CON TẠO VẦN XOAY – BÌNH TĨNH SỐNG
Chiều, Cha Sở nói : “Sơ phụ trách qua chào ! Thứ Năm hay thứ Sáu này đi ! Mình nói cầu chúc đi bình an và sống tốt hơn”.
Vậy là kết thúc 1 đoạn đường ở cộng đoàn này. Mình cũng chả nhớ cũng như chả biết là bao nhiêu năm. Chỉ biết là chào từ biệt ra đi.
Chả phải vị phụ trách này, chả phải linh mục kia hay nữ tu nọ. Bất cứ ai sống đời tận hiến dĩ nhiên cũng gói gọn trong lời khấn vâng phục – khó nghèo và khiết tịnh. Vì đức vâng lời để rồi khi có bài sai hay giấy bổ nhiệm thì buộc lòng phải lên đường.
Vậy thôi, đời người tu sĩ hay linh mục dấn thân nhưng chả ai ở mãi một nơi bao giờ. Có lâu thì cũng có chứ chả ai đời đời kiếp kiếp và nhất là ai cũng có ngần có hạn ở trần gian này.
Sự lên đường của nữ tu phụ trách này cũng nhắc nhớ sự lên đường của chính bản thân. Rày đây mai đó theo lời mời gọi của Nhà Dòng. Ý thức như vậy cũng như biết như vậy để mình đừng bao giờ bám víu vào một nơi nào đó hay một cái gì đó để cho lòng thanh thản.
Dĩ nhiên là người, ở đâu quen đó để rồi khi phải rời bỏ cái chỗ mà bấy lâu nay mình quen biết thì kèm theo đó là sự nuối tiếc và luyến nhớ. Con người mà, làm sao thoát khỏi được những tình cảm thân quen và nhất là cái nơi mà mình nhiều năm gắn bó.
Chả phải tự kỷ cũng chả phải vì bất cứ điều gì, chỉ nhớ rằng rồi ai ai cũng phải rời bỏ cái nơi tạm này và nhất là lần cuối cùng khi nhắm mắt khép mi. Như cố nhạc sĩ họ Trịnh nói đó thôi : “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt, rọi suốt trăm năm một cõi đi về”.
Phần làm người, ai ai cũng phải đi về. Với người tin Chúa thì nơi đi về đó là Nhà Chúa. Chính vì vậy, với người Kitô hữu thì hãy sống làm sao để liệu rằng sau khi mình nhắm mắt lìa đời mình có một chỗ trong Nước Thiên Chúa.
Đôi khi mình quên đi chuyện cơ bản đó trong cuộc đời để mình vun vén cũng như mình nghĩ mình sẽ mãi mãi ở một chỗ. Và nhất là với những người có trách nhiệm. Nếu không khéo thì mình sẽ dùng quyền để thống trị người khác thay vì lấy tình thương và lòng nhân hậu để hành xử với nhau.
Như con tạo xoay vần, lớp này sẽ thay lớp khác để “lãnh đạo”. Nếu không từ bì nhân ái với thế hệ trẻ thì một ngày nào đó thế hệ tiếp nối sẽ trả lại tất cả những gì mà lớp trước đã sống và đã thi hành.
Lần kia, trêu Chị Tổng Phụ Trách nọ là Chị sống làm sao đó để khi về hưu thì bọn nhỏ còn đẩy xe lăn cho Chị đàng hoàng chứ không để cho xe lăn tuột dốc mà không ai đỡ xe. Đùa vui vậy như muốn nói với Chị là trong cương vị lớn nhất của Nhà Dòng với 2 nhiệm kỳ thì khi xuống chức chị em còn niềm nở vui tươi chứ đừng để chị em ai oán. Chị đã sống đẹp, sống trọn vẹn đời tu của mình và nhất là đã đóng góp cho Hội Dòng rất nhiều trong 2 nhiệm kỳ Tổng Phụ Trách của mình.
Chị không kịp ngồi xe lăn như thằng em trêu chọc. Chị đã ra đi trong đỉnh dịch Covid năm ngoái. Chị đã ra đi và để lại trong lòng nhiều người cũng như chị em một niềm cảm mến thân thương.
Có thể nói rằng Chị đã sống một cuộc đời tận hiến thật đẹp để ai ai cũng tin Chúa sẽ ban thướng Nước Trời cho chị.
Sự thuyên chuyển trong đời tu e rằng cũng là bình thường. Sự rời bước để đi đến chỗ khác nhắc nhớ người tu phải luôn ở trong tâm thế sẵn sàng và vui vẻ lên đường theo sứ vụ.
Biết như vậy để một lần nữa tự nhắc nhớ mình là rồi mình cũng sẽ ra đi. Và đặc biệt, điều quan trọng nhất là mình cố sống làm sao để cho cuộc ra đi của mình là cuộc ra đi đẹp cũng như đích đến cuối đời là đích đến đẹp đó chính là Nước Thiên Chúa.
Gần đây, chả hiểu sao tôi rất sợ làm tổn thương người khác. Có lẽ nghe nhiều câu chuyện mà người ta làm tổn thương người khác nên mình đâm ra sợ.
Ý thức như vậy để rồi cố sống đẹo nhất nơi mình đang sống và nhất là tránh đi những chuyện làm tổn thương người khác. Rồi đây (chả biết tháng nào năm nào mình có bài sai mới) mình cũng sẽ ra đi để rồi lòng nhủ lòng sống đẹp nhất có thể tại nơi mà mình sẽ phải ra đi. Cũng tự nhủ sống làm sao để khi mình ra đi thì nơi người ở lại vẫn lưu lại hình ảnh và nhân cách đẹp của một người chứ chả phải là sự ai oán hay lòng trách móc vu vơ.