnh như thế này, không thiếu những câu chuyện cười ra nước mắt của từ thiện. Có nơi thì nhẹ nhàng và trầm lắng nhưng có nơi cũng ồn ào và cao giọng.
         
Con bé làm ở Nhà Sách Đức Mẹ kể lại câu chuyện từ thiện không có tâm. Con bé thấy cái cảnh mà cảm thấy khó chịu khi người đến phát đồ từ thiện lại có thái độ hống hách kèm theo những câu chửi bới. Nghe cũng nặng tai lắm chứ : "Có ăn là may lắm rồi chứ ở đó mà đòi hỏi".
         
Tệ hơn nữa khi đó là những người cùng trong giáo xứ. Con bé kể lại nghe mà lòng quặn đau. Người trung chuyển chỉ có công trung chuyển thôi nhưng lại thay vào vị trí của người ban ơn để bắt người nhận, người thụ ơn phải thu mình vào để nhận những phần quà từ thiện. Con bé nhìn những cụ già xếp hàng để nhận quà từ thiện mà nước mắt cứ cay cay. Con bé nói không hiểu được tại sao người ta lại hành xử như thế trong lúc này.
         
Chả phải lúc này mà bất cứ lúc nào bà bất cứ nơi đâu, đã cho thì phải có thái độ nhẹ nhàng và trân quý.
         
Qua nay ít là 2 chàng trai can đảm không giấu mặt mình để lên tiếng trách móc, ai oán anh nào đó đi cho quà từ thiện mà nói những lời chói tai. Hai anh này thẳng thắn lên tiếng những người nào đi phát quà mà cứ dí cái máy điện thoại vào mặt người nhận để quay. Hai anh đã lên tiếng dùm người nghèo và cả tôi nữa.
         
Mọi người cứ nghĩ đi ! 1 phần quà trị giá là bao nhiêu để rồi đem người nghèo và bất hạnh lên mạng ? Mà thử hỏi có phải của mình đâu ? Của người khác âm thầm đưa đi. Ngộ một nỗi là người chủ, người thật lòng cho thì họ không lên tiếng và ngược lại. Chính vì lẽ đó mà mỗi lần nhìn thấy cảnh cho quà ngay tận mắt tôi ngại cầm máy lên lấy hình. Có chăng cũng chỉ là để kỷ niệm nhìn những mảnh đời dễ thương.
         
Có người bảo là chụp hình để báo cáo ! Đúng ! Nhưng xin báo cáo cho cá nhân người giúp để minh chứng mình đã đến, đã chia sẻ chứ không phải kiểu báo cáo cho cộng đồng. Anh làm điều gì đó mà phải ghi lại hình để báo cáo thì xem chừng ra người ta không tin tưởng đủ. Nếu tin tưởng đủ thì chỉ cần vài tấm tượng trưng và chỉ gửi trong chế độ riêng tư chứ không cho lên mạng.
         
Vừa qua, trên xe đi tĩnh tâm, Cha bậc đàn anh cũng chia sẻ chuyện này. Có một cha xứ nọ đến phát quà và bảo dân phải vào chụp hình mới chịu. Cha anh nói với tôi rằng kinh nghiệm lần đó thôi, lần sau xin chừa
         
Đơn giản lắm ! Chẳng ai muốn rơi vào cảnh không may mắn hay cảnh phải nhận quà từ thiện. Mà phần quà có là bao để rồi đưa hình người ta lên mạng. Đó là chưa kể đến điều cần nói nhất đó là thái độ cho. Thường thì đâu đó ta nghe những câu thóa mạ người này người khác.
         
Vậy đó, cuộc sống mà ! Chả ai giống ai và chả có ai cùng quan điểm ai. Thế nhưng rồi xét cho bằng cùng dù là ai đi chăng nữa cũng không được quên sự tôn trọng nhân phẩm của người nghèo. Dù nghèo nhưng người ta cũng là người để rồi khi cho mình đừng nên dùng những lời chua xót. Tiếc và tiếc thay cũng có những cái miệng làm tổn thương bao người khi họ cứ quát tháo và tỏ vẻ thái độ hách dịch.
         
Linh mục đàn anh vừa thốt lên trên trang của mình : "Ở cái nước Đông Lào, ngoài đại dịch Covid còn đại dịch hách dịch".
         
Nghe thật đau lòng. Cũng là người, có hơn gì ai đâu mà lại hống hách với người khác. Bản thân tôi, có lẽ là "lập dị" trong ánh mắt của những người thích bề ngoài và chỉn chu khi tôi ăn mặc bình dị, lết đôi dép lê ra phố thị. Ngược lại, bình dân và dễ thương trong ánh mắt của người nghèo. Nhiều lần phân vân chọn lựa giữa chỉn chu và bình dân thì tôi vẫn chọn lựa cho mình cung cách của người nghèo. Lời ăn tiếng nói cũng vậy, rút kinh nghiệm của người đi trước, có khi mình nhã nhặn lại là lúc mà mình đắc nhân tâm hơn.
         
Vừa rồi, bị "lừa" trong nháy mắt ! Hỏi cam bao nhiêu 1 ký. Chị ta bảo hai lăm ngàn. Khi cần rồi 4 ký chị bảo ba lắm ngàn. Thường thì hay cãi và cộc cằn nhưng thôi. Lặng lẽ trả 140 ngàn và không bao giờ quay lại gian hàng ấy.
         
Cũng thế với hàng bán măng. Giá quầy khác sau khi nghe được là 25 ngàn 1 ký mà cái chị kia nỡ lòng nào bán đến 40. Khi còn trẻ là không được đâu nha ! Nhưng giờ già rồi, mua và vẫn mua nhưng không có chuyện lần sau nữa.
         
Tưởng nghĩ rằng họ cũng là những người buôn gánh bán bưng. Thích thì mua, không thì thôi chứ nặng lời có được chi.
         
Sáng hôm qua, bó bồ ngót rõ to. Người đàn bà không hề khổ. Cầm bó rau lên : 5 ngàn hả ! Đắt quá !
         
Vậy đó, người nghèo ở quanh ta và khi kẹt lám họ cần sự trợ giúp của ta. Mua không mua thì tùy, cho hay không cho cũng tùy nhưng đừng cho và kèm theo những lời chua xót làm quà khuyến mãi.
         
"Của cho không bằng cách cho là vậy" Có khi chỉ là lời cầu nguyện, có khi chỉ là nụ cười nở trên môi là ta cho nhiều hơn cả.
         
Ta đang sống giữa môi trường xã hội mà như Cha Micae nói là có đại dịch virus nhưng có đại dịch đáng sợ đó là hách dịch. Xin cho chúng ta khi cư xử với người khác cũng nên đặt mình vào họ để rồi cư xử nhẹ nhàng hơn. Nếu không đủ sức để nói lời yêu thương nhân ái thì cũng xin đừng nói gì để làm thêm nặng lòng nhau.

 

Tác giả bài viết: Lm. Anmai, CSsR

 Tags: Suy tư

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây