Cộng Đoàn Giuse – Trà Kiệu

Thứ năm - 14/09/2023 21:05 518 0

CỘNG ĐOÀN GIUSE - TRÀ KIỆU
Bổn mạng: Thánh Giuse, kính ngày 19.3

I. ĐỊA CHỈ
Nhà Thờ Trà Kiệu,
Thôn 1, Duy Sơn, Duy Xuyên, Quảng Nam
(: 097.902.2754

Email: mtgqntrakieu@gmail.com

II. LƯỢC SỬ

Nguyên tại Trà Kiệu có Nhà phước Mến Thánh Giá Trà Kiệu và Cộng đoàn Mến Thánh Giá Qui Nhơn. Năm 2009, Hội dòng chính thức sáp nhập 2 cộng đoàn làm một, lấy tên gọi chung là Cộng đoàn Trà Kiệu.


Nhà Phước Trà Kiệu đã được thành lập từ nửa cuối thế kỷ 18 (1777). Trải qua thời gian, các dì gặp nhiều khốn khó, phân tán, trốn tránh trong các cuộc bách hại. Sau Công đồng Gò Thị (1841), Đức cha Cuenot Thể tái lập các Nhà phước trong Địa phận, trong đó có Nhà phước Trà Kiệu[1]. Thời ấy sứ mạng của các dì là chăm sóc cô nhi và rửa tội cho trẻ em nguy tử. Đến thời cha Louis Marie Galibert Lợi, cha sở Trà Kiệu (1869-1877), cha đã xây mới Cô Nhi viện để đủ chỗ cho các em sinh hoạt.

 

Năm 1885, quân Văn Thân tràn vào đốt phá Nhà phước. Các dì đã anh dũng xông vào dập lửa và chống đuổi quân Văn Thân để bảo vệ Nhà phước. Trong biến cố này, một dì đã hy sinh vì bị trúng đạn. Ngay lúc đó, Cố Nhơn và anh chị em giáo dân đến tiếp cứu. Thấy giáo dân gan dạ, quân Văn Thân tháo chạy. Nhờ đó, Nhà phước và nhà xứ đã thoát khỏi lửa thiêu.

Năm 1921, cha Augustin Tardieu Phú, cha sở Trà Kiệu (1916-1921), trùng tu cơ sở Nhà phước. Ngài cho xây hai dãy nhà hai bên bằng gạch, lợp ngói cho các dì sinh hoạt, ở giữa ngài xây một ngôi nhà nguyện nhỏ theo lối kiến trúc Á Đông. Các dì vẫn tiếp tục công việc chăm lo cho các em cô nhi. Ngoài ra, các dì còn có một danh hiệu là những “chuyên viên rửa tội trẻ em nguy tử”. Các dì không tu phục riêng, chân mang dép mo cau với đôi quang gánh trên vai chứa nhiều thứ thuốc nam, đi vào các làng hẻo lánh để bán thuốc, rửa tội cho những trẻ hấp hối, và gánh những trẻ bị bỏ rơi về nuôi dưỡng. Nhà phước Trà Kiệu từ xa xưa đã từng làchuyên gia” rửa tội trẻ em ngoại giáo. Trên những con đường làng hay những đường mòn hẻo lánh của phía nam và trung tâm Quảng Nam, người ta luôn gặp Dì Vân, một nữ tu đứng tuổi và một đứa trẻ mồ côi nữ đi cùng. Dì gánh đôi thúng có nhiều thứ, đặc biệt là những viên thuốc santonin [loại thuốc được phát triển vào đầu thế kỷ 19 dùng để tẩy giun tròn, giun kim] và một chai nước lã sạch "aqua simplex". Dì dùng chai nước để rửa tội cho những trẻ em nguy tử, qua đó dì đã đưa về thiên đàng một số lớn trong số dì đã rửa tội. Dù đã trên dưới bốn mươi tuổi, nhưng dì Vân đã rảo bước khắp mọi nẻo đường Quảng Nam mà không hề nghĩ đến cái quyền được nghỉ ngơi đôi chút[2].

 


Cộng đoàn Mến Thánh Giá Qui Nhơn tại Trà Kiệu

Cha Paul Valour Lực, cha sở Trà Kiệu (1938-1944), xây dựng Trường Quốc ngữ cho Giáo xứ Trà Kiệu. Trường đã xây xong với 02 lớp học, nhưng tìm thầy dạy quá khó khăn. Cha Valour Lực nại đến Đức cha Tardieu Phú, nguyên cha sở Trà Kiệu, can thiệp với Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn cho các nữ tu về dạy học ở Trà Kiệu.

Ngày 02.10.1940, 4 nữ tu Mến Thánh Giá Qui Nhơn đã đến Trà Kiệu. Cố Lực giao Trường Tiểu học Têrêsa và Nhà Cô nhi cho các nữ tu Mến Thánh Giá Qui Nhơn quản lý. Niên khóa đầu tiên được khai giảng vào năm 1940-1941 với hai lớp học.

Ngoài việc phụ trách trường học, chị Agnès Gertrude Huỳnh Thị Vỹ, Phụ trách cộng đoàn, cùng các chị em bắt tay vào việc chỉnh đốn, mở mang thêm cơ sở Cô Nhi viện dưới sự h trợ của cha Pierre Jeanningros Vị, cha sở Trà Kiệu (1949 -1953). Cô Nhi viện lúc này không chỉ nuôi dạy các trẻ em mồ côi mà còn nuôi dưỡng những người già yếu, tàn tật không phân biệt tôn giáo. Vì thế, ngày 16.6.1956, Cô Nhi viện được đổi thành “Sở Dục Anh Trà Kiệu” có quy chế hoạt động và được sự trợ giúp thêm của quỹ Cứu trợ Xã hội. Bên cạnh việc điều khiển Trường Tiểu học Têrêsa, các chị còn tham gia công việc giáo xứ như: phụ trách ca đoàn, dạy giáo lý tân tòng, giáo lý xưng tội - rước lễ, phục vụ việc nhà thờ, trông coi ruộng đất nhà chung và vào các thôn làng hẻo lánh để thăm nom những người nghèo khổ neo đơn, bệnh tật.

Năm 1958, Đức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn quyết định hợp nhất các Nhà phước Mến Thánh Giá trong Giáo phận thành một Dòng Mến Thánh Giá duy nhất dưới sự điều hành của Mẹ Bề trên Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn.
Trong khi sáp nhập, các dì ở các Nhà phước tự do chọn lựa, có thể ở lại Nhà phước hoặc vào Nhà tập của Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn. Kể từ đây, tại Trà Kiệu có 2 cộng đoàn Mến Thánh Giá cùng trực thuộc Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn.

CỘNG ĐOÀN TRÀ KIỆU

Sau ngày đất nước thống nhất (30.4.1975), Trường Têrêsa và Cô Nhi viện phải giao cho chính quyền quản lý. Các nữ tu phải tổ chức lại cuộc sống để thích nghi với hoàn cảnh mới, chủ yếu lao động chân tay: làm ruộng, rẫy, vườn, chăn nuôi, thêu may, dệt vải, vấn thuốc, đan giỏ, mành trúc, chằm nón và các loại bánh … để kiếm sống.

Năm 1990, tình hình xã hội có nhiều đổi mới. Các nữ tu tại Cộng đoàn Trà Kiệu bắt đầu công việc nuôi dạy trẻ, vừa giáo dục các em vừa tìm cách sinh sống.

Năm 2000, cơ sở Nhà phước được trùng tu. Và kể từ đây, 2 cộng đoàn ở Trà Kiệu bắt đầu mở cửa đón khách hành hương.

Ban đầu, việc tiếp đón khách hành hương chỉ thực hiện vào mỗi dịp cuối tháng 5, trong những ngày Đại hội Đức Mẹ Trà Kiệu. Về sau, thêm những ngày giữa tháng 8, khách hành hương Đức Mẹ La Vang có dịp cũng về thăm Mẹ Trà Kiệu và nghỉ ngơi tại nhà khách của cộng đoàn. Mật độ tiếp đón mỗi ngày một tăng dần.

Đến năm 2002, lớp dạy trẻ được chuyển lên Nhà phước, để có khuôn viên phù hợp với việc nuôi dạy trẻ, vừa có thêm không gian để có thể tiện lợi hơn cho cộng đoàn trong viêc tiếp đón khách hành hương. Vì nhu cầu tiếp đón khách hành hương ngày một tăng, nhưng nhà cửa Cộng đoàn Trà Kiệu quá chật hẹp, các chị sắp xếp lại phòng ốc và cho xây thêm một dãy nhà dài phía sau cơ sở cộng đoàn, có khu vực vệ sinh riêng để tiện việc tiếp đón. Nhờ sự khích lệ của Đức cha Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh cùng cha quản lý Giáo phận Đà Nẵng đã tạo điều kiện về tinh thần cũng như vật chất trong việc xây dựng thêm cơ sở dành cho khách hành hương tại Trà Kiệu. Đặc biệt những lần viếng thăm cộng đoàn, Đức cha luôn quan tâm và nhắn nhủ: “Chị em hãy phục vụ với tinh thần vui tươi, mang đậm nét đơn sơ, chân thành của người nữ tu Mến Thánh Giá để phục vụ quê hương Việt Nam, cũng như truyền giáo cho lương dân.”

Năm 2004, cha Giuse Châu Ngọc Tri, cha sở Trà Kiệu là người có nhiều sáng kiến trong việc đổi mới về đời sống mục vụ cũng như thao thức về đời sống thiêng liêng cho con người trong thời đại mới. Cha nhận thấy tầm quan trọng của bí tích Thánh Thể là trung tâm của đời sống đức tin người Kitô hữu nên đã ngỏ ý với Hội dòng về Nhà phước Trà Kiệu. Ngài đã thỉnh nguyện lên Tòa Thánh và chọn Nhà nguyện Nhà phước làm Trung tâm Thánh Thể của Giáo phận, đặt Mình Thánh Chúa 24/24 để giáo dân Giáo xứ Trà Kiệu cũng như khách hành hương luân phiên đến Viếng Thánh Thể.


Một nét đẹp tại Nhà nguyện Thánh Thể do sáng kiến của cha Giuse đó là vào lúc 5giờ chiều mỗi ngày: cha Sở, cha Phó, thầy xứ, quý soeurs hai dòng Phaolô và Mến Thánh Giá cùng nhau cử hành giờ Kinh Phụng Vụ chung trước Thánh Thể. Nhờ sức mạnh tình yêu nơi Thánh Thể đã biến đổi và nối kết tình thân giữa vị mục tử, quý chị em hai Dòng sống trong tình thân tương trợ yêu thương, ba nhà như một, cùng chia sẻ cho nhau nải chuối, trái bắp, nắm rau…quý soeurs Phaolô dạy tiếng Pháp cho chị em Mến Thánh Giá vào những buổi chiều Chúa Nhật, tổ chức những buổi dã ngoại chung… tất cả đã in dấu ấn đẹp trong lòng chị em phục vụ tại đây[3].
 


Các chị em ở giữa bà con như là muối, men. Ngoài công việc của cộng đoàn, chị em tranh thủ thời gian thăm viếng mọi người, không phân biệt lương giáo, mỗi bước chân của chị em rong ruổi mọi ngõ ngách của thôn xóm đến với người dân bằng nụ cười, lời hỏi thăm, lắng nghe câu chuyện, giúp đỡ họ những khi cần thiết, của ít lòng nhiều chủ yếu lời động viên, khích lệ. Nhất là luôn hiện trong lúc đau thương chia lìa, chia sẻ bằng sự hiện diện, cầu kinh, cái nắm tay chung chia làm cho nỗi đau mất mát được vơi đi và sự đồng cảm, gắn bó được nhân lên.

Bên cạnh đó, cộng đoàn cũng quan tâm đến việc tạo mối tương quan tốt với các tôn giáo bạn. Đến gần ngày lễ Phật Đản, các cha, các soeurs, hội đồng giáo xứ đến thăm các Chùa ở chung quanh và được họ đón tiếp rất gần gũi, chân tình. Điều này góp phần tạo sự hài hòa trong đời sống giữa bà con giáo dân với anh chị em Phật tử trong giáo xứ.

Từ năm 2007, các dì ở tại Nhà phước dần già yếu, phải về Qui Nhơn nghỉ bệnh. Các chị em ở cộng đoàn Trà Kiệu chia nhân sự làm việc ở hai nơi, nhưng vẫn cùng chung chương trình sinh hoạt. Tuy chưa thành văn bản nhưng từ đây, hai cộng đoàn đã được sáp nhập làm một.

Năm 2009, mở đầu một nhiệm kỳ mới, Hội dòng chính thức sáp nhập 2 cộng đoàn làm một, lấy tên gọi chung là Cộng đoàn Trà Kiệu.

Trà Kiệu là vùng đất thường hay bị bão lụt, do đó cơ sở cộng đoàn dần dần được chỉnh trang, trùng tu, xây mới để có thể giảm thiệt hại do bão lụt và thuận lợi hơn trong việc sinh hoạt cộng đoàn.

Hiện tình:
Nhân sự: 6 Khấn sinh.
Bên cạnh những sinh hoạt vì cuộc sống, các chị em là những cộng tác viên đắc lực với cha quản xứ, với Giáo xứ Trà Kiệu cũng như giáo họ Chiêm Sơn trong sứ vụ tông đồ ở các lĩnh vực:
- Mục vụ giáo xứ:
dạy giáo lý, hướng dẫn ơn gọi, phục vụ phòng thánh, cắm hoa, ca đoàn, dâng hoa, dâng của lễ, hoạt cảnh, hướng dẫn lễ sinh, giúp chủ tế trao Mình Thánh Chúa, đưa Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân. Đặc biệt, phục vụ ngày Đại Hội Đức Mẹ Trà Kiệu 31.05 hằng năm.
- Giáo dục: dạy lớp trẻ mầm non, lớp đàn, nhận nuôi bán trú và nội trú, lớp dự tu.
Nuôi dạy các em cô nhi (cô Hoàng và cô Lan) nay đã hơn 50 tuổi vẫn còn sống trong sự bảo bọc của chị em tại Cộng đoàn Trà Kiệu.
- Bác ái - xã hội: thăm viếng an ủi, khích lệ người già cả neo đơn và giúp đỡ vật chất cho các em học sinh nghèo vùng quê.

PHỤ TRÁCH CỘNG ĐOÀN  
 
 Bốn chị đầu tiên về Trà Kiệu năm 1940
  1. Chị Anê Gertrude Huỳnh Thị Vỹ
  2. Chị Maria Julienne Nguyễn Thị Phi Hồng
  3. Chị Anna Agathe Trần Thị Kim Liên
  4. Chị Anê Laurentine Nguyễn Thị Hoàng

Các chị Phụ trách Cộng đoàn Trà Kiệu từ năm 1940 đến nay (2021).
 
- Năm 1940 – 1958 : Chị Anê Gertrude Huỳnh Thị Vỹ
- Năm 1958 – 1959 : Chị Anna Lucile Trần Thị Rạng
- Năm 1959 – 1964 : Chị Anna Colette Phùng Thị Diệu
- Năm 1964 – 1966 : Chị Anna Colombe Nguyễn Thị Kim Sang
- Năm 1966 – 1968 : Chị Maria Placidie Huỳnh Thị Tính
- Năm 1968 – 1971 : Chị Anastasia Nguyễn Thị Phú
- Năm 1971 – 2001 : Chị Anne Isabelle Huỳnh Thị Xứ     
- Năm 2001  – 2009 : Chị Isave Angéline Nguyễn Thị Luyện
- Năm 2009 – 2013          : Chị Macta Nguyễn Thị Trung
- Năm 2013 – 2016 : Chị Maria Nguyễn Thị Bạch Vân
- Năm 2016 – 2019          : Chị Anna Ngô Thị Ngọc Thu
- Năm 2019 –        : Chị Anna Nguyễn Thị Ái Vy
Các chị Phụ trách Nhà phước Trà Kiệu (1958 - 2008)

- Năm 1958 – 1964          : Chị Anê Berthe Đỗ Thị Điệp
- Năm 1964 – 1972          : Chị Maria Candide Trần Thị Bích Liên
- Năm 1972 – 1976 : Chị Maria Mađalêna Rosa Trần Thị Bản
- Năm 1976 – 1978          : Chị Anna Claire Thái Thị Xuyên
- Năm 1978 – 1996 : Chị Maria Mađalêna Rosa Trần Thị Bản
- Năm 1996 – 1997          : Chị Isave Brigitte Nguyễn Thị Trọn
- Năm 1997 – 1999          : Chị Anna Delphine Lê Thị Tài
- Năm 1999 – 2007 : Chị Maria Mađalêna Rosa Trần Thị Bản
- Năm 2007 – 2008          : Chị Têrêsa Cyrilla Nguyễn Thị Cảnh
        
III. THAY LỜI KẾT

Điểm đặc biệt nơi Cộng đoàn Trà Kiệu là mỗi dịp 31.5 về, cùng với giáo xứ, chị em cố gắng tập luyện, chuẩn bị cho ngày đại hội với mong muốn để giúp con cái Mẹ từ muôn phương trở về, cảm nhận hơi ấm tình Mẹ Trà Kiệu qua những lời ca, điệu múa, dâng hoa, diễn nguyện tôn vinh Mẹ. Dòng thời gian cứ mãi vần xoay và tình yêu Chúa qua lời bầu cử của Mẹ Trà Kiệu vẫn còn in đậm dấu ấn trong tâm hồn mỗi người khi có dịp đến với Mẹ, rất nhiều giọt nước mắt vui mừng sung sướng và cũng là những giọt nước mắt biết ơn Mẹ.

Được ở gần Mẹ Trà Kiệu các chị em nhận thấy mình thật diễm phúc vì được ảnh hưởng lòng đạo đức của giáo dân ở đây. Bà con siêng đi lễ và lần hạt sáng chiều. Các chị em có động lực mỗi ngày lần chuỗi nhiều hơn. Các chị phú dâng mọi công việc của cộng đoàn, nhất là việc tông đồ cho Mẹ để được sự soi sáng, hướng dẫn và đồng hành của Mẹ Thiên Chúa.

Từ khi thành lập đến nay, các nữ tu Mến Thánh Giá Trà Kiệu luôn đồng hành cùng với giáo xứ trong các công tác mục vụ về đức tin, giáo dục và bác ái xã hội. Đặc biệt cho đến hôm nay, các thế hệ lớn tuổi, không chỉ giáo dân Trà Kiệu mà hầu hết người dân ở đây luôn nhắc đến những năm tháng mình được các soeurs dạy học tại Trường Têrêsa của giáo xứ.

Nhìn lại những chặng đường đã qua, Cộng đoàn Trà Kiệu chỉ biết dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Vì Chúa luôn hướng dẫn, dắt dìu chúng con qua bao thăng trầm của cuộc sống. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Trà Kiệu, xin Chúa tiếp tục ban ơn để chúng con đủ sức tiếp nối truyền thống của các Bà các Dì đi trước, hết sức mình phục vụ Chúa và những anh chị em Chúa gửi đến cho chúng con.
 
 
 
[1] Xem R.P. TARDIEU, Hạnh Đức Cha Thể, Imp. Làng Sông 1907, trang 43.
[2] Xem Société des Missions – Étransgères, Compte-rendue des travaux 1922, trang 106.
[3] Lúc này Cộng đoàn Dòng Phaolô còn ở trong khuôn viên của nhà xứ Trà Kiệu.

Tác giả bài viết: Ban Văn Hóa

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây