Chỉ có một tình yêu

Thứ bảy - 28/10/2023 01:22 335 0
 

CHỈ CÓ MỘT TÌNH YÊU


Dành một chút thời gian dừng lại đọc những vầng thơ của Xuân Diệu tình cờ tôi bắt gặp 4 câu thơ trong bài “Tình thứ nhất”:

Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất,
Anh cho em, kèm với một lá thư.
Em không lấy, và tình anh đã mất
Tình đã cho không lấy lại bao giờ.
         
Vâng! Tình cho đi không lấy lại bao giờ phải chăng đó là tình yêu chung thuỷ và trọn vẹn! Thật ra, tình yêu luôn mang tính “độc hữu”; trong tình yêu chỉ có một mà không có hai, tuy hai nhưng là một và chỉ một mà thôi. Chính ngôn sứ Hôsê đã diễn tả chiều kích “tình yêu độc hữu” này giữa Thiên Chúa và dân Israel:
Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi từ khi ngươi còn ở đất Ai-cập. Ngoài Ta ra, ngươi không được biết thần nào khác, chẳng có vị cứu tinh nào khác ngoại trừ Ta” (Hs 13,4).

         
Không phải vô tình hay một chút ngẫu hứng mà tác giả đã viết lên những vầng thơ lãng mạn và dứt khoát như thế, nhưng có lẽ, nhà thi sĩ mệnh danh là “ông hoàng của thơ tình” đã trải nghiệm và chiêm nghiệm rất thật, rất sâu về “tình yêu”. Vì thế, những vầng thơ tình của ông luôn đưa người đọc vào một thế giới tình yêu đầy màu sắc với những cung bậc cảm xúc khác nhau.


“Em không lấy và tình anh đã mất. Tình đã cho không lấy lại bao giờ”. Những câu thơ đơn sơ, mộc mạc diễn tả một tình yêu đơn thuần với một trái tim nóng bỏng, khát khao được chạm đến một tình yêu đích thực và trọn vẹn.

Đã là người, ai lại không ao ước có được một tình yêu như thế, huống chi Xuân Diệu, một thi sĩ, mẫu người luôn nhạy cảm với “chữ tình”, chắc chắn ông cũng khát khao có được một tình yêu chung thuỷ và trọn vẹn. Hơn nữa, bằng ngòi bút và ngôn ngữ thi ca, ông không khát khao cho riêng mình nhưng cho những ai khao khát đi tìm một tình yêu lý tưởng.

Với tôi, người tu sĩ, lẽ nào tôi lại không khát khao và tìm kiếm một tình yêu đích thực như thế; và Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh lẽ nào Ngài không trông chờ nơi người nữ tu Mến Thánh Giá một trái tim tinh tuyền và trọn vẹn cho Ngài sao?

Khát vọng yêu và được yêu là một nhu cầu chính đáng và bản năng của con người. Thiên Chúa là tình yêu nên khi con người được tạo dựng nên giống hình ảnh Chúa, con người cũng mang lấy bản tính của tình yêu, có khả năng yêu thương và đón nhận tình yêu.

Ngày nay, chúng ta, những người sống đời thánh hiến, đang đối diện, sống và hoạt động trong cơn lốc của nền “văn hoá tiện nghi”, “văn minh kỹ thuật” và “tâm thức hưởng thụ”; một nền văn hoá bị bao vây và ngập chìm trong môi trường truyền thông đại chúng; một nền văn hoá mà trong đó con người đang tôn thờ bản năng tính dục; một xã hội mà nơi đó con người muốn vứt bỏ mọi quy tắc để làm điều mình thích, thích điều mình nghĩ và cho là đúng để quên đi hệ luỵ của những việc mình làm. Một nền văn hóa hưởng thụ và duy vật mà đây đó những người trẻ chọn lựa kiểu “sống thử trước hôn nhân”, “đậu gạo nấu chung”; hoặc tổ chức đám cưới đình đám, hoành tráng tưng bừng nhưng sau đó… thuận ở, bất đồng chia tay, li dị cách mau lẹ; đó là chưa tính những mối tình vụng trộm dai dẳng cho đến khi một ngày vỡ lẽ, gia đình tan nát và người gánh chịu hậu quả không ai khác chính là con cái. Hôn nhân không còn là mối dây liên kết thiêng liêng vĩnh cửu nữa mà thay vào đó chỉ là yêu cuồng, sống vội theo trào lưu của xã hội đua đòi, người ta sao mình vậy…

Đứng trước thực trạng xã hội như thế, người tu sĩ chọn lựa “tình yêu lý tưởng”, chọn cuộc đời dâng hiến thật khó biết bao! Thật vậy, tu sĩ, xét cho cùng, cũng chỉ là những con người bằng xương bằng thịt, cũng mang trong trái tim những khát vọng về tình yêu.

Thế nhưng, làm sao để tiếng nói mãnh liệt của “Tình Yêu Tuyệt đối” âm vang sâu đậm trong tâm hồn của người tu sĩ, làm sao để sự đáp trả lời mời gọi của Chúa bắng tình yêu tự hiến hy sinh, làm sao để biến đời thánh hiến trở thành “ngôn sứ của thời đại”… luôn là những nghi vấn và thách đố trên con đường sống đời thánh hiến, mà tông huấn "Vita Consecrata"  của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng quyết: Trong thế giới của chúng ta, những dấu vết của Thiên Chúa dường như bị xoá nhoà, nên người ta cảm thấy nhu cầu khẩn trương của một chứng tá ngôn sứ thật mãnh liệt từ phía những người thánh hiến. Tiên vàn chứng tá đó công bố vị thế tối thượng của Thiên Chúa và của những điều thiện hảo sắp tới, biểu lộ qua việc bước theo Đức Ki-tô - sequela Christi - và trở nên giống Đức Ki-tô trinh khiết, khó nghèo và vâng phục, hoàn toàn tận hiến cho vinh quang Chúa Cha và yêu thương anh chị em mình…” (ĐSTH 85).

Dưới lăng kính tình yêu của đời thánh hiến, trái tim người tu sĩ đẹp biết bao khi hiến dâng cho Đấng mình đã chọn và bước theo suốt cuộc đời. Trong mối dây liên kết ấy, người tu sĩ từng ngày âm thầm phục vụ Ngài bằng một tình yêu thuần khiết với một nét đẹp dịu dàng dễ thương, duyên dáng và trung thành bằng việc thực thi đức khiết tịnh thánh hiến, một chọn lựa, một lối sống mà rất nhiều người cho là điều không tưởng, nhưng lại là “lời chứng hữu hiệu và đích thực” của các tu sĩ: Lời đáp ứng của đời thánh hiến hệ tại trước tiên ở việc vui vẻ thực hành đức khiết tịnh hoàn hảo, như một chứng tá về quyền năng của tình yêu Thiên Chúa trong sự mỏng giòn của thân phận con người. Người tận hiến chứng nhận rằng điều mà đa số xem như không thể được lại trở nên có thể và thật sự mang lại tự do, nhờ ơn thánh của Chúa Giê-su. Đúng vậy, trong Đức Ki-tô, có thể yêu mến Thiên Chúa với hết cả con tim, đặt Người lên trên mọi mối tình, và yêu thương mọi thụ tạo với sự tự do của Thiên Chúa! Đây là một trong những chứng tá cần thiết cho hôm nay hơn bao giờ hết, chính vì thế giới ít hiểu được điều này. Chứng tá này dành cho mọi người - cho giới trẻ, cho những người đính hôn, cho những đôi vợ chồng, cho các gia đình Ki-tô giáo - để minh chứng rằng sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa có thể thực hiện những điều phi thường ngay giữa những thăng trầm của tình thương loài người…” (ĐSTH 88).

Trái tim người tu sĩ không khô cằn lạnh nhạt như có người đã từng nghĩ, tình yêu của người tận hiến không nhạt nhẽo, xơ cứng và vô vị… nhưng trái lại rất nồng nàn, ấm áp, uyển chuyển, sâu lắng và hoàn hảo. Vì để bước vào con đường dâng hiến trước tiên người tu sĩ phải có tình yêu đích thực và trưởng thành theo đúng bản năng của giới tính và phải là người của tình yêu: yêu Chúa, yêu hết mọi người một cách tự do. Yêu như Chúa yêu, không vụ lợi, không ép buộc, không thiên vị, không chiếm hữu.
 
Bản chất của tình yêu không xấu, nhưng cách yêu của chúng ta đã làm cho tình yêu ấy không còn đẹp, không còn nguyên vẹn trước mặt Thiên Chúa. Người tu sĩ không lãng mạng hóa tình yêu tự hiến của đời mình như Xuân Diệu “Tình cho đi không lấy lại bao giờ”, nhưng họ luôn nhận thức rằng: từng giờ, từng ngày trên hành trình theo Chúa, bằng cách này hay cách khác, với thân phận mỏng giòn, chắc chắn nhiều khi họ đã không trung tín với lời cam kết sống cho tình yêu Đức Kitô. Với một xã hội tiến bộ ngày nay không khó để người ta ta tìm gặp những mối tương quan tình cảm ngoài Chúa, ngoài những gì luật lệ cho phép, ngoài đường lối và linh đạo tu trì. Vì thế, việc sống đức khiết tịnh luôn là một thách đố gay gắt đối với tất cả những ai sống đời thánh hiến hôm nay vì: “Khiết tịnh là một vết thương không bao giờ khép miệng”. Hay nói như Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận: “Xác thịt luôn mỏng giòn, dù mặc áo gì, dưới lớp áo nào đi nữa thì dưới lớp áo vẫn là xác thịt”.


Ý thức được điều này những người sống đời thánh hiến cần làm chứng cho thế gian thấy rằng tình yêu của Thiên Chúa luôn đổ đầy trên sự yếu đuối mỏng giòn của con người, đồng thời cũng chứng minh cho nhân loại biết là người sống đời thánh hiến không chối từ, không phải không có khả năng sống đời hôn nhân hay chạy trốn tình yêu vì sợ hãi. Nhưng tình yêu của người tu sĩ là một tình yêu đích thực, thanh thoát và được giải phóng khỏi những quyến rũ của xác thịt. Người tu sĩ sống giữa thế gian, giữa một thực tại hữu hình nhưng luôn hướng về thực tại vô hình là Nước Trời, một lối sống mang tính “ngôn sứ” cho xã hội hôm nay như khẳng định của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn Đời sống thánh hiến: Đời thánh hiến cần phải nêu lên cho thế giới ngày nay những gương sáng của những người nam và người nữ sống đức khiết tịnh mà vẫn quân bình, làm chủ được chính mình, có sáng kiến, trưởng thành tâm linh và tình cảm. Qua chứng tá đó, tình yêu nhân loại tìm được một điểm tựa vững chắc, mà con người thánh hiến phát hiện ra khi chiêm niệm tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa được Đức Ki-tô mạc khải cho chúng ta. Chính vì được nhận chìm trong mầu nhiệm đó, con người tận hiến có khả năng yêu mến triệt để và phổ quát, có sức mạnh để tự chủ và kỷ luật cần thiết để khỏi bị nô lệ giác quan và bản năng.” (ĐSTH 88).

Để sống trọn vẹn cho tình yêu Đức Kitô, người tu sĩ cần tìm cho mình một điểm tựa vững chắc để nâng đỡ ta trong những lúc đôi chân như mất thăng bằng liêu xiêu lạc hướng, lòng trí như vô định, mơ hồ làm lu mờ tình yêu dành cho Chúa. Và điểm tựa ấy không đâu khác chính là đời sống cộng đoàn, một dấu chỉ đặc trưng và là môi trường đích thực để thăng tiến những người chọn sống đời thánh hiến, như xác quyết của 'Vita Consecrata" : Trong đời sống cộng đoàn, người ta phải xác tín rằng sự hiệp thông huynh đệ không chỉ là một phương tiện giúp thi hành một sứ mạng nào đó, mà còn là nơi Thiên Chúa ngự, nơi mà người ta có thể kinh nghiệm được sự hiện diện bí nhiệm của Chúa Phục Sinh (x. Mt 18,20) (90). Điều này được thực hiện nhờ tình yêu hỗ tương của các phần tử trong cộng đoàn, tình yêu được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và Thánh Thể, được thanh luyện nhờ bí tích Hoà giải, được nâng đỡ nhờ lời nguyện xin ơn hiệp nhất, là một ân huệ Thánh Thần ban cho những ai biết sẵn sàng lắng nghe Tin Mừng với lòng vâng phục. Chính Thánh Thần là Đấng dẫn đưa tâm hồn vào trong sự hiệp thông với Chúa Cha và với Con của Chúa Cha là Đức Giê-su Ki-tô (x. 1 Ga 1,3), sự hiệp thông này là nguồn mạch của đời sống huynh đệ. Nhờ Thánh Thần, các cộng đoàn sống đời thánh hiến được hướng dẫn trong nỗ lực chu toàn sứ mạng của họ, là phục vụ Giáo Hội và toàn thể nhân loại theo linh ứng nguyên thuỷ của mình” (ĐSTH 42).

Vâng, đời sống cộng đoàn, mặc dù đôi lúc “điểm tựa này” cũng rất phiền phức, khó hiểu, không còn đẹp trong mắt chúng ta, những âm thanh vang vọng bên tai không còn dễ thương, dễ mến như ngày nào…Nhưng chính những cái đáng ghét ấy lại là “bờ vai” vững chắc cho người tu sĩ tựa đầu trong những lúc lạc lối xa bờ. Đời sống cộng đoàn là một người bạn luôn đồng hành cùng ta trên hành trình dâng hiến, và dù người bạn ấy có dễ thương hay đáng ghét tôi cũng phải chấp nhận để đi cùng, vì tôi chỉ có một tình yêu duy nhất dành cho Đức Kitô và chính Đức Kitô đang sống trong tôi qua đời sống cộng đoàn.

Tác giả bài viết: Nt. Anna Hiền Linh - MTGQN

 Tags: Phút suy tư

Tổng số điểm của bài viết là: 40 trong 8 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 8 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây