Thận trọng khi xét đoán

Thứ ba - 19/07/2022 20:32 318 0
 
 
THẬN TRỌNG KHI XÉT ĐOÁN
         
Xét đoán hay đoán xét là hành vi rất thường trong cuộc đời của con người. Đơn giản, trực giác đập vào mắt con người và có khi nói ra hay nghĩ thầm trong bụng về sự việc. Thực tế thì có những xét đoán đúng nhưng kèm theo đó về những xét đoán sai kèm theo những hệ lụy của nó.

          
 Trong kho tàng ca dao tục ngữ, ta có rất nhiều kinh nghiệm về nhận xét và đoán hiểu được cô đọng lại từ thiên nhiên, thú vật đến con người.

          
 Nhìn trời nước mây gió người ta nói : “Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa”.

          
Nhìn vào mặt người nào đó, người ta nói :


                              Xem mặt mà bắt hình dong
                             Con lợn có béo thì lòng mới ngon.
           Nhìn vào dáng người phụ nữ, người ta nói :
                              Những người thắt đáy lưng ong,
                             Vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con.
         
Thật thế, đó chỉ là ước chừng theo kinh nghiệm chứ nhiều trường hợp không xẩy ra như vậy và có khi còn ngược lại nữa.

         
Không cẩn thận, trong khi xét đoán, người ta vô tình mà theo nguyên tắc :”Suy bụng ta ra bụng người" (Tục ngữ). Chúng ta gán cho người khác cái mà chúng ta có trong đầu óc mặc dầu không biết người ta có như vậy hay không. Việc xét đoán chủ quan này hay sai lầm và đưa đến những tác hại thật khôn lường.


Về chuyện xét đoán gây ra hậu quả khôn lường,hơn một lần Chúa Giêsu đã nói rất rõ ràng và mạnh mẽ trong bài đọc Phúc âm chúng ta vừa nghe :”Sao con thấy cái rác trong con mắt anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới ? Sao con lại nói với người anh em :”Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn”, trong khi có cả một cái xà trong con mắt con”(Mt 7,3-4)?

Ta hãy nhớ lời Chúa dạy : “Chớ xét đoán để khỏi bị xét đoán”(Mt 7,1). Lời Chúa mới nghe thì có vẻ nghịch lý chói tai, nhưng càng nghiệm càng thấy thật sâu sắc, vì những lời nay đã thấu suốt mọi cõi lòng con người. Không ai muốn bị xét xử, và ai cũng muốn được xét xử khoan dung thông cảm. Mà muốn được khoan dung thương xót, thì trước hết, chính mình cũng phải biết thương xót khoan dung. Nên nhớ nguyên tắc mà Chúa nói thêm : “Các con đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa cũng đong cho các con bằng đấu ấy".

Ta lại thấy Chúa Giêsu dùng một hình ảnh rất cụ thể để mời gọi chúng ta hãy nhìn vào bản thân mình: “Sao ngươi thấy cái rác trong mắt anh em, mà không thấy cái xà trong mắt ngươi?”. Và ta cũng thấy ràng trong việc đối nhân xử thế hằng ngày, người ta có thể thấy rất rõ điều xấu, dù chỉ là thật nhỏ như “cái rác” trong mắt người khác, nhưng lại không hề thấy điều xấu thật lớn, như “cái xà” trong mắt chính mình. Dân gian việt nam cũng có cách diễn tả tương tự: “Chân mình thì lấm bê bê, lại đi cầm đuốc mà rê chân người”.

Chúa Giêsu đưa ra một bí quyết để sống thái độ đạo đức thật: “hãy lấy cái đà khỏi mắt ngươi trước đã, rồi ngươi sẽ thấy rõ để lấy cái rác ra khỏi mắt anh em ngươi”. Đây là điều cốt yếu cần thực hiện trước tất cả mọi công việc khác, nhưng đây cũng là điều khó khăn hơn cả trong tiến trình trở nên hoàn thiện như Cha Trên Trời, Đấng Hoàn Thiện (x. Mt 5,48). Ý thức mình bất toàn để biết đâu là “cái xà” trong mắt mình, được kết tinh bằng bao lỗi lầm, thành kiến, ác ý… để nỗ lực “lấy nó ra khỏi mình trước đã”, và luôn thao thức hoàn thiện chính mình, đó sẽ là khởi điểm tất yếu giúp chúng ta có thể sống thái độ đạo đức thật như Chúa Giêsu mời gọi.

Cái nhìn của đôi mắt không có “cái xà” sẽ không còn là cái nhìn của phê phán, chỉ trích, nhưng là cái nhìn của Chúa Giêsu: một cái nhìn đầy yêu thương, tha thứ, mang lại cho kẻ được nhìn niềm tin yêu, hy vọng và ơn biến đổi cuộc đời. như ông Lêvi - người thu thuế sẵn sàng bỏ mọi sự để theo Thầy; ông Zakêu - người trưởng phòng thu thuế đã thành tâm hoán cải, bà Madalena dứt khoát từ bỏ con đường tội lỗi; tất cả đã chuyển hướng cuộc đời bởi cái nhìn từ ái bao dung của Chúa Giêsu.

Thánh Giacôbê, mở đầu chương 4 thư của Ngài rất hay để ta suy nghĩ :

Thưa anh em, anh em đừng nói xấu nhau. Ai nói xấu hoặc xét đoán anh em mình là nói xấu và xét đoán Lề Luật. Nếu anh xét đoán Lề Luật, thì anh không còn là kẻ vâng giữ, mà là kẻ xét đoán Lề Luật. Chỉ có một Đấng ra Lề Luật và xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt. Còn anh là ai mà dám xét đoán người thân cận?

Liệu rằng ta nghe, ta đọc mà ta có suy gẫm cũng như sống hay không ?

Nên chăng trong cuộc ta cũng đừng quên :
                              Nước trong leo lẻo cá đâu,
                   Người quá xét nét dễ hầu cô đơn.
                             Người trên rộng lượng thì hơn
                   Bới lông tìm vết thói thường đáng chê.


 

Tác giả bài viết: Lm. Anmai, CSsR

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây