Bài văn đạt giải Ba

Thứ sáu - 05/11/2021 02:23 1.096 0
 


 
BẮT ĐẦU RỒI LẠI BẮT ĐẦU
(Giải Ba)


“Lên xe, Dì chở con đi thăm vài nhà gần đây”.
 
Chiếc xe bắt đầu băng băng trên con đường quen thuộc hằng ngày nó đi qua. Hai bên đường, đan xen những cây bàng cổ thụ, có những ngôi nhà có cổng bông hoa giấy rực rỡ, rồi nhà cao nhà thấp, những hàng quán tấp nập, xem ra cũng náo nhiệt. Có nhà rất bề thế, ba lầu, cửa kính cường lực, thiết kế kiểu Pháp, trang trí chậu cảnh rất nhiều. Bên ngoài đẹp vậy, còn bên trong nhìn thoáng vào thì thấy toàn những đồ đắt tiền, ti vi, tủ lạnh đều lớn, thiết kế lại sang trọng, chắc là giàu, có điều kiện. Cạnh căn nhà đẹp kia, vẫn còn rất nhiều căn nhà chỉ có mái tranh gọi là chỗ để trú nắng mưa. Thế nhưng cái nó quan tâm hơn là “căn nhà” bên trong của mỗi người như thế nào. Mọi người chắc sẽ nói nó điên, suy nghĩ kỳ cục! Thời đại hôm nay nếp sống đầy đủ là chuyện thường, ngoài cái đủ ăn, đủ mặc, đủ dùng thì còn phải “đẹp, sang, đẳng cấp”, nên như thế có là gì! Còn “lương tâm” thì không bằng “lương tháng”! Đời sống hôm nay là vậy, là một người trẻ thế hệ 9x nó cũng không tránh khỏi những tham vọng và đầy mơ mộng, chỉ chăm chút bên ngoài, mà quên chăm lo “căn nhà” nội tâm của mình.

Một người có “căn nhà nội tâm” đẹp là người biết căn nhà mình có gì, đang thiếu điều gì, và sắp xếp như thế nào cho đẹp. Mà cuộc sống không dễ dàng để nhìn thấy được điều đó. Nó cũng vậy, nó chỉ thấy căn nhà của người khác, để soi mói, để trầm trồ, để chê bai, thậm chí còn tự ý sắp xếp căn nhà của ngươi khác theo ý muốn của nó. Thật vậy trong đời sống tu trì, mỗi ngày, mỗi người luôn có những khoảng thời gian để xét mình, để biết và thấy rõ mình, với những gợi ý rõ ràng qua những va chạm của cuộc sống. Đáng tiếc thay những việc đó đôi khi bị bỏ qua, lướt qua, hoặc có nhìn thấy thì cũng chỉ thấy được của… người bên cạnh!

Chợt Dì Nhất dừng xe trước một căn nhà: “Lấy hai bì gạo lức nha con”. Tỉnh lại thôi, đừng suy nghĩ vu vơ nữa. Nó được ghé thăm những ngôi nhà không đẹp, không sang, không đẳng cấp, chỉ đủ ở, đủ dùng. Ở đó người thì mù, người thì què, người thì phải bon chen với cuộc sống trên chiếc xe đạp chở đồ mướn với giá bảy nghìn đồng trên một lần chở. Xung quanh nhà chỉ toàn nhôm nhựa, có những thùng nước hỏi ra mới biết để dùng hằng ngày mà sao đục quá vậy, mương nước thì toàn rác, nước thì đen, lại nhiều lăng quăng. Ôi! Cuộc đời sao quá cực, quá khổ vậy, thật là xót! “Đi ra, đi ra vùng ngoại biên”, lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Phanxicô khiến nó cảm thấy thấm, thấm trong tim như máu chảy trong người.

Lời nào có thể diễn tả hết tâm tư, dẫu có diễn tả cũng không hết nỗi niềm của nó. Chắc ai đó sẽ nghĩ nó nói ba cái chuyện xưa ơi là xưa, biết rồi khổ quá nói mãi, nhưng có lẽ ra đi mới thấy, thấy còn nhiều người không đủ tiền để ăn một bữa cơm cho đủ chất, hay bộ đồ cũ đã nhiều chỗ khâu vá mà chưa thể bỏ. Thấy mới hiểu, hiểu thêm hơn những cảnh đời mà nâng đỡ nhau. Hiểu mới yêu, yêu vì tâm hồn lương thiện của họ, không tranh giành, không hận thù, gian dối. Khi chuyện trò họ cười thật tươi, khi được quà họ mừng rỡ và trân trọng, khi nhắc đến nỗi đau họ trầm ngâm rồi nói: “Tôi không chọn được nơi tôi sinh ra, nhưng tôi có thể chọn được cách tôi sống, và đặt niềm tin nơi Đấng trên cao”. Đó là “căn nhà” theo nó vừa đẹp vừa đáng tôn trọng. Mỗi người chỉ cần mở lòng ra, thêm chút bác ái hy sinh, giúp đỡ là cách trang trí thêm cho “căn nhà” của mình và của người khác. Cũng thế, nền móng của căn nhà phải được xây trên đá, đó là sự khiêm tốn, là sự nhạy bén, là những câu nói dịu dàng, dễ nghe; đó là sự quan tâm, cảm thông, và nhất là niềm tin được đặt đúng nơi để khỏi bị lung lay trước những cơn giông tố luôn xảy đến với mình.

Nhìn lại “căn nhà” của nó, được xây trên “mảnh đất” của Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, cũng chịu những trận “mưa gió”, có những khó khăn, hay khi ngập tràn trong nước mắt, giận hờn. Tuổi đời thì chưa cảm hết được những đắng cay của cuộc sống, nó muốn trốn chạy khi phải đối diện với những nghịch lý này. Bao năm qua “căn nhà” của nó luôn được trang trí qua những bài học, lời dạy, gương sáng của bao vị giáo sư. Nghĩ tới đó thôi, nó buồn cho chính mình, vì tưởng “căn nhà” của nó kiên vững lắm, nhưng vẫn chưa đủ khiêm tốn để có thể chấp nhận, chưa biết bỏ đi những thói ích kỷ, tự ái, và nhất là chưa đặt trọn tình yêu vào Chúa. Bên cạnh nó, cũng còn nhiều “căn nhà” của chị em còn thiếu thốn, vậy sao nó chưa một lần hỏi thăm, hay một lần giúp đỡ. Ở chung một “căn nhà” Hội Dòng, nhưng sao cô đơn, lạnh lẽo và trống trải đến thế, chắc có lẽ nó thiếu đi một tình thương chân thành mà chính nó đã đánh rơi. Đôi khi điều hạnh phúc luôn ở ngay bên cạnh mà nó không nhận ra.

Càng trở về với lòng mình, nó càng suy nghĩ nhiều hơn về chọn lựa của chính nó. Một ngày nọ nó đọc hành trình từ Pháp đến miền truyền giáo của Đức Cha Lambert, Đấng sáng lập Dòng Mến Thánh Giá. Trong quyển sách “350 năm Dòng Mến Thánh Giá, từ An Chỉ đến Qui Nhơn” có thuật lại những những sứ vụ đầy gian khó và hiểm nguy, nhưng vì Đức Cha đã xây cho mình một tâm hồn vững chắc, biết đặt để và trang bị những gì cần thiết, nên có thể đứng vững và kiên cố hơn, dù qua bao cuộc cấm đạo, hay bị vỡ thuyền, hoặc đi qua sa mạc nắng nóng, lạnh run. Đức Cha đã hoàn tất con đường loan báo Tin mừng Chúa muốn nơi Ngài. Nhờ “ngôi nhà” của Đức Cha mà có biết bao tâm hồn được trú ẩn, bắt chước. Từ đó, nó như có thêm động lực. Tuy nhiên, làm thế nào để nó có thể giữ mãi được cảm xúc, tinh thần này? Sao cho lòng nó cháy bừng lửa khát khao xây được “căn nhà nội tâm” giàu lòng thương, và phục vụ như Ngài?
 
Thiết tưởng nói rồi cũng xong, chỉ nghĩ thôi thì sẽ trở nên ấu trĩ, phải hành động vì niềm khát khao ấy. Nó phải ra đi, đi đến với những hoàn cảnh, những con người đầy khổ đau để quan tâm, động viên họ, biết sử dụng thời gian, của cải cách hợp lý để có thể giúp họ. Phải đọc, học theo cuộc đời của Đức Cha Lambert, để có thể hiểu, yêu và sống. Muốn ngôi nhà đẹp thì phải luôn dọn dẹp, tu bổ, muốn đời sống nội tâm của mình ngày càng triển nở, có thể nhận ra Thánh Ý Chúa trong các biến cố, biết buồn trước nỗi đau của tha nhân, biết cảm thông, chấp nhận trước những nghịch cảnh, thì chính nó phải trung thành, siêng năng đến với Chúa. Phải chiến đấu với con người đầy tính xác thịt này nhiều hơn, vì chẳng có con đường vinh quang nào mà không qua thập giá.
 
Hôm nay, nó bắt đầu để ý đến cách trang trí “căn nhà” của nó hơn, khi cảm nhận được sự phục vụ. Lần đầu tiên nó ra đi với sứ vụ rõ ràng, cảm nghiệm thực tế và một cảm xúc đầy chân thật cùng với lửa nhiệt huyết phục vụ tràn đầy. “Căn nhà” nó bắt đầu trở lại như mặt trời thức dậy mỗi ngày xoá bóng đêm của ích kỷ, hơn thua, kiêu ngạo để toả sáng sự chia sẻ, cảm thông và tôn trọng. “Căn nhà” cũng dần chuyển sang màu hồng phai, điểm sương màu chấm xanh của hy vọng.

Có câu: “Bạn sinh ra là một nguyên bản, đừng chết đi như một bản sao”. Nó cũng cùng lý tưởng ấy nên can đảm phá đi những ảo tưởng, để Chúa có thể xây cho nó “ngôi nhà mới” đầy yêu thương, vì Nước Chúa không bao giờ lụi tàn. Nó tin rằng ơn Chúa luôn tuôn đổ và mọi việc do Chúa làm. Năm mươi năm sau không biết nó có còn tồn tại trên trần gian này hay không, nhưng chắc chắn lịch sử của Hội Dòng vẫn luôn tồn tại, lưu giữ những gì tốt đẹp của giây phút này, những điều thánh thiện ngay thời điểm này. Điều quan trọng hơn nữa, là mỗi ngày chính nó phải tự khám phá ra “căn nhà” của mình, để biết mình nhiều hơn, và hoàn thiện “căn nhà” ấy. Nó cũng sẽ góp thêm trang lịch sử của Hội dòng bằng những sứ vụ mà nó được giao phó, sống yêu thương. Bổn phận của yêu thương là một chuỗi dài những cuộc bắt đầu. Bắt đầu, rồi lại bắt đầu, biết khiêm tốn “bắt đầu” lại mãi mãi.

Có những lúc nó tự hỏi: Ngay lúc này, với tất cả thực tại hiện có, tôi có thể làm gì để tận hiến cho Thiên Chúa của tôi? Tại đây, lúc này tôi sẽ dấn thân thế nào, để phục vụ tha nhân của tôi bằng một tình yêu tối đa chân thành nhất? Nó sẽ đi vào dòng lịch sử một cách can đảm, bắt đầu hành động từ những điều tốt sẵn có, tích cực sống Đặc sủng Mến Thánh Giá, sống sứ mạng chuyển cầu trong nguyện đường và trong cuộc sống. Nó sẽ hết lòng phục vụ tha nhân qua các lĩnh vực của Hội dòng với tình yêu lớn lao dành cho Đức Kitô chịu đóng đinh.

Dù ngoài kia đang có những cảnh đời khổ đau, hay trong đời sống này có những thách đố đi chăng nữa, nhiệm vụ của nó là chọn tha nhân và Thiên Chúa, nó phải “chết đi trong chính mình”. Bước những bước nhỏ để đi vào nội tâm và bước những bước nhỏ đi ra dấn thân, trung thành bước như thế là cách đến gần Chúa và tha nhân. Thiết tưởng một khi nó ưu tiên chọn Chúa, thì chính Chúa sẽ lo cho nó.

         

Tác giả bài viết: Têrêxa Đỗ Thị Thanh Thoa

 Tags: Năm thánh

Tổng số điểm của bài viết là: 17 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4.3 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây