Khi người lớn ích kỷ

Thứ tư - 15/06/2022 19:06 1.193 0

KHI NGƯỜI LỚN ÍCH KỶ
           
Chẳng ai muốn mình phải sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà cha mẹ ly hôn. Người lớn có lẽ hả hê và mãn nguyện khi đã ra tòa, phần còn lại là những đứa con ...
           
Gia đình trẻ có với nhau cũng 3 mặt con. Đứa lớn 15, đứa nhỏ 14 và đứa út 7. Dầu khắng khít với nhau mặn nồng lắm nhưng đến một ngày người vợ nổi chứng và đâm đơn ly dị với lý do xem ra là hợp lý vì chồng ngoại tình.
           
Tiếc thay đó chỉ là lý do người ta đưa ra để ly dị. Sự thật là chính người vợ đã ngoại tình và tìm đủ mọi cách để tấn công chồng, chia tài sản cũng như o ép 3 đứa nhỏ.
           
Trong tình cảnh trớ trêu như vậy thì bà ngoại lại đứng về phía con rể vì bà tin chắc rằng con rể mình ngay thẳng. Sự thật vẫn là sự thật rằng chàng rể không hề có chuyện mồ mả gà đồng như người vợ nói. Minh định được điều đó nên mẹ vợ đứng về phía chồng cùng bảo vệ các cháu ngoại của bà.
           
Trong tình cảnh bi đát ấy, cô vợ nghe theo người tình mới chực chờ về chia tài sản vì biết phía bên nội có dành phần di sản cho 3 đứa. Nhục nhã thay là cô vẫn vác xác về bên nhà chồng để hỏi phần phân chia tài sản.
           
Biết được như vậy, mẹ của cô tức là bà ngoại của 3 đứa nhỏ vừa tức vừa xấu hổ vì tại sao con gái của mình đã hành động như vậy. Ngại với con rể đã đành, cũng ngại với bên xui gia chưa hết còn bị con gái hành xử như vậy nên người mẹ đã trả lời với cô con gái mà chính mình mang nặng đẻ đau đó là : “Tôi không phải là mẹ của cô. Đừng gọi tôi bằng mẹ nữa !”.
           
Chỉ vì ham vui, chỉ vì ích kỷ mà người mẹ của 3 đứa con đành đoạn ký giấy ly hôn để theo người tình mới trong khi người chồng, người cha của 3 đứa nhỏ vẫn nhẫn nại. Đau đến mức mẹ vợ nói với con rể rằng nếu con ưng ai mẹ sẽ đi nói cho con.
           
Có nỗi đau nào đè nặng lên vai của người mẹ có đứa con gái ngông cuồng như thế này. Bà mẹ cũng đã rơi những dòng lệ vì không ngờ con của mình mà mình không dạy được.
           
Đứng trước tình cảnh này, tôi lại nghĩ đến đường tương lai của 3 đứa nhỏ. Chúng chưa lớn nhưng cũng không còn nhỏ để thấy được tình cảnh của mẹ của chúng. Khi được hỏi là con thương ai thì mấy nhóc nhỏ trả lời ngay là “con thương ba”. Kèm theo câu nói đó là câu khuyến mãi nghe thật đắng lòng : “mẹ con ngoại tình !”.
           
Trao đổi, chia sẻ với bà ngoại của 3 cháu nhỏ. Tôi hiểu phần nào nỗi đau của người mẹ đã mang nặng đẻ đau cũng như dày công giáo dục con của mình để rồi ngày hôm nay con của mình như con ngựa bất kham.
           
Cùng dòng suy nghĩ, tôi chia sẻ với bà ngoại về tương lai của 3 đứa bé. Chúng sẽ lớn lên,  thành người ra sao trong một gia đình mà tiếng nói chung không còn và hạnh phúc gia đình không ở lại. Chắc chắn chúng sẽ bị tổn thương và ảnh hưởng tâm lý thật nhiều với những câu chửi rủa và thậm chí đánh đập 3 đứa con khi sánh bước cùng người đàn ông khác.
           
Nỗi đau của gia đình ấy đang đè nặng trên nội ngoại 2 bên và nhất là 3 đứa nhỏ.
           
Một gia đình khác cũng đang rạn nứt vì những mâu thuẫn xem chừng ra có thể giải quyết. Thế nhưng rồi chả hiểu sao cha mẹ lại không ngồi lại với nhau để tìm cách giải quyết. Dường như hướng giải quyết của họ là đường ai nấy đi.
           
Dĩ nhiên chỉ cần ra cơ quan hành chính ký tờ giấy ly hôn là xong và thật nhẹ nhàng. Thế nhưng liệu rằng cả 2 có nghĩ gì về tương lai của 2 đứa bé còn quá nhỏ.
           
Người cậu hiện tại cũng có thể giúp em mình là đưa đón 2 đứa nhỏ nhưng cũng chỉ là cấp thời chứ không thể theo thời gian dài vì cậu cũng còn vợ cùng 2 đứa con nhỏ nữa. Trong tâm tình tiếc nuối, cậu chia sẻ : “Cha biết không ? Con đưa đón 2 đứa cháu mà con rơi nước mắt. Biết rằng em con nó có lỗi nhưng nếu người chồng chịu khó bỏ qua một chút thì có lẽ tình cảnh tốt hơn. Con nhìn 2 đứa cháu mà nghĩ đến tương lai thật buồn ... Má con sáng sáng vẫn pha 2 ly cà phê cho con trai và con rể, sáng sáng con vẫn về má để uống cà phê với em rể con. Giờ nhìn còn 1 ly cà phê mà lòng nó nhoi nhói. Con cũng chả biết nói gì hơn. Chỉ mong 2 đứa nó nghĩ lại và quay trở lại với nhau ...”.
           
 Vậy đó ! No mất ngon, giận mất khôn là vậy. Ở đời, ai ai cũng có những sai lầm để rồi phải biết lượng thứ cho nhau nhất là 2 vợ chồng khi đã hòa hợp với nhau thành một cùng với những đứa con.
           
Đôi vợ chồng này cũng còn quá trẻ để rồi nếu như đường ai nấy bước cũng là dễ thôi. Phần còn lại vẫn là nỗi đau của dòng họ và đau nhất là 2 đứa con gái còn quá nhỏ. Chỉ vì ích kỷ, chỉ vì nghĩ đến phần lợi của mình cũng như cái tôi quá lớn để rồi họ không ngồi lại với nhau.
           
Dù gì đi chăng nữa cũng nên nghĩ đến tương lai của những đứa bé sau này.
           
Gia đình tôi cũng dính dự đến người ly hôn nên phần nào cũng hiểu. Gia đình con gái đỡ đầu của chị tôi cũng gãy sau nhiều năm chung sống. 2 đứa nhỏ trong gia đình ấy dù đã lớn nhưng ít nhiều cũng ảnh hưởng bởi di chấn của sự đổ vỡ gia đình.
           
Thật vậy, biển nào cũng có sóng, gia đình nào cũng có lúc chênh vênh nhất là tâm tính con người không ổn định. Tốt nhất là mình nên nhìn lại chính mình để rồi mình cần cải tổ con người của mình. Chuyện cần nhất vẫn là chuyện tha thứ trong cuộc đời. Mà ngộ lắm ! Có những người lại hào phóng tha thứ cho ai đó nhưng chính người thân của mình thì lại khắt khe. Thế nhưng rồi thử hỏi mình khắt khe và không tha thứ thì ai khổ ? Có lẽ trước tiên mình là người khổ và khi mình sống ở cảnh ly hôn thì mình cũng là người đầu tiên đau khổ và kéo theo là con cái.
           
Nhìn những gia đình rơi vào những cám cảnh của cuộc đời như vậy, lòng tôi lại nhớ và thương đến những sinh linh bé nhỏ. Chúng nào có tội gì đâu mà phải chịu cảnh chia ly cùng với nhiều hệ quả của khổ đau.
           
Nghĩ như vậy, chỉ ước mong người lớn thôi ơi đừng ích kỷ nữa. Hãy bao dung và rộng lòng tha thứ cũng nhìn lại chính bản thân mình để mình hãy là ngọn nến chiếu sáng lung linh trong mái ấm của chính gia đình mình.


 

Tác giả bài viết: Lm. Anmai, CSsR

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây