BAO NĂM MIỆT MÀI ...
Nhiều lần dâng hay dự Lễ an táng, nhiều bài hát Lễ tang thấm đẫm sự bi thương, thấm đẫm thân phận bi đát của con người. Tựu trung, trong ngày Lễ an táng hay cầu hồn, tâm tình tha thiết nhất đọng lại vẫn là lời cầu xin tha thứ từ Thiên Chúa :
Bao năm miệt mài tay vẫn trắng tay
con không có gì tiến dâng lên Ngài
Thật vậy ! Dù giàu dù nghèo, dù sang dù hèn, phận con người ta thấy còn gì ngoài 2 từ trắng tay.
Tin từ người em kết nghĩa cho biết Sài Gòn cũng mấy trăm người tử nạn vì Covid khi em đọc được từ đâu đó không khỏi phải chạnh lòng. Mà chả phải mình em, nhiều và nhiều người khác nữa dù muốn dù không cũng phải đón nhận cái tin không vui ấy.
Ngày hôm qua, khi nhìn chiếc xe tải xuống hòm giấy ở Chùa Vĩnh Nghiêm khi nhà Chùa đặt để lo hậu sự ai nào đó nhìn thấy cũng điếng hồn. Kèm theo đó là hàng loạt xe tang và xe cứu thương chở quan tài đi đốt mà có người cho là dàn dựng thật đắng lòng. Chả ai rảnh để đi làm cái chuyện không không là mượn xe cứu thương và xe tải chở quan tài để quay phim mà hù dọa người khác.
Trưa hôm nay lại đập vào mắt hình ảnh của những cuộc khâm liệm ở ngoài đường của những người nhiễm Covid. Để bảo toàn sức khỏe cũng như sinh mạng của người nhà cũng như nhân viên lo hậu sự, người ta không còn cách nào khác là khâm liệm ngoài trời cho thoáng khí. Sau khi khâm liệm, nhìn nhân viên lấy nilon quấn quanh chiếc áo quan sao mà chạnh lòng quá. Trước đây đơn giản khi đậy nắp quan tài xong thì họ khiêng đi nhưng giờ đây phải quấn nilon để tránh đi sự lây nhiễm của con virus dù thân xác đã bọc trong mấy lớp.
Đau đớn thay khi nhìn chiếc quan tài vừa đậy nắp được đưa lên chiếc xe 3 bánh chuyên dụng chở đi. Lẽ ra người quá cố được đưa đi đến nơi hỏa táng hay chôn cất bằng chiếc xe tang như thường lệ. Nhưng không, với chiếc xe mà người ta trưng dụng để chở đủ thứ đồ lên đó để chở quan tài. Đã đến lúc nhiều người ra đi đến độ không còn đủ xe để chở người đi lo phần hậu sự.
Ngày mỗi ngày, thông tin ca nhiễm chưa dừng lại và ca tử vong càng lên cao làm cho ta thấy cái thân phận con người bi đát đến như vậy.
Dù tin hay không tin cũng vậy thôi. Chuyện gì nó đến là nó đến và sự thật vẫn cũng là sự thật.
Nếu như trước đây người quá cố có thể để lâu được đến cả tuần để chờ con cháu thì nay cảnh đó không còn. Nhìn người thân chỉ kịp cúi lạy người quá cố nằm trên chiếc xe cứu thương ghé ngang ngôi nhà thân yêu thật thương cảm.
Nếu như trước đây đại gia hay giàu có có thể để người thân của mình dăm ba hôm để người quen đáp lễ thì nay coi như đã không còn. Cùng lắm là chiều nay mất và sáng mai chôn hay thậm chí có khi mất là chôn ngay lập tức và con cháu cũng chẳng được nhìn.
Vậy đó ! Thân phận con người là vậy đó để rồi ta tự hỏi sau bao năm miệt mài thì con người được có cái gì để mang theo. Tự mỗi người có thể trả lời cho mình câu hỏi rất hiện sinh về đời của con người.
Nhiều năm trời ky cóp nhưng đến khi chợp mắt khép mi coi như không còn gì để bám víu. Con người dù sang, dù giỏi cho đến mấy thì cũng chỉ là không không trước cái chết. Cái chết là dấu chấm hết cho cuộc đời trần thế của những người không tin. Những người tin thì lại tin ở ngưỡng cửa sau cái chết và lại nài xin lòng thương xót Chúa.
Mỗi chúng ta đang đối diện với cơn đại dịch để rồi ta luôn luôn ý thức về thân phận của mình. Ý thức nhẹ nhàng và sâu lắng vẫn nhắc nhở chúng ta đó chính là :
Bao năm miệt mài tay vẫn trắng tay
con không có gì tiến dâng lên Ngài
Và còn gì để nói ? Xin thưa :
Con có tấm linh hồn này sau cuộc đời bao đắng cay
dâng lên tha thiết ăn năn tội tình, vững tin Ngài sẽ hồi sinh
Trong cơn đại dịch, mỗi người sẽ tìm ra chân lý của cuộc đời của mình theo cái nhìn khác nhau của mỗi người. Có người thì vẫn vui vẻ để tìm cái lợi, cái thu vén cho cuộc đời mình trong những cuộc mua bán và tích lũy. Có người giờ này đây cứ đau đáu lo cho cái phận người du khách chốn tha phương không đủ tiền thuê trọ hay đắp đổi qua ngày.
Dù thế nào đi chăng nữa, ta cũng chỉ xin dâng lên Chúa tấm linh hồn này đã vướng bụi đời nên đắng cay để xin tha thiết ăn năn tội tình và xin Chúa cho được phúc hồi sinh và hưởng Nhan Thánh Chúa.