Chèo ra chỗ nước sâu …

Thứ hai - 30/08/2021 00:39 676 0
 

 
CHÈO RA CHỖ NƯỚC SÂU....


Có lẽ với kinh nghiệm am hiểu trên biển, trên sông, trên hồ của dân chài “chính tông” thì chỗ nước sâu là nơi người ta có thể bắt được nhiều cá hoặc sản vật của biển. “Chỗ nước sâu” là một nơi thật xa bờ và ở mức độ nào đó là nơi nguy hiểm, không cẩn thận là chết đuối. “Chỗ nước sâu” khiến con người gặp muôn vàn khó khăn, thử thách, bất trắc, thậm chí tính mạng của mình bị đe đọa. Bởi thế, chèo ra chỗ nước sâu đòi hỏi một sự trang bị không thể không đầy đủ. Ngư dân cần đầu tư kỹ: thuyền phải thật kiên cố và chắc chắn, tấm lưới cũng phải đủ to, dài và rộng để có thể thả sâu xuống đáy, mới bắt được những hải vật như mình muốn. Đồng thời, kỹ năng chèo chống và đánh bắt phải thật điêu luyện để có thể bình an trở về sau những đợt ra khơi. “Chỗ nước sâu” đòi buộc ngư dân phải ở trong tâm thế “đánh cược” cuộc đời, đánh đổi sự an nguy của mình vì “sinh nghề tử nghiệp”, chấp nhận vượt qua những sợ sệt, nhát đảm, lười biếng, vượt lên con người ù lì và dám bước ra khỏi thế giới an nhàn, thoải mái.

Thế giới, môi trường sống của con người ngày nay chẳng khác gì những chỗ nước sâu khi từng ngày họ phải chống chọi với cuộc chiến khốc liệt trước đại dịch Covid-19 (SARS-CoV-2). Một cuộc chiến sinh tử và hậu quả thê thảm khôn lường. Chiến trường không bom đạn, không súng ống, không gươm, không đao, không đổ máu nhưng đã làm nghẹt thở, rướm máu con tim của triệu triệu con người trên thế giới, cách riêng tại Việt Nam. Chiến trường này lấy đi không biết bao giọt lệ, đã biến dạng biết bao khuôn mặt hồn nhiên, vô tư trở nên thẩn thờ, gầy guộc. Đã làm vụt tắt biết bao tia hy vọng của những bệnh nhân mong có ngày bình phục để trở về gặp lại những người thân sau những ngày cách ly. Đã đẩy biết bao người vào tâm trạng, nghi ngờ, tự kỷ, sau thời gian phong tỏa, cách ly. Đã cướp đi sinh mạng của biết bao người, khiến họ cảm thấy hoang mang và sợ hãi. Quả thực, nhìn ra thế giới từ khắp các châu lục đến cận kề các quốc gia xóm giềng, rồi nhìn đến cận cảnh quê hương Việt Nam, mới thấy được chỗ nước sâu mà đồng bào mình, nhất là anh chị em ở Miền Nam đang đối diện, mức độ tang thương đến não nề. Những vòng xoáy, làn sóng ngầm chỗ nước sâu cuốn trôi và làm bầm dập, mất đi mọi thứ: mất đi niềm hy vọng khống chế thành công đại dịch, mất đi những ước mơ trở lại đời sống yên bình, mất đi niềm kiêu hãnh của một dân tộc được thế giới ngưỡng mộ, khâm phục vì đã không để Covid lọt vào lãnh thổ trong đợt dịch đầu tiên, nay thì số người bị lây nhiễm và tử vong đã vượt ngưỡng báo động đỏ, đang là nỗi ám ảnh cho cả người chữa trị lẫn người được điều trị, người lành cũng như người bệnh.

Lời mời gọi để giúp đỡ cho anh chị em tại các nơi phong tỏa của vùng tâm dịch hoặc chiến dịch lên đường phục vụ các bệnh nhân nhiễm Covid ở các khu cách ly và bệnh viện, chẳng khác nào lời mời gọi của Chúa Giêsu trong ngày gặp Phêrô lần đầu tiên ở biển hồ Ghenexaret, khi Ngài mượn chiếc thuyền của ông và xin ông chở Ngài ra xa một tí để Ngài có thể giảng dạy cho dân chúng “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới...” (Lc 5, 4).  
 
Chèo ra chỗ nước sâu thời này, lần này không phải để đem về một mẻ cá lớn bội thu, cũng chẳng phải là để tìm kiếm những sinh vật quý hiếm dưới biển, bán đi và mang về lợi nhuận với giá trị kinh tế cao, nhưng chèo ra chỗ nước sâu ở đây là vác trên vai mệnh đời - mệnh người, là để cứu lấy những anh chị em tại quê hương Việt Nam thân yêu ở những vùng tâm dịch, đang ngày đêm chống chọi với làn sóng dịch Covid vây bủa, đang thoi thóp, ngắc ngoải như những con cá quằn quại, vẫy vùng ngoi lên để tìm một chút oxy, một chút không khí để thở, là giành lại sự sống cho các bệnh nhân từ lưỡi hái tử thần.


Đối diện với cõi lòng, liệu ta có thấu, có nhận ra những chỗ nước sâu ấy chăng?

Chỗ nước sâu ấy là nơi những anh chị em của chúng ta đang hiện diện, họ là nạn nhân của đại dịch khi mất người thân, mất việc làm, mất khả năng và phương tiện lo cho gia đình, con cái. Mất ăn mất ngủ vì lo lắng tương lai sẽ đi về đâu và không biết khi nào mình bị nhiễm bệnh; mất nhân phẩm vì đói rách và mất niềm tin vì bị lừa gạt, phỉnh phờ; mất hy vọng vì bị áp bức, thiệt thòi. Họ là những người mẹ trẻ tay xách nách mang lỉnh kỉnh đồ đạc đến khu cách ly, hoặc những em bé thơ ngây đang khóc thét, run rẩy, sợ hãi, nắm chặt tay mẹ khi bị nhân viên y tế bắt đi cách ly một mình giữa đêm khuya mà không có cha mẹ bên cạnh. Chỗ nước sâu đó là nơi con tim của người nghèo khổ đang đập những nhịp đập yếu ớt, đang thở dốc hoặc hụt hơi. Họ là những người tàn tật, thương binh, bệnh binh mưu sinh với nghề “bán vé số dạo” nhưng nay “chén cơm sống còn” cũng bị bể toang, phải mòn mỏi đứng xếp hàng từ sáng đến trưa mới nhận được phần cơm từ thiện, tương lai chẳng biết thế nào. Họ là những người vô gia cư, dân nghèo trong những khu dân sinh ổ chuột hay nhà trọ dành cho công nhân, họ mất việc, hết tiền chi trả phòng trọ nên đành vất vưởng nơi đường phố, vỉa hè bất chấp lệnh cấm của cơ quan chức năng. Tình cảnh sống của anh em chỗ nước sâu ấy vốn đã cơ cực, khốn quẫn, giờ đây mất đi nhiều điều kiện sống càng làm cho cuộc sống thêm bấp bênh, bất an và bất ổn. Con đường trước mặt là chuỗi ngày đầy lo lắng, thậm chí đi vào bế tắc, đường cùng, tử lộ.
 
Chèo ra chỗ nước sâu ấy không chỉ phát hiện người đang sống mà còn cho ta thấy hiển hiện những người lặng lẽ, ra đi về cõi vĩnh hằng trong cô độc. Cô độc vì không gia đình an ủi giờ hấp hối, không một lời trăn trối, không được một tiếng cầu kinh, không nhang đèn, không hoa nến, không khăn tang, không nước mắt, không đưa tiễn và vĩnh biệt, chỉ được khâm liệm sơ sài rồi một mình cô đơn trên đường trở về kiếp bụi tro. Có những người chết không ai biết, chết không vợ, không chồng, không con cháu kề cận, hoặc thân xác được buộc chặt, bó kín và chờ đợi nhiều ngày mới được đem thiêu vì lò thiêu quá tải. Chỗ nước sâu ấy vẫn vọng lên những tiếng đau xé lòng của trường hợp người con linh mục thực thi sứ vụ tông đồ nơi miền Bắc, nhận hung tin cả gia đình 8 người đều nhiễm bệnh, trong đó thân phụ - mẫu qua đời vì covid mà chính mình không được nhìn mặt các ngài lần cuối, nói một lời xin lỗi và tiễn biệt. Đâu đó, có biết bao trái tim như muốn vỡ toang của đoàn con thơ dại chỉ được quỳ lạy tiễn biệt người cha từ xa, khi xe cứu thương chở quan tài chạy qua khu cách ly hoặc xót xa cảnh nữ sinh viên trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, lập bàn thờ vọng người cha đột ngột qua đời, khi em đang tham gia hỗ trợ phòng chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh, nghe sao mà thảm thương!


Thời xưa, Chúa Giêsu đã xông xáo vào khắp hang cùng ngõ hẻm để loan báo Tin Mừng: trên triền núi, giữa đồng hoang, bên bờ giếng, trong các thôn làng hay phố thị, bên bờ biển, bờ hồ... Ngài đã mạo hiểm đến chỗ nước sâu nhất. Thời nay, Đức Thánh cha Phanxicô không ngừng thôi thúc con cái mình, dấn thân đi ra như người mẹ với trái tim rộng mở “Chúng ta hãy đi ra, đi ra để cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô…Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và các thủ tục”[1].  Đáp lời, biết bao vị tông đồ của Tin Mừng đã không ngần ngại lên đường với châm ngôn “hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”(Ga 15,13), đã chèo ra chỗ nước sâu ấy.

Chỗ nước sâu ấy là nơi hiểm nghèo của thế gian, nơi tuyến đầu ở các bệnh viện dã chiến, bệnh viện thu dung điều trị các ca F0, F1 mà biết bao vị linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân của Giáo hội Công giáo cũng như các tôn giáo bạn, âm thầm phục vụ bệnh nhân trong vai trò là bác sĩ, y tá, nhân viên y tế và các tình nguyện viên. Họ cho đi mà không mong được đền đáp, cho đi với cả con tim, tấm chân tình và lòng thương cảm. Họ phục vụ cho đến lúc chính mình trở thành bệnh nhân hoặc lặng lẽ ra đi trở về với cát bụi. 

Nơi chỗ nước sâu ấy quả thật có biết bao phận người cần được cứu giúp, cưu mang, đỡ nâng. Và hơn bao giờ hết người tu sĩ được mời gọi dấn thân làm chứng cho Tin Mừng qua việc phục vụ, chăm sóc, an ủi nhằm xoa dịu phần nào nỗi đau nơi các bệnh nhân Covid 19 vì “ tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi” (2 Cr 5,14). Nơi chỗ nước sâu ấy chúng ta thấy được khuôn mặt đau khổ của Chúa Kitô nơi bệnh nhân, đang thấp thỏm mong chờ hy vọng được cứu chữa; nơi một ai đó ở nhà hàng xóm bên cạnh đang sống trong cô đơn, chán nản cần được ủi an; nơi những người đang vật lộn với cuộc sống thiếu thốn từ vật chất đến tinh thần cần tìm nguồn sống; nơi những người bị gạt ra bên lề xã hội cần tìm sống đúng phẩm giá của mình; nơi những chị em đồng lý tưởng đang sống bên cạnh tôi; nơi cộng đoàn, nơi Hội dòng của tôi cần được tôi sẻ chia, cảm thông, cộng tác; nơi công sở tôi làm việc; nơi sứ vụ tôi đảm trách cần được tôi đốt lên ngọn lửa nhiệt huyết và trách nhiệm; nơi những anh chị em tôi có bổn phận hướng dẫn, dạy dỗ cần được tôi tận tâm chỉ bảo. Nhiều người khác đã sẵn lòng góp sức trước lời kêu gọi chèo ra chỗ nước sâu. Tôi có chọn chèo ra chỗ nước sâu chăng hay chỉ tìm những chỗ nước cạn, chỗ dễ dàng, chỗ an toàn, chỗ gần bờ hơn?.

Thiết nghĩ, dù là tiền tiến hay hậu phương, có điều kiện phục vụ nơi  tuyến đầu hay chỉ với những công việc âm thầm ở tuyến sau, nếu được dấn thân phục vụ trọn tâm, trọn lòng và trọn tình thì tất cả đều thiêng liêng và đáng trân trọng. Có điều tiếng gọi lên đường “đi ra” không chỉ là của riêng bạn hay riêng tôi, nhưng của chúng ta, nên tôi không được né tránh hay biện minh là tôi không có điều kiện, nên hoàn toàn phó mặc cho người khác lo liệu. Nếu trong khả năng hạn hẹp và hoàn cảnh không thuận lợi, tôi cũng không thể nào được phép xao lãng lời mời gọi “ chèo ra chỗ nước sâu”.


Chèo ra chỗ nước sâu là ra giữa biển khơi, tầm nhìn được mở rộng, con người ý thức được trách nhiệm của mình với thế giới. Tôi không đóng góp được chuyên môn, sức khỏe, thời gian, tinh thần phục vụ cho anh em bệnh nhân thì việc thiết thực là tôi hãm dẹp, khổ chế những nhu cầu thoải mái của mình. Phải chăng là vui lòng đón nhận những điều không được vừa ý, không được tiện nghi: thay vì khó chịu khi không có được máy điều hòa hoặc quạt máy để xua tan nóng bức thì sẽ nghĩ đến biết bao bác sĩ, y tá, nhân viên y tế và các tình nguyện viên đang trong bộ đồ bảo hộ kín mít từ trên xuống dưới giữa cái nóng oi bức, họ đang làm nhiệm vụ trong hy sinh, thầm lặng mà không càm ràm hay kêu ca. Một chương trình, thời khóa biểu sinh hoạt thường nhật được thiết kế và lập trình khoa học với đầy đủ các giờ thiêng liêng, sinh hoạt, giải trí, lao động, nghỉ ngơi, tôi có thể vẫn cứng ngắc trong khuôn khổ đó sao trong khi quanh tôi đang có những anh chị em đang cần đến sự săn sóc, giúp đỡ của tôi, cộng đoàn đang cần tôi chung tay, hy sinh một chút thời gian, sức khỏe để lo cho các thiện ích chung của con người. Điều nằm trong tầm tay của tôi để có thể chèo ra chỗ nước sâu là gia tăng hy sinh, bỏ qua thời gian truy cập mạng, lướt web cách vô ích, để thêm thời gian Chầu Thánh Thể và làm các việc đạo đức, cầu nguyện cho bình an của thế giới. Là mang lấy những đau khổ, bất hạnh và tội lỗi của loài người cùng những thao thức của Hội Thánh để chuyển cầu bằng thái độ nài van trước mặt Thiên Chúa.[2]

Chỗ sâu là chỗ nguy hiểm nhưng có nhiều cá, chắc chắn phải trang bị cho mình tấm lưới được dệt nên bởi đời sống cầu nguyện, các nhân đức, ân sủng và Lời Chúa để tấm lưới này đủ to, đủ chiều sâu và độ rộng, đảm bảo an toàn cho những con cá mà mình có trách nhiệm đánh bắt và mang về, để không bị đứt, rách, thiếu hụt hoặc làm tổn thương bất cứ một con nào. Và dĩ nhiên, chèo ra chỗ sâu ắt sẽ gặp không ít lần sóng to, gió lớn khiến thuyền đời của mình lao đao, chông chênh, nhưng không vì thế mà bỏ cuộc. Đôi khi, chèo ra chỗ sâu của biển trần gian ta bắt gặp nhiều phận đời hạn chế về nhân bản, tri thức, tâm lý, luân lý, tâm linh..., và không ít phận người bị tổn thương, bị dập vùi, bị loại trừ, bị nhận chìm giữa biển, tất cả đều hỗn loạn khiến ta không biết nên lấy gì bỏ gì, thậm chí không bắt được những thứ theo như ý ta muốn, nhưng Chúa muốn ta cứ chèo đến đó, vì đó là sự vâng phục cho một sứ vụ. Chúa không cần số lượng hay kết quả theo tiêu chuẩn con người, nhưng chờ đợi tấm lòng quảng đại và con tim rộng mở của ta. Vâng lời và phó thác cho Chúa, ắt sẽ có sáng kiến và phép lạ sẽ được thực hiện. Nếu ta là những thợ chài trưởng thành, can đảm và với ơn Chúa giúp, chúng ta vẫn luôn hy vọng mang về những “ mẻ lưới đầy cá”. Nếu có khả năng sống và làm chứng cho Tin Mừng, có thể giúp nhiều người nhận biết và yêu mến Chúa.

Lời mời gọi năm xưa của Thầy Chí Thánh cũng là lời mời gọi dấn thân vào môi trường xã hội mà Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng trong bài giảng lễ tại Thanh Hóa với chủ đề “ Hãy ra chỗ nước sâu” đã nhắn nhủ: ”Các con hãy chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới, dám làm cuộc mạo hiểm vào biển đời. Xung quanh còn biết bao người chưa biết Chúa là tình yêu, là hạnh phúc của cuộc đời, chưa được quy tụ trong gia đình Hội Thánh. Biết bao anh chị em chúng ta đang đau khổ, đói nghèo, đang bị áp bức và bỏ rơi. Họ đang mong chờ ơn cứu độ, đang khao khát lắng nghe Tin Mừng của Chúa Giêsu...”.[3] Thế giới hôm nay đang đầy những bất công và bóc lột, ích kỷ và hận thù, đói nghèo và khổ đau, việc lên đường theo lời mời gọi của Chúa, ra chỗ nước sâu để biến thế giới này thành một đại gia đình sống trong tình yêu và công lý, liên đới và chia sẻ là một việc làm không hề lạc hậu chút nào.

Đối diện với cõi lòng, phải đấm ngực để thú lỗi là ta còn ích kỷ, hẹp hòi, chỉ muốn bám chặt đất bằng cho yên ổn chứ không hề muốn ra khơi, đâm đầu vào chỗ nước sâu làm chi vì quá bấp bênh và nguy hiểm, quá nhọc nhằn, vất vả, đòi hỏi nhiều hy sinh. Không muốn “đi ra” vì sợ bầm dập, thương tích và nhơ nhuốc.

Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới! (Duc in Altum), ước mong lời mời gọi của Chúa ngày xưa được mọi người trên thế giới lắng nghe và vươn lên tới tầm cao, để không bằng lòng với cuộc sống tầm thường, không an phận với lối sống tối thiểu, không vô cảm trước những phận đời đang ở những chỗ nước sâu của bế tắc, thất vọng. Tất cả mọi suy nghĩ, lời nói, việc làm nào giữa cơn đại dịch của chúng ta được tình yêu Đức Kitô khai sinh, thúc bách, sẽ mang lại ơn phúc cho con người.
                                                                                           
                                                                                               

 
 

[1] ĐTC. Phanxicô, Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium), số 49
[2] Hiến chương Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, Điều 72,2b
[3] Trích trong Bài giảng lễ bế mạc Đại hội giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XV vào ngày 22.11.2017 tại Thanh Hóa
 

Tác giả bài viết:        Nt. Mary Nguyễn Hòa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây