Lời mời gọi nên thánh : Chuyện không của riêng ai

Thứ tư - 16/06/2021 07:59 1.910 0

images (13)


Mỗi Kitô hữu nên nhớ rằng lời mời gọi nên thánh là điểm cốt yếu đối với Giáo Hội
         
Trở về với Cựu Ước, ta nghe thấy Đức Chúa phán với ông Môsê: “”Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Ítraen và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Lv 19,1-2).
         
Lời mời gọi sống thánh thiện thuộc về bản chất của Giao ước Thiên Chúa với dân trong Cựu ước. “Vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Hs 11,9). Thiên Chúa trong tự bản chất của mình đã là Đấng Thánh, Đấng ngàn trùng Chí Thánh ( Is 6,3), đã đến gần với con người là dân Người tuyển chọn, để họ có thể được thông phần vào sự thánh thiện vinh quang của Người. Thực ra, từ khởi đầu, lời kêu gọi nên thánh và hiệp thông với sự thánh thiện của Thiên Chúa đã nằm trong giao ước của Thiên Chúa với con người: “Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh (Xh 19,6).
         
Mở những trang sách Xuất hành, ta thấy sự hiệp thông và chức tư tế thừa tác nơi những người được tuyển chọn đã được liên kết chặt chẽ với nhau trong sự thánh thiện của chính Thiên Chúa. Đó là một mặc khải từ rất sớm về sự thánh thiện của chức tư tế, và điều này sẽ được hoàn trọn trong giao ước mới nhờ máu Đức Kitô đổ ra, khi “những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật”. Điều này đã được Đức Giêsu nói tại Sychar, khi trò truyện với người phụ nữ Samari bên giếng nước (Ga 4,24)
         
Trong Tân Ước , ta thấy dân Thiên Chúa được phép dâng, không chỉ có hương, mà còn chính Mình Máu Châu Báu Chúa Kitô trong Thánh Lễ. Thánh Phêrô đã nhấn mạnh về đặc quyền dành cho Kitô hữu này khi ngài ngỏ lời với các tín hữu nói chung: Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa… và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư thế thánh, dâng những tế lễ thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô (1Pr 2,9.5).
         
Nơi thánh Phaolô, chúng ta cũng tìm thấy những lời giáo huấn tương tự. Ngài viết cho giáo đoàn Rôma: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người.” (Rm 12,1). “Anh em đừng dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều bất chính, phục vụ cho tội lỗi nữa. Trái lại, anh em là những người sống đã từ cõi chết trở về, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa” (Rm 6,13). Theo thánh Phaolô, hành trình từ sự chết đến sự sống được thực hiện thông qua bí tích Rửa tội. Đó là thanh tẩy trong cái chết của Đức Kitô. Thật thế, chúng ta được mai táng “với Đức Kitô. Bởi thế, cũng như Đức Kitô đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,3-4).
         
Thánh Phêrô nói về “những viên đá sống động” xây lên “ngôi đền thờ thiêng liêng”, tương tự, về phần mình, thánh Phaolô cũng sử dụng hình ảnh ngôi nhà khi ngài nói: “Anh em là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên” (1Cr 3,9), và tiếp đó, Ngài còn khuyên cộng đoàn Côrintô: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1Cr 3,16). Sau nữa, Ngài còn thêm ý này nhằm trả lời cho chính câu hỏi của mình đặt ra: “Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em” (1Cr 3,17).
         
Thánh Phaolô lại khẳng định  với chúng ta trong thư của Ngài gửi giáo đoàn Thessalonica : Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh. (1 Tx 4, 3)
         
Và, điều này chính là điều mà ta nghe chính từ miệng Chúa Giêsu : Vậy các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo".  (Mt 5, 48). Và rồi mỗi chúng ta được mời gọi nên thánh là “sống hoàn thiện như Cha trên trời”, trở nên giống Đức Kitô bằng cách sống yêu thương và chu toàn bổn phận.
         
Khi chịu phép Rửa tội, người tín hữu không những được rửa sạch mọi tội lỗi mà còn trở nên “một thụ tạo mới” (2 Cr 5,17), thành nghĩa tử của Thiên Chúa (x. Gl 4,5-7), “được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4), thành chi thể Đức Kitô (1 Cr 6,15; 12,27) và thành đền thờ Chúa Thánh Thần (1 Cr 6,19). Nói cách khác, nhờ phép Rửa, người Kitô hữu đã chết đối với tội lỗi để sống một cuộc sống mới. Đó là cuộc sống làm con cái Chúa Cha trong Chúa Giêsu Kitô, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Bởi vậy, mọi Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh: “Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em, vì có lời Kinh Thánh chép: Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh” (1 Pr 1,15-16).
         
Mọi người còn nhớ ngày 6-6-2021 vừa qua, nhân dịp lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Đức Tổng Giám Mục Saigon Giuse Nguyễn Năng đã viết một thư gửi các linh mục trong Tổng Giáo phận với chủ đề “Linh mục nên thánh”. Mở đầu lá thư, Đức Tổng Giuse nhắc lại sự kiện là Đức Thánh GH Gio-an Phao-lô II đã đặt lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su là ngày cầu xin ơn thánh hóa các linh mục và ngài đã nhấn mạnh: “Hơn ai hết và trước mọi người, các linh mục nên thánh để giúp Dân Chúa nên thánh.”  
         
Việc nên thánh không phải chỉ dành riêng cho các linh mục và tu sĩ mà còn dành cho mọi tín hữu. Thánh Phanxicô Salêsiô nói: “Mọi giáo dân đều được mời gọi nên thánh và họ có thể nên thánh như là chồng, là vợ, như là nông dân, là công nhân, là lính, là thương gia, y sĩ, thầy giáo, nghĩa là theo đủ mọi ngành nghề và hoàn cảnh trong xã hội”. Công đồng Vaticanô II nhắc lại: “Tất cả các Kitô hữu, bất kể thuộc bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của Đức Ái “. “Đạt tới viên mãn của đời sống Kitô giáo và sự trọn lành của Đức Ái”, đó chính là nên thánh
         
Và như vậy, không còn điều gì khác đó chính là việc : Mọi Kitô hữu đều có bổn phận nên thánh trong bậc sống của mình.

 

Tác giả bài viết: Lm. Anmai, CSsR

 Tags: Suy tư, Mục vụ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây