MÓN ĂN
Ăn uống nghỉ ngơi, vui chơi giải trí là nhu cầu của mỗi con người. Trong đó, ăn uống được đặt vị trí hàng đầu. Vì không ai sinh ra và lớn lên mà không cần ăn uống(ngoại trừ robot, người nộm được trưng bày trong các cửa tiệm).
Trong những ngày đại dịch đáng sợ này. Ngoài các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ, chữa trị thì thực tế chuyện ăn uống là sự ưu tiên hàng đầu của từng người, từng gia đình. Cầm từng lá phiếu đi chợ cũng không ngoài nhu cầu ấy. Từng hộp cơm, ổ bánh mì trao tay vẫn không ngoài mục đích cứu đói.
Chắc hẳn ai cũng biết, nhu cầu ăn uống khống phải mới phát sinh từ khi đại dịch bùng phát. Nhưng với mỗi người, nhu cầu ấy nảy sinh từ thuở lọt lòng với bầu sữa mẹ.
Món ăn cũng vậy, không phải mới xuất hiện từ khi có cô vy ghé thăm. Nhưng ngay từ thời Cựu ước, trong hành trình sa mạc dân Do Thái đã được Chúa ban ma na và chim cút làm món ăn (x. Xh16,12). Với món châu chấu và mật ong rừng là thứ mà Gioan đã sử dụng trong thời gian dọn đường cho Đấng Cứu Thế (x. Mt 12,4). Và chẳng phải sau khi sống lại, Chúa Giêsu cũng đã ăn uống với các môn đệ ở biển hồ Tiberia với món cá nướng đó sao.
Tiếp tục với câu chuyện của 5000 người đàn ông chưa kể đèo cả vợ con theo, Chúa cũng dùng món bánh để nuôi họ qua cơn ngặt nghèo khởi đi từ tâm tình chạnh lòng thương. Với mỗi người tín hữu kitô, Thiên Chúa đã ban chính Thịt và Máu Ngài làm món ăn thần thiêng nuôi sống chúng ta trên hành trình dương thế đầy thử thách. (x. Ga 6, 54).
Món ăn cũng gắn liền một nền văn hóa cụ thể của mỗi quốc gia. Đó là những nét rất riêng mà mỗi khi nhắc đến người ta không thể không nhớ tới. Thật thế, khi nhắc đến món vịt quay, người ta nghĩ đến anh ba Trung Quốc, món cà ri thì chỉ có ở Ấn Độ. Cứ tưởng rằng, cháo ếch ở vùng nông thôn Việt Nam nhưng thực ra đó là đặc sản của Singapo đấy bạn ạ1. Tương tự, món bánh mì, kim chi hay xôi nếp than…là đặc sản của các quốc gia không xa lạ với chúng ta.
Cũng vậy, người Việt Nam chỉ có 63 tỉnh thành mỗi nơi, mỗi gia đình đều có những món ăn rất riêng. Bạn và tôi có thể biết được những món ăn đặc trưng của vài tỉnh nào đó. Nhưng rất khó để liệt kê tổng số món ăn trong văn hóa ẩm thực. Bởi mỗi món mang một sự sáng tạo tinh tế riêng, cách thức tiến hành và mang những mùi vị rất đặc trưng không như nhau.
Có những món ăn được ra đời vì đồng tiền, có những món thay cho tâm tình cám ơn của gia đình đối với xóm làng, dòng tộc trong dịp cưới hỏi, tạ ơn, tang chế…món ăn tỏ sự quý mến với vị khách được mời. Và giữa những khó khăn mất mát trong cơn đại dịch kéo dài, các món ăn xuất hiện không cao lương mỹ vị nhưng có đủ chất. Cái chất của tình Chúa, tình người, tình đồng loại, chất sẻ chia trong âm thầm lặng lẽ nhưng dẻo dai và vững bền vô cùng.
Nếu như trước khi đại dịch bùng phát, những món ăn ngùn ngụt bốc khói, mù thơm hòa quyện vào dòng người ngược xuôi khắp các tuyến đường thành phố được trao đổi bằng trị giá vật chất thì giờ đây giá trị ấy được chuyển đổi bằng chính sự quan tâm và lòng biết ơn.
“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”
(Kahli Gibran)
Và nếu như trước đây người ta chọn món ăn theo sở thích, hợp ví tiền thì giờ đây sở thích ấy đã khiêm tốn nhường chỗ cho mục đích. Mục đích ấy không gì hơn ngoài mong muốn người khác được sống và sống khỏe giữa những khó khăn của đại dịch.
Quả thật, cuộc sống cần lắm những món ăn cho thể xác và tâm hồn, món ăn của thể xác lẫn tinh thần, món của hiện tại lẫn tương lai, cho cả đời này và đời sau... Khi ăn đủ những món này mới hy vọng có chất dinh dưỡng cần thiết cho cuộc đời. Nhưng những món ấy nếu chỉ để cho 1 người hay một nhóm người chế biến e là thời gian sẽ không kịp cho bạn chờ đợi.
Và cuộc đời này đâu chỉ riêng mỗi mình ta. Hãy nghĩ rằng những gì mà bạn đang cần lúc này thì đâu đó cũng là nhu cầu của chính người bên cạnh. Và hãy cho đi những gì bạn có trong khi còn có thể, để tạo nên những hương vị đặc trưng trong từ món ăn cần thiết nhất cho cuộc đời.
1 . x Ẩm thực Singapore