Mùa yêu

Thứ năm - 10/03/2022 21:11 210 0
 
 

MÙA YÊU

“ Sr ơi!!

Hôm nay ăn chay mà Sr cũng đi chợ à?

 Nhà Sr ăn chay là ăn món gì vậy?...

Sáng thứ tư vừa rồi, tôi chạy xe đạp ra chợ mua vài thứ cần thiết cho thực đơn trong ngày, đang đứng  mua hàng thì có người ghé vào tai tôi hỏi mấy câu thắc mắc về ăn chay. Cũng trả lời vài câu cho lịch sự vậy thôi, tôi tranh thủ mua cho xong số vật liệu cần dùng và phóng xe về lại cộng đoàn. Bỗng dưng câu hỏi ngẫu nhiên “ăn chay là ăn món gì vậy Sr? ” cứ lập lại trong ký ức … Hóa ra ăn chay chỉ là tập trung kiêng giữ một vài món thôi sao? Hay khi nói đến ăn chay là chúng ta nói đến thức ăn, thức uống, là nói đến những thứ từ bỏ mang tính cách bên ngoài  sao? Vậy đã đủ chưa? Sao lại ăn chay mà không phảingủ chay, nói chay, đi chay…

Quả nhiên, “Bố thí, cầu nguyện và ăn chay” là các việc lành phúc đức mà mọi tín hữu được mời gọi sống tâm tình mùa Chay Thánh. Ba công việc đạo đức này diễn tả tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, để tạo nên sự biến đổi tận căn trong đời sống nội tâm của mỗi người trong mùa chay. Cả ba lời dạy của Chúa Giêsu về bố thí, cầu nguyện và ăn chay có cùng logic: Không làm vì động lực bên ngoài– tránh thái độ đạo đức giả – làm mọi sự với trọn cõi lòng.

Theo truyền thống Do Thái, ăn chay là việc đạo đức phổ biến. Nó có thể được thực hiện cách chung cả cộng đoàn hoặc riêng từng cá nhân. Người Do Thái không có mùa chay như chúng ta, nhưng họ có vài ngày ăn chay chung, nhất là lễ Yom Kippur (“Ngày Đền Tội”), và họ giữ chay riêng vào thứ hai và thứ năm. Bên cạnh đó, theo truyền thống công giáo, chúng ta chỉ ăn chay trong hai ngày, Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh. Một vài dòng tu hoặc những người công giáo đạo đức ăn chay và kiêng thịt vào mỗi thứ sáu. Thế nên, nói đến ăn chay, chúng ta nghĩ ngay đến việc “ăn ít lại”. Cụ thể hơn, thay vì ăn ngày ba bữa thì chúng ta ăn hai bữa, có người ăn một bữa rưỡi hoặc một bữa hoặc thậm chí không ăn gì trong ngày, chỉ uống nước lã.

Còn theo Ngôn sứ Isaia cho chúng ta hay rằng: Đức Chúa không thích loại ăn chay mang tính bên ngoài vì “ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. Các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn. Chính ngày các ngươi muốn ăn chay để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm, thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách” (Is 58, 3-4). Cách ăn chay mà Đức Chúa ưa thích là: “mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm, là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục (x. Is 58, 6-7).

Qua những lời của Ngôn sứ Isaia, chúng ta nhận ra rằng: Thật không thể gọi là ăn chay mà chúng ta lại giận hờn, ghen tỵ và nói xấu người khác; thật không phải là ăn chay khi chúng ta gian lận, nói dối; và thật không thể gọi là ăn chay mà chúng ta sống đời sống bất công, không tha thứ, không yêu thương. Loại ăn chay bỏ một bữa ăn hoặc một ngày không ăn thì dễ hơn loại ăn chay bỏ tật xấu của mình. Cho nên, mục đích của ăn chay là để tỏ lòng sám hối, là để đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa và người khác. Quả vậy,  khi bên ngoài chúng ta ăn chay mà lòng chúng ta lại không sống yêu thương tha thứ, sống xa cách anh chị em của mình, thì chúng ta đã làm mất ý nghĩa của việc ăn chay. Thật thế, có thể nói nét đặc trưng của việc ăn chay là niềm vui, là sống tình yêu. Chúng ta vui vì qua việc ăn chay, chúng ta chết đi cho cái tôi của mình và sống cuộc sống mới trong Đức Giêsu Kitô. Và lẽ dĩ nhiên, Mùa Chay sẽ được gọi là “Mùa Yêu”, là mùa mà chúng ta sống trao ban, sống yêu thương và sẵn sàng tha thứ .Theo lời của ĐTC Phanxicô đã trình bày về việc giữ chay như sau:

“Chay lời nói tổn thương, chỉ nói điều tốt.
Chay khỏi giận dữ, đổ đầy sự nhẫn nại.
Chay khỏi buồn phiền, đổi lấy lòng biết ơn.
Chay tính bi quan, thay vào niềm hy vọng.
Chay sự lo lắng, bằng tin tưởng phó thác.
Chay bỏ tiếng phàn nàn, học sự đơn sơ.
Chay khỏi sự áp lực, giữ lòng  cầu nguyện.
Chay khỏi đắng cay, đong đầy niềm vui.
Chay khỏi ích kỷ, giữ lòng trắc ẩn.
Chay khỏi ghen ghét, làm hòa thứ tha.
Chay sự ham nói, để im lặng lắng nghe.”

Tóm lại, nếu việc ăn chay không làm cho chúng ta gần Chúa và trở nên giống Ngài hơn, thì chúng ta vẫn chưa ăn chay thật, đó chẳng qua chỉ là hình thức bên ngoài mà thôi. Đây là ý nghĩa của mùa chay: là mùa mời gọi chúng ta sống “thật” với ơn gọi của mình, sống đúng ơn gọi làm con Thiên Chúa, ơn gọi là người được thánh hiến theo sát Đức Kitô hơn, sống trao ban tình yêu thương với tất cả mọi người. Vì thế, bạn và tôi, chúng ta cùng nhau sống đúng tinh thần của “Mùa Yêu” này nhé!!

(Tâm tình ngày thứ Tư Lễ Tro)

 

 

Tác giả bài viết: Têrêxa Thiên Thanh

 Tags: Phút suy tư

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây